Lợi ích cốt lõi trong “vũ điệu trên dây”

Thứ Ba, 28/03/2023, 08:50

Chiều 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 ngày, theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm này được đánh giá là mang ý nghĩa đặc biệt cũng như tính biểu tượng cao, trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn ra rất nhiều biến động.

Thông điệp kín đáo, trong những hoài nghi

Và chính bởi bối cảnh ấy, ngay từ trước chuyến thăm, nhiều nhà phân tích quốc tế đã tin rằng bất kể phương Tây chờ đợi điều gì hay tạo áp lực như thế nào, nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới cũng sẽ chỉ thể hiện những động thái mang tính ngoại giao đã được trù tính cẩn thận, nhằm giữ cho mình một “khoảng cách an toàn” với các mâu thuẫn lớn, từ đó thực hiện mục tiêu tối thượng: Bảo vệ các lợi ích cốt lõi của nước CHND Trung Hoa.

Ngay trước khi chuyên cơ chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị đáp xuống Moscow, ngày 20/3, phương Tây đã đồng loạt lên tiếng, theo cách mà giới quan sát hầu như đều có thể đoán trước.

Lợi ích cốt lõi trong “vũ điệu trên dây” -0
Cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc tại Điện Kremlin ngày 20/3/2023.

Theo hãng tin Reuters, Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng John Kirby nói rõ: "Chúng tôi khuyến khích Chủ tịch Tập trực tiếp thúc giục Tổng thống Putin về sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Thế giới và các nước láng giềng của Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi sát sao". Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken lập luận: “Các đề xuất (hòa bình cho Ukraine theo 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra hồi tháng trước) có thể là “chiến thuật trì hoãn” để giúp Nga trên thực địa. Các nước không nên bị đánh lừa bởi bất kỳ động thái chiến thuật nào của Nga, được Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác hỗ trợ, nhằm “đóng băng” xung đột theo cách riêng của họ".

Trong khi đó, Phủ Thủ tướng Anh cũng “ngửa bài”: "Chúng tôi hy vọng Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng cơ hội này để gây sức ép với Tổng thống Putin (về vấn đề Ukraine)...". Còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm trung gian hòa đàm ở Ukraine có thể sẽ chỉ giúp Moscow tái vũ trang và kéo dài xung đột.

Ở đây, có thể thấy việc phương Tây không “vòng vèo” khi bày tỏ nỗi lo ngại (rằng cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung có thể định hình rõ rệt hơn một dạng liên minh khăng khít chống lại trật tự thế giới đơn cực hiện thời) cũng chính là cách họ âm thầm vạch ra một lằn ranh cảnh báo.

Đáp lại, tại Điện Kremlin, chủ đề chính được cả hai vị nguyên thủ nhắc đến đầu tiên, đơn giản, chỉ là các triển vọng hợp tác song phương, như một cách lặng lẽ khẳng định tôn chỉ: Lợi ích cốt lõi riêng của các quốc gia là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là lợi ích kinh tế.

Theo Tân Hoa Xã, phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định hai nước có nhiều mục tiêu phát triển chung và có thể hợp tác trên cơ sở này để hiện thực hóa các mục tiêu ấy. Ông cũng cho rằng: Sự phối hợp trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga đã góp phần đảm bảo công bằng quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự thịnh vượng và phát triển chung của hai nước.

Còn theo hãng tin Nga TASS, Tổng thống Vladimir Putin nêu rõ kể từ khi ông Tập Cận Bình thăm Nga với tư cách Chủ tịch Trung Quốc cách đây 10 năm, hai bên đã có nhiều bước đi giúp củng cố quan hệ song phương. Chủ nhân Điện Kremlin hé lộ với báo giới: Nga và Trung Quốc có nhiều mục tiêu và nhiệm vụ chung. Dự kiến hai bên sẽ có nhiều vấn đề cần thảo luận trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. Ước tính kim ngạch thương mại song phương tăng gấp đôi trong năm 2022. 

Thậm chí, trước thềm chuyến thăm, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ nói: “Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước, tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Trong chuyến thăm, nhiều văn kiện song phương sẽ được ký kết và các vấn đề về quan hệ đối tác chiến lược được thảo luận”.

Báo chí Trung Quốc bình luận: “Chuyến thăm Nga sẽ làm sâu sắc hơn nữa sự tin tưởng chiến lược và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Nga”. Lưu ý, trong tình hình quốc tế hiện nay, Trung Quốc và Nga có nhiều cơ hội hơn để tăng cường hợp tác. Cụ thể, sự bổ trợ lẫn nhau trong cơ cấu kinh tế của hai nước “tạo ra tiềm năng to lớn” cho hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, công nghệ và nguồn nhân lực.

