Kiềm chế

Chủ Nhật, 11/09/2022, 10:56

Tình trạng dằng dai trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine còn có những nguyên nhân sâu xa mà chỉ có những phân tích thực địa trên chiến trường mới có thể đưa ra được những kết luận gần với sự thật nhất...

Cuộc chiến tiêu hao

Cuộc chiến giữa Nga với Ukraine đã kéo dài quá 6 tháng, vượt xa mọi dự đoán dù là táo bạo nhất. Nó cho thấy một thực tế là người ta có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh theo dự tính nhưng không bao giờ có thể kết thúc được nó như mong muốn.  Việc Nga có ưu thế vượt trội về năng lực quân sự cũng như quy mô kinh tế, quốc phòng so với Ukraine khiến những dự đoán ban đầu về một chiến thắng nhanh chóng của Moscow dường như có nhiều cơ sở.

Tuy vậy, điều duy nhất mà người ta chắc chắn sau khi phát động một cuộc chiến chính là không biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Sau khi không đạt được thắng lợi nhanh chóng trong thời gian đầu cuộc chiến, Nga đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để thích nghi với tình hình trên chiến trường mà thực tế hơn cả là làm chủ hai vùng ly khai ở phía Đông và dải hành lang phía Nam Ukraine, khóa chặt đường ra biển của Kiev.

Nếu không giành được một chiến thắng tối hậu mang tính toàn diện, Moscow muốn chiếm thế thượng phong trong những cuộc đàm phán tương lai về an ninh của mình bằng cách làm chủ càng nhiều càng tốt những khu vực của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai hay bản thân các lực lượng vũ trang Nga.

Thế nhưng, sau khi cuộc chiến đã kéo dài hơn nửa năm, chính quyền của Tổng thống Zelensky vẫn đang kiểm soát một vùng rộng lớn của đất nước Ukraine, không bằng lòng với thực trạng những vùng lãnh thổ của mình bị lực lượng ly khai hay Nga chiếm giữ. Những lời kêu gọi, dù là với mục đích tuyên truyền hay tung hỏa mù, về các cuộc phản công nhằm đẩy hoàn toàn các lực lượng Nga ra khỏi biên giới Ukraine, xuất hiện ngày càng nhiều.

Kiềm chế -0
Cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã bị đẩy vào tình thế dằng dai, trở thành cuộc chiến tiêu hao với con số ước đoán hàng trăm ngàn binh lính và dân thường của hai bên có thể đã thiệt mạng. Ảnh: S.t

Trên mặt trận truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev khẳng định rằng Tổng thống Ukraine, ông Zelensky chỉ có 2 lựa chọn: “Hoặc phải chịu xét xử ở tòa án quân sự hoặc quay trở lại các vai phụ trong những chương trình hài"; còn Tổng thống Zelensky, trong bài phát biểu về chiến dịch phản công của quân Ukraine ở miền Nam nước này, cũng nói rằng “các lực lượng Nga chỉ có thể lựa chọn giữa bỏ chạy hoặc đầu hàng”.

Bất chấp những lời khẳng định của hai phía về những đợt phản công và chống phản công, trong suốt nhiều tuần lễ, chiến tuyến giữa hai bên hầu như không có thay đổi nào. Cũng không có dấu hiệu về một bước đột phá mang tính quyết định nào trên chiến trường dù hai phía đều tung ra những thông tin cũng như lời hứa hẹn về “thắng lợi” trên chiến trường.

Tất cả chỉ để nói lên một thực tế là cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã bị đẩy vào tình thế dằng dai, trở thành một cuộc chiến tiêu hao với con số ước đoán hằng trăm ngàn binh lính và dân thường của hai bên có thể đã thiệt mạng.

Nguyên nhân sâu xa

Tình trạng dằng dai trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine còn có những nguyên nhân sâu xa mà chỉ có những phân tích thực địa trên chiến trường mới có thể đưa ra được những kết luận gần với sự thật nhất.

Bản chất của cuộc xung đột tại Ukraine là cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây, dẫn đầu là Mỹ. Mỹ đi đầu trong những nỗ lực thành lập một “liên minh viện trợ”, đồng thời cũng là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, đặc biệt là các trang bị vũ khí hiện đại để Kiev có thể tự tin đối chọi lại các trang thiết bị vũ khí quân sự của Nga.  Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động hạng nhẹ HIMARS mà Mỹ trang bị cho quân đội Ukraine và được Kiev coi như báu vật là một ví dụ về những viện trợ này.

So với khả năng trút khoảng 20.000 đạn pháo/ngày của pháo binh Nga ở chiến trường, số lượng nhỏ hệ thống HIMARS mà Mỹ cung cấp tuy không thể giúp Ukraine cân bằng hỏa lực nhưng vẫn có thể tấn công sâu vào hậu tuyến, pháo kích cầu cống và những tuyến đường tiếp vận của quân Nga, do đó phần nào hạn chế ưu thế của Moscow trên chiến trường. Điều đó thể hiện khá rõ trong chiến dịch phản công của quân Ukraine nhằm vào khu vực Kherson mà Nga đang kiểm soát.

