Lập thuyết

Thứ Ba, 28/03/2023, 07:43

Với việc công bố sáng kiến mới trong lĩnh vực an ninh, hẳn nhiên Trung Quốc muốn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu thông qua việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế, khu vực và toàn cầu để Trung Quốc đặt chân vào lĩnh vực an ninh toàn cầu, đồng thời thách thức hệ thống an ninh cũ lấy Mỹ làm trung tâm...

Từ “6 kiên trì” biến thành “6 cam kết”

Hạ tuần tháng 2 vừa qua, tại một diễn đàn an ninh có tên là Lanting ở Bắc Kinh, Trung Quốc chính thức công bố bộ Tài liệu khái niệm về Sáng kiến an ninh toàn cầu, một sáng kiến mà Bắc Kinh hy vọng sẽ có những tác động nhất định đến hình thái địa chính trị thế giới trong những năm trước mắt, với Trung Quốc, tất nhiên, nắm giữ vai trò trung tâm.

Muốn hiểu về bộ Tài liệu mà Trung Quốc mới công bố thì cần đi ngược lại thời gian gần một năm trước, xem Sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc là gì.

Tháng 4/2022, tại Diễn đàn Bác Ngao, một diễn đàn về kinh tế thường niên tổ chức trên đảo Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chính thức đề xuất Sáng kiến an ninh toàn cầu. Ở tình trạng sơ khai, sáng kiến này dựa trên phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao, trong đó nhấn mạnh “6 kiên trì”: Kiên trì khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; kiên trì tôn trọng chủ quyền và chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước; kiên trì tuân thủ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; kiên trì các mối quan tâm hợp lý về an ninh của tất cả các quốc gia và duy trì nguyên tắc an ninh không phân biệt, phản đối việc thiết lập an ninh quốc gia trên cơ sở là sự bất ổn của các nước khác; kiên trì giải quyết hòa bình những khác biệt và tranh chấp giữa các nước thông qua đối thoại và tham vấn; kiên trì việc phối hợp đảm bảo an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

Lập thuyết -0
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương phát biểu tại Diễn đàn Lanting.

Thoạt nhìn, có thể thấy Sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc công bố tháng 4/2022 bao gồm nhiều từ ngữ chung chung, đôi chỗ thậm chí còn mơ hồ, muốn diễn giải theo cách nào cũng được. Phải sau nhiều tháng, đến ngày 21/2 vừa qua, Trung Quốc mới công bố bộ Tài liệu khái niệm về sáng kiến này, có thể xem như là tài liệu để làm rõ thêm những nội dung chính của Sáng kiến.

Trong Tài liệu khái niệm, tất cả những “kiên trì” đều được thay bằng “cam kết”, “6 kiên trì” trở thành “6 cam kết đối ngoại”, có nghĩa Trung Quốc chính thức hóa các nội dung chính sách đối ngoại trong Sáng kiến an ninh toàn cầu và tuân thủ theo các nội dung này.

Khác biệt như nước với lửa

Năm 2022, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công bố Sáng kiến an ninh toàn cầu, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi ấy là ông Vương Nghị đã mô tả Sáng kiến này như một “giải pháp kiểu Trung Quốc” trái ngược hoàn toàn với “một số quốc gia”.

Không nói ra nhưng ai cũng biết “một số quốc gia” mà ông Vương Nghị ám chỉ đó chính là Mỹ và sự “khác biệt” mà ông muốn nói đến chính là giải pháp của Trung Quốc mang tính hợp tác, tương hỗ trong khi theo ông Vương Nghị, chính sách an ninh của Mỹ in đậm dấu ấn Chiến tranh Lạnh, mang tính đối đầu, dựa trên tư duy “trừng phạt”.

Sự khác biệt như nước với lửa này có thể xem như là cách để Trung Quốc khẳng định tính chất mới mẻ trong sáng kiến mà họ đưa ra để đối nghịch với chính sách đối ngoại của Mỹ, vốn coi Trung Quốc là đối thủ chính trong những năm trước mắt.

Đến khi công bố bộ Tài liệu khái niệm về Sáng kiến an ninh toàn cầu, người kế nhiệm ông Vương Nghị là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương làm rõ hơn sự khác biệt này khi nhấn mạnh Sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; theo đuổi mục tiêu dài hạn là xây dựng một cộng đồng an ninh, ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh với đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Khi công bố Tài liệu khái niệm về Sáng kiến an ninh toàn cầu, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã tóm tắt 20 ưu tiên hợp tác được đưa ra trong tài liệu, cụ thể là đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị an ninh, thúc đẩy sự phối hợp và tương tác lành mạnh giữa các nước lớn, tạo điều kiện giải quyết hòa bình các vấn đề nóng thông qua đối thoại, giải quyết những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời củng cố hệ thống và năng lực quản trị an ninh toàn cầu.

“An ninh không thể chia cắt”?

Có thể thấy một điểm hết sức đáng chú ý trong Sáng kiến an ninh toàn cầu mà Trung Quốc đưa ra, đó chính là khái niệm  “an ninh không thể chia cắt”, được cụ thể hóa trong cam kết thứ tư của Sáng kiến. Đây là khái niệm đã được đưa vào Tuyên bố Helsinki năm 1975, thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn đang chia cắt châu Âu, với sự đối đầu gay gắt giữa hai khối quân sự là NATO và Hiệp ước Warszawa.

