Lá chắn nào cho trẻ em trong đại dịch COVID-19?

Thứ Sáu, 27/08/2021, 12:57

Một em bé mới 3 tháng tuổi ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh nhiễm COVID-19 và trở nặng phải thở máy, tiêm kháng sinh liều cao, đang chiến đấu từng giờ để giành giật sự sống. Một em bé khác mới chỉ 32 ngày tuổi đã bị COVID-19 tấn công phải nhập viện điều trị.

Rất nhiều trẻ nhỏ phải rời gia đình, xa  người thân trong sợ hãi, hoảng loạn để đi cách ly, điều trị. Đó là những cảnh tượng đau lòng khi dịch bệnh COVID-19 ào đến lần thứ 4. Và lần này, khốc liệt hơn, khi đến cả những sinh linh bé nhỏ cũng bị COVID-19 nhấn chìm trong vòng xoáy…

Khi những đứa trẻ không còn an toàn nữa

Trong căn nhà nhỏ ở Bắc Ninh, đêm tĩnh lặng đột ngột trở nên náo loạn khi cả hai vợ chồng anh T.B.S (35 tuổi) và chị N.T.H. (31 tuổi) cùng nhận được kết quả dương tính với  SARS-CoV-2. Ngay lập tức, họ phải rời nhà để nhập viện điều trị. Chưa bao giờ vợ chồng anh S. lại rối bời đến thế. Họ bàng hoàng khi biết mình nhiễm COVID-19, nhưng điều lo lắng hơn là họ phải để hai con trai là cháu T.T.H. lên 6 tuổi và T.T.A. chỉ mới hai tuổi rưỡi ở lại nhà mà không có ai chăm sóc. Anh chị lên xe đi trong nước mắt, chỉ kịp dặn lại con trai lớn ở nhà trông em, bố mẹ sẽ gọi ông bà ngoại lên ngay. Cậu bé hai tuổi rưỡi khóc khản cả giọng, còn cậu bé 6 tuổi thì hoảng sợ vô cùng.

2.jpg -0

Bé gái 14 tuổi nặng 90kg mắc COVID-19 nặng, phải thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.

Đêm ấy, cả khu nhà anh S. không ai ngủ, họ cũng lo lắng, sợ sệt, họ muốn đến giúp anh chị trông hai đứa trẻ nhưng khi anh chị là F0, 2 con đang là F1 thì không ai dám lại gần. Cũng ngay đêm ấy, ông bà ngoại tức tốc vượt quãng đường gần 100 cây số để đến với hai cháu.

3 ngày sau, nhận được kết quả xét nghiệm của hai con, anh S. chết lặng người khi chúng đều nhiễm COVID-19. Vậy là sau 3 ngày xa cách, cả gia đình anh lại gặp nhau ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Trước tình cảnh đặc biệt ấy, các bác sĩ đã tạo điều kiện cho cả nhà anh S. được điều trị cùng một khu để chăm sóc cho nhau. May mắn là cả 4 người sau quá trình điều trị đều đã khỏi bệnh và ra viện. Nhưng thời khắc mà cả nhà phải rời xa nhau trong đêm tối, ánh mắt hoảng hốt của các con vẫn ám ảnh anh chị và trở thành một vệt kí ức vô cùng khủng khiếp.

Câu chuyện nhà anh S. chỉ là một trong rất nhiều tình cảnh đáng thương mà ở đó những đứa trẻ phải đối mặt trực tiếp với nguy hiểm, với những tổn thương tinh thần trong tâm dịch COVID-19. Vậy là điều mà các bậc cha mẹ lo lắng nhất đã xảy ra, đó là sự lây lan biến chủng Delta khiến những đứa con của họ không còn an toàn nữa.

