Kiên định và sáng tạo

Thứ Ba, 12/03/2024, 18:41

Tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, các đồng chí trong Tổ Biên tập, Thường trực Tổ Biên tập cần quán triệt sâu sắc và thống nhất cao một số vấn đề về phương châm, phương pháp tư tưởng, hệ quan điểm chỉ đạo và cách làm. Trong đó, phải nắm vững và xử lý tốt "4 kiên định", đặc biệt là kiên định một cách sáng tạo và sáng tạo một cách kiên định theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, vì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta là lâu dài và chưa có tiền lệ, còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội XIV của Đảng. Để giúp việc cho Tiểu ban Văn kiện, Ban Bí thư cũng đã quyết định thành lập Tổ Biên tập Văn kiện.

Đại hội XIV của Đảng sẽ tiến hành vào thời điểm rất có ý nghĩa. Đó là thời điểm chúng ta đã trải qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991), 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta đã giành được nhiều kết quả rất quan trọng, nổi bật, với nhiều điểm sáng, tạo tiền đề để nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Kiên định và sáng tạo -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ nhất, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: TTXVN

Đại hội XIV sẽ là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam), trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội XIV, đặc biệt là Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội.

Tổng kết để kiên định con đường đi, điều này khẳng định tính nguyên tắc của công cuộc đổi mới, được khẳng định trong Cương lĩnh năm 1991, đồng thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái với Cương lĩnh, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân. Thực tiễn, khi Đảng ta tiến hành những công việc quan trọng, nhất là việc soạn thảo các văn kiện đại hội thì các thế lực xấu lại tìm cách "tung hỏa mù", tạo ra những luồng tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch hòng gây phân tâm, làm nhiễu dư luận.

Một trong những thủ đoạn của họ là viết "thư ngỏ" gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời tán phát trên mạng Internet. Các phần tử cơ hội cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để đánh giá lại và "xác định lại con đường đi". Cùng với "thư ngỏ", họ đồng thời đưa ra yêu sách mang tư tưởng chống đối, phản động, đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải thực hiện lại Hiến pháp năm 1946 và chê độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, hủy bỏ hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phải đặc xá, trả tự do cho các "tù nhân lương tâm"...

Cũng như việc chuẩn bị các kỳ đại hội trước đây, tiến trình đổi mới là đánh giá, tổng kết để đúc rút kinh nghiệm, chỉnh sửa những vấn đề khiếm khuyết, những hạn chế để hoạch định đường lối, chính sách phù hợp. Còn con đường xây dựng, phát triển của dân tộc đã được lịch sử lựa chọn từ năm 1930, được xác định rõ bằng các đặc trưng trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011. Tổng kết để kiên định con đường đi, đó là vấn đề có tính nguyên tắc chứ không phải "tìm con đường đi khác", "xác định lại con đường đi" như một số luận điệu của các thế lực xấu.

Do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ phải kiên định hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phải nắm vững và xử lý tốt "4 kiên định" nêu trên, đặc biệt là kiên định một cách sáng tạo và sáng tạo một cách kiên định theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, vì con đường đi lên CNXH ở nước ta là lâu dài và chưa có tiền lệ, còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cốt lõi của hệ quan điểm này là kết hợp một cách khoa học giữa nền tảng tư tưởng, mục tiêu lý tưởng, đường lối của Đảng với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, tuân theo quy luật khách quan. Điều đó cũng có nghĩa là kiên định phải đi đôi với đổi mới nhưng là sự đổi mới có nguyên tắc, không tùy tiện, nóng vội.

Xây dựng các văn kiện Đại hội XIV cũng chính là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tương lai, đòi hỏi chúng ta phải thực sự quán triệt các quan điểm khách quan, toàn diện, ổn định và phát triển. Phải nắm vững và vận dụng sáng tạo phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất phù hợp; quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Trong sự nghiệp phát triển, kẻ địch thường bới móc những vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực để miệt thị, đổ vấy cho chế độ cộng sản. Trong khi đó, sự phát triển, sự tiến bộ là khuynh hướng chung, là dòng chảy chủ đạo với những con số, dữ liệu thể hiện trong thực tiễn đời sống xã hội thì họ cố tình lảng tránh, bỏ qua. Trang Yahoo Finance (Hoa Kỳ) mới đây đăng bài viết cho biết, Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á nằm trong số 20 nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây. Số liệu trong bài viết trên căn cứ nguồn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cụ thể, các nhà phân tích đã xem xét mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực (GDP thực là thước đo tổng sản phẩm quốc nội đã điều chỉnh lạm phát, phản ánh giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ do một nền kinh tế tạo ra trong một năm nhất định) dựa vào dữ liệu trong giai đoạn 2012-2022 để tính mức tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua. Theo đó, với mức tăng trưởng GDP thực trung bình là 6,1% trong một thập niên trở lại đây, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Ngành nông nghiệp của Việt Nam là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiến nhanh nhất trên thế giới về tăng chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 46%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Theo các tổ chức và chuyên gia quốc tế, đây là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn đặt con người là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Báo cáo hạnh phúc thế giới 2023 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về chỉ số hạnh phúc, với GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt hơn 4.160 USD và tuổi thọ trung bình của người dân là trên 73, cao hơn mức trung bình khu vực. Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam nay đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trong lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, tiến bộ công nghệ..

Đương nhiên, trong quá trình phát triển, chúng ta nhận thức rõ các thách thức, tồn tại và áp lực nhưng không thể áp đặt bằng cách nhìn bi quan từ những mảng màu sẫm trong đời sống rồi nguyền rủa, chửi bới, đổ lỗi chế độ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, rõ ràng chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải kiên định con đường đi, đồng thời đẩy mạnh đổi mới, cải cách để phát triển bền vững.

Đăng Minh
.
.