Luận bàn việc “nhập-tách”

Thứ Năm, 10/08/2023, 10:20

Mấy hôm nay, dư luận lại sôi sùng sục trước ý kiến của một vị lãnh đạo Hà Nội nêu ra rằng, theo các tiêu chí sáp nhập mới được thông qua thì quận Hoàn Kiếm phải sáp nhập vì không đủ… diện tích theo quy định. Chưa tìm thấy một ý kiến nào đồng thuận với chủ trương sáp nhập quận Hoàn Kiếm.

Và, đúng là dư luận đang “chan tương đổ mẻ” vào ý tưởng sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Thật ra, mọi người cũng lo lắng thái quá vì không mấy người đọc kỹ các chỉ đạo của Chính phủ và nhiều khi phát ngôn rất cảm tính.

1. Sáng 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các tỉnh, thành trong toàn quốc: “Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư”.

Luận bàn việc “nhập-tách” -0
Quận Hoàn Kiếm mặc dù có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, nhưng giữ vị trí “trái tim” của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng.

Như vậy, ai muốn sáp nhập quận Hoàn Kiếm thì phải biết “cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư”. Và, đó là điều hoàn toàn không đơn giản.

Tôi dám chắc là không một ai dám xóa tên Hoàn Kiếm.

Tuy vậy, tại cuộc họp, trước yêu cầu phát triển của đất nước, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết. Thủ tướng lưu ý quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn cả trong hoạt động của các đơn vị hành chính và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp. Do đó, các cấp, ngành phải quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sao cho linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru. Và, một vấn đề “không đùa được” là sau khi “khắc nhập”sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất, cho nên phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.

Theo nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm những nơi có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và có dân số dưới 70% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 117 về kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu đến năm 2024 phải hoàn thành việc sắp xếp những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp của giai đoạn này.

Có một việc cực kỳ quan trọng là Chính phủ yêu cầu phải tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan. Và, nếu kết quả lấy ý kiến cử tri chưa đạt trên 50% đồng thuận, UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã có liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động cử tri và căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức lấy ý kiến tiếp. Nếu lần thứ hai vẫn chưa quá bán đồng thuận thì phải báo cáo Chính phủ.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp quận, huyện lần này được làm rất thận trọng, có tính đến các “yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên, cộng đồng dân cư” như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, trong giai đoạn 2023-2030, Hà Nội có 1 quận và 176 xã, phường (tại 26 quận, huyện, thị xã) thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính.

Về thông tin quận Hoàn Kiếm trong diện sáp nhập, đại diện Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cũng khẳng định, thông tin về việc quận Hoàn Kiếm trong diện phải sáp nhập giai đoạn tới mới chỉ nằm ở giai đoạn rà soát.

Theo quy trình, Hà Nội sẽ xây dựng phương án tổng thể, sau đó gửi Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu về từng phương án cụ thể. “Quá trình xem xét sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn phải căn cứ vào các yếu tố đặc thù đã được nêu trong nghị quyết”, đại diện Vụ Chính quyền địa phương cho hay. Trong giai đoạn 2019-2021, Hà Nội đã tiến hành sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã và không có cấp huyện nào thuộc diện phải sắp xếp.

Theo Nghị quyết 35 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì tiêu chí về tiêu chuẩn diện tích và quy mô dân số cao hơn. Căn cứ vào tiêu chí này, quận Hoàn Kiếm nằm trong diện sắp xếp. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng đề cập đến việc xem xét cơ chế chính sách đặc thù trong quá trình thực hiện sắp xếp huyện, xã.

Luận bàn việc “nhập-tách” -0
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 thế giới với diện tích hơn 3.300km2.

