Lịch sử không bất biến
Lâu nay, cứ hễ nói tới chuyện "học lịch sử" là nhiều người nghĩ ngay tới hệ thống trường/lớp và các thầy/cô giáo. Không thể phủ nhận đấy là môi trường giáo dục chuyên nghiệp và hết sức quan trọng nhưng nếu nhất nhất cho rằng nó là môi trường duy nhất dể dạy lịch sử cho những đứa trẻ thì chúng ta sẽ bỏ qua những môi trường quan trọng khác.
“Tôi có đề nghị Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội hệ thống lại số tiết, thời gian, số trang sách học sử theo chương trình cũ và mới để xem chênh lệch như thế nào. Kết quả là nếu không chọn lịch sử là môn bắt buộc ở THPT thì chương trình mới vẫn nhiều hơn chương trình cũ 71 tiết sử. Còn nếu chọn môn lịch sử, tức là học sinh đi theo hướng ngành khoa học xã hội nhân văn, thì học nhiều hơn 176 tiết", Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nói như vậy khi tiếp xúc với các cử tri Đà Nẵng ngày 13-5.
Ông còn nhấn mạnh rằng, trong chương trình đổi mới, có nhiều môn có tính chất bắt buộc, như học về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, lịch sử địa phương... đều liên quan đến lịch sử. "Sẽ không thể giáo dục quốc phòng đầy đủ nếu không nói về các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Sẽ không thể nói về an ninh nếu không nói về các cuộc đấu tranh chống lại sự chống phá của các thế lực thù địch. Môn học về lịch sử địa phương cũng là cái mới trong chương trình, từng địa phương sẽ có một phần lịch sử gắn với lịch sử của quốc gia" - ông nói.
Căn cứ vào những phát biểu trên, có thể khẳng định việc "bỏ môn lịch sử" ở cấp THPT - điều đã gây nên một cơn bão tranh luận cả trong đời thực lẫn trên không gian mạng suốt thời gian vừa qua là một cách diễn đạt không chính xác. Tuy nhiên, nhân câu chuyện về việc dạy và học lịch sử trong nhà trường được xới lại, chúng ta cũng cần trở lại với một câu hỏi rất cũ nhưng vẫn luôn thời sự: Rốt cuộc, người lớn có thể làm gì để những tri thức lịch sử đi vào đầu óc và tâm hồn người trẻ một cách dễ dàng?
Lâu nay, cứ hễ nói tới chuyện "học lịch sử" là nhiều người nghĩ ngay tới hệ thống trường/lớp và các thầy/cô giáo. Không thể phủ nhận đấy là môi trường giáo dục chuyên nghiệp và hết sức quan trọng nhưng nếu nhất nhất cho rằng nó là môi trường duy nhất dể dạy lịch sử cho những đứa trẻ thì chúng ta sẽ bỏ qua những môi trường quan trọng khác.
Hãy thử đặt mình vào một tình huống thế này: Bạn cùng con đi trên phố, dừng lại ở một đèn đỏ ngã tư, trong khoảnh khắc ấy, con bạn chợt nhìn thấy tấm biển ghi tên đường "Bà Triệu" và đột nhiên hỏi bạn: Bà Triệu là ai? Cũng như vậy, trên một cung đường khác, vào một thời điểm khác, nó sẽ hỏi Trần Hưng Đạo là ai? Lê Lợi là ai? Quang Trung/Nguyễn Huệ là ai? Những lúc như vậy, bạn sẽ trả lời như thế nào? Rõ ràng, trong những hoàn cảnh này thì chính bố mẹ trở thành những người thầy dạy sử "bất đắc dĩ" của con cái mình. Vậy bố/mẹ có thể tận dụng những khoảnh khắc "học" mà "như không học" này để đưa tri thức lịch sử vào đầu con cái mình không? Nếu bản thân bố/mẹ cũng được trang bị những kiến thức căn bản về lịch sử thì không chỉ đợi tới khi con cái hỏi, mỗi dịp đi trên một con đường gắn liền với tên tuổi một vị anh hùng, một sự kiện lịch sử, bố mẹ thậm chí có thể chủ động "dạy" lịch sử cho con. Tượng đài Lý Thái Tổ, tượng đài Cảm tử, đường Cách Mạng Tháng Tám, quảng trường 1-5... đều là những tri thức lịch sử/ những câu chuyện lịch sử, gợi ra những cơ hội giáo dục để chúng ta tận dụng. Chắc chắn, cách "dạy" sử này sẽ không thể bài bản, lớp lang, hệ thống nhưng nó sẽ giải quyết một điều vô cùng quan trọng: kích thích tình yêu lịch sử, gợi ra những tìm tòi lịch sử trong đầu một đứa trẻ.
Lịch sử là gì? Lịch sử là cái đã diễn ra trong quá khứ. Tìm hiểu cái đã diễn ra không chỉ dựa trên những yếu tố khoa học, mà còn có thể được bồi đắp bằng những yếu tố mĩ học. Nếu yếu tố khoa học giúp cho người học sử có thể xây dựng một cái nhìn toàn diện, sâu sắc thì yếu tố mĩ học có thể giúp người học sử sống với những rung động cảm xúc nhiều chiều. Với những đứa trẻ cấp 1, cấp 2, phải chăng quá trình giáo dục lịch sử cần/phải khai thác những yếu tố mĩ học nhiều hơn? Tức là khai thác vào các câu chuyện với những thắt nút - mở nút, những nốt trầm - nốt thăng, trong đó kỹ thuật kể chuyện phải được đặc biệt chú trọng. Phải kể một câu chuyện lịch sử sao cho hấp dẫn những người trẻ, mà muốn hấp dẫn thì phải tuyệt đối tránh tư duy áp đặt.
