Kịch bản giả định

Thứ Sáu, 26/08/2022, 09:39

Với hàng loạt vụ nổ xảy ra tại các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga, câu hỏi đặt ra là phải chăng một giai đoạn mới trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã xuất hiện và giờ đây người Nga cũng cảm thấy không an toàn ngay cả khi đồn trú ngay trên vùng lãnh thổ của mình?

Giai đoạn mới?

Ngày 18-8, một kho đạn bên trong lãnh thổ Nga cách biên giới với Ukraine chỉ chưa đến 50 km đã phát nổ. Các nhân chứng cho biết, nhiều tiếng nổ lớn vang lên tại khu vực kho đạn.

Trong khi đó, Thị trưởng Sevastopol, ông Mikhail Razvozhayev cho biết có 4 vụ nổ liên tục xảy ra trong đêm 18-8 gần căn cứ không quân Belbek, phía Bắc Sevastopol trên bán đảo Crimea.

Cũng trong đêm 18-8, hệ thống phòng không gần cầu Crimea thuộc thành phố Kerch tại  Crimea cũng đã được kích hoạt. Nguồn tin địa phương nói một máy bay không người lái (UAV) của Ukraine bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ.

Đây là những vụ nổ mới nhất tại những căn cứ quân sự nằm trên đất Nga hoặc ở những vùng mà Moscow tuyên bố đó là vùng lãnh thổ Nga. Trước đấy, hôm 16-8, một kho đạn dã chiến của Nga ở làng Mayskoye, vùng Dzhankoi phía Bắc Crimea đã bị nhắm mục tiêu trong vụ việc mà Bộ Quốc phòng Nga gọi là hành động phá hoại. Đạn dược được cất giữ tại hiện trường đã phát nổ, gây hư hỏng đường dây điện, trạm điện, đường sắt và một số nhà dân. Chỉ ít giờ sau, nhiều tiếng nổ lớn đã vang lên từ một căn cứ không quân của Nga ở Gvardeyskoye, Simferopol trên bán đảo Crimea, cách đó khoảng 93 km.

Kịch bản giả định -0
Ukraine diễn tập ứng phó thảm họa hạt nhân ở nhà máy Zaporizhzhia.

Trước đó nữa, giới chức Nga xác nhận một vụ nổ đã xảy ra tại sân bay quân sự Saki gần làng Novofedorovka, nằm cách cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen của Nga, khoảng 50km về phía Bắc. Các nguồn tin phương Tây tuyên truyền rằng Nga bị mất 9 máy bay trong vụ nổ này nhưng phía Nga chỉ xác nhận là một kho đạn trong sân bay Saki phát nổ, nghi do "hành vi vi phạm quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy" của một số quân nhân và không có máy bay quân sự nào của nước này bị phá hủy trong vụ nổ. 

Với hàng loạt vụ nổ xảy ra tại các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga như thế, câu hỏi đặt ra là phải chăng một giai đoạn mới trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã xuất hiện và giờ đây người Nga cũng cảm thấy không an toàn ngay cả khi đồn trú ngay trên vùng lãnh thổ của mình?

Thế nào là "vùng lãnh thổ Nga"?

Có một thực tế là khi viện trợ các loại trang bị vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các loại pháo bắn loạt hay pháo tầm xa, Mỹ và các nước phương Tây đều tuyên bố chính thức rằng họ đặt điều kiện với phía Ukraine là không được phép sử dụng các loại vũ khí này tấn công các mục tiêu nằm trên lãnh thổ Nga. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì Mỹ và các đồng minh phương Tây lo ngại những cuộc tấn công như vậy sẽ làm xung đột leo thang và kéo Mỹ cũng như phương Tây vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.

Tuy nhiên, lại một câu hỏi nữa được đặt ra là như thế nào được coi là "vùng lãnh thổ Nga"?

Bởi trước sau như một, Ukraine vẫn coi bán đảo Crimea, khu vực đã được sát nhập vào Nga năm 2014 là vùng lãnh thổ của mình bị Nga chiếm đóng. Một số quan chức Ukraine từng tuyên bố các lực lượng nước này có thể nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea hoặc cầu Crimea mà Kiev cho là tuyến tiếp vận quan trọng cho các lực lượng Nga ở Ukraine.

