"Leo thang" viện trợ
Những tuyên bố viện trợ xe tăng đồng loạt phát đi từ Washington và Berlin cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Mỹ và Đức về một trong những chủ đề nhạy cảm nhất trong các gói viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine...
Sự thay đổi chiến lược
Cuối cùng thì sau rất nhiều đồn đoán, rất nhiều bàn bạc, chờ đợi và những tuyên bố ủng hộ hay phản đối quyết liệt, cả Mỹ và Đức đã quyết định gửi các loại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại cho Ukraine. Trước mắt, Washington sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams, còn Berlin gửi 14 chiếc Leopard 2 cho Kiev.
Phát biểu với sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Tổng thống Mỹ J.Biden cho rằng các loại xe bọc thép đóng vai trò thiết yếu trong tác chiến và đó là lý do Mỹ đã cam kết gửi hàng trăm xe chiến đấu bọc thép gồm hơn 500 xe trong gói viện trợ cho Kiev, trong đó có 31 xe tăng M1 Abrams.
Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì lý giải nguyên nhân dẫn đến quyết định mang tính bước ngoặt (trong viện trợ cho Ukraine) của Berlin: "Thực sự đang có một cuộc chiến ở châu Âu không xa Berlin bao nhiêu. Nó đang diễn ra ở một quốc gia lớn là Ukraine. Đó là lý do tại sao mọi việc chúng ta làm đều phải thể hiện rõ ràng là chúng ta thực hiện những gì cần thiết và có thể để hỗ trợ Ukraine".
Những tuyên bố viện trợ xe tăng đồng loạt phát đi từ Washington và Berlin cho thấy sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của Mỹ và Đức về một trong những chủ đề nhạy cảm nhất trong các gói viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine. Các gói viện trợ quân sự liên tiếp này đã giúp Kiev có khả năng đứng vững trước các đòn tiến công của Nga, ở vào thời điểm tròn 1 năm nổ ra xung đột.
Trước đó, bất chấp những lời thúc giục liên hồi của Tổng thống Zelensky, cả Mỹ và Đức đều từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine với lý do chi phí đắt đỏ, khó bảo dưỡng và có nguy cơ khiến xung đột leo thang.
Khi Tổng thống Ukraine tới thủ đô Washington trong chuyến thăm Mỹ trực tiếp đầu tiên hồi tháng 12/2022, Mỹ đã công bố gói viện trợ cho Kiev, bao gồm cả tổ hợp tên lửa hiện đại Patriot với khả năng đánh chặn các loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay ở độ cao lớn hơn so với các hệ thống phòng không được cung cấp trước đó. Nhưng, đấy vẫn là các hệ thống tên lửa mang tính chất phòng thủ.
Còn những chiếc xe tăng lại là chuyện khác. Bởi vì không cần phải là chuyên gia quân sự lành nghề cũng biết M1 Abrams là một trong những xe tăng chủ lực mạnh nhất trong biên chế quân đội Mỹ, còn xe tăng Leopard 2 của Đức được coi là một trong những loại xe tăng tốt nhất trên thế giới.
Chúng chắc chắn không phải là những vũ khí dùng để phòng thủ.
Xe tăng cùng gửi, hoạn nạn (nếu có) cùng chịu!
Trong những tháng qua, câu chuyện về việc Mỹ và phương Tây có nên gửi các loại vũ khí tiên tiến, một số trong đó mang tính chất tiến công, cho Ukraine hay không đã được thảo luận liên tục trong các hành lang quyền lực ở nhiều quốc gia phương Tây. Bất chấp những lời thúc giục liên tục từ Kiev, cả Mỹ lẫn các quốc gia đồng minh trong liên minh viện trợ cho Ukraine đều chần chừ trước khi đi tới một quyết định mang tính bước ngoặt trong chiến lược viện trợ này.
