Kịch tính những màn “khoe cơ bắp”

Thứ Hai, 26/06/2023, 11:55

Được hoạch định từ năm 2018 nhưng khi Air Defender 2023 diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ giữa Nga với NATO đang lên đến đỉnh điểm căng thẳng do cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, không ai nghi ngờ mục tiêu “khoe cơ bắp” của NATO trước Nga...

Phương Tây tập trận để răn đe

Một ngày đầu tháng 6, phi đội máy bay chiến đấu của NATO gầm rú lao về phía biên giới giữa Nga với Phần Lan, hướng tới thành phố St. Petersburg. Chỉ khi các máy bay này đến sát không phận Nga, cách biên giới vài km, chúng mới bất chợt đảo hướng, quay ngoắt lại...

Đó chỉ là một trong vô số những hoạt động mô phỏng tác chiến trên không của NATO trong cuộc tập trận mang tên Thử thách Bắc Cực 2023 và cảnh phi đội máy bay hiện đại lao về hướng Nga, chỉ đổi hướng vào phút chót là một trong những màn “khoe cơ bắp” của NATO trước Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang bước vào hồi cao trào.

Thử thách Bắc Cực 2023 là cuộc tập trận trên không quy mô lớn diễn ra trên khắp vùng Baltic với nhiều hoạt động diễn ra ở phía bắc Thụy Điển (dù nước này chưa phải là thành viên NATO), Na Uy, các nước ven biển Baltic và Phần Lan. Vậy là ngay khi Phần Lan vừa mới được công nhận là thành viên thứ 31 của NATO hồi đầu tháng 4 vừa qua, NATO lập tức tổ chức một cuộc tập trận không quân với quy mô lớn nhất tại nước này. 150 máy bay chiến đấu của NATO đã được triển khai trên bầu trời Phần Lan, di chuyển từ Tây sang Đông Phần Lan, hướng về phía biên giới Nga, gần thành phố St. Petersburg.

Kịch tính những màn “khoe cơ bắp” -0
Tổng thống Belarus Lukashenko phát biểu với báo chí trong chuyến thăm khu tổ hợp công nghiệp quân sự ở Minsk, ngày 13/6.

Tham gia cuộc tập trận có hầu hết các máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất của NATO như F-35 Lighting II, F-16 Fighting Falcon, JAS39 Gripen, F/A-18 Hornet, Eurofighter Typhoon, Dassault Mirage, Rafale F3R, F-15 Strike Eagle... Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm EADS C-295, máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker, máy bay vận tải Airbus CC-150 Polaris...

Thử thách Bắc Cực 2023 diễn ra ngày 29/5, kết thúc ngày 10/6 và ngay ngày 12/6, NATO lại bắt đầu cuộc tập trận Air Defender 2023, cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử liên minh quân sự này kể từ năm 1949 (kéo dài đến 23/6). Diễn ra tại các căn cứ không quân Đức và Czech, Estonia, Latvia, cuộc tập trận Air Defender 2023 có sự tham gia của 250 máy bay chiến đấu đến từ 25 quốc gia thành viên NATO, trong số đó Mỹ “góp” 100 máy bay. Hai đối tác của NATO là Nhật Bản và Thụy Điển cũng tham gia cuộc tập trận.

Khoảng 10.000 binh sĩ tham gia tập trận nhằm tăng cường khả năng tương tác, bảo vệ chống lại máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong trường hợp lãnh thổ của NATO bị tấn công.

Được hoạch định từ năm 2018 nhưng khi Air Defender 2023 diễn ra đúng vào thời điểm quan hệ giữa Nga với NATO đang lên đến đỉnh điểm căng thẳng do cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, không ai nghi ngờ mục tiêu “khoe cơ bắp” của NATO trước Nga. Đại sứ Mỹ tại Đức Amy Gutmann không ngần ngại nói toẹt ra mục tiêu của cuộc tập trận Air Defender 2023: “Tôi sẽ khá ngạc nhiên nếu các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả ông Putin, không lưu tâm đến tinh thần, đồng nghĩa với sức mạnh, mà liên minh này thể hiện qua cuộc tập trận”.

