Leo thang

Thứ Sáu, 11/11/2022, 08:10

Như vẫn còn chưa đủ với những lo ngại các đối tác khác ngoài Nga và Ukraine bị kéo vào cuộc chiến, những động thái của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột mới thật sự gây lo ngại về nguy cơ mở rộng cuộc xung đột sang hướng đối đầu trực tiếp giữa quân đội hai siêu cường cùng sở hữu vũ khí hạt nhân...

Kéo bên thứ ba vào xung đột 

Lực lượng Ukraine đang chuẩn bị một đợt tấn công cực lớn nhằm giành lại Kherson, khu vực đã bị phía Nga chiếm giữ ngay từ những ngày đầu xung đột trong khi giới chức Nga tại đây đã hoàn thành việc sơ tán một số lượng lớn dân cư để chuẩn bị sẵn sàng cho tác chiến đô thị; ở mặt trận Lugansk, cuộc phản công của Ukraine đã diễn ra "không như mong đợi" - theo sự thừa nhận của một quan chức thuộc chính quyền Kiev; các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu tại thành phố Sevastopol thuộc bán đảo Crimea bị hàng loạt thiết bị bay không người lái cảm tử UAV của Ukraine tấn công khiến Moscow ngay lập tức đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Ukraine, vốn đạt được từ hồi mùa hè do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, rồi sau đó lại cho phép nối lại tuyến vận chuyển này sau khi nhận được sự đảm bảo bằng văn bản của Kiev sẽ không sử dụng "hành lang an toàn" cho các hoạt động quân sự...

Leo thang -0
Lực lượng Ukraine đang chuẩn bị một đợt tấn công nhằm giành lại Kherson. Ảnh: S.t

Những thông tin như thế về diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine liên tiếp được đưa ra hằng ngày cho thấy bức tranh toàn cảnh về một cuộc chiến dường như không có hồi kết. Không những thế, nó đang có dấu hiệu hết sức nguy hiểm là bắt đầu xuất hiện những bên thứ ba bị kéo vào cuộc xung đột. Trong vụ tấn công của UAV Ukraine nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, Moscow cáo buộc "Trung tâm Tác chiến hàng hải đặc biệt số 73 Ukraine thực hiện vụ tập kích với sự hỗ trợ và huấn luyện của các chuyên gia Anh". Các chuyên gia này được cho là đang ở thành phố Ochakov, tỉnh Nikolaev (Ukraine gọi là Mykolaiv).

Anh cũng tiếp tục bị phía Nga cáo buộc liên quan đến những vụ tấn công khác, nghiêm trọng hơn nhiều. Bộ Quốc phòng Nga, dù không đưa ra một bằng chứng trực tiếp nào, tuyên bố "Các thành viên thuộc một đơn vị của hải quân Anh tham gia vào quá trình lên kế hoạch, chuẩn bị thiết bị và tiến hành vụ tấn công trên biển Baltic vào ngày 26/9/2022, làm nổ tung đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2".

Như có thể dự đoán trước, phía Anh đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc này. Trong bài đăng trên Twitter, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố: "Để làm giảm sự chú ý đối với hoạt động của Nga ở Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga đang rao bán những tuyên bố sai sự thật với quy mô hoành tráng. Câu chuyện bịa đặt này nói nhiều về các cuộc tranh luận đang tiếp diễn bên trong Chính phủ Nga hơn là về phương Tây".

Ở chiều ngược lại, Belarus cũng có nguy cơ bị kéo sâu hơn vào cuộc xung đột. Ukraine đã thực hiện một loạt động thái tăng quân tại biên giới với Belarus với các tuyên bố công khai là để đối phó với một mũi tấn công mới có thể có của Nga từ lãnh thổ Belarus. Tướng Oleksii Hromov, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho rằng do chưa đạt được thành công ở phía Nam và phía Đông, Nga có thể mở mặt trận tấn công mới từ phía Bắc, hướng Belarus.

