Kinh tế Ấn Độ bùng nổ và thách thức

Thứ Hai, 25/12/2023, 15:23

Với nền kinh tế có đà tăng trưởng lớn, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trở thành động lực cho kinh tế thế giới giai đoạn tiếp theo.

Cờ đã đến tay

Số liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ trong quý III/ 2023 tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. "Ấn Độ một lần nữa có được tốc độ tăng trưởng nổi bật so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới", ông Rahul Bajoria, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Barclays tại Ấn Độ cho biết. So với Trung Quốc, nền kinh tế giữ vị trí tăng trưởng cao nhất của nhóm Các nước có nền kinh tế lớn (G20) trong nhiều năm chỉ đạt mức tăng 4,9%, con số Ấn Độ đạt được trong thời gian qua là hết sức ấn tượng.

Kinh tế Ấn Độ bùng nổ và thách thức -0
Thủ tướng Modi có nhiều việc phải làm.

Theo ông Bajoria "thành quả tăng trưởng của Ấn Độ xuất phát từ nhu cầu trong nước, đầu tư công, và tâm lý lạc quan của người tiêu dùng". Nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng, Ấn Độ sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thời gian tới. IMF nhận định, kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 5,4% trong năm nay. Nhưng đối với Ấn Độ, IMF dự báo mức tăng trưởng kinh tế của năm tài khoá kết thúc vào ngày 31/3/2024 là 6,3%, còn Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) kỳ vọng con số có thể đạt 6,5%.

"Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ hiện đang vững vàng và ổn định", nhà kinh tế trưởng Upasna Bhardwaj của Ngân hàng Kotak Mahindra nhận định. Bà Bhardwaj cho rằng Ấn Độ có được sự tăng trưởng kinh tế như vậy là nhờ sự khởi sắc của lĩnh vực sản xuất, một chỉ số vô cùng quan trọng thể hiện sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh lãi suất chung toàn cầu vẫn ở mức cao. Ngoài ra, hoạt động xây dựng cũng diễn ra sôi động, kéo theo tăng trưởng khả quan ở các ngành liên quan như xi măng, sắt thép, dịch vụ,... Các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng vững trong quý 4 năm nay - thời điểm có những lễ hội lớn giúp thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình. Tháng 10/2023, doanh số bán ô tô ở Ấn Độ tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước - theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ (SIAM) - cho thấy sự lạc quan của người dân khi họ sẵn sàng chi tiêu những khoản lớn.

Từ lâu, các chuyên gia thường ví kinh tế Ấn Độ như một con voi - rất khó dịch chuyển, nhưng một khi đã cử động là sẽ gây ra ảnh hưởng lớn. Điều này dường như đang trở thành sự thật. Khi kinh tế toàn cầu liên tiếp trải qua khủng hoảng, Ấn Độ vẫn vươn lên mạnh mẽ. Năm 2017, nền kinh tế Ấn Độ vượt qua Pháp và đến năm 2022, họ vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Trong 10 năm qua, GDP của quốc gia đông dân nhất thế giới hiện tại đã tăng gấp đôi, bất chấp những tác động xấu từ thị trường toàn cầu.

Đầu năm nay, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ, các đại diện của Ấn Độ xuất hiện tại các con phố chính ở Davos nhiều đến nỗi có nhà đầu tư từng mô tả con phố này như một "Ấn Độ thu nhỏ". Tháng 9/2023, Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại New Delhi đã giúp thị trường chứng khoán nước này liên tiếp lập đỉnh. Ấn Độ đang tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn trên bản đồ kinh tế thế giới. Báo cáo gần đây của tổ chức Fitch Solutions cho biết thị trường tiêu dùng tại Ấn Độ sẽ lớn nhất thế giới trước năm 2027, do số gia đình thu nhập trung bình và cao đang tăng. IMF cũng dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước năm 2030. Các đánh giá lạc quan cho thấy điều này sớm nhất là năm 2027. Khi đó, GDP Ấn Độ sẽ là 5.430 tỷ USD, xếp trên Đức: 5.330 tỷ USD và Nhật Bản: 4.570 tỷ USD. Nếu Ấn Độ có thể duy trì tốc độ này trong hai thập kỷ tới và tăng trưởng 5%/ năm trong giai đoạn sau đó trong khi Mỹ duy trì mức tăng 2%/năm như hiện tại - một kịch bản rất dễ xảy ra - thì họ sẽ vượt qua cả nền kinh tế Mỹ vào năm 2073.