“Cơ bắp hạt nhân”

Nhưng, nếu bà Đại sứ Mỹ tại Đức nghĩ rằng chỉ NATO mới có khả năng “khoe cơ bắp” (qua các cuộc tập trận) trước ông Putin - một võ sĩ Judo, người từng có những bức ảnh cởi trần cưỡi ngựa ở miền Nam Siberia, bay dù lượn trên bán đảo Yamal, xuống tàu ngầm ở biển Baltic gần đảo Gotland, hay ngồi trong buồng lái một chiếc máy bay tiêm kích Su-27 - thì đã nhầm to!

Màn “khoe cơ bắp” của Nga trước Mỹ và NATO cũng cực kỳ ấn tượng. Ngày 16/6/2023, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF), ông Putin chính thức thông báo Nga bắt đầu triển khai các tên lửa hạt nhân chiến thuật đầu tiên trên lãnh thổ Belarus, một đồng minh thân cận của Moscow và cũng có chung đường biên giới với Ukraine.

Trước đấy 3 tháng, ngày 25/3, Tổng thống Nga Putin bất ngờ tuyên bố, theo yêu cầu của Minsk, Moscow sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Ông Putin nhấn mạnh quyết định này tương tự những gì Mỹ đã thực hiện từ lâu trên lãnh thổ của các đồng minh. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ vẫn duy trì vũ khí hạt nhân ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong đó, Đức vẫn giữ khoảng 20 quả bom hạt nhân B-61 của Mỹ tại căn cứ Không quân Büchel.

Ở thời điểm đó, nhà lãnh đạo Nga nêu rõ quá trình xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus sẽ hoàn tất trước ngày 1/7/2023. 2 tháng sau, ngày 25/5, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin và người đồng cấp Nga Sergey Shoigu đã ký kết các văn kiện xác định quy trình triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại một cơ sở đặc biệt trên lãnh thổ Belarus.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Belarus, ông Viktor Khrenin tuyên bố việc triển khai vũ khí hạt nhân phi chiến lược ở nước cộng hòa này là sự đáp trả chính sách hiếu chiến của các quốc gia không thân thiện.

Theo thỏa thuận, Nga cung cấp cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng mang vũ khí hạt nhân, giúp Minsk tái trang bị máy bay quân sự mang vũ khí chuyên dụng. Đồng thời, phi công và lực lượng tên lửa của Belarus được trải qua các khóa đào tạo ở Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xác nhận Nga vẫn giữ quyền kiểm soát đối với vũ khí hạt nhân phi chiến lược được triển khai ở Belarus.

Đến ngày 13/6, Tổng thống Belarus Lukashenko thông báo Minsk đã bắt đầu tiếp nhận các lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga, sớm hơn so với dự kiến ban đầu lẽ ra vào các ngày 7 và 8/7/2023. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga Rossiya-1, được đăng tải trên kênh Telegram của Hãng thông tấn Belta của Belarus, Tổng thống Lukashenko nói Belarus nhận được tên lửa và bom từ phía Nga và những quả bom (nguyên tử) này mạnh gấp 3 lần so với những quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) trong Chiến tranh thế giới 2.

Tổng thống Lukashenko cũng khẳng định việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus là mong muốn của ông, không phải do Moscow áp đặt. Đây là lần đầu tiên Moscow triển khai vũ khí hạt nhân tầm gần ở ngoài lãnh thổ Nga kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.

Kịch tính những màn “khoe cơ bắp” -0
Không quân NATO huy động lực lượng hùng hậu tham gia tập trận thử thách Bắc Cực 2023.