Đương nhiên, mối e ngại lớn nhất dẫn tới việc Mỹ và các đồng minh chần chừ thông qua quyết định viện trợ xe tăng cho Kiev là nỗi lo ngại về việc một động thái như vậy sẽ dẫn tới những phản ứng gay gắt từ phía Moscow.
Kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine cách đây 1 năm, Mỹ và các đồng minh của mình trong NATO luôn khẳng định rằng đây là cuộc chiến giữa Nga với nước láng giềng Ukraine chứ không phải là giữa Nga với NATO.
Cứ mỗi một lần chuyển giao vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại cho Kiev, Mỹ hay các quốc gia viện trợ đều khẳng định đi khẳng định lại rằng đấy chỉ là những vũ khí mang tính chất phòng thủ, rằng Mỹ và NATO không muốn và cũng không phải đang trong một cuộc chiến với Moscow.
Trong quyết định viện trợ xe tăng cho Kiev này cũng mang đậm dấu ấn của sự e dè phản ứng từ Moscow. Thủ tướng Đức Olaf Scholz kiên trì theo đuổi cách tiếp cận là Berlin sẽ chỉ chuyển xe tăng Leopard 2 nếu Mỹ cũng đồng thời chuyển xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Trong một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai bên trước khi quyết định được đưa ra, khi Tổng thống J.Biden giải thích với đối tác châu Âu rằng Mỹ ngần ngại chuyển xe tăng M1 Abrams tới Ukraine do những khó khăn về hậu cần và kỹ thuật thì Thủ tướng Đức phản bác bằng cách tuyên bố Mỹ và Đức luôn "song hành" trong cung cấp vũ khí cho Kiev, ngụ ý rằng Berlin sẽ chỉ chuyển xe tăng chủ lực của nước này khi Washington làm như vậy.
Cách tiếp cận này của phía Đức là để Berlin cảm thấy an tâm rằng bằng cách cùng nhau gửi xe tăng tới Ukraine, các quốc gia đồng minh phương Tây sẽ giảm nguy cơ bị Nga trả đũa một cách riêng rẽ. Đánh giá về chiến lược này của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Lars Klingbeil, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức nói: "Điều đó có nghĩa không quốc gia đơn lẻ nào phải đối mặt với những lời chỉ trích và đe dọa từ Nga mà chúng ta thường thấy".
Đó chính là lý do mà quyết định viện trợ xe tăng cho Ukraine của cả Mỹ và Đức được công bố trong cùng một ngày. Có thể nói Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thành công trong việc khéo léo gây sức ép lên người đồng sự bên kia đại dương để đi tới một quyết định vừa giải tỏa được những lời chỉ trích nặng nề nhằm vào Berlin (vì chần chừ không chịu viện trợ xe tăng cho Kiev), đồng thời lại giảm rủi ro (bị trả đũa) xuống đến mức tối thiểu.
Xung đột bị đẩy lên một nấc mới
Do phụ thuộc vào nhiên liệu (xe tăng M1 Abrams chạy bằng xăng máy bay chuyên biệt), việc bảo trì và huấn luyện binh lính Ukraine, dạy họ cách vận hành xe tăng và các máy móc khác rất tốn kém và phức tạp nên sẽ phải mất một thời gian dài nữa, những chiếc M1 Abrams và Leopard 2 đầu tiên mới có thể xuất hiện trên chiến trường Ukraine.
Liệu chúng có thể tạo ra bước ngoặt mang tính chiến lược trong cuộc xung đột ở Ukraine để, theo lời Tổng thống Ukraine, ông Zelensky, là "một bước quan trọng trên con đường dẫn đến chiến thắng"?
Với quy mô ban đầu tương đối nhỏ (31 xe tăng M1 Abrams của Mỹ chỉ tương đương với một tiểu đoàn tăng theo quy chuẩn của Ukraine), dù có những tính năng được ca ngợi là vượt trội nhưng số lượng xe tăng này chắc chắn chưa thể làm xoay chuyển cục diện chiến trường.