Có nhiều yếu tố giúp thúc đẩy kinh tế Ấn Độ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đầu tiên, GDP bình quân đầu người của đất nước này hiện chỉ bằng 20% của Trung Quốc và 5% của Mỹ nên đà tăng trưởng sẽ rất lớn. Khi vốn và kỹ năng của lực lượng lao động được tích lũy đủ, Ấn Độ có thể đạt được mức tăng năng suất lớn trong thời gian ngắn. Ấn Độ cũng được hưởng lợi thế từ dân số trẻ và đông. Khi các công ty đa quốc gia đang chuyển sang chiến lược "Trung Quốc +1", Ấn Độ có trong việc trở thành nước "+1" nhờ sở hữu thị trường lớn nhất trong số các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Ấn Độ đang kiên trì giữ mối quan hệ "hợp tác" với hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới. Mỹ coi Ấn Độ là "đồng minh quan trọng nhất" trong thế kỷ tới. Việc Ấn Độ vẫn giữ quan hệ với Nga và Trung Quốc trong giai đoạn căng thẳng vừa qua giúp nền kinh tế nước này được hưởng lợi. Vị thế đi sau của Ấn Độ giúp họ rút ra được nhiều bài học trong một thế giới cạnh tranh gay gắt hiện tại. Sự vươn lên của kinh tế Ấn Độ là không thể tránh khỏi và càng quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc  đang chững lại, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ thay thế Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới trong những thập kỷ tới.

Kinh tế Ấn Độ bùng nổ và thách thức -0
Kinh tế Ấn Độ đang có đà tăng trưởng tốt.

Những thách thức

Dân số lớn có thể là ưu thế lớn nhất của Ấn Độ nhưng đây cũng là một thách thức đáng kể. Phần lớn dân số Ấn Độ vẫn sống ở nông thôn và nghèo so với thế giới. Việc đảm bảo đời sống cho 1,4 tỷ người là bài toán không dễ dàng. Tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ tương đối cao so với những nền kinh tế phát triển. Từ năm 2000-2022, tỷ lệ này luôn dao động ở mức 8% so với mức 5% của Trung Quốc. Để tận dụng tối đa lợi thế của dân số trẻ, Ấn Độ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là ở phụ nữ. Chưa đến 25% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động của Ấn Độ, so với 60% ở Trung Quốc và Mỹ. Tăng cường đầu tư cho nền giáo dục tốt hơn ở mọi cấp độ sẽ đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực thay đổi đó.

Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo Ấn Độ nên mở rộng cửa nền kinh tế hơn nữa. Không quốc gia nào muốn tăng trưởng cao duy trì quan điểm bảo hộ như Ấn Độ. Ấn Độ cần phải đi theo xu hướng toàn cầu hóa để mở rộng thị trường cũng như hợp tác để phát triển. Dỡ bỏ thuế quan, đạt được nhiều thỏa thuận thương mại tự do hơn với các nền kinh tế và khối thương mại lớn, đồng thời ngưng việc sử dụng biện pháp chống bán phá giá là những chủ trương cần được chính phủ Ấn Độ thực hiện xuyên suốt. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi thuộc đảng Nhân dân cầm quyền liên tục 2 nhiệm kỳ vừa qua có quan điểm dân tộc giúp nâng cao vị thế đất nước, nhưng cũng đồng thời thực hiện nhiều chính sách bảo hộ mạnh mẽ. Mới nhất, tháng 8/2023, Ấn Độ đã ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đột ngột để bảo vệ thị trường trong nước, gây khó khăn cho các đối tác của mình.

Ấn Độ cũng không thể tự mãn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng chính phủ cần phải nhanh chóng tư nhân hóa một số doanh nghiệp thuộc khu vực công, đặc biệt là các ngân hàng có lịch sử lâu dài nhưng lợi nhuận thấp. Cải cách thuế cần được ưu tiên khi các doanh nghiệp thường xuyên phàn nàn về một hệ thống phức tạp, thiếu minh bạch. Ấn Độ thiếu những doanh nghiệp lớn đủ mạnh. Những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) giữ vị trí xương sống trong nền kinh tế Ấn Độ. Họ chiếm 95% số doanh nghiệp, tạo ra 30% GDP, chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu và sử dụng 110 triệu lao động trực tiếp nhưng lại thường quá nhỏ và yếu nên dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động từ bên ngoài. Trong đại dịch COVID-19, chỉ trong 12 tháng, 10% số MSME đã đóng cửa, trong khi 59% phải thu hẹp quy mô do không đủ sức chống chịu trước khủng hoảng.

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Chính phủ Ấn Độ sẽ phải cố gắng nhiều nếu muốn trở thành trung tâm sản xuất của thế giới. Trung Quốc trong một thời gian dài thường xuyên đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng và các tuyến giao thông cho phép hàng hóa di chuyển dễ dàng. Ấn Độ chưa có được ưu thế này. Đây chính là mục tiêu mà ông Modi hướng tới trong nhiệm kỳ thứ 3 của mình sau cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới.

Tử Uyên
.
.