Lịch sử với đời thường

Thứ Tư, 27/09/2023, 08:40

 LTS: Những tranh luận xoay quanh môn lịch sử, hay học sinh nên được học sử thế nào, đều sẽ không thể ngã ngũ nếu chúng ta không xác lập được vị thế của lịch sử trong đời sống thường nhật của mỗi con người.

Học sử từ đâu ?

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lo lắng của mình trong một lần lên bảng trả bài kiểm tra miệng môn lịch sử cách đây khoảng hơn 20 năm. Lo tới mức tôi đã cố học thuộc số xe tăng bị cháy và số lính thương vong được ghi trong sách giáo khoa, thuộc đến cả các con số lẻ.

Lịch sử với đời thường -0

Hôm đó tôi được 8 điểm, không tệ, nhưng cảm giác lo lắng không bao giờ hết. Nói thật lòng, tôi không thích môn sử, và các con số cũng như sự kiện hôm ấy đã học thuộc nhanh chóng bị lãng quên.

Trong suốt những năm học phổ thông, tôi và các bạn học đã phát triển một kỹ năng đối phó "thượng thừa" mà sau này sẽ được dùng trong rất nhiều môn học cứng nhắc khác: chúng tôi sẽ cố gắng dành ra một thời gian rất ngắn trước mỗi kỳ thi/bài kiểm tra để học thuộc thật chi tiết, thậm chí đến từng con số, nội dung trong sách giáo khoa, và lập tức quên chúng, sau khi đạt được mục đích, là điểm số.

Tất nhiên là tôi không mù lịch sử, nhưng một cách ngẫu nhiên, các hiểu biết lịch sử hình thành theo một kiểu khác. Hồi đó Nhà Xuất bản Kim Đồng có rất nhiều tác phẩm lịch sử, in khổ nhỏ, được biết đến với cái tên Tủ Sách Vàng. Tôi đọc say sưa, từ "Búp Sen Xanh" (Sơn Tùng), "Sừng Rượu Thề" (Nghiêm Đa Văn), "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" (Nguyễn Huy Tưởng)…

Những cuốn sách không có số liệu, hoặc nếu có, tôi chỉ lướt qua. Trong đó là các thân phận, với niềm vui và nỗi buồn, hổ thẹn và đau đớn. Bi kịch của Lý Thường Kiệt. Ý chí của Nguyễn Tất Thành. Dũng khí của Trần Quốc Toản.

Đọc là một quá trình sống qua cuộc đời của các nhân vật. Bạn không cần phải tự nhắc mình nhớ cái gì cả, vì ngày mai không có bài kiểm tra nào hết. Nhưng một cách vô thức, các nhân vật ở lại trong bạn, và những sự kiện sống động trong ký ức của bạn. Chính từ cảm hứng kiểu này, tôi đã quay lại tìm hiểu sâu thêm các chi tiết lịch sử.

Bản chất của việc yêu thích lịch sử (history) có lẽ nằm ở story (câu chuyện). Có một nghiên cứu khoa học về trí nhớ chỉ ra rằng mọi nỗ lực nắm bắt các con số và sự kiện khô khan chỉ giúp bạn hình thành trí nhớ ngắn hạn. Với các bản ghi dạng này, chúng ta sẽ tự quên trong vòng một tuần.

Ngược lại, nếu sự kiện gắn liền với một ý nghĩa, hay thậm chí là xung đột nào đó, được diễn dịch dưới lời kể, nhiều khả năng chúng sẽ được xếp vào ngăn trí nhớ dài hạn. Để "học" một thứ gì đó thật sự, chúng ta nói về trí nhớ dạng này.