Truyền thông Nga nhấn mạnh: Mối quan hệ tin cậy giữa hai nước dựa trên nguyên tắc không liên kết và không định hướng chống lại bên thứ ba. Một cú “phản đòn” nhẹ nhàng, trong bối cảnh truyền thông phương Tây “sôi sục”.

“Bình đẳng, khôn ngoan và thực dụng”

Đó là cụm từ được chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc tới, rằng  “các bên có thể tìm thấy một lối thoát hợp lý cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như con đường dẫn đến hòa bình lâu dài và an ninh toàn cầu nếu cùng theo đuổi khái niệm an ninh chung toàn diện và bền vững, đồng thời tiếp tục đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng, khôn ngoan và thực dụng” (ngày 20/3), nhằm nhấn mạnh “kim chỉ nam”: “Bắc Kinh duy trì quan điểm khách quan về cuộc khủng hoảng Ukraine và đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán”.

Một cách chuẩn mực, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Moscow, người đứng đầu nhà nước Trung Quốc bảo lưu vị thế của một “sứ giả hòa bình” (từ được trang DW sử dụng) và cũng tránh cho Tổng thống Nga những sức ép không cần thiết (theo dự đoán của Andrew Small, một chuyên gia phân tích cấp cao tại Đức), thông qua việc chỉ nhắc lại các quan điểm cơ bản về vấn đề Ukraine và để Tổng thống Putin đáp lại đơn giản, rằng: Moscow đánh giá cao Bắc Kinh luôn duy trì lập trường khách quan và cân bằng trong nhiều vấn đề lớn của quốc tế; Nga đã nghiên cứu kỹ lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine và sẵn sàng đàm phán vì hòa bình; Nga hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.

Có điều, chắc chắn, trọng tâm của chuyến thăm lần này sẽ không nằm ở điểm nóng địa chính trị không thể có cách nào giải quyết trong “ngày một ngày hai” đó, mà bằng tất cả sự “khôn ngoan và thực dụng”, việc triển khai các kế hoạch hợp tác phát triển trong tình hình hiện tại đương nhiên sẽ được ưu tiên hơn gấp bội, từ cả phía Nga lẫn phía Trung Quốc.

Lợi ích cốt lõi trong “vũ điệu trên dây” -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt chân tới Moscow - chuyến công du mở đầu nhiệm kỳ thứ ba.

Vấn đề “hấp dẫn” và đáng quan tâm nhất, không gì khác, là chuyện thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đã bùng nổ trong thời gian gần đây. Trong giai đoạn tháng 1 và 2/2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 33,69 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc trong 2 tháng tăng 31,3% - lên 18,65 tỷ USD, nhập khẩu vào Nga tăng 19,8%, đạt mức 15,04 tỷ USD. Đáng chú ý, năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng tới 29,3%, đạt 190,27 tỷ USD.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nhiều dầu thô nhất từ Nga, đồng thời mua một lượng lớn khí đốt qua tuyến đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”. Theo hãng TASS, tính đến đầu tháng 2/2022, khoảng 13,8 tỷ m3 khí đốt đã được bơm cho Trung Quốc theo đường ống phía Đông và riêng tháng 12/2022, khối lượng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc đã vượt 18% so với hợp đồng.

Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp phương Tây rút khỏi "xứ sở Bạch dương", đồng thời Moscow phải chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Những chuyến hàng trao đổi đang được đẩy đi với gia tốc ngày càng lớn và điều quan trọng nhất là tiếp tục duy trì, tận dụng cũng như thúc đẩy vận tốc đó, để không chỉ là những hiện tượng tăng trưởng nhất thời.

Ở một khía cạnh tương đối sâu xa, chúng ta có thể hình dung được những phác thảo đã và đang được tiến hành, cho sự kết nối giữa các chi tiết của Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) mà Trung Quốc thúc đẩy, với dự án Liên minh kinh tế Á - Âu (Eurasion Economic Union) mà nước Nga chủ xướng. Trong lĩnh vực kinh tế thuần túy, rõ ràng, hai thành viên của nhóm G-20 có vị trí địa lý nằm sát nhau này có những mối liên hệ khăng khít không thể tách rời và hơn thế, cần phải được tạo mọi điều kiện để phát triển, vì lợi ích cốt lõi của chính họ.

Thứ “chất gắn kết” ấy, có lẽ, còn bền chặt hơn bất cứ yếu tố nào khác, từ vị thế, tầm ảnh hưởng, hay lập trường và quan điểm về trật tự thế giới.

Đông Phong
.
.