Không thể bỏ mặc Afghanistan
Hơn một năm sau ngày Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, để lại quyền kiểm soát đất nước này cho lực lượng Taliban, rất nhiều điều đã thay đổi. Chỉ có nỗi bất an của cộng đồng quốc tế là vẫn ở đó.
Thất bại của Taliban
Ngày 15/8/2021, quân đội Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan, chính thức giành lại quyền kiểm soát đất nước Trung Á này sau gần 20 năm. Vượt qua những lo ngại ban đầu về khả năng xảy ra các hành động trả thù, chính quyền mới thiết lập dựa trên những giá trị Hồi giáo truyền thống để củng cố quyền kiểm soát hầu như toàn bộ đất nước này. Nhưng, tấm huy chương nào cũng có mặt trái.
Xã hội Afghanistan thay đổi rõ rệt khi những quy định Hồi giáo hà khắc được áp dụng trở lại. Đất nước "tự do" từng được phương Tây ủng hộ quay trở lại với hình ảnh bí ẩn và bị đặt các dấu hỏi về quyền phụ nữ hay quyền trẻ em, ngay cả trong các lĩnh vực y tế và giáo dục.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Afghanistan bị hủy hoại nghiêm trọng sau những những năm xung đột lại chịu thêm các lệnh cấm, phong tỏa tới từ cộng đồng quốc tế. Hơn thế, thiên tai, bệnh dịch làm tăng thêm khó khăn cho chính quyền mới, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm quản trị.
Không chỉ vậy, mặc dù 97% lãnh thổ đã nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban, vẫn tồn tại những lực lượng phản kháng được vũ trang đủ mạnh để gây bất ổn. Những cuộc xung đột vẫn tiếp tục nổ ra dai dẳng ở Đông Bắc đất nước, chỉ cách thủ đô Kabul 65km giữa Taliban với Mặt trận Kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRF).
Dường như, Taliban chưa thực sự xây dựng được một chính quyền giàu năng lực. Các nhà kỹ trị đã bị gạt sang một bên. Người Pashtun (chiếm phần lớn lực lượng Taliban) nắm giữ hơn 90% các vị trí lãnh đạo, để lại rất ít cơ hội cho các nhóm khác.
Bên trong cái gọi là "Tiểu Vương quốc Hồi giáo Afghanistan", toàn bộ nội các đều là nam giới. Phần lớn họ là những chỉ huy vũ trang trong cuộc chiến trước đó. Đức tin và kỷ luật giúp họ trong chiến đấu nhưng không trau dồi cho họ kỹ năng giải quyết những vấn đề xã hội phức tạp.
Thêm vào đó, nguy cơ lớn nhất lại đến từ chính những rạn nứt bên trong của Taliban, khi chính quyền Taliban tìm kiếm sự ủng hộ của phương Tây. Sự hình thành các nhóm phản kháng gây chia rẽ trong nội tại chính quyền. Những lực lượng theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan ngày càng phát triển. 2 tuần cuối tháng 4/2022, hàng loạt vụ đánh bom đã xảy ra tại Afghanistan khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Những cuộc tấn công này đã được nhận định là do các nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) thực hiện. Tình hình còn khó khăn hơn khi hoạt động của các nhóm cực đoan mở rộng sang cả lãnh thổ Pakistan láng giềng, khiến đất nước Hồi giáo từng ủng hộ Taliban này có những hành động đáp trả vào chính lãnh thổ Afghanistan khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Mới nhất, một vụ nổ bom tại cơ sở giáo dục ở thủ đô Kabul sáng 30-9 đã khiến 19 người thiệt mạng, 29 người bị thương.
Những "lời hứa"
Cuộc "nội chiến" kéo dài 2 thập kỷ đã bào mòn sức chịu đựng của những lực lượng bên ngoài vốn ủng hộ chính quyền ở Kabul, dẫn đến những "thỏa thuận" mà theo đó, Taliban sẽ lấy lại vị trí của mình cùng những lời hứa về sự thay đổi. Tất cả những "lời hứa" này nằm gọn trong bản thỏa thuận Doha, được ký kết cuối tháng 2/2020 giữa chính quyền Mỹ với lực lượng Taliban.
Theo đó, Mỹ và cộng đồng quốc tế chấp nhận Taliban như một lực lượng chính trị, gỡ tên các cá nhân của tổ chức này khỏi danh sách khủng bố để đổi lại một "cam kết": Loại trừ mọi hành vi khủng bố xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan trong những khu vực do Taliban kiểm soát; cấm mọi tổ chức, cá nhân, trong đó có Al-Qaeda và IS sử dụng Afghanistan như một bàn đạp làm phương hại đến an ninh của Mỹ và đồng minh.
