Khủng bố - Con quái vật nghìn đầu lại trỗi dậy

Thứ Năm, 25/04/2024, 14:47

Sáng 19/4, tại thành phố Karachi (miền Nam Pakistan), một âm mưu tấn công đoàn xe chở người nước ngoài bị cảnh sát chặn đứng. Đến đêm 19/4, tại Iraq, một tiếng bom liều chết rung chuyển căn cứ Calso. Trong mâu thuẫn, xung đột và thù hận bủa vây, bóng ma ghê rợn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, có thể nói, đã lại trỗi dậy đầy hung hãn.

Trên những nẻo đường máu đổ

Ở Karachi, 1 đối tượng định đánh bom liều chết và 2 tay súng đã tấn công đoàn xe chở 5 công dân Nhật Bản tại khu vực Mansehra, thị trấn Landhi. Dù cảnh sát đã nổ súng ngăn chặn kịp thời vụ tấn công, vụ việc cũng đã khiến 3 người bị thương, trong đó có 2 nhân viên an ninh - chi tiết chứng tỏ mức độ manh động của các phần tử khủng bố. Trong người những kẻ nằm lại hiện trường, cơ quan chức năng tìm thấy cả vũ khí lẫn chất nổ. Rất may, bom chưa kịp kích hoạt, nên không gây hậu quả nghiêm trọng.

Khủng bố - Con quái vật nghìn đầu lại trỗi dậy -0
Căn cứ Calso bị tấn công ở Iraq.

Tại Iraq, theo nguồn tin từ Bộ Nội vụ Iraq, một vụ nổ đã đánh trúng thiết bị, vũ khí và phương tiện tại căn cứ Calso của lực lượng Hashed al-Shaabi (hiện đã sáp nhập vào quân đội chính quy). Quan chức Bộ Nội vụ cho biết vụ tấn công khiến 1 người thiệt mạng và 8 người bị thương, trong khi nguồn tin quân sự cho hay 3 quân nhân Iraq đã bị thương và xảy ra cháy tại hiện trường. Trong một tuyên bố khác, Hashed al-Shaabi cũng xác nhận vụ nổ đã xảy ra tại căn cứ quân sự của họ, gây tổn thất vật chất và thương vong, nhưng không nêu rõ số người bị thương.

Cả hai sự việc trên đều diễn ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực Trung Đông cũng như toàn cầu ngày càng gia tăng, liên quan cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel tại Dải Gaza.

Trước đó, ngày 16/4, quan chức cảnh sát bang New South Wales, bà Karen Webb, phát biểu trong một cuộc họp báo, về vụ tấn công bằng dao tại một buổi lễ trực tuyến, ở một nhà thờ phía Tây Nam thành phố Sydney vào tối 15/4: “Sau khi xem xét tất cả các tài liệu, tôi tuyên bố rằng đây là một vụ khủng bố”. Bà cho biết vụ tấn công được coi là hành động "cực đoan" có động cơ tôn giáo nhằm đe dọa dân chúng - cả giáo dân tại nhà thờ và những người theo dõi buổi lễ được phát trực tiếp. Bên cạnh đó, theo bà, nghi phạm "được cảnh sát biết đến" nhưng không nằm trong danh sách các tên khủng bố bị theo dõi.

Cùng ngày 15/4, một thiếu niên người Anh âm mưu tấn công khủng bố tại lễ hội âm nhạc Isle of Wight đã bị kết án 7 năm tù giam. Dù không nhận tội, nhưng vào tháng 2 năm nay, bị cáo này đã bị tòa án buộc tội âm mưu thực hiện hành động khủng bố. Y còn bị buộc tội truyền bá các ấn phẩm khủng bố, sau một phiên xét xử tại Tòa đại hình Kingston-upon-Thames ở thủ đô London. Đây được xem là trường hợp đặc biệt đáng quan ngại, khi một thiếu niên bị đầu độc tư tưởng đến mức thực hiện những bước chủ động để chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Trước đó nữa, không thể không nhắc đến vụ tấn công Nhà hát Crocus City Hall tại Nga hiện vẫn đang được tiến hành điều tra. Trong khi đó, theo thông tin ngày 7/4 tại Washington, báo cáo của tình báo Mỹ cảnh báo các thành viên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên khắp thế giới và những đối tượng hành động khủng bố đơn lẻ, vốn hay được gọi là “sói đơn độc”, có thể hưởng ứng những tuyên bố mới đây của IS liên quan vụ khủng bố ở Moscow và hô hào thực hiện thêm nhiều vụ tấn công khác ở nơi công cộng.

Phía Mỹ cũng nhấn mạnh (trái với quan điểm từ phía Nga): Nhiều tuần trước vụ khủng bố, tình báo Mỹ đã cảnh báo Nga rằng IS đang chuẩn bị tấn công chương trình biểu diễn ca nhạc ở Moscow. Sau vụ tấn công Crocus City Hall, có luồng tin cho biết IS tuyên bố rằng các tay súng của họ vừa “tấn công” một “đám đông người Cơ Đốc giáo ở ngoại ô Moscow của Nga”.

Một cách ngắn gọn, những tư tưởng cực đoan từng bị đẩy lùi trong quá khứ, hiện tại, đã sẵn sàng trở lại.