Căn nguyên vẫn là xung đột ở Ukraine

Theo Tổng thống Nga, việc Moscow nhanh chóng triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus là biện pháp mang tính răn đe đối với những toan tính của phương Tây nhằm khiến Nga thất bại về mặt chiến lược. Ông Putin lưu ý: "Tất cả những ai đang nghĩ đến việc tấn công chiến lược nhằm vào chúng tôi sẽ không quên điều này".

Một trong những lý do chính yếu dẫn tới việc Nga “khoe cơ bắp hạt nhân” liên quan đến quan hệ đối đầu giữa Nga với Mỹ và phương Tây trong nhiều thập kỷ qua, trong đó có việc NATO quân sự hóa toàn diện châu Âu cũng như do sự gia tăng mạnh mẽ hiện diện quân sự của Mỹ và NATO ở Trung và Đông Âu, làm thay đổi cân bằng quân sự tại lục địa già.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, NATO cam kết có thể triển khai ít nhất 300.000 quân ở Trung và Đông Âu, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Ba Lan, các nước Baltic, Romania và các quốc gia Trung và Đông Âu khác. Ngoài ra, NATO tuyên bố các thành viên khối này đặt mục tiêu chi tiêu tối thiểu tương đương 2% GDP cho các hoạt động quân sự quốc phòng.

Nhưng, không thể phủ nhận một điều là lý do trực tiếp dẫn tới biện pháp răn đe hạt nhân của Moscow chính là kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây liên tục gia tăng khối lượng, quy mô và chất lượng viện trợ quân sự cho Ukraine để nhằm chống lại Nga. Ngoại trừ Áo, tất cả các nước EU, thậm chí cả Thụy Sĩ, đều viện trợ cho quân đội Ukraine dưới nhiều hình thức, dù là cho các hoạt động tấn công sát thương, phi sát thương hay huấn luyện.

Trong vòng 12 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và phương Tây đã viện trợ tổng cộng 156 tỷ USD về kinh tế, nhân đạo và trang thiết bị quân sự cho Ukraine, trong đó viện trợ quân sự chiếm vai trò chủ đạo. Các loại vũ khí đủ mọi chủng loại của Mỹ và phương Tây, kể cả một số vũ khí hiện đại nhất trong thời điểm hiện nay, đã xuất hiện trên chiến trường Ukraine. Các loại vũ khí này đã giúp cho Ukraine đứng vững trong suốt 16 tháng qua.

Viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ và phương Tây đóng vai trò rất quan trọng nhưng trong bối cảnh Ukraine đang thực hiện cuộc phản công như hiện nay, chất lượng huấn luyện cho binh lính lực lượng vũ trang Ukraine lại là yếu tố mang tính sống còn. Bởi, những vũ khí trang bị của Ukraine bị phá hủy trong chiến sự có thể được Mỹ và các nước phương Tây nhanh chóng viện trợ bù đắp, nhưng năng lực tác chiến liên hợp của binh lính, khả năng tiếp nhận và vận hành các loại vũ khí trang bị hiện đại cũng như khả năng lập kế hoạch tác chiến, hợp đồng quân binh chủng với nhiều chủng loại vũ khí khác nhau, mới có khả năng giúp cho Ukraine đạt được các mục tiêu trong cuộc phản công mà Mỹ và phương Tây kỳ vọng.

Chiến tranh tiêu hao càng kéo dài, quá trình huấn luyện đó đối với lực lượng Ukraine càng trở nên quan trọng... Như vậy, song song với các hoạt động thực địa trên chiến trường Ukraine hiện nay, cả NATO và Nga, theo những cách khác nhau, đều không ngại ngần “khoe cơ bắp” để tác động tâm lý, hy vọng làm đối phương chùn bước và, không loại trừ khả năng, sẽ sử dụng những gì được chuẩn bị hôm nay cho những xung đột có thể có giữa hai bên trong tương lai.

Yên Ba
.
.