Hồi đầu tháng 10, trong cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Belarus A.Lukashenko và Tổng thống Nga V.Putin tại Saint Petersburg, hai bên đã thống nhất thành lập một "lực lượng chung", lấy quân đội Belarus làm nòng cốt.

Theo phía Belarus, phía Ukraine đã triển khai tới 15.000 quân ở biên giới với nước này và đó không phải là lính biên phòng. Do vậy, động thái thành lập "lực lượng chung" giữa Belarus với Nga là "nhằm đáp trả mối đe dọa tấn công Belarus từ phía Kiev và phương Tây".

Nguy cơ đối đầu trực tiếp Nga-Mỹ

Như vẫn còn chưa đủ với những lo ngại các đối tác khác ngoài Nga và Ukraine bị kéo vào cuộc chiến, những động thái của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột mới thật sự gây lo ngại về nguy cơ mở rộng cuộc xung đột sang hướng đối đầu trực tiếp giữa quân đội hai siêu cường cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Lần đầu tiên sau gần 80 năm, Mỹ đã triển khai Sư doàn dù 101 "Đại bàng gào thét" trở lại châu Âu trong một động thái được coi là chuẩn bị cho cuộc chiến tiềm tàng có thể nổ ra do không kiểm soát được cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là sư đoàn bộ binh của quân đội Mỹ được huấn luyện đặc biệt cho các nhiệm vụ tấn công đường không, có thể triển khai đến bất kỳ chiến trường nào trên thế giới trong vòng vài giờ và sẵn sàng tham chiến trong thời gian ngắn.

Leo thang -0
Cho đến nay, chưa có quốc gia nào dùng tên lửa bắn hạ vệ tinh của đối thủ. Ảnh: S.t

Ngay sau khi được triển khai tại Romania, đơn vị đặc biệt tinh nhuệ này của quân đội Mỹ đã tham gia tập trận bắn đạn thật, tác chiến trên không với các đồng minh NATO, "mô phỏng chính xác những gì đang diễn ra" trong chiến sự ở Ukraine.

Trước đó, NATO từng nhiều lần khẳng định không phải là bên tham gia xung đột Nga - Ukraine và sẽ không điều quân vào Ukraine. Thế nhưng, các chỉ huy của Sư đoàn 101 sau khi tới Romania lại tuyên bố rằng trong khi đơn vị này vẫn trong khu vực để bảo vệ lãnh thổ NATO, họ hoàn toàn sẵn sàng vượt biên sang Ukraine nếu chiến sự gia tăng hoặc nếu một quốc gia NATO bị tấn công.

Như một sự thúc đẩy dây chuyền, Nga lập tức phản ứng với sự có mặt của một trong những đơn vị tinh nhuệ bậc nhất quân đội Mỹ ngay trên biên giới với Ukraine, sát sườn với cuộc xung đột.

Phát ngôn viên Điện Kremlin D.Peskov tuyên bố "binh sĩ Mỹ càng tiến gần tới biên giới của chúng tôi, mối nguy hiểm đối với Nga càng lớn". Ông cũng nhấn mạnh việc Mỹ đưa quân tới "thềm nhà của Nga" không giúp ổn định tình hình, có thể khiến Moscow buộc phải thực hiện các biện pháp đối phó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo rằng nếu NATO tham gia vào cuộc xung đột Nga - Ukraine, đó là một bước cực kỳ nguy hiểm, sẽ dẫn đến "thảm họa toàn cầu".

Có vẻ tình hình đang leo thang và ngày càng khó kiểm soát.

Mở rộng lên...  vũ trụ

Điều đáng lo ngại là đã bắt đầu xuất hiện những tuyên bố lẻ tẻ về khả năng mở rộng xung đột giữa Nga với các nước phương Tây lên... vũ trụ!

Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik1 lên quỹ đạo vào năm 1957. Trong cuộc chạy đua vào không gian với người Mỹ, Nga lại đi trước một bước khi năm 1961 đưa phi hành gia đầu tiên của Nga lên không gian.

