Kỷ nguyên... nói thật
Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có nói nhiều đến đất nước ta bắt đầu bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình. Theo đó, kỷ nguyên vươn mình là có hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, phát huy nội lực, trí tuệ của người Việt, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.
Theo dõi những bài nói, những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi thấy có lẽ lâu lắm rồi mới có một vị lãnh đạo cấp cao nói thẳng về những điểm nghẽn của cơ chế, về tình trạng lãng phí, nói thẳng về sự thật của con số tăng trưởng và con số đầu tư FDI và thực trạng về nền công nghiệp của Việt Nam; nói thẳng về sự cồng kềnh, kém hiệu quả của bộ máy hành chính...
![Kỷ nguyên... nói thật -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/10/4_tong-1739153911307.jpg)
1. Mới đây, tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói đến mức thế này: "Tuy nhiên, với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đảm bảo sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia. Một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là "ngộ nhận", là "tự huyễn hoặc", là "tự ru mình" không".
Nhân đây, tôi muốn nói thêm: ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Samsung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Samsung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,... Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng.
Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm "lắp ráp - gia công", là bãi rác về công nghệ của thế giới, còn doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì hoặc học hỏi được rất ít. Việc phát triển công nghệ số còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số. Đây là những vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ để Việt Nam có thể tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số".
2. Vậy, những điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm "tiết lộ" như trên, hoặc như các vấn đề về thể chế, về lãng phí, về sự cần thiết phải "tái cơ cấu lại bộ máy điều hành, quản lý" thì có phải là quá mới hay không? Có phải là sự "phát hiện" hay không? Xin thưa rằng, những điều mà Tổng Bí thư nói ra, thiên hạ vốn biết cả, đặc biệt là ở lãnh đạo cao cấp... Nhưng, không ai dám nói ra hoặc nếu có nói thì cũng chỉ dùng những từ ngữ "mềm mại", "uyển chuyển", "trung dung" mang tính chất "nói cho có", rồi theo kiểu "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", rồi sợ "nói thật mất lòng"... Vì thế, suốt một thời gian dài, chúng ta không dám thừa nhận những kém cỏi trong công tác quản lý, điều hành và trong xây dựng thể chế... Tại tất cả các hội nghị tổng kết, phần khuyết điểm thì nếu có, cũng chỉ là nói chung chung, không dám quy trách nhiệm là do ai, tại sao lại thế và vì cái gì? Đặc biệt là không dám nói thẳng.
Tại nhiều hội nghị, tại các diễn đàn, tại các buổi kiểm điểm cán bộ, đảng viên, ít ai dám nói thật, nhưng khi ra ngoài thì lại nói sau lưng... Đây là căn bệnh "nan y" mà không ai dám chữa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chúng ta cứ tìm cách nói cho "vừa lòng", nhưng nguyên nhân đầu tiên chính là từ đặc tính "duy tình" của người Việt. Đó là "trăm cái lý không bằng một tý cái tình", đó là "giọt máu đào hơn ao nước lã"... Chính cái mặt trái của tính duy tình này mà dẫn đến luật pháp bị bóp méo, bị thực hiện theo ý muốn của người có ảnh hưởng, và tạo nên sự dối trá.
Bên cạnh đó, căn bệnh "kiêu ngạo cộng sản" cũng đã là một nguyên nhân quan trọng tạo nên tình trạng "làm láo, báo cáo hay" của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương.
Và, một khi không dám nói thật thì làm sao dám sửa, làm sao dám thay đổi và càng không thể "làm cách mạng" được.
Cho nên, để bước vào một "kỷ nguyên vươn mình" thì chúng ta hãy bắt đầu bằng "kỷ nguyên... nói thật". Chỉ có nói thật thì mới tu sửa được từ chính mình đến cả bộ máy.
3. Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết "Rạng rỡ Việt Nam". Trong bài viết đó, Tổng Bí thư đề ra 7 nhiệm vụ mà Đảng phải thực hiện để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Trong đó, nhiệm vụ thứ tư là: "Quyết tâm củng cố tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo. Trong nhiều kỳ đại hội gần đây, các văn kiện đại hội đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đảng cũng đã liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại...
Chính vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng. So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tình trạng "nói không đi đôi với làm".
Có lẽ (theo tôi), đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất, bởi liên quan đến công tác cán bộ và thể chế. Nếu không làm tốt nhiệm vụ này thì các nhiệm vụ khác cũng khó mà thực hiện được.
Và, chúng ta hãy đồng hành cùng Tổng Bí thư Tô Lâm là bắt đầu thực hiện "kỷ nguyên nói thật".