Không phải sợ kiểm tra nồng độ cồn, nếu...
Mỗi lần đi công tác các tỉnh thì sự tiếp đón của anh em địa phương phải nói vô cùng nồng nhiệt. Văn hóa xứ ta hiếu khách thế đấy. Anh em không đếm số khách mà tính theo đơn vị mâm.
Tiếp đón cũng phải đủ ban ngành đoàn thể, từ thủ trưởng cơ quan đến các ban bệ, nam nữ cân đối. Thủ tục ban đầu là cả mâm chào nhau hết một ly trăm phần trăm. Uống rượu là phải bắt tay. Thủ tục thứ hai là từng người uống riêng để chào nhau. Sau đó thì anh em địa phương đến uống với từng mâm. Anh em lần đầu gặp mặt thì cũng lấy một chén để làm quen.
Để thêm nhuệ khí thì phải có hô hét. Không hiểu anh nào sáng tác ra câu 1,2, 3 đzô! 2,3 đzô! 2,3 uống! Đến mức nó vang lên ở mọi tỉnh thành suốt dải đất hình chữ S. Có lần người viết bài đi nước ngoài, đi ăn xứ xa lạ, bỗng nghe cuối phòng ăn có tiếng hô 1,2,3 đzô! Thế là nhận ra ngay, anh em cùng một bọc trứng đây rồi. Dù gì thì nó cũng là một dấu hiệu nhận diện cộng đồng, quốc gia. Ngay tại Hà Nội, mấy anh tây ba lô râu xồm cũng thi nhau 1,2,3… Cứ thế đến ngày nào đó có khi câu đó thành văn hóa phi vật thể quốc gia mất thôi. Văn hóa tiếp rượu ở xứ ta thường theo chiến thuật “Xa luân chiến”. Ngồi tại mâm không đi chào bàn khác thì các bàn khác cũng đến, lần lượt từng ban bệ, đến hội phụ nữ, hội thiện nguyện… Cứ phải say đổ kềnh mới vui.
Gần đây, do lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra nồng độ cồn với mức phạt đủ răn đe, cùng với ý thức an toàn của các bác tài nâng lên thì nói chung cánh xế không đụng vào rượu. Tuy nhiên, vẫn còn những anh cầm lái máu liều nhiều hơn máu não, nhất là có tí địa vị thì coi trời bằng vung, sẵn sàng bật lại bằng mồm miệng và cả chân tay. Anh em CSGT phải kiên nhẫn mới xử lý cho ngoan ngoãn trở lại được.
Có thực sự niềm vui của chúng ta chỉ có thể tìm thấy ở rượu không? Chắc chắn không. Một anh đi nhậu thì cả vợ cả con đều lo. Một mâm bợm nhậu thì nhiều gia đình lo. Quá nhiều tai nạn thương tâm chỉ vì ma men.
Có lẽ tôi phải kể một câu chuyện để minh họa về một khái niệm văn hóa.
Các bạn đã từng dự đám cưới không một giọt rượu chưa? Người viết bài thì đã dự một đám cưới như vậy từ trước Tết Quý Mão. Trong bối cảnh toàn dân nhà nhà uống rượu, người người Đzô đzô thì lại có một gia đình người bạn cưới con gái với cách làm lạ lùng.
Ông bố vợ là người quảng giao, có tiếng tăm trong giới nghệ thuật. Có thể đoán riêng khách của ông này chắc phải khoảng một nghìn. Thế mà ông ấy chế số khách của cả hai họ lại ở mức tối thiểu. Tất cả các đối tác công việc, anh chị em cơ quan thì báo hỉ tất. Số lượng khách mời cô đọng ở mức không thể ít hơn. Cả hai họ không đến 100 người. Bạn bè của ông bố vợ chỉ đúng một mâm.
Chủ nhà xếp khách theo sơ đồ. Ai cũng dễ dàng tìm được bàn của mình. Ở đó toàn các người thân nhất của gia đình.
Trên thiếp mời, có đề nghị khách dự cưới mặc trang phục trắng. Thế là cả đám cưới trắng tinh khôi. Những nghi thức phát biểu không có những câu nói khuôn sáo. Đại diện hai họ nói những lời chân tình và không có màn trao quà phô trương. Tất cả bạn bè của bố vợ đều gắn bó với gia đình từ lúc cô dâu chưa ra đời nên thay vì lên hát những bài ca xa lạ thì họ kể những câu chuyện vui về cô dâu ngày còn nhỏ.
Rồi tất cả khách và chủ được phát một lời bài hát đơn giản để cùng hát tặng tân nương, tân lang. Tất nhiên phải có một quản ca tài ba.
Điều tuyệt vời nhất là tất cả các cụ các ông các bà, chú thím cậu mợ, bằng hữu đều uống nước lọc và nước hoa quả. Không có rượu bia. Thật là hiếm có.
Có khách chưa thực sự quen với mâm cỗ không rượu nên vẫn than thở, giá có ly bia thì hay. Tuy vậy, sau một lúc thích nghi thì đã tìm được cái vui kiểu khác. Một kiểu vui nhẹ nhàng bay bổng, không bốc đồng và rất nhân văn.
Tất cả khách rời hôn lễ với sự thư thái và tất nhiên chẳng phải lo bị tổ công tác yêu cầu dừng xe, thổi nồng độ cồn.
Trở lại với thói quen đón khách của các địa phương. Mâm cơm tiếp đoàn công tác không có rượu, tại sao không? Cánh đàn ông gặp nhau đàm đạo, thay vì nhậu hãy thưởng trà, tại sao không? Ích lợi về sức khỏe và an toàn giao thông thì không phải nói ai cũng biết. Theo thói quen mới, ai cũng đường hoàng không việc gì phải sợ hãi tổ kiểm tra nồng độ cồn. Tập tục, thú vui đều có thể thay đổi. Vấn đề là chúng ta có thực sự muốn văn minh hay không?