Ẩn họa từ các chủ thể phi quốc gia

Lấy thí dụ từ tình hình căng thẳng tại Trung Đông thời gian gần đây, giới quan sát quốc tế chỉ ra những hình thái và thành tố mới của các cuộc xung đột, có thể tác động đáng kể đến an ninh, hòa bình và ổn định toàn cầu. Đơn cử, tác giả Lưu Sướng (Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc) nhận định: “Các chủ thể phi quốc gia sẽ tham gia nhiều hơn vào các cuộc đối đầu trong khu vực (Trung Đông). Trên thực tế, việc tham gia của các chủ thể phi quốc gia được đại diện bởi các lực lượng vũ trang và các tổ chức dân quân vào các vấn đề ở Trung Đông không phải là điều mới mẻ”.

Ông cho rằng: “Kể từ đầu năm đến nay, Iran và Nga liên tiếp bị tấn công khủng bố nghiêm trọng. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự trỗi dậy mạnh mẽ của các lực lượng khủng bố tại Trung Đông. Sự tham gia ngày một mạnh mẽ hơn của các thực thể phi quốc gia vào các cuộc đối đầu quy mô lớn ở khu vực cũng có thể sẽ thúc đẩy sự hợp nhất của các phần tử “thánh chiến” trong và ngoài khu vực. Hoạt động tấn công khủng bố ở Trung Đông cũng như trên thế giới đang bước vào giai đoạn mới”.

Xét cho cùng, những gì mà giới quan sát quốc tế lo ngại cũng là bước phát triển tất yếu của các hình thức chiến tranh phi đối xứng, với hiệu quả đã rất nhiều lần được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Những đội quân ở thế yếu hơn, thay vì các cuộc đối đầu quy ước cầm chắc thất bại, sẽ lựa chọn những hình thái gây nhiều tổn thương nhất có thể, bằng những nguồn lực “tiết kiệm” nhất có thể. Ở không ít khía cạnh, đây là sự lựa chọn bất khả kháng. Nhưng, cũng bởi vậy, nếu vượt tầm kiểm soát (nghĩa là đi chệch khỏi các mục tiêu quân sự và gây ra những tổn thất dân sự khó tránh), chiến thuật ấy rất dễ biến tướng, để bị nhận diện là “tấn công khủng bố”.

Khủng bố - Con quái vật nghìn đầu lại trỗi dậy -0
Hiện trường vụ đánh bom bất thành ở Pakistan.

Lằn ranh này rất mong manh và có thể dễ dàng bị xóa nhòa, song đó vẫn là giới hạn phân cách chủ nghĩa khủng bố quốc tế với một hình thái chiến tranh đặc biệt. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế, trong nội hàm căn bản, lựa chọn việc gieo rắc càng nhiều nỗi sợ hãi và thiệt hại càng tốt, cho cả đối thủ lẫn thường dân, nhằm đạt được mục đích. Tuy nhiên, điều kiện để những hạt mầm độc địa ấy nảy sinh và phát triển lại luôn là thù hận, xuất phát từ những mâu thuẫn về chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo...

Dựa trên các xung đột tư tưởng đó, chính lá cờ đen IS đã hiện hữu từ hỗn loạn và bất bình, trong những đống đổ nát của Syria hay Iraq đầu thập niên 2010, để chiêu mộ và tập hợp những chiến binh cuồng tín, khao khát trả thù (hoặc chỉ đơn giản là những tay súng đánh thuê mà tâm lý bị nhiễm quá nặng các nọc độc thời đại kỷ nguyên internet, như tính hung bạo, sự tàn ác, trạng thái thèm muốn được giết chóc...).

Thế giới thời điểm hiện tại, với những điểm nóng xung đột khốc liệt, cũng đang dần khơi lại những dòng dung nham rát bỏng mà chủ nghĩa khủng bố quốc tế yêu thích. Ở Trung Đông, trùm phủ lên những tranh chấp gốc rễ về lợi ích, chiến dịch mà quân đội Israel tiến hành trên Dải Gaza, bất chấp sinh mạng của hàng chục nghìn dân thường - điều nối tiếp điểm bùng nổ, là cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào lãnh thổ Israel - đang khiến mối hiềm khích tôn giáo nghìn năm mỗi ngày một trở nên gay gắt.

Thêm vào đó, tinh thần “bài phương Tây” và “bài Mỹ” - vốn âm ỉ từ sau các cuộc tiến đánh Iraq, Afghanistan hay Mùa xuân Arab - cũng được thổi lên dữ dội trong thế giới Hồi giáo, nhất là sau khi Israel (được sự hậu thuẫn của phương Tây) tấn công cơ sở ngoại giao của Iran trên đất Syria. Trong một khoảnh khắc hằn thù nào đó dội lên thôi, mọi tín đồ Hồi giáo nhiệt thành đều có thể đánh mất sự tỉnh đáo, để ngả về sự dụ dỗ của IS hay bất cứ nhóm cực đoan nào khác. Hoặc là, họ cũng có thể lựa chọn tự mình hành động, thậm chí trong một tâm thức thanh thản rằng mình đang làm điều đúng đắn, nhằm chống lại cường quyền.

Và đó cũng có thể là con đường các nhóm vũ trang phi quốc gia lựa chọn để tiếp tục những cuộc chiến phi đối xứng của họ...

Thiên Thư
.
.