Thỏa thuận Doha đã tạo điều kiện để Mỹ rút dần quân đội khỏi Afghanistan sau gần 20 năm chiếm đóng. Trong suy tính của người Mỹ lúc đó, một cuộc rút quân có trật tự kết hợp với việc ủng hộ chính quyền "dân chủ" ở Kabul là đủ để đảm bảo Afghanistan vẫn là một "đồng minh quan trọng ngoài NATO". Thế nhưng, ngay sau khi vị trí lãnh đạo ở Washington có sự thay đổi, Taliban đã mở những cuộc tấn công lớn trên toàn lãnh thổ Afghanistan và thu được thắng lợi liên tiếp. Chỉ trong vài tháng, chính quyền Kabul đã sụp đổ, dẫn đến việc người Mỹ phải rút khỏi Afghanistan trước kế hoạch.
Cuộc rút lui trong "hoảng loạn" đó của quân đội Mỹ là một vết đen, ngay trong năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, Mỹ cùng các quốc gia, các tổ chức quốc tế chấp nhận "làm việc" với Taliban để giải quyết những vấn đề tồn tại. Sau khi đảm bảo an toàn cho cuộc rút lui của các lực lượng Mỹ và NATO, Taliban đã bày tỏ thiện chí khi chấp nhận đàm phán. Nhưng, việc Mỹ tiếp tục phong tỏa tài sản của Afghanistan đã gây khó khăn lớn cho lực lượng này trong việc tiếp quản, xây dựng chính quyền mới.
Không chỉ vậy, dù rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ vẫn có những hành động quân sự trên lãnh thổ này bằng cách ủng hộ Mặt trận Kháng chiến quốc gia chống Taliban hay mới đây cho máy bay không người lái tấn công tiêu diệt một thủ lĩnh AlQaeda là Ayman al-Zawahir ngay giữa thủ đô Kabul mà không cần "tham khảo ý kiến" Taliban. Những hành động này đã kích động những lực lượng chống Mỹ trong nội bộ Taliban, dẫn đến việc IS có cơ hội hồi sinh.
Hiểm họa an ninh khu vực
Thực tế, hoạt động của IS tại Afghanistan đã gia tăng từ khi Mỹ có kế hoạch rút quân khỏi đất nước Trung Á này. Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Afghanistan, bà Deborah Lyons, trong một báo cáo với Hội đồng Bảo an từ tháng 11/2021 đã xác nhận các dấu hiệu mở rộng phạm vi hoạt động. Theo đó "lực lượng của IS dường như đang có ở hầu hết các tỉnh và ngày càng hoạt động mạnh mẽ ở nước này". Bản báo cáo cho biết số vụ tấn công của IS đã tăng từ 60 vụ trong năm 2020 lên 334 vụ vào năm 2021.
Còn thống kê trong 8 tháng đầu năm 2022 thì đã có hơn 300 vụ tấn công, với nhiều vụ đẫm máu, gây thương vong lớn. Đặc biệt, có cả những vụ tấn công ở thủ đô Kabul. Điều này cho thấy lực lượng Taliban ngày càng gặp khó khăn trong việc khống chế IS.
Có thể với Mỹ hay các nước phương Tây lúc này, Afghanistan không còn là mối bận tâm lớn nữa khi mọi sự chú ý đã dồn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng, việc chính quyền Taliban tiếp tục bị "bỏ rơi", dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả sẽ là cơ hội tốt để IS hay các tổ chức khủng bố khác có thể quay lại hoạt động. Đây là mối lo rất lớn với các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Afghanistan.
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, tình hình ở đất nước Trung Á này đã thường xuyên nằm trong chương trình nghị sự của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Hồi tháng 6, khi một trận động đất lớn nổ ra ở miền Đông Afghanistan khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, cả Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, thậm chí Bangladesh, Nepal cũng đã tham gia tổ chức viện trợ để giải quyết khủng hoảng nhân đạo, dù hầu hết các nước này chưa công nhận Taliban. Một hội nghị quốc tế có tên "Afghanistan: An ninh và Phát triển kinh tế" cũng đã được tổ chức tại Uzbekistan vào ngày 25/7/2022.
Giữa tháng 8/2022, 71 nhà kinh tế và chuyên gia phát triển đã gửi thư đến Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen bày tỏ quan ngại về tình hình kinh tế và nhân đạo tại Afghanistan đồng thời kêu gọi Washington trả lại Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương bị đóng băng từ khi Taliban lên nắm quyền. Đây đều là những động thái cần thiết nhằm giúp Afghanistan duy trì khả năng tự bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế và đẩy lùi được chủ nghĩa khủng bố.
Đúng như lời của Bộ trưởng Ngoại giao Uzbekistan, ông Vladimir Norov phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 25-9: "Chúng tôi coi việc ngăn chặn Afghanistan bị cô lập là điều cực kỳ quan trọng... Việc để nước này phải tự mình giải quyết các vấn đề tồn tại chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực cho an ninh khu vực và quốc tế".