4.jpg -0

Một em bé mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trong khu điều trị COVID-19.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số trẻ em mắc COVID-19 tại thủ đô trong đợt dịch này có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Từ ngày 5-7 tới 30-7-2021, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Tình hình nhiễm COVID-19 ở trẻ em còn nghiêm trọng hơn ở TP. Hồ Chí Minh khi tính đến ngày 19-8 có đến 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Từ ngày 7-7 đến giữa tháng 8-2021, Bệnh viện dã chiến số 4 ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã tiếp nhận gần 600 trẻ mắc COVID-19.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh ngày 13-8 đang điều trị cho 120 trẻ dương tính với SARS-CoV-2. Nguy hiểm hơn, đợt dịch này ghi nhận nhiều trẻ nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ, trung bình nhưng sau đó tiến triển nặng rất nhanh, khiến việc điều trị ngày càng khó khăn. Khoa Nhiễm của Bệnh viện có 6 phòng áp lực âm đều là nơi điều trị cho bệnh nhi mắc COVID-19 diễn biến nặng hiện được sử dụng hết công suất. Có 3 trường hợp bệnh nhi phải thở máy đặt nội khí quản, một trường hợp bệnh nhi phải thở máy lọc máu liên tục.

Đặc biệt hơn, Bệnh viện đã xuất hiện một số trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống, cần được theo dõi sát sao và điều trị ở chế độ đặc biệt. Những con số biết nói trên là hồi chuông báo động để người lớn nâng cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho trẻ. Đồng thời cũng dấy lên nỗi niềm mong ngóng của cha mẹ bấy lâu nay: Khi nào con em họ được tiêm vaccine ngừa COVID-19?

Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Thị Thúy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Trẻ mắc COVID-19 thương lắm…

thac si - bs đang thi thuy.jpg -0

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Thúy.

- Phóng viên: Hiện tại, tình hình điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 tại khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?

- Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Thị Thúy: Số bệnh nhi mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị trong đợt dịch thứ 4 so với các đợt dịch trước có chiều hướng tăng lên. Cho đến thời điểm này, đây là đợt dịch mà chúng tôi tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhi mắc COVID-19 nhất. Hiện tại có 35 bệnh nhi mắc COVID-19 đang điều trị tại khoa. Trẻ mắc COVID-19 ở các lứa tuổi khác nhau, nhỏ nhất là trẻ mới 32 ngày tuổi lây COVID-19 từ mẹ. Đa số các bé đều dưới 10 tuổi, trong đó lứa tuổi 0-3 tuổi chiếm 1/3 tổng số ca mắc.

- Bệnh nhi mắc COVID-19 thường có những triệu chứng như thế nào, thưa bác sĩ?

- Nếu như người lớn mắc COVID-19 thường có biểu hiện nổi trội là nhức mỏi cơ, xương khớp thì ở trẻ em, triệu chứng cơ năng đó ít hơn, nhưng trẻ lại sốt rất cao, thường ở ngưỡng 39-40 độ C. Đó cũng là đặc điểm phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ em với tác nhân virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, viêm long đường hô hấp, ho húng hắng cũng là biểu hiện nổi trội mà trẻ hay gặp. Một số trẻ có triệu chứng tiêu chảy, một số ít khác buồn nôn và nôn trớ. Trẻ thường chán ăn hoặc bú kém, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới một tuổi.

1.jpg -0

Một bệnh nhi mắc COVID-19 được bác sĩ chăm sóc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

- Bác sĩ có thể cho biết đối tượng trẻ nhỏ nào thường có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng hơn khi mắc COVID-19?

- Tỉ lệ tiến triển nặng ở trẻ mắc COVID-19 ít hơn người lớn. Nguy cơ tập trung vào những bệnh nhi nhỏ tuổi, có thể trạng đặc biệt, cơ địa có bệnh nền như ung thư, thalassemina bẩm sinh, tim bẩm sinh, trẻ bị béo phì, hen suyễn hoặc bệnh phổi mãn tính. Ở các trẻ này sức đề kháng kém hơn, khi mắc COVID-19 thường dễ tiến triển bệnh nặng hơn.