Ngành công nghiệp vũ trụ của Nga luôn là một trong những lĩnh vực đi đầu thế giới và không phải vô cớ mà phương Tây luôn bày tỏ lo ngại những thành tựu trong lĩnh vực này sẽ được Nga chuyển đổi sang mục đích quân sự. Năm 2021, Nga từng phóng một tên lửa diệt vệ tinh phá hủy thành công một vệ tinh đã không còn sử dụng của mình.

Sau vụ thử nghiệm thành công này của Nga, Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Anh, ông Tony Radakin từng cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng vũ khí để nhắm vào các thiết bị trên không gian của phương Tây. Khi cuộc chiến ở Ukraine đi vào giai đoạn dùng dằng và sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine không ngừng tăng lên, Nga không ít lần bóng gió về khả năng xung đột mặt đất ở Ukraine có thể sẽ dẫn tới đụng độ trên không gian.

Phát biểu tại Liên hợp quốc, ông K.Vorontsov, Phó Cục trưởng Cục Giải trừ và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ và các đồng minh tìm cách dùng không gian để củng cố sự vượt trội của phương Tây trong khi hỗ trợ Ukraine chống Nga và rằng việc sử dụng những vệ tinh của phương Tây nhằm hỗ trợ Ukraine là "một xu hướng cực kỳ nguy hiểm".

Bởi thế mà theo ông K.Vorontsov, những vệ tinh thương mại của Mỹ và đồng minh có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga "nếu các nước này tham gia vào chiến sự ở Ukraine".

Một ngày sau phát biểu của ông K.Vorontsov, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby đã ngay lập tức tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào nhằm vào hạ tầng của Mỹ cũng sẽ bị đáp trả. Tuy nhiên, ông John Kirby không nói cụ thể Mỹ sẽ đáp trả như thế nào.

Cho đến nay, vẫn chưa có quốc gia nào dùng tên lửa bắn hạ vệ tinh của kẻ thù. Hành động này nếu xảy ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine chắc chắn sẽ khiến căng thẳng Nga-Mỹ leo thang đến một tầm mức cực kỳ nghiêm trọng. Cũng do chưa có bất cứ một tiền lệ nào về việc sử dụng vũ lực với vệ tinh trong thời chiến từ trước đến nay nên khía cạnh pháp lý của những hành động như vậy vẫn còn khá mù mờ. Theo một số luật sư, việc Nga tấn công vệ tinh Mỹ, nếu xảy ra, có vi phạm Hiệp ước về khoảng không vũ trụ 1967 được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua hay không vẫn là điều gây tranh cãi. Công ước Trách nhiệm pháp lý năm 1972, trong đó Nga là một bên tham gia, quy định rằng các nước phải bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào do vật thể ngoài không gian của mình gây ra.

Còn theo ông Michelle Hanlon, đồng giám đốc Trường Luật vũ trụ và không gian thuộc Đại học Mississippi, việc Nga tấn công vào vệ tinh tư nhân của Mỹ có thể bị coi là hành động chiến tranh và Mỹ sẽ đáp trả.

Có thể thấy rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang đi tới những bước leo thang cực kỳ đáng lo ngại với nguy cơ mất kiểm soát dẫn tới xung đột trực tiếp giữa Mỹ (có NATO sau lưng) với Nga, các nỗ lực kéo những "tay chơi" mới vào cuộc chiến cũng như xuất hiệnkhả năng mở rộng phạm vi xung đột lên không gian vũ trụ.

Tiếp theo những lời đe dọa về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật và sự đáp trả, về âm mưu sử dụng "bom bẩn" mà các bên cáo buộc lẫn nhau, những bước leo thang này cho thấy các bên trong cuộc xung đột Ukraine cần ngay lập tức có tư duy tỉnh táo, chấm dứt các tuyên bố cũng như hành động có tính khiêu khích. Với trình độ khoa học công nghệ cũng như kho vũ khí trang bị kỹ thuật có sức hủy diệt lớn của các bên, bất cứ một sự tính toán sai lầm nào, dù nhỏ, cũng có thể gây nên những hệ lụy thảm khốc cho nhân loại. Cần phải dừng lại trước khi quá muộn!

Yên Ba
.
.