Trong một phòng học rộng rãi ở Aldrich Hall thuộc khuôn viên Trường Kinh doanh Harvard, 100 sinh viên đang nhiệt tình thảo luận về "Cuộc chiến ngân hàng". Nhưng đây không phải môn học về tài chính - ngân hàng. Nhóm này được giáo sư nổi tiếng của Trường Kinh doanh Harvard, David Moss, hướng dẫn, đang lật lại cuộc tranh luận khốc liệt năm 1791 về việc Hiến pháp có thể được diễn giải để cho phép chính phủ Hoa Kỳ mới thành lập có quyền thành lập một ngân hàng hay không.

Môn học này, "Lịch sử nền dân chủ Mỹ", không phải là một khóa học lịch sử thông thường. Nó sử dụng phương pháp điển hình hóa (case) - kỹ thuật giảng dạy đặc trưng của các trường quản trị kinh doanh: đặt sinh viên vào các vụ việc và bối cảnh của lịch sử để thử thách khả năng ra quyết định của họ, trong vai trò các nhân vật lịch sử.

David Kaufman, một học sinh đã tham gia khóa học năm ngoái, cho biết việc thảo luận về lịch sử thông qua một loạt các trường hợp cho phép học sinh "tập trung nhiều hơn vào quá trình hơn là kết quả của các sự kiện". Nó tạo ra một bầu không khí giúp các sinh viên nắm được câu chuyện lịch sử một cách tự nhiên.

Gần một thập niên trước, các thử nghiệm giảng dạy lịch sử theo phong cách của Moss đã tạo ra những thay đổi đáng kinh ngạc. Một trong số đó, bà Eleanor Cannon, một giáo viên lịch sử tại Trường St. John ở Houston (Mỹ), đã tỏ ra ngạc nhiên với cách học sinh, trước đây không bao giờ có hứng thú với lịch sử, đã phát triển tình yêu với lịch sử.

Thay vì chỉ biết được những quyết định mà các nhân vật lịch sử đã đưa ra, học sinh của bà giờ đã hiểu tại sao. Những sự thật mà bà đã dạy nhiều lần, chẳng hạn như Hiến pháp không được các nhà sáng lập đặt lên bàn trong trạng thái hoàn chỉnh từ đầu, mà nó đã nảy sinh từ một giai đoạn dài của sự hỗn loạn, tranh luận và thỏa thuận, được học sinh hiểu rõ nhờ nhập vai, đọc và thảo luận về chuyện James Madison và quá trình xây dựng Hiến pháp.

Hiệu ứng này được tạo ra từ việc các học sinh và sinh viên tham gia vào câu chuyện, từ đọc, kể lại, và nhập vai. Họ có thể thu thập các dữ kiện lịch sử đó từ bất kỳ đâu trong cuộc sống: phim ảnh, văn học, các bảo tàng, di tích lịch sử, và trên hết, các cuộc tranh luận cùng nhau, trong một bối cảnh lịch sử giả định.

Nhà tâm lý học người Mỹ Jerome Bruner từng chia nhận thức ra làm hai cấp độ: mô hình hóa (paradigmatic) và câu chuyện (narrative). Cấp độ thứ hai tạo ra sự chú ý và cảm xúc mạnh hơn hẳn. Câu chuyện kích hoạt cảm xúc, giúp sinh viên tham gia và ghi nhớ rất nhanh. Chúng cũng đáp ứng bản năng tự nhiên của não người: ghép nhiều yếu tố vào một cấu trúc mạch lạc để tạo ra ý nghĩa.

Nếu dạy và học lịch sử như những câu chuyện có ý nghĩa, chúng ta sẽ không phải đối phó với nó, bằng cách nhồi nhét các con số và sự kiện vào đầu để vượt qua các kỳ thi nữa. Ghi nhớ cơ học đơn thuần là chuyện của những cỗ máy và ổ cứng. Con người phải kể lại, và tranh luận, tạo ra các ký ức về chúng.