- Đối với trẻ em mắc COVID-19, có phương pháp điều trị riêng không, thưa bác sĩ?

- Hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam vẫn chưa có thuốc được cấp phép để điều trị đặc hiệu tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Bộ Y tế đã đưa ra phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị nhiễm COVID-19 cho cả người lớn và trẻ em, trong đó có nêu ra các biện pháp điều trị dự phòng tiến triển nặng, điều trị hỗ trợ và điều trị biến chứng. Về căn bản, các thuốc điều trị cho trẻ nhiễm COVID-19 không khác ở người lớn, chỉ khác ở liều lượng tính theo cân nặng của trẻ nhỏ.

Ở trẻ nhỏ, nhận biết về cảm giác như đau nhức chưa rõ, trẻ cũng không mô tả rõ được tình trạng bệnh. Một trong những triệu chứng khi mắc COVID-19 là mất vị giác thì trẻ nhỏ không để ý và không cảm nhận rõ như người lớn. Do đó các bác sĩ phải lưu ý nhiều hơn, khám kĩ càng hơn, hỏi chi tiết hơn thông qua gia đình kết hợp với việc khám thực thể. Các triệu chứng nhiễm bệnh của trẻ nhỏ trong nhiều trường hợp không điển hình, do đó phải thăm khám thường xuyên để phát hiện những tiến triển của bệnh.

- Bệnh nhi mắc COVID-19 nhập viện tăng lên, cũng đồng nghĩa với việc điều trị, chăm sóc cho trẻ gặp nhiều khó khăn hơn. Bác sĩ có thể nêu ra những khó khăn gặp phải?

- Các bệnh nhi mắc COVID-19 thường vào bệnh viện điều trị một mình, không có người thân bên cạnh nên các y, bác sĩ phải chăm sóc hoàn toàn. Chúng tôi phải mặc bảo hộ để chăm các con, liên tục tay chân với nhiều việc tỉ mỉ.

Có trường hợp hai mẹ con cùng là F0 nhập viện điều trị. Sau một thời gian người mẹ có kết quả xét nghiệm âm tính, đủ tiêu chuẩn ra viện trước. Còn đứa trẻ 8 tháng tuổi thì chưa đủ tiêu chuẩn ra viện, thành ra mẹ phải ra viện theo đúng quy định, để lại con cho các bác sĩ chăm sóc. Đó thực sự là thử thách đặt ra cho chúng tôi. Đứa trẻ đã biết quen biết lạ, biết theo mẹ nên khóc ngằn ngặt cả ngày. Con hoảng sợ, lạ lẫm khi nhìn các bác sĩ, điều dưỡng bế con trong bộ bảo hộ kín mít. Con chỉ có thể cảm nhận được giọng nói cưng nựng, dỗ dành của chúng tôi dành cho con.

Trời nóng, mồ hôi túa ra mờ cả kính bảo hộ, mọi động tác đều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì dỗ dành, cho các con ăn, vệ sinh cá nhân cho con, ru con ngủ, không lơ là một giây phút nào. Khi con thiếp đi, các bác sĩ cũng mệt rã rời. 4 ngày sau, khi xét nghiệm âm tính và đủ tiêu chuẩn ra viện, con mới được trở về bên mẹ. Chỉ khi trao em bé cho người thân, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, trút được nỗi lo lắng, căng thẳng đè nặng, lại dồn sức chăm sóc các em bé khác.

- Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi có những đặc thù riêng đúng không bác sĩ?

- Ở khoa Nhi, hiện tại, mỗi lần tiếp nhận những em bé nhỏ xíu, lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ màu xanh của người lớn, chỉ ló ra đôi mắt tròn ngơ ngác, chúng tôi lại thấy thương đến thắt ruột. Các con còn quá nhỏ, mọi thứ đều lạ lẫm, sợ sệt. Chăm trẻ bị ốm rất cực nhọc và mệt mỏi, nhưng chúng tôi dành hết tâm huyết, trách nhiệm và lòng yêu thương để chăm sóc các con.