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố của phía Nga rằng việc các nước, trong đó có Mỹ, tiếp viện vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc đối đầu với Nga, có bằng chứng cho thấy những đoàn tiếp viện vũ khí của phương Tây cho phía Ukraine đã không bị lực lượng Nga tấn công trực tiếp. Chỉ khi những vũ khí này đã được chuyển giao cho lực lượng Ukraine, chúng mới trở thành mục tiêu của các đòn tấn công bằng tên lửa chính xác hay máy bay chiến đấu của Nga. Điều này chỉ có thể được giải thích rằng phía Nga cân nhắc rằng một khi những đoàn tiếp viện vũ khí của phương Tây cho Ukraine bị tấn công, khả năng binh sĩ hay công dân phương Tây bị sát hại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi ấy, sức ép của việc công dân bị sát hại có thể dẫn tới hậu quả là các chính phủ phương Tây và Mỹ sẽ buộc phải can dự nhiều hơn, sâu hơn vào cuộc chiến, khả năng đối đầu trực diện giữa Nga với phương Tây sẽ tăng lên một cách đáng kể. Đó là điều Nga không mong muốn.

Trước hiện tượng hàng loạt tướng lĩnh của Nga thiệt mạng trên chiến trường do các đòn tấn công chính xác của quân Ukraine hay sự kiện tuần dương hạm Moscow của Hạm đội Biển Đen bị đánh chìm, đã xuất hiện thông tin cho rằng sở dĩ phía Ukraine làm được những điều đó là nhờ vào dữ liệu do hệ thống tình báo của Mỹ cung cấp. Tuy vậy, Nga cũng hoàn toàn im hơi lặng tiếng, không hề có bất cứ một phản ứng nào đối với các thông tin này.

Kiềm chế từ cả hai phía

Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng âm thầm thực hiện một số giới hạn nhất định để không đẩy cuộc xung đột vượt qua giới hạn, giảm tối đa khả năng bị kéo vào cuộc chiến và biến nó trở thành một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Mỹ thẳng thừng từ chối yêu cầu của Ukraine lập những “vùng cấm bay” trên không phận Ukraine để bảo vệ các mục tiêu khỏi các cuộc không kích của Nga bởi vì thực hiện điều đó có nghĩa sẽ dẫn tới nguy cơ đụng độ quân sự trực tiếp với quân đội Nga.

Mỹ thường xuyên khẳng định rằng phương Tây không dính líu trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine. Washington từ chối để các đồng minh châu Âu cung cấp bất kỳ trang thiết bị quân sự nào đủ sức mạnh và tầm bắn sát thương để tấn công ở cự ly lớn, qua đó ngăn các lực lượng Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga.

Chẳng hạn với hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động hạng nhẹ HIMARS có thể bắn tên lửa đất đối đất ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km, Mỹ được cho là chưa cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS nhằm tránh nguy cơ Kiev dùng HIMARS tấn công vào lãnh thổ Nga.

Nhận xét về hệ thống HIMARS do Mỹ viện trợ, Tổng thống Zelensky cho rằng, loại vũ khí này đang “tạo ra sự khác biệt” nhưng phương Tây vẫn còn “viện trợ quá ít” so với những gì Ukraine cần để lật ngược tình thế.

Có thể thấy là cả Mỹ và phương Tây đang cố gắng điều hành một cách cẩn thận những sự trợ giúp đối với Ukraine để không dẫn tới nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga. Cả Nga cũng thực hiện một số giới hạn để tránh khả năng Mỹ và phương Tây can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, trước sau như một vẫn chỉ khẳng định rằng đấy chỉ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chứ không phải một cuộc chiến tranh.  Sự kiềm chế của cả hai phía này mới là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng cuộc xung đột quân sự ở Ukraine không có bước biến chuyển đáng kể nào trong một thời gian dài.

Toan tính

Vậy điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới?

Dự đoán những diễn tiến của một cuộc chiến khi không có đầy đủ dữ liệu sát với thực tế là một điều không khả thi.

Căn cứ vào những vụ ám sát các nhà lãnh đạo tại những vùng do phía Nga kiểm soát, kể cả gài bom giết chết con gái một triết gia chính trị thân Nga cũng như hàng loạt vụ phá hoại nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga trong thời gian gần đây, có thể thấy Ukraine đủ khả năng quấy rối, không để người Nga còn cảm thấy an toàn nữa, kể cả trên lãnh thổ của mình.

Tuy vậy, từ những vụ tấn công quấy rối đó không đồng nghĩa với việc đi tới kết luận chắc chắn là phía Ukraine có đủ khả năng đòi lại toàn bộ những vùng lãnh thổ do phía Nga và lực lượng ly khai đang kiểm soát.

Như đã phân tích, sự kiềm chế của cả phía Nga và Mỹ là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến cuộc xung đột quân sự ở Ukraine lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không có bước đột phá mang tính quyết định để đi đến một kết thúc.

Mỹ và phương Tây tin tưởng rằng một cuộc chiến kéo dài như thế sẽ khiến Nga - do áp lực của cả những đòn phối hợp trừng phạt kinh tế trên diện rộng - sẽ buộc phải ngồi vào bàn thương lượng để chấp nhận những điều kiện có lợi cho Ukraine.

Ngược lại, Nga cũng tính toán rằng, với những tác động của một cuộc chiến đủ lâu, vũ khí khí đốt và năng lượng của Nga sẽ có tác động đến các nền kinh tế châu Âu, phá vỡ khối đoàn kết của phương Tây trong việc ủng hộ Ukraine. Những tác động này cũng có thể xuất hiện trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ ở Mỹ sắp tới. Một khi có sự thay đổi trên chính trường Mỹ, Moscow có khả năng đưa ra các điều kiện có lợi trong các cuộc thương lượng với một Ukraine bị bỏ rơi...

Cuối cùng thì lại quy về một điểm then chốt: Trong cuộc chiến kèo dài này, ai là người chịu đựng được những tiêu hao, tổn thất lâu hơn, có khả năng đó sẽ là người thắng cuộc.

Yên Ba
.
.