Phạm An

Trong mọi thứ đều có sử

Những chuyện dở khóc dở cười kiểu "Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em" thật ra chỉ là thiểu số cá biệt mà cộng đồng mạng có thể khai thác với ý đồ giễu nhại mang đầy tinh thần tiêu cực hơn là đóng góp xây dựng. Tất nhiên, giáo trình và cách giảng dạy lịch sử trên giảng đường nên được cải thiện hơn nhưng không nên vì vài ví dụ thiểu số ấy để vội vã nhận xét "học sinh (người trẻ) thờ ơ với lịch sử".

a4.jpeg -0
Để học sinh yêu thích môn lịch sử, giáo viên cần có phương pháp truyền đạt hấp dẫn những kiến thức trong sách.

Nếu chúng ta chịu khó dò tìm trên mạng xã hội, chúng ta sẽ bắt gặp không ít những diễn đàn lịch sử được lập ra bởi những người trẻ, với những bài viết tương đối chỉn chu. Nhu cầu nghiên cứu lịch sử thực tế rất mạnh mẽ trong cộng đồng người trẻ với xu hướng tìm hiểu vượt xa những gì họ được học trên ghế nhà trường.

Lịch sử luôn là bí ẩn, và đặc biệt các sự kiện lịch sử của Việt Nam càng bí ẩn hơn. Chúng ta là một dân tộc phải trải qua bi kịch khi rất nhiều sử thư của cha ông đã từng bị đốt phá ở thời kỳ giặc Minh đô hộ. Rất nhiều khoảng mờ trong lịch sử dân tộc và chính những khoảng mờ đó tạo ra một kích thích rất lớn đối với những người trẻ sau này. Họ không tìm tòi theo kiểu những nhà nghiên cứu, mà chỉ đơn thuần với một nhu cầu tò mò muốn được biết từng thời đoạn của dân tộc đã diễn ra như thế nào. Nhu cầu ấy càng kích thích hơn khi có những tranh luận "đúng - sai" về dữ kiện, dữ liệu và nó tạo ra một không khí trao đổi sôi nổi mà nếu không cố tình để ý, chúng ta sẽ tưởng như người trẻ thờ ơ với lịch sử.

Thật ra, lịch sử chính là một trong những môn học hấp dẫn nhất và tính hấp dẫn của nó đến từ những câu chuyện, những lớp lang kết nối, những thân phận và cả những tác động tới hiện tại. Trong một trao đổi gần đây với một giảng viên kinh tế của một trường đại học hàng đầu ở Hà Nội, tôi được chị chia sẻ rằng: "Khi chị dạy lịch sử các học thuyết kinh tế, chị móc nối nó với bối cảnh thế giới ở từng giai đoạn các học thuyết ra đời, chị nhận ra rằng sự say mê của sinh viên lớn hơn hẳn. Họ đã tìm được những kiến giải riêng về việc tại sao học thuyết ấy lại ra đời, và họ cũng hiểu hơn được rằng tại sao ở thời hiện đại lại có những mâu thuẫn xung đột giữa các quốc gia ở châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung". Trong cuộc trao đổi ấy với chị, một tiến sĩ từng học cả ở Nga và Mỹ, chúng tôi nói rất nhiều đến bối cảnh lịch sử trước đây của Ba Lan, Nga, Đức, Ukraine… và chúng tôi hiểu hơn tại sao có những mâu thuẫn như thế đang nổ ra ở châu Âu hôm nay.

Lịch sử gắn liền với đời sống chúng ta một cách đáng kinh ngạc mà chúng ta nhiều khi không nhận ra được sự hiện diện sống còn đó của nó. Chúng ta băn khoăn tại sao nhiều học sinh có vẻ thờ ơ với môn sử nhưng nếu gặp một học sinh bất kỳ, hỏi học sinh ấy về đam mê, sở thích của nó, chúng ta sẽ kinh ngạc khi nó nắm bắt lịch sử của đam mê ấy sâu sắc đến mức nào. Một đứa trẻ mê bóng đá sẽ luôn có xu hướng tìm tòi tất cả những thông tin về bóng đá, và cả sự hình thành và phát triển của môn thể thao ấy cùng các nhân vật tạo ra dấu mốc bước ngoặt. Hoặc âm nhạc cũng vậy thôi. Nếu hỏi một đứa trẻ đam mê rap, hip-hop, có thể ta sẽ biết nó hiểu được sự hình thành từ nhạc soul, R'N B là như thế nào và từ khi nào. Rõ ràng, chúng ta luôn có xu hướng muốn "hiểu chuyện" ở những lĩnh vực mà ta quan tâm thực sự.

