Kinh tế thế giới, dưới những đám mây đen
Chưa bao giờ cụm từ "suy thoái kinh tế" được tìm kiếm nhiều đến thế trên thanh công cụ Google. Nó phản ánh sự quan tâm cũng như thái độ bi quan của phần lớn công chúng đối với triển vọng của nền kinh tế hiện tại.
Đoàn tàu đã chệch hướng
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố gần nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá: "Những cú sốc đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu vốn đã suy yếu vì đại dịch: Lạm phát cao hơn dự báo trên toàn thế giới - đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn châu Âu - khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn; suy giảm kinh tế hơn dự báo ở Trung Quốc do các đợt bùng dịch và biện pháp phong tỏa; các tác động tiêu cực lan rộng từ cuộc xung đột ở Ukraine". IMF ước tính kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng âm 2,9% trong quý II-2022 so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, IMF lần thứ hai liên tiếp hạ mức dự báo tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế thế giới trong 2 năm tiếp theo. Đây là dấu hiệu cho thấy tổ chức theo dõi kinh tế lớn nhất thế giới cho rằng nền kinh tế thế giới đã bước vào một cuộc suy thoái thực thụ.
Thực tế, không phải đợi đến báo cáo của IMF, các dấu hiệu suy thoái mới trở nên rõ rệt. Trước đó, những báo cáo cập nhật từ Mỹ, Anh, Đức và Trung Quốc đều ghi nhận tăng trưởng âm trong quý II. Nền kinh tế Đức được ghi nhận lập kỷ lục khi suy giảm trong một quý lên tới 10%, do việc một loạt nhà máy phải cắt giảm sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Về mặt kỹ thuật, Mỹ đã rơi vào suy thoái sau khi có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Còn Anh được dự báo bước vào suy thoái trong quý IV năm nay và tăng trưởng âm trong cả năm 2023. Nền kinh tế Trung Quốc cũng không tránh khỏi cơn lốc này, khi suy giảm 2,6% so với quý trước đó, do những cú sốc đến từ thị trường bất động sản.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn hiếm hoi tăng trưởng dương ở mức 2,2% trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phần lớn tăng trưởng này không đến từ các yếu tố trong nước mà từ hoạt động xuất khẩu với các đơn hàng được ký trước đó, khi guồng máy kinh tế toàn cầu mới mở cửa trở lại. Sự sụt giảm nhu cầu ở nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế nước này đi chệch hướng trong tương lai gần do tăng trưởng tiềm năng thấp. Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu của thế giới bắt đầu chững lại khi thiếu vắng các hợp đồng mới. Nhiều mặt hàng được coi là cơ bản của nền kinh tế như nhôm, đồng, quặng sắt và dầu mỏ đều giảm giá từ 10-30% so với thời điểm cách đây 5 tháng, khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine. Thị trường điện tử, hàng tiêu dùng, hoạt động kỹ thuật số cũng đang ghi nhận mức suy giảm. Ở chiều ngược lại, giá lương thực và năng lượng vẫn tăng phi mã, dẫn đầu cho một làn sóng lạm phát mới ở cấp độ toàn cầu. Nỗi sợ hãi về việc vừa xảy ra suy thoái, vừa lạm phát đã trở thành hiện thực.
Vòng xoáy khủng hoảng
Với những số liệu kinh tế tồi tệ trên khắp thế giới, việc thừa nhận cuộc khủng hoảng hay suy thoái có lẽ là việc khó tránh khỏi. Nhưng, không phải ở đâu việc chấp nhận suy thoái cũng là dễ dàng. Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đánh giá đưa ra bởi IMF không nhận được sự đồng tình của nước này. Trung Quốc vẫn đang "một mình một chiến tuyến" khi duy trì chính sách đóng cửa chống dịch, khiến cho số liệu kinh tế bị đánh giá là không đầy đủ. Dẫu vậy, vẫn có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế từng là đầu tàu của cuộc phục hồi gần nhất đối với thế giới cũng đang "lâm bệnh".
Hôm 15-8 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản từ mức 2,85% xuống 2,75%, điều này trái ngược với dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên không đổi trước đó. Tuy nhiên, đây cũng đã là đợt giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu năm của PBOC, động thái mà theo họ là để tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID. Đó cũng là tín hiệu cho thấy cỗ máy sản xuất khổng lồ của Trung Quốc đang đánh mất tốc độ.