Theo người phát ngôn cơ quan tình báo quân đội Ukraine Vadim Skibitskiy, Crimea có thể trở thành mục tiêu của pháo phản lực M142 HIMARS và M270 MRLS, cả hai loại đều do Mỹ và phương Tây cung cấp. Ông Oleksiy Daniov, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine tuyên bố Kiev sẽ "không ngần ngại" tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga, trong bối cảnh nước này đang nhận thêm nhiều vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ.

Trong khi ấy, phía Nga khẳng định rằng sau một cuộc trưng cầu ý dân hợp pháp và với đa số phiếu áp đảo ủng hộ sát nhập vào Nga, khu vực bán đảo Crimea là vùng lãnh thổ của Nga và bất kỳ một cuộc tấn công nào nhằm vào Crimea cũng có nghĩa là tấn công vào nước Nga.

Tháng trước, sau những lời đe dọa tấn công vào bán đảo Crimea của một số quan chức Ukraine, cựu Tổng thống Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Medvedev đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc tới các nhà chức trách ở Kiev sau lời đe dọa tấn công Crimea.

Theo ông Medvedev, "trong trường hợp cuộc tấn công xảy ra, “Ngày phán quyết” sẽ đến với tất cả họ, nhanh chóng và khó khăn".

Chiến thắng ngay lúc này là điều bất khả thi

Điều dễ nhận thấy là sau hàng loạt vụ nổ xảy ra tại các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga vừa qua, Kiev chưa bao giờ lên tiếng chính thức thừa nhận rằng đó là kết quả của những hành động tấn công có chủ đích từ phía Ukraine. Như vụ cháy xảy ra tại sân bay Saki ngày 18-8 mà phía Ukraine (khác với truyền thông phương Tây) nói rằng phía Nga mất 10 máy bay quân sự, đi xa nhất cũng chỉ là những tuyên bố từ nguồn giấu tên cho rằng lực lượng nổi dậy trung thành với chính phủ Kiev đã tiến hành vụ tập kích nhằm vào sân bay.

Trong một bài phát biểu cũng ngay đêm 18-8 ấy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố cứng rắn rằng "cuộc chiến bắt đầu từ Crimea và phải kết thúc với Crimea - đó là giải phóng lãnh thổ này".

Những tuyên bố cứng rắn của ông Volodymyr Zelensky sau vụ nổ ở sân bay Saki tại Crimea chỉ ra một thực tế là kịch bản nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine với kết quả chiến thắng thuộc về một bên nào đó dường như là bất khả thi.

Một số người tin rằng, với sự hỗ trợ về vũ khí, trang bị quân sự rộng rãi và chủng loại ngày càng hiện đại hơn, Ukraine có thể đánh bại Nga trên chiến trường bằng cách tiêu hao dần lực lượng hoặc đơn giản là đè bẹp quân đội Nga tại đây.

Hoặc, như những người này tin tưởng là kết hợp với ưu thế (giả định) của lực lượng Ukraine trên chiến trường (do được Mỹ và phương Tây liên tục trang bị vũ khí) và hiệu quả của các biện pháp trừng phạt khốc liệt của Mỹ và phương Tây nhằm vào kinh tế Nga, Moscow sẽ buộc phải chấp nhận nhượng bộ để từ bỏ các mục tiêu ở Ukraine.

Những lỗ hổng

Thế nhưng, có những lỗ hổng lớn trong các kịch bản giả định này.

Ngay sau khi không đạt được mục tiêu nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu chính trị, kinh tế, quân sự hàng đầu của Ukraine, phía Nga đã cấp kỳ điều chỉnh chiến lược, dãn quân ở khu vực phía Bắc quanh Kiev và nhiều thành phố mục tiêu chiến lược khác của Ukraine để điều binh về phía Nam, thực hiện nhiệm vụ đánh chiếm càng nhiều vùng lãnh thổ khu vực Donbass và dải hành lang phía Nam Ukraine.