Lâu nay người trẻ vẫn có cảm giác rằng mình học lịch sử theo tư duy áp đặt. Những nhân vật/những sự kiện đã được đóng chốt "A" là bắt buộc phải nghĩ "A", đã đóng chốt "B" là bắt buộc phải nghĩ "B". Ngay cả khi đồng ý rằng có những sự kiện thuộc vào dạng bất khả tư nghị thì với nhiều sự kiện khác, tại sao không thể gợi lên những tranh luận, cật vấn, hoài nghi? Chính từ quá trình tranh luận, cật vấn, hoài nghi, người học sử sẽ thấy rằng lịch sử sinh động, hấp dẫn, chứ không phải là thứ đã bị "đóng chết" trong sách giáo khoa.
Xin lấy ví dụ: khi nói về giai đoạn chuyển giao từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê, chúng ta vẫn kể lại câu chuyện đấy là bối cảnh giặc nhà Tống đang lăm le xâm lược, không còn cách nào khác, thái hậu Dương Vân Nga (vợ của vua Đinh) đã khoác long bào lên vai Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, để ông vua mới Lê Hoàn có thể phất cao ngọn cờ đánh Tống. Chỉ khoác một chiếc áo long bào thôi là cả một cuộc chuyển triều diễn ra êm thấm! Góc nhìn ấy có phải là góc nhìn đúng duy nhất hay không? Phần lớn những cuộc chuyển triều trong lịch sử đều diễn ra hết sức khốc liệt và ít nhiều gắn với cảnh đầu rơi máu chảy. Vậy, tại sao lại có một cuộc chuyển triều êm thấm như thế? Mà ngay cả khi cách nhìn chính thống cho rằng, cuộc chuyển triều quả nhiên êm thấm thì còn có những cách nhìn nào khác về cuộc chuyển triều có một không hai ấy không?
Nếu chúng ta gợi cho người học sử những câu hỏi như vậy, rồi lại gợi cho người học sử tìm đến những giả thuyết khác nhau trong việc lý giải một sự kiện/một con người thì chắc chắn quá trình tiếp nhận tri thức của người học cũng là một quá trình tìm tòi sống động. Có lần, trao đổi với người viết, nhà nghiên cứu lịch sử Trần Trọng Dương cho rằng: "Đã đến lúc phải dạy lịch sử từ nhiều giả thuyết, trong đó thậm chí có những giả thuyết đối chọi nhau. Bởi, tìm hiểu các giả thuyết sẽ giúp người học nhìn nhận được cả một quá trình dài nhận thức về một con người/một sự kiện lịch sử". Tiến sĩ Trần Trọng Dương lấy ví dụ về cách mà những nhà làm sử qua các thời kỳ nhìn nhận về thái hậu Dương Vân Nga, nhân vật vừa đề cập ở trên. Theo đó, các sử gia theo tư tưởng phong kiến như Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim phê phán bà rất nặng. Bởi, theo họ, việc bà vừa là vợ của vua Đinh, lại vừa là vợ của vua Lê đã vi phạm nhiêm trọng đạo đức học Nho giáo.
Tuy nhiên, các sử gia đầu thế kỷ 20 lại nhấn mạnh tới khía cạnh bà Dương Vân Nga đã vượt thoát khỏi những trói buộc hà khắc của Nho giáo để dám sống, dám yêu, dám hành động theo đúng con người cá nhân của mình. Đến giữa thế kỷ 20, lại có sử gia nhìn nhận việc bà Dương Vân Nga khoác long bào lên vai Lê Hoàn, nhường ngôi cho Lê Hoàn là một hành động hết sức cao cả, vì theo góc nhìn này, bà đã đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia đình, từ đó góp phần quan trọng vào việc phất cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh đất nước nguy nan. Dẫn lại câu chuyện này, tiến sĩ Trần Trọng Dương kết luận: "Quá trình nhận thức về lịch sử cũng chính là một... lịch sử. Nếu người học được tiếp cận lịch sử thứ hai này, thay vì chỉ nhất nhất được tiếp cận lịch sử thứ nhất thì chắc chắn họ sẽ thấy tính đa nhiều, đa biến của lịch sử, từ đó sẽ yêu lịch sử hơn".
Cùng quan điểm, tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang cho biết: "Thực ra, lịch sử là cái đã diễn ra, không thể nào thay đổi. Người đời sau dùng nhiều phương pháp như khảo cổ, thống kê, so sánh... để cố tái hiện lại những cái đã diễn ra ấy. Toàn bộ quá trình ấy gọi là sử học. Mà không thể nói những nhà sử học, thông qua các phương pháp làm việc của mình có thể tái hiện chính xác những cái đã diễn ra trong quá khứ. Người ta chỉ cố gắng tiệm cận gần nhất tới cái đã diễn ra mà thôi. Suốt quá trình cố gắng tiệm cận ấy, không loại trừ khả năng có những góc nhìn khác biệt, thậm chí là trái ngược nhau. Ví dụ như vẫn là Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung nhưng sử gia phong kiến nhìn nhận khác, sử gia hiện đại nhìn nhận khác. Đó là chuyện hết sức bình thường".
Giới thiệu những giả thuyết khác nhau cho một sự kiện/một con người lịch sử không phải để khiến người học sử trở nên hoang mang, rối loạn, mà để thấy rằng nhận thức về quá khứ luôn là một quá trình sống động. Và, trong suốt quá trình đó, bố mẹ/thầy cô chỉ nên đóng vai trò là người dẫn dắt, gợi mở, chứ không nên trở thành người áp đặt. Bởi, chừng nào chúng ta còn áp đặt, chừng ấy lịch sử vẫn là nỗi sợ hãi lớn với các thế hệ học sinh.