Trong môi trường dày đặc bệnh nhân F0, chúng tôi làm việc không phân biệt ngày đêm, chỉ biết có bệnh nhi. Những lúc mồ hôi chảy xuống mắt cay xè mà không thể đưa tay lên lau được, những tình huống bình thường của một con người chúng tôi phải tạm quên đi. Đang chăm trẻ, bất chợt nhớ đến con mình mà nước mắt chảy dài. Chúng tôi hiện tại thường ở bệnh viện điều trị cho bệnh nhân từ 1-1,5 tháng, sau đó rời bệnh viện cách ly 2 tuần, được về nhà một thời gian rồi lại đi tiếp. Nhưng vì thiếu nhân lực, đặc biệt là bộ phận cấp cứu và hồi sức nên có những bác sĩ 3 tháng trời ở bệnh viện chưa về nhà.

- Hiện tại ở nước ta chưa có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con mình?

- Lây nhiễm ở trẻ nhỏ hiện tại là lây nhiễm trong hộ gia đình. Vậy nên các gia đình phải thực hiện nghiêm 5K. Chú ý nhắc nhở trẻ nhiều hơn vì trẻ hiếu động, mải chơi và hay quên các nguyên tắc phòng tránh dịch. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Ngoài ra, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Người lớn hãy tiêm phòng vaccine COVID-19 theo khuyến cáo để có thể tạo được miễn dịch cộng đồng và cắt đứt chuỗi lây truyền. Khi trẻ có các dấu hiệu như ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn…, cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Việc trang bị cho trẻ em những hiểu biết và kĩ năng phòng tránh dịch bệnh COVID-19 rất cần thiết. Theo bác sĩ chúng ta phải có cách tuyên truyền như thế nào cho đối tượng đặc biệt này?

- Trẻ nhỏ hiện đang phải gánh chịu những tổn thương về mặt tinh thần mùa COVID-19. Đó là sự sợ hãi, tù túng, ức chế về tình cảm khi không được giao lưu với bạn bè, không được ra ngoài khám phá thế giới. Thêm nữa hàng ngày báo đài, tivi, loa truyền thanh của phường, của chung cư luôn nhắc nhở việc cảnh giác, không ra ngoài, sợ lây nhiễm, sợ đi cách ly, sợ bệnh trở nặng và tử vong. Những bữa cơm gia đình với chủ đề phổ biến là số ca mắc, số ca tử vong choán toàn bộ nội dung câu chuyện. Tất cả dồn vào tâm trí trẻ khiến trẻ thấy căng thẳng, áp lực.

Vì vậy, trước những thắc mắc của trẻ về dịch bệnh COVID-19, người lớn hãy động viên, an ủi và diễn tả vấn đề dưới góc nhìn con trẻ. Hãy giải thích về COVID-19 một cách hài hước, nhẹ nhàng giống như kể một câu chuyện để trẻ tiếp nhận dễ hơn và lạc quan hơn, đỡ stress hơn khi đối mặt với nguy cơ dịch bệnh.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế): Vaccine cho trẻ cần được nghiên cứu độc lập

pgs.ts tran dac phu.jpg -0

PGS.TS Trần Đắc Phu.

- Phóng viên: Số trẻ nhiễm COVID-19 ở nước ta trong đợt dịch thứ 4 này đang có chiều hướng gia tăng. Theo ông thì nguyên nhân do đâu?

- PGS. TS Trần Đắc Phu: Trong đợt dịch lần này số người lớn mắc COVID-19 tăng lên nhiều so với các đợt bùng phát trước, xuất hiện nhiều chùm ca nhiễm COVID-19 trong một gia đình. Giai đoạn này, trẻ hoàn toàn chỉ ở trong nhà, do đó khi người lớn mắc COVID-19 về nhà sẽ khiến trẻ bị lây nhiễm. Chính sự lây lan theo yếu tố gia đình đã làm cho số trẻ bị nhiễm COVID-19 nhiều hơn.