Trên thực tế, Nga đã thực hiện được mục tiêu này dù với không ít tổn thất. Nhưng, đấy là những tổn thất nằm trong giới hạn chịu đựng được của nước Nga, với quy mô dân số và kinh tế lớn gấp 3 Ukraine. Nga hiện vẫn chưa thực hiện tổng động viên, chưa sử dụng tối đa lực lượng không quân trong cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi đó, ngay trong ngày đầu tiên của cuộc xung đột, phía Ukraine đã ban bố lệnh tổng động viên, cấm nam giới từ 18 đến 60 tuổi rời bỏ đất nước. Những tổn thất của phía Ukraine, cứ giả thiết rằng ngang bằng với phía Nga đi chăng nữa thì cũng là quá lớn nếu so với quy mô của lực lượng quân đội và nền kinh tế (đã bị phá hủy nặng nề) của Ukraine.

Một khi Ukraine chiếm ưu thế do nhận được một loại vũ khí mới hiện đại nào đó của phương Tây thì cũng chỉ là tạm thời bởi Nga có đủ nguồn lực để khắc chế. Truyền thông Mỹ và phương Tây đã khoe rầm rĩ về loại tên lửa cơ động HIMARS từng gây thiệt hại nặng nề cho quân Nga. Nhưng, mới nhất, Nga đã ký hợp đồng với Iran (lần đầu tiên) mua khoảng 1.000 UAV tấn công loại Shahed-129. Với khả năng liên tục suốt ngày đêm quần lượn ở độ cao tới 7 km, vừa không sợ mối đe dọa của tên lửa vác vai Stingers và đồng thời kiểm soát một khu vực trong bán kính lên đến 500 km, tên lửa cơ động HIMARS, dù được bố trí sâu trong hậu tuyến của lực lượng Ukraine với khả năng "bắn và chạy", hoàn toàn có khả năng trở thành con mồi của "sát thủ" Shahed-129.

Kịch bản giả định -0
Hệ thống tên lửa cơ động HIMARS. Ảnh: L.G

Một ví dụ khác về ưu thế vũ khí của Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng bị mất đi như thế nào là "siêu pháo" M777 mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Trong tháng 4-2022, Mỹ đã viện trợ 90 khẩu M777 cho phía Ukraine, 18 khẩu nữa vào tháng 5 và tháng 6 nhưng trong hai tháng 7 và 8 đã không tiếp tục gửi nữa bởi lý do là chúng bị phá hủy quá nhanh trên chiến trường...

Khả năng hiệu quả của các đòn trừng phạt kinh tế nhằm buộc Moscow phải nhượng bộ trong cuộc chiến ở Ukraine cũng mơ hồ như những tính toán trên giấy của các nhà hoạch định chiến lược trong các hành lang quyền lực ở phương Tây.

Cuộc sống của người dân Nga chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn, các công ty của Nga sẽ khó tiếp cận các cung cấp linh kiện điện tử tiên tiến nhưng là một quốc gia rộng lớn, có nguồn nhân lực dồi dào, giàu tài nguyên thiên nhiên và sở hữu cơ sở công nghiệp rộng lớn, chưa kể còn các khách hàng khổng lồ như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác nữa, các chính sách trừng phạt của Mỹ và phương Tây khó có thể đạt được hiệu quả như tính toán.

Ngay cả Iran, một nước nhỏ, kém phát triển hơn nhưng độc lập về năng lượng, các lệnh trừng phạt còn chẳng thể làm thay đổi chính sách của nước này, huống hồ là Nga, một siêu cường.

Tất cả những tham số đó đều chỉ ra rằng khó có thể có kết cục một bên chiến thắng (hay đạt được hoàn toàn mục tiêu) trên chiến trường. Kịch bản khả quan nhất chỉ có thể là cuộc chiến tiêu hao gây ra những tổn thất cho cả hai bên và đến lúc nào đó, đều thấy sự cần thiết phải có những giải pháp ngoại giao để tổn thất không vượt quá sức chịu đựng của mỗi bên.

Yên Ba
.
.