Không để bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển

Thứ Hai, 25/11/2024, 15:01

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hợp nhất các đầu mối có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, xây dựng các bộ đa ngành, đa lĩnh vực... là vấn đề cấp thiết và đã được thực hiện ở nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa như kỳ vọng và câu chuyện tách ra, nhập vào, nơi làm, nơi nghe ngóng... vẫn kéo dài, gây nhiều hệ lụy.

1. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết 18 thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu song việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao. Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất mong đợi với sự ủng hộ mạnh mẽ và đang lan tỏa sự đồng tình ủng hộ trong toàn xã hội. 

Không để bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển -0
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, trong phiên Quốc hội thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, từ Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, đòi hỏi phải sắp xếp, phải tinh gọn. Hiện nay mới làm từ dưới lên như xã, huyện sáp nhập còn tỉnh chưa làm tới. Hay, mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm. "Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ thì tỉnh không có sở, huyện không có phòng. Cách thức tinh gọn bộ máy như thế nào là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn", Tổng Bí thư chỉ rõ.

Nêu quan điểm "tới đây Trung ương phải làm gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu", Tổng Bí thư cho rằng, không tinh gọn bộ máy sẽ không phát triển được khi ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội... Ít nhất phải có trên 50% ngân sách để phục vụ các nhiệm vụ trên. Bộ máy cồng kềnh kìm hãm sự phát triển. Có những bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không phân cấp cho địa phương, dẫn đến xin - cho.

Dẫn chứng câu chuyện vừa qua tập trung giải quyết vấn đề cát sỏi, có 5-6 bộ tập trung nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì, Tổng Bí thư nêu thực tế, "một vấn đề thôi, qua bao nhiêu cuộc họp nhưng hỏi ai chịu trách nhiệm chính thì không biết ai!”. Sự cồng kềnh, chồng chéo trong quản lý dẫn đến doanh nghiệp khổ sở, phát sinh tiêu cực, thậm chí tội phạm cũng xen vào... 

2. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương xác định quan điểm "phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương"; "những việc mới, chưa có quy định, hoặc những việc đã quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội"... Từ chủ trương của Đảng, theo Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị, việc thí điểm một số mô hình mới về tổ chức được bắt đầu từ năm 2018 ở nhiều địa phương. Các mô hình ở đơn vị cấp huyện được triển khai như: Hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ, cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra, văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và văn phòng UBND, sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo cấp huyện...

Việc thí điểm hợp nhất đã được mở rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, kết quả bước đầu cho thấy cơ bản phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Đã giảm được đầu mối (từ 3 hoặc 2 đầu mối thành 1), giảm số lãnh đạo cấp phòng và góp phần tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hợp lý, hiệu quả. Việc thí điểm hợp nhất cũng góp phần sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý công việc, xử lý văn bản. 

Tuy nhiên, vì là mô hình mới, chưa có tiền lệ, chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền, các địa phương phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Các địa phương chủ yếu vẫn thực hiện sáp nhập một cách cơ học, thiếu đồng bộ, thống nhất. Việc hợp nhất không được thực hiện liên thông từ cấp Trung ương xuống cấp huyện dẫn đến khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các thể chế tổ chức, cán bộ, tài chính chưa cụ thể, rõ ràng, nhiều nội dung chưa có văn bản quy định (thể thức văn bản, con dấu, tài khoản, trụ sở... của cơ quan hợp nhất). Một cơ quan hợp nhất nhưng tồn tại 2 tài khoản, 2 cơ chế tài chính, 2-3 con dấu riêng. Hay, khi hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện dẫn tới một tổ chức nhưng cán bộ, công chức phân tán nhiều trụ sở, văn bản hành chính công vụ thì áp dụng theo 2 quy định khác nhau. 

Trong khi đó, có địa phương sau khi hợp nhất cấp sở một thời gian thì lại tách như cũ. Hơn 6 năm trước, Lào Cai là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tiên phong thực hiện thí điểm sáp nhập Sở Giao thông - Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông - Vận tải - Xây dựng. Theo đánh giá, đây là hai sở có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng, sáp nhập không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, cuối năm 2023, tỉnh Lào Cai quyết định tách lại thành 2 sở như trước đây. Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ, chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Sở Giao thông - Vận tải - Xây dựng lại được đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của 2 bộ với 22 hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành khác nhau... 

3. Việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy là vấn đề phức tạp, khó khăn do liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, thành công của Bộ Công an trong vấn đề này cho thấy, khi có sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với cách làm bài bản và khoa học thì dẫu khó cũng làm được và làm đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đặt ra. Tổ chức bộ máy Bộ Công an được xây dựng tập trung, thống nhất, chuyên sâu theo hướng "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở. Trong nỗ lực đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã cắt giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.

Ở cấp địa phương, 20 Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy được sáp nhập vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Các đơn vị cấp cục được sắp xếp lại theo nguyên tắc các đơn vị tương đồng về chức năng nhiệm vụ, các đơn vị không rõ nhiệm vụ, đối tượng công tác hoặc có chức năng, nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với nhau mà trong quá trình hoạt động bắt buộc phải có sự phối hợp thì sáp nhập, hợp nhất, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm chính. Đây được coi là "một cuộc cách mạng lớn", thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an. Đồng thời, thể hiện tính tích cực, chủ động, gương mẫu đi đầu của Bộ Công an trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị.

Khi Bộ Công an chủ động thực hiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an theo hướng cắt bỏ tổng cục, giảm một nửa số cục đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng CAND. Quá trình đó cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại nhưng việc thực hiện Đề án đã hội đủ các yếu tố đảm bảo thành công, đó là sự quyết tâm chính trị của Bộ Công an, sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ cũng như sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội.

Quá trình nghiên cứu, xây dựng, triển khai Đề án bám sát, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng lực lượng CAND. Mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an gắn với hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với CAND, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để bố trí, điều chỉnh lại lực lượng, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và bố trí Công an xã chính quy.

Đăng Minh
.
.