Ở đây, có hai điểm mà chúng ta nên nhìn nhận và phân biệt thật rõ. Thứ nhất là thứ lịch sử dữ kiện. Đó là loại lịch sử khô cứng đang được in trong sách giáo khoa. Thứ hai là thứ lịch sử câu chuyện, thứ lịch sử chỉ có thể tìm được trong các sách vở, tài liệu tham khảo bên ngoài. Lịch sử câu chuyện tạo cảm hứng hơn rất nhiều và điều đáng nói là lịch sử trong học đường lại khởi phát từ câu chuyện (cho học sinh cấp 1) và biến tướng hoàn toàn thành lịch sử dữ kiện (cho các cấp học cao hơn). Như vậy, cái cảm hứng câu chuyện được nuôi dưỡng khởi nguồn đã không còn được sử dụng ở các cấp học cao hơn và do đó, nó tạo ra một hiện trạng mà chúng ta gọi là "thờ ơ với lịch sử".

Lịch sử câu chuyện luôn mở ra một bối cảnh lớn và thu hẹp dần về sự kiện trọng tâm và do đó, tính liên hệ sẽ lớn hơn rất nhiều. Tính liên hệ này buộc người đọc sử phải suy luận và phải tìm tòi thêm từ các nguồn dữ liệu khác. Chính vì thế, rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp PTTH rồi mới bắt đầu say mê với lịch sử bởi đơn giản, đó là khi họ được tiếp cận với lịch sử bằng tư duy của chính mình, không phải bằng các câu hỏi hay đáp án như một môn học chủ yếu phục vụ bảng điểm. Và hơn thế nữa, họ được tiếp cận với một nguồn dữ liệu lịch sử dồi dào hơn, đa dạng hơn chứ không chỉ bó hẹp trong một phạm vi như trên học đường.

Lịch sử câu chuyện cũng là thứ lịch sử quen thuộc đối với loài người. Từ xa xưa, các câu chuyện sử được kể lại bởi những người hát rong, qua những sử thi đã đánh dấu cái nhu cầu được biết quá khứ của một cộng đồng lớn như thế nào và cách biểu đạt gần gũi ấy đã khiến lịch sử có một sức sống mãnh liệt trong đời sống thường nhật. Và lịch sử càng có giá trị với đời sống hơn khi trong công việc của chúng ta mỗi ngày, chúng ta luôn có nhu cầu tìm hiểu quá khứ của chính ngành nghề mình đang làm. Một nhà báo ở thời đại này chắc hẳn sẽ không thể không tìm hiểu giai đoạn bùng nổ mang tính bước ngoặt của báo chí điện tử và mạng xã hội. Sự hình thành của Youtube, của Facebook, của Twitter là như thế nào, đó chính là một dạng lịch sử. Hoặc giả, những cái tên lớn thì như Amazon, Taobao…, nhỏ thì như Tiki, Lazada… cũng gắn liền với những thứ được gọi là lịch sử của thương mại điện tử. Và nếu mở rộng hơn nữa, nó có thể gắn liền với những bối cảnh lịch sử lớn hơn, với các mối quan hệ song phương, đa phương của nhiều quốc gia… Chỉ chừng đó thôi, chúng ta đủ thấy lịch sử hấp dẫn nhường nào và gắn chặt với đời sống thường nhật ra sao.