- Mặc dù đại dịch COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp ở nhiều nước, nhưng tại sao việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em lại không mang tính khẩn cấp như vaccine cho người lớn, thưa ông?

- Thực tế dù số ca mắc COVID-19 ở trẻ tăng lên trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung người lớn vẫn bị nhiễm COVID-19 nhiều hơn, vì vậy họ mới là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Một điều cần lưu ý nữa, theo quy định thì thử nghiệm lâm sàng ở đối tượng nào sẽ tiêm cho đối tượng đó. Nếu như ở người lớn dễ thử nghiệm lâm sàng, dễ đánh giá thì ở trẻ khó khăn hơn nhiều. Ngay cả khâu tuyển tình nguyện viên là trẻ em tiêm vaccine cũng gặp nhiều trở ngại vì nhiều bậc cha mẹ có tâm lý ngần ngại, hoài nghi khi con tiêm thử nghiệm. Họ lo sợ tác động của vaccine trong nhiều trường hợp xảy ra ở trẻ nặng hơn.

- Nếu trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp hơn thì theo ông có cần phải tiêm vaccine không?

- Lứa tuổi nào cũng cần được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó có trẻ em, có bị mắc thì đều cần tiêm vaccine. Khi tăng độ bao phủ tiêm vaccine cho người lớn, lây nhiễm có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở các nhóm chưa tiêm trong đó có trẻ em.Trẻ mắc COVID-19 lại trở thành nguồn lây phát tán virus cho người khác. Do đó nếu trẻ em được tiêm vaccine sẽ làm giảm mạnh khả năng lây lan virus, đem lại lợi ích miễn dịch cộng đồng nói chung. Thêm nữa, tiêm vaccine rất có lợi đối với trẻ có bệnh nền và có người thân bị suy giảm miễn dịch hoặc thuộc các đối tượng dễ bị tổn thương. Một yếu tố nữa xét về góc độ tâm lý - xã hội thì việc tiêm vaccine giúp trẻ duy trì các quan hệ tiếp xúc trực tiếp như trong trường học. Trẻ không thể ở nhà mãi, trẻ cần được đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi, thể chất khác.

Hiện tại, trên thế giới đã có một số nước đã và đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm        vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Còn độ tuổi dưới 12 vẫn chưa có vaccine thử nghiệm. Độ tuổi thử nghiệm cho trẻ sẽ mở rộng dần, nhưng phải có thời gian để tiến hành các bước nghiên cứu, thử nghiệm độc lập, thận trọng và kĩ lưỡng.

- Như vậy có nghĩa là trẻ em cần có vaccine ngừa COVID-19 riêng phải không thưa ông?

- Đúng vậy, vì hệ miễn dịch của trẻ đang phát triển và không thể đoán trước. Trẻ có thể phản ứng với virus SARS-CoV-2 theo cách khác hoặc gặp những tác dụng phụ không xảy ra ở người lớn. Trẻ em đang ở độ tuổi tăng trưởng, phát triển, dễ bị tổn thương nên vaccine cho trẻ cần phải nghiên cứu, thử nghiệm trong một quá trình lâu dài để đánh giá tác động đến trẻ em như thế nào, có ảnh hưởng tới gene, đến các tế bào đang trong giai đoạn sinh trưởng hay không, có làm biến đổi gì về nhận thức, vận động của trẻ không. Hiện tại, tất cả các vaccine ngừa COVID-19 đều được nghiên cứu và cấp phép trong điều kiện khẩn cấp. Chính vì khẩn cấp nên chưa có thời gian nghiên cứu, thử nghiệm ở trẻ em và như thế chưa thể tiến hành tiêm mở rộng.