Ở chiều ngược lại, các nước châu Âu và Mỹ lại đang tăng lãi suất cơ bản liên tiếp khi phải đương đầu với nguy cơ quá lớn từ lạm phát. Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang đối diện với mức độ lạm phát 8,9% và vừa phải tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm. Trong khi đó, ở Mỹ, người ta đã sớm khẳng định vào đầu tháng 9 tới, một đợt tăng lãi suất ít nhất 0,5 điểm nữa cũng sẽ diễn ra khi mà mức độ lạm phát ghi nhận vẫn trên 8%. Việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được cho là không thể tránh khỏi, khi mà lạm phát của Mỹ đang ở mức khủng khiếp nhất trong 50 năm qua và còn nhiều dấu hiệu có thể tiếp tục xấu đi. Thực tế, những động thái tăng lãi suất của FED cũng đem lại hiệu quả khi kiềm chế được tốc độ lạm phát và ngăn chặn phần nào đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ trong quý II vừa qua ở mức âm 0,9% so với mức âm 1,6% quý trước đó.
Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ lại không hoàn toàn đồng tình với những hành động của FED. Bất chấp nguy cơ lạm phát có thể làm thủng túi tiền của người dân Mỹ thì hôm 16-8 vừa qua, Tổng thống Joe Biden lại ký thông qua dự luật trị giá 430 tỷ USD. Dù có tên là luật "Giảm lạm phát" nhưng thực tế đây là hành động bơm tiền của chính phủ cho các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực y tế, năng lượng tái tạo và tài chính. Những dự luật tương tự đã bị bác bỏ trước đó vì nguy cơ bơm tiền vào nền kinh tế lúc này sẽ làm gia tăng lạm phát, nhưng lần này đảng Dân chủ vẫn rất quyết tâm ban hành dự luật ở thời điểm chỉ 2 tháng nữa, cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra và đảng Dân chủ không muốn mất ưu thế ở quốc hội hiện nay.
Việc thông qua một dự luật như thế sẽ thu hút sự chú ý của cử tri và những người ủng hộ đảng Dân chủ nhưng nó cũng có thể xem là "quả bom hẹn giờ" với nền kinh tế Mỹ. Đây vốn là một "chiêu thức" quen thuộc mà chính quyền ông Joe Biden từng áp dụng nhiều lần kể từ khi lên nắm quyền: Dùng những gói cứu trợ để thúc đẩy thị trường việc làm, tiêu dùng, cứu lấy chỉ số GDP. Nói như giáo sư Tom Velk, người từng là giáo sư thỉnh giảng tại Hội đồng Thống đốc của FED thì hành động này của Chính phủ Mỹ chẳng khác nào "ném nửa nghìn tỷ khúc gỗ vào đống tiền giấy đang cháy để giữ cho ngọn lửa GDP ở mức sôi sục". Vấn đề là quyết định này đi ngược lại hoàn toàn nỗ lực kiểm soát lạm phát của FED hiện nay, khiến việc điều hành kinh tế vĩ mô càng trở nên khó khăn.
Đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại, khi trước đó, bản cập nhật kinh tế quý II của nước Mỹ đưa ra hồi cuối tháng 7 cũng gây nhiều tranh cãi. Trước đây, đối với những người làm thống kê, 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm là yếu tố cơ bản đủ để đánh giá một nền kinh tế đã bước vào giai đoạn suy thoái. Nhưng, với nước Mỹ lần này, việc đánh giá được đưa ra rất thận trọng.
Những tranh cãi đã nổ ra khi các nhà chuyên môn đồng thời viện dẫn hàng loạt những chỉ số đánh giá khác về việc làm, thu nhập hộ gia đình, chi tiêu tiêu dùng,... để từ đó tạm thời phủ nhận việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bước vào một cuộc suy thoái. Thay vào đó, người ta cho rằng đây chỉ là một hiện tượng "sụt giảm nhẹ" - theo báo cáo của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), nơi tập hợp những nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Việc từ chối thừa nhận nền kinh tế lớn nhất thế giới đã suy thoái cũng có nghĩa là chính quyền Washington đang từ chối thừa nhận rằng họ phạm sai lầm và sẽ không đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn để vãn hồi sự ổn định. Những tranh cãi này đang làm gia tăng độ nghi ngờ của công chúng Mỹ.
Ở thời điểm hiện tại, những chỉ dấu về cuộc suy thoái kinh tế ở quy mô toàn cầu là rất rõ ràng. Lạm phát ở phương Tây kéo theo khả năng tiêu dùng kém sẽ khiến lượng xuất khẩu ở các nước châu Á bị sụt giảm, ảnh hưởng chung đến cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu. Đứt gãy trong chuỗi cung ứng càng làm vấn đề trở nên trầm trọng. Sự thiếu hụt hàng hóa đồng thời diễn ra với sự dư thừa sản xuất ở những nơi khác. Nhưng, những rạn nứt trong quan hệ quốc tế thời gian qua đang khiến cho các đối tác lớn khó ngồi lại đối thoại với nhau để tìm giải pháp chung.
Cuộc suy thoái kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất nhiều đến người nghèo. Thay vì đặt ra câu hỏi: "Bao giờ cuộc suy thoái sẽ bắt đầu?", có lẽ chúng ta nên đối diện với câu hỏi: “Cần phải đương đầu với cuộc suy thoái này như thế nào?".