2. Thực tế, việc sáp nhập địa giới hành chính cấp huyện, cấp tỉnh không phải là chuyện mới và đã từng có thất bại. Nhưng, có một vấn đề mà không cơ quan nào, không ai nêu ra về “nguyên nhân thất bại trong việc sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện” vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Mọi người hẳn còn nhớ chủ trương “đi lên sản xuất lớn XHCN” bằng việc ồ ạt sáp nhập các tỉnh và các hợp tác xã; chúng ta tin chắc chắn rằng “sẽ xây dựng CNXH chỉ trong vài năm, nhờ được các nước XHCN giúp đỡ”. Vậy, tại sao một chủ trương rất hiện đại, rất tốt đẹp như vậy lại thất bại?

Có nhiều nguyên nhân, như chúng ta đã nóng vội, duy ý chí, sáp nhập các tỉnh, các hợp tác xã một cách máy móc, không tính đến các yếu tố như trình độ quản lý của cán bộ, rồi văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử... Việc sáp nhập như một cuộc “cưỡng hôn”, cán bộ lãnh đạo người địa phương nào thì lo vun vén cho quê hương, bản quán, cho địa phương mình, chính là mầm mống của sự bè phái, lục đục kéo dài nhiều năm.

Và, việc gì trái quy luật thì tất phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển. Từ đầu những năm 90, các tỉnh “anh em” hoàn toàn tan rã, tỉnh nào lại trở về tỉnh ấy như trước đó nhiều năm. Hậu quả của việc “nhập - tách” duy ý chí là kéo lùi sự phát triển của nhiều tỉnh đến cả chục năm.

Trong chuỗi nguyên nhân thất bại của việc sáp nhập tỉnh thời kỳ đó, có một nguyên nhân mà không ai muốn nhắc đến, thậm chí là không dám nói, ấy là người Việt Nam có tính cục bộ và tính duy tình cực kỳ nặng nề. “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, “Vì cây dây cuốn”... Tính cục bộ của người Việt thể hiện ở khắp nơi, khắp chốn, ở đủ mọi tầng lớp và có ở tất cả các vị trí... Thậm chí, ngay cấp thôn, xã, huyện tỉnh... cũng phải bố trí cán bộ cho “nơi nào cũng có đại diện”. Vì thế , ở đâu cũng có hiện tượng đưa người đồng tộc, rồi đồng hương, đồng tuế... vào giữ ghế.

Ai cũng biết mỗi vùng, miền đều có đặc tính văn hóa, phong tục, tập quán và lối sống riêng. Thậm chí là người mỗi thôn trong cùng một xã cũng có thổ âm khác nhau, cách cư xử, văn hóa rất khác nhau. Ngồi ăn cơm chung mâm cũng chưa dễ, huống hồ sáp nhập... Cho nên, để hòa hợp được văn hóa, tính cách là cực kỳ khó. Không xóa được hay làm giảm được tính cục bộ địa phương thì việc sáp nhập sẽ có nguy cơ không đạt được hiệu quả.

Mà hiệu quả là gì? Là sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân vào các quyết sách của chính quyền. Là sự tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo và chấp hành tốt các quy định của luật pháp, các chủ trương, phương hướng xây dựng, phát triển kinh tế, giữ gìn sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Bài học “tách - nhập” năm xưa còn nguyên giá trị và rất nên nhìn vào đó để rút ra kinh nghiệm cho việc “nhập - tách” lần này.

Đường Thái Tông, ông vua nổi tiếng thời Đường bên Trung Quốc có câu: “Soi vào tấm gương thì thấy râu tóc của ta. Còn soi vào lịch sử để biết việc ta làm hôm nay là đúng hay sai”.

Thiết nghĩ, bên cạnh các quy định, chủ trương mới về sáp nhập lần này, cần phải khẩn trương xây dựng và thực hiện công tâm, nghiêm túc quy trình, quy chế sử dụng, đề bạt cán bộ... Và, với cán bộ, cần có tiêu chí cực kỳ cụ thể và quan trọng là người “dĩ công vi thượng”, dứt khoát không có tư tưởng cục bộ địa phương.

Nguyễn Như Phong
.
.