- Hiện tại, các nhà sản xuất vaccine trong nước đã tính đến việc nghiên cứu và sản xuất     vaccine COVID-19 cho trẻ em chưa, thưa ông?

- Hiện tại thì chưa, trước mắt phải tập trung để có vaccine khẩn cấp tiêm cho người lớn.

- Việc tìm kiếm nguồn vaccine ngoại cho trẻ em có lẽ đã được tính đến ?

- Ngày 14-7 vừa qua, đại diện Bộ Y tế đã có cuộc đàm phán ban đầu với Hãng dược Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20  triệu liều vaccine COVID-19  để tiêm cho đối tượng từ 12-18 tuổi trong quý 4 năm nay. Hy vọng sẽ sớm có vaccine để triển khai tiêm chủng cho khoảng 9 triệu trẻ em Việt Nam trong độ tuổi này.

- Nếu có vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ, theo ông nên có sự ưu tiên và phân phối   vaccine cho đối tượng trẻ em nào để đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch?

- Chúng ta phải ưu tiên tiêm vaccnie cho đối tượng trẻ ở địa bàn có nguy cơ, trẻ trong vùng dịch, vùng có các tiếp xúc nhiều, giao lưu nhiều. Việc tiêm cho đối tượng trẻ em nào còn phải tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nhà sản xuất cho phép tiêm đối tượng nào thì tiêm đối tượng đó. Tuy nhiên phải nhấn mạnh là ngay cả khi chưa tiêm hay đã tiêm vaccine thì các bậc cha mẹ cũng không được chủ quan trong việc phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ.

- Xin cảm ơn ông!

* Tính từ đầu tháng 7-2021 đến hiện tại, ngay cả ở các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao như Mỹ và một số nước châu Âu thì số trẻ em mắc COVID-19 vẫn đang tăng lên. Ở Mỹ có đến 71.700 trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên mắc COVID-19 chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 22 đến 29-7), tăng lên 19% trong tổng số ca nhiễm từ ngày 15-7 đến 29-7-2021 và cao gấp 5 lần số trẻ em mắc bệnh vào cuối tháng 6-2021. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, viêm phổi và phải can thiệp phổi rất tích cực, thậm chí phải đặt nội khí quản trong những khu điều trị đặc biệt. Một số ít trẻ bị nhiễm SARS-CoV-2 thể nhẹ ban đầu đã phát triển thành MIS-C (hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em) với biểu hiện là tình trạng viêm kéo dài làm tổn thương tim, phổi, thận, não và các cơ quan khác.

Indonesia - một trong những tâm dịch lớn nhất Đông Nam Á tới ngày 28-7-2021 có đến hơn 3,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ từ 0-5 tuổi là 2.9%; 6-18 tuổi là 9.9%. Số ca tử vong ở trẻ em tăng nhanh trong hơn 1 tháng gần đây, chiếm khoảng gần 1/2 số tử vong trẻ em từ đầu dịch.

* Hãng dược Pfizer sau thời gian thử nghiệm đã tuyên bố rằng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này an toàn cho thanh thiếu niên. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt vaccine của hãng này cho thanh thiếu niên hồi giữa tháng 5-2021. Các loại vaccine phòng COVID-19 khác như Moderna, Novavax, Sinovac và Johnson & Johnson cũng đang được thử nghiệm cho trẻ em.

Pháp bắt đầu tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ từ ngày 15-6. Tới nay, hơn 2 triệu trẻ trong độ tuổi từ 12-17 ở Pháp đã được tiêm liều vaccine đầu tiên. Tây Ban Nha, Italia đang tích cực tiêm vaccine cho trẻ em trước khi năm học mới bắt đầu vào tháng 9 tới. Ở Đức từ ngày 7-6 cũng đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em và cho đến nay, 20% trong số những người từ 12-17 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và gần 10% đã tiêm chủng đủ 2 mũi.

Huyền Châm
.
.