Điều quan trọng nằm ở chỗ quyết định này của Đức mở đường cho các quốc gia châu Âu khác vận hành Leopard 2 gửi xe tăng của họ tới Ukraine. Là nước sản xuất phần lớn Leopard 2 hiện đại ở châu Âu với khoảng 2.000 xe tăng này được phân bổ giữa các đồng minh châu Âu, Đức nắm giữ tất cả các giấy phép xuất khẩu. Cần phải được Berlin "bật đèn xanh" thì các nước đang sở hữu loại xe tăng này mới có thể tái xuất để tăng cường kho vũ khí tổng hợp mà Kiev cần để khởi động các cuộc phản công.
Một số nước châu Âu đã tuyên bố sẵn sàng gửi xe tăng chiến đấu cho Kiev, trong đó có Ba Lan, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Anh cũng đã cam kết cung cấp 14 xe tăng Challenger 2 trước mùa hè cho Ukraine, trong khi một số quốc gia Tây Âu khác đang cung cấp xe bọc thép và vật tư chiến tranh.
Đương nhiên, phía Nga đã phản ứng cực kỳ mạnh mẽ trước quyết định leo thang viện trợ của Mỹ và Đức, cảnh báo động thái của phương Tây viện trợ xe tăng cho Ukraine là hành động "nguy hiểm" và có thể "đẩy xung đột lên một nấc mới". Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechayev cảnh báo rằng "quyết định hỗ trợ xe tăng cho Ukraine là hành động cực kỳ nguy hiểm và có nguy cơ làm leo thang cuộc xung đột hiện tại".
Moscow tuyên bố rằng cũng như tất cả vũ khí, khí tài phương Tây chuyển đến Ukraine, những chiếc xe tăng của Mỹ và Đức sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga, chúng sẽ bị phá hủy.
Giới chức Nga cho rằng quyết định viện trợ xe tăng cho Ukraine của Mỹ và Đức là một minh chứng cho thấy những lập luận về "vũ khí phòng thủ" mà phương Tây cung cấp cho Kiev là rất khó thuyết phục. Bất chấp những tuyên bố của Mỹ rằng việc cung cấp những loại vũ khí, khí tài hiện đại cho Ukraine "không phải là mỗi đe dọa tấn công đối với Nga", nhiều chính khách Nga cho rằng, trên thực tế, phương Tây đã trong một cuộc "xung đột quân sự trực tiếp" với Nga, điều mà các chính khách Mỹ và phương Tây luôn cương quyết bác bỏ.
Từ hệ thống tên lửa đa nòng HIMARS cùng các bệ phóng tên lửa phòng thủ Patriot rồi nay là các loại xe tăng tân tiến nhất trong kho vũ khí được gửi đến chiến trường Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã thực thi chính sách viện trợ tạm gọi là "leo thang" để vừa cung cấp nguồn lực cho Ukraine chống Nga, vừa thận trọng đo lường những phản ứng từ phía đối thủ để tránh nguy cơ xung đột trực tiếp với Moscow.
Mỹ chưa chính thức tuyên chiến với Nga nhưng chiến trường ở Ukraine là trường hợp kinh điển của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm được tiến hành mà không có tuyên bố chính thức. Có thể Moscow đã phạm sai lầm khiến cho một cuộc chiến chớp nhoáng trên chiến trường biến thành cuộc chiến tiêu hao dằng dai nhưng xét cho cùng, Nga vẫn là một cường quốc thế giới.
Với tiềm lực hùng hậu, nguồn tài nguyên dồi dào, khi được bật công tắc "thời chiến", nền kinh tế Nga đủ sức sản xuất các trang thiết bị quân sự để cung cấp cho cuộc chiến Ukraine. Điều đó có nghĩa Mỹ và phương Tây sẽ còn phải thực hiện nhiều bước "leo thang" viện trợ nữa mới có thể đạt được sự cân bằng tương đối trên chiến trường.