Ai cũng biết, không có gì có thể tồn tại một mình trong đời sống này. Mọi thứ đều là kết quả của một xâu chuỗi nào đó và tiếp tục là một mắt xích xâu chuỗi trong nguyên nhân hình thành cái gì đó. Đó chính là lịch sử. Và lịch sử luôn là thứ để chúng ta tựa lưng vào để sống trong hiện tại và hướng tới tương lai. Trong mọi thứ đều có sự xuất hiện của lịch sử. Chỉ có điều, thứ lịch sử mà chúng ta mong muốn kiếm tìm, nghiên cứu lại đang chưa phải là thứ lịch sử được thể hiện trong sách giáo khoa. Chính vì vậy, cải thiện cách tiếp cận lịch sử ở giảng đường phải là việc cần làm để phục vụ một nhu cầu không ngừng nghỉ của những con người yêu sử.

Hà Quang Minh

Chân dung các cụ

Lịch sử thường hay được dùng theo nghĩa "lịch sử địa chính trị". Nhưng lịch sử có thể nằm trong chuyện thức ăn nước uống hàng ngày.

Lịch sử là một khái niệm bao hàm rộng khắp, bao gồm nhiều ngành nghiên cứu, từ nhân học, chính trị quốc tế cho đến mỹ thuật… Nhưng thường xuyên, nó được hiểu thành "lịch sử địa chính trị", và như trong nhiều phần của chương trình phổ thông, bao gồm các mốc ngày, tháng và các sự kiện địa chính trị.

a3.jpeg -0
Tham quan bảo tàng cũng là cách giúp học sinh học lịch sử trực quan, sinh động, hấp dẫn.

Đó là những tri thức quan trọng, nhưng cũng khó lòng trách một người trưởng thành nếu họ không nhớ Ngô Quyền đánh quân Nam Hán vào năm bao nhiêu, hay là sông Bạch Đằng thật ra đã có mấy lần được đóng cọc. Thời đi làm báo, tôi còn bị ban biên tập công khai căn vặn, rằng tại sao phải khuyến khích môn lịch sử. Nó chỉ quan trọng với những người có ý định theo đuổi ngành xã hội nhân văn thôi chứ? Nếu ngành học của con em tôi là ngành kinh tế hay công nghệ thông tin, thì việc phân biệt giữa Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông có ý nghĩa như thế nào?

Đó đúng là câu hỏi khó trả lời. Có lẽ bởi nhiều năm qua, lịch sử được giới thiệu là một lĩnh vực nghiên cứu về quá khứ. Rất ít khi, nó được giới thiệu là một môn học về hiện tại.

Trong các văn bản của ngành giáo dục những năm trước, mục tiêu của môn lịch sử thường được diễn đạt là "rút ra bài học và quy luật lịch sử". Thực chất, đây là một mục tiêu hạn hẹp (vì không phải nhận định nào cũng là "bài học" và "quy luật" cũng phải đúc rút rất chừng mực). Cho đến năm ngoái, Bộ Giáo dục và Đào tạo có một cách diễn đạt thông thái hơn: học lịch sử "kết nối quá khứ với hiện tại".

Người Việt Nam, dù không theo học các ngành xã hội, có là lập trình viên hay chuyên gia tài chính ngồi máy tính 16 tiếng mỗi ngày và làm việc với các con số, cũng phải ăn. Và người Việt Nam ai cũng biết ăn theo một số nguyên tắc: cái này nóng, cái kia lạnh. Rời khỏi máy tính và những con số, họ - hễ cứ là người Việt Nam - biết rằng canh cua đồng dùng để "ăn cho bớt nhiệt", biết thịt dê để "các ông ăn cho khỏe", biết thịt trâu lạnh, thịt cá chép mát.