Khái niệm này chỉ ra rằng an ninh của bất kỳ một quốc gia nào cũng không thể tách rời (chia cắt) với an ninh của các quốc gia khác trong khu vực và rằng không thể đảm bảo an ninh của một quốc gia này bằng cách hy sinh an ninh của một quốc gia khác!

Sẽ không thể hiểu rõ những khái niệm mang tính tổng quan như vậy nếu không soi chiếu nó với các vấn đề, sự kiện xảy ra trong thực tế, cụ thể ở đây là cuộc chiến khốc liệt Nga - Ukraine, giờ đã bước sang năm thứ hai và vẫn chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Khi đề xuất Sáng kiến an ninh toàn cầu, Trung Quốc rõ ràng đã rất cẩn trọng khi muốn tạo ra một văn bản có tính cân bằng tương đối. Sự cân bằng này thể hiện rõ ở cam kết thứ hai, về “tôn trọng chủ quyền và chủ quyền lãnh thổ của tất cả các nước”, một điều mà Ukraine có thể vận dụng để chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt mà phía Nga thực hiện trên lãnh thổ nước này trong hơn một năm qua.

Nhưng, khái niệm “an ninh không thể chia cắt” trong cam kết thứ tư của Sáng kiến lại chính là nội dung mà phía Nga có thể vận dụng để giải thích cho việc phát động chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine. Bởi, theo Moscow, an ninh của Nga đã bị đe dọa từ nguyên nhân Kiev có ý định tham gia NATO (trong khi Kiev cho rằng an ninh của Ukraine không thể tách rời khỏi việc tham gia NATO) và do vậy, Nga bắt buộc phải phát động chiến dịch quân sự để đảm bảo an ninh cho bản thân mình.

Điều đó cũng có nghĩa khái niệm “an ninh không thể chia cắt” có thể được các quốc gia diễn giải theo những ý khác biệt, thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau, để biện giải cho các động thái chính trị, quân sự nhằm bảo đảm cho lợi ích của quốc gia đó.

Mà điều đó có nghĩa là chiến tranh.

Lập thuyết -0
Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu chịu sức ép toàn diện của Mỹ.

Bước điều chỉnh quan trọng

Một câu hỏi khác cũng nảy sinh: Vì sao Trung Quốc lại công bố Sáng kiến an ninh toàn cầu vào thời điểm này?

Trong mấy năm qua, Trung Quốc đã trở thành đối tượng cạnh tranh nước lớn trực tiếp với Mỹ, là mục tiêu chịu sức ép toàn diện của Washington. Từ cuộc “thương chiến” thời Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động, địa bàn “chiến trường” đã mở rộng sang các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ và cả... khinh khí cầu, với hàng loạt biện pháp cấm vận, trừng phạt (và trả đũa) nhằm vào các công ty, cá nhân của cả hai bên.

Để giải tỏa bớt sức ép, Trung Quốc cần tham gia mạnh mẽ hơn vào sân chơi toàn cầu với liên tục các sáng kiến, các mô hình được tung ra như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Sáng kiến phát triển toàn cầu (GDI)...

Nhưng, các sáng kiến đó của Trung Quốc đã bị chững lại do đại dịch COVID-19 hoành hành trong suốt 3 năm trên khắp thế giới. Tiếp đó, cuộc chiến ở Ukraine với tình trạng căng thẳng lan khắp châu Âu, giá hàng hóa, năng lượng tăng cao cũng khiến cho các sáng kiến này của Trung Quốc không có hướng phát triển.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc lựa chọn lĩnh vực an ninh như là bước điều chỉnh quan điểm về an ninh quốc gia trong tình hình quốc tế ngày càng căng thẳng do cuộc chiến ở Ukraine, đằng sau nó là cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa Nga với phương Tây.

Với việc công bố sáng kiến mới trong lĩnh vực an ninh, hẳn nhiên Trung Quốc muốn nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu thông qua việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế, khu vực và toàn cầu để Trung Quốc đặt chân vào lĩnh vực an ninh toàn cầu, đồng thời thách thức hệ thống an ninh cũ lấy Mỹ làm trung tâm.

Để thực hiện sáng kiến mới, Trung Quốc đã tăng cường sự tham gia và hiện diện của mình trong việc giải quyết các vụ việc căng thẳng, các điểm nóng liên quan đến vấn đề an ninh như là người trung gian hòa giải có uy tín. Thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao bất ngờ giữa Saudi Arabia và Iran đạt được sau những ngày đàm phán bí mật ở Bắc Kinh vừa qua là một minh chứng cho xu hướng này. Đề xuất 12 điểm của Trung Quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù có những điểm phi thực tế, cũng là một nỗ lực khác của Trung Quốc theo khuynh hướng xác lập vị trí trung tâm của Bắc Kinh trong các vấn đề an ninh quốc tế.

Cũng còn một khía cạnh khác liên quan đến thời điểm công bố Sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc. Đó là cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ thời cổ xưa cho đến thời kỳ hiện đại như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người chắc chắn sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới này trong một thời gian nữa, cần phải “lập thuyết”. Sáng kiến an ninh toàn cầu chính là một chủ thuyết mới, tương thích với giai đoạn phát triển mới của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập.

Yên Ba
.
.