Những kiến thức đời thường đó không tự nhiên hình thành. Nó được các "influencers" (người có ảnh hưởng) tên là Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, cũng như các học trò của họ, vận động qua nhiều thế kỷ. Mở sách của Tuệ Tĩnh và Lê Hữu Trác có thể dễ dàng tìm thấy những ghi chép về món ăn thường ngày của người Việt. Nhân vật huyền bí khuyên chúng ta ăn thế này uống thế kia, thường được gọi là "các cụ", nhưng các cụ cũng có chân dung cụ thể. Và nhiều người trong số họ, như Tuệ Tĩnh, hành động trong một bối cảnh lịch sử cụ thể.

Tuệ Tĩnh nghiên cứu về cây cỏ thường thức của nước Nam dựa trên một ý thức dân tộc mạnh mẽ. "Nam dược trị Nam nhân" - ngày nay ai cũng có thể nhìn thấy câu nói nổi tiếng ấy khi đến thăm đền Bia, nơi thờ tự của vị danh nhân. Ông được coi là ông tổ của "thuốc Nam" - tức là những vị thuốc được nuôi trồng trên chính nước Nam, cây cỏ, gia súc thường ngày trong đời sống của người Việt Nam, chứ không phải sao chép của người Trung Hoa.

Ý thức dân tộc hình thành trong lĩnh vực y học lại nằm trong một thời đại lớn hơn, triều đại Lý-Trần, nơi ý thức dân tộc được khẳng định trong mọi lĩnh vực. Đó là giai đoạn mà nước Đại Việt tạo lập danh tính của mình sau cả một thiên niên kỷ bị đô hộ. Ý thức dân tộc của Tuệ Tĩnh, một con người thời Trần, không thể tách rời khỏi những tuyên bố, những sự phản kháng của cả dân tộc trước các cuộc xâm lấn của những triều đình đến từ phương Bắc.

Bạn ngồi trong một bàn nhậu, và thử làm trắc nghiệm với những người xung quanh: ai cũng sẽ biết là thịt này ăn tốt cho cái "ấy ấy", họ sẽ cười. Bạn có thể coi đó là một "kiến thức dân gian", và tất nhiên, "được các cụ truyền lại". Bởi thứ kiến thức đó đã ở trong cộng đồng của chúng ta quá lâu đời. Nhưng hãy nghĩ về điều này: có một người đã viết về nó lần đầu tiên, vì họ nghĩ rằng sức khỏe của người Việt Nam cần những bài thuốc tồn tại trong đời sống của người Việt Nam. Kiến thức đó có thể đã tồn tại trước đó, nhưng cũng như trong thời đại chúng ta, một thông tin được truyền bá mạnh mẽ nhờ vào "influencers" hay là "KOL", vị đó tên là Tuệ Tĩnh, và ông sống ở thời nhà Trần.

Giây phút gắp miếng thịt dê, bạn có kết nối với cả một lịch sử lớn hơn của dân tộc. Trong lịch sử đó, có những câu nói cụ thể, có những sự kiện cụ thể đã góp phần tạo lập nên chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và cái cộng đồng ngồi ăn dê tái chanh, cá chép om dưa và hầm đậu đen cho trẻ con ăn chữa đái dầm ngày hôm nay. Không phải cái gì cũng có thể rút ra "bài học" và "quy luật", nhưng lịch sử luôn có kết nối với hiện tại. Nếu nghĩ như vậy, bạn có thể hứng thú với lịch sử hơn.

Bạn có thể hứng thú kể cho anh em trong bàn nhậu hoặc cho con cái mình về gia đình ông chủ quán, về việc "bố ăn ở đây từ hồi còn bé tí". Vậy thì bạn cũng có thể dạy con mình về lịch sử, về chân dung lịch sử của nhân vật "các cụ". Rất nhiều phần đời sống chúng ta đang trải nghiệm hôm nay, từ mỹ thuật, ẩm thực, phong tục… đều thuộc về lịch sử - và chúng là những câu chuyện có thể làm tâm hồn ta đẹp lên.

Đức Hoàng

.
.