Khoan thủng

Thứ Ba, 27/12/2022, 08:35

Việc phương Tây quyết định áp giá trần với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, cao gấp đôi mức giá 30 USD/thùng mà Ukraine đề nghị để hủy diệt nền kinh tế của Nga nhanh hơn nữa, được coi là biện pháp “giơ cao đánh khẽ”...

“Giơ cao đánh khẽ!”

Từ ngày 5/12, mức giá trần mà EU, nhóm G7 và Australia áp lên dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực.

Theo những quy định áp giá trần này, dầu Nga chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU cũng như các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng khi được mua bằng hoặc thấp hơn mức 60 USD/thùng.

Tuy đặt ra thời hạn hiệu lực là ngày 5/12 nhưng sẽ có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày cho phép các tàu đã lấy hàng trước ngày đó được chở hàng và dỡ hàng trước ngày 19/1/2023 mà không bị phạt.

Mức giá trần sẽ được xem xét 2 tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng 1/2023, để đảm bảo nó thấp hơn ít nhất 5% so với giá dầu thô trung bình của Nga do Cơ quan Năng lượng quốc tế xác định. Mỗi sự thay đổi về giá trần đều cần tất cả 27 thành viên EU và sau đó là G7 nhất trí.

Khoan thủng -0
Đây không phải lần đầu tiên những biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp dụng với lĩnh vực năng lượng Nga. Ảnh: ST

Đây là một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất của phương Tây nhằm cố gắng hạn chế khả năng tài trợ của Moscow cho cuộc chiến ở Ukraine. Theo tính toán của phương Tây, cứ mỗi USD giá dầu Nga hạ thì ngân sách của Moscow sẽ bị mất đi 2 tỷ USD. Bởi các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7 nên theo tính toán trong các hành lang quyền lực phương Tây, mức trần 60 USD/thùng sẽ khiến Nga khó bán dầu hơn và, như một hệ quả tất yếu, sẽ khó thu tiền về hơn để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, việc phương Tây quyết định áp giá trần với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, cao gấp đôi mức giá 30 USD/thùng mà Ukraine đề nghị để hủy diệt nền kinh tế của Nga nhanh hơn nữa, được coi là biện pháp “giơ cao đánh khẽ”.

Bởi lẽ, trên thị trường, dầu Nga vẫn được giao dịch với giá khoảng 69 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent là 89 USD/thùng, đủ để hấp dẫn các nước muốn lách biện pháp áp giá trần và mua dầu Nga với giá rẻ; đồng thời mức giá trần 60 USD/thùng không chênh lệch quá nhiều so với giá thị trường và với mốc này, nếu bán, Nga vẫn thu lợi khá lớn từ việc bán dầu (cũng có nghĩa là mục tiêu buộc Nga giảm thu nhập từ bán dầu tài trợ cho cuộc chiến Ukraine không đạt được). 

Nhưng, đương nhiên là Nga không chấp nhận bán dầu với mức trần như áp đặt của phương Tây, coi đây là một sự can thiệp thô bạo, gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu. Ngay khi phương Tây manh nha ý định áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng, phía Nga đã tuyên bố thà giảm sản lượng chứ không bán dầu theo giá trần mà phương Tây áp đặt.

Hồi tháng 9/2022, Tổng thống Nga Putin cũng tuyên bố rằng Nga có thể cắt nguồn cung năng lượng nếu bị áp đặt mức giá trần, cảnh báo rằng châu Âu sẽ “đóng băng” trong mùa đông. Thực tế là mùa đông hiện đã bao phủ toàn bộ châu Âu và người dân ở các nước châu Âu đang thực sự cảm nhận rõ những tác động của lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga lên cuộc sống của họ.

Những bài học lịch sử

Đây không phải lần đầu tiên những biện pháp trừng phạt của phương Tây được áp dụng với lĩnh vực năng lượng Nga (hiện nay) và Liên Xô (trước đây) và cũng không ít lần như lịch sử đã cho thấy, bức tường thành trừng phạt này bị thủng những mảng lớn khiến cho chúng khó đạt được hiệu quả như kỳ vọng của phương Tây.

Thời Liên Xô, cuối những năm 1960, Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) với Nga là thủ lĩnh đã quyết định xây đường ống dẫn dầu mang tên Hữu Nghị nối với các quốc gia đồng minh như Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc, CHDC Đức. Hệ thống đường ống này được mở rộng trong thập niên 1970 bắt đầu cung cấp dầu cho Tây Âu.

Lo ngại trước triển vọng các nước Tây Âu bị phụ thuộc vào dầu của Liên Xô, thông qua cơ chế NATO, Mỹ đã tiến hành vận động hành lang dữ dội để ngăn cản việc cung cấp những đường ống có đường kính lớn. Thông qua lệnh cấm vận của Hội đồng NATO, Pháp và Đức bắt đầu đưa ra các hạn chế nhưng dưới sức ép của các nhà sản xuất, cuối cùng các hạn chế này bị hủy bỏ.

Cuộc khủng hoảng năng lượng trong thập niên 1970 lại càng khiến cho hợp tác năng lượng giữa Liên Xô với Tây Âu được đẩy mạnh. Tới cuối thập niên này, mỗi năm Tây Âu nhập khẩu hơn 25 tỷ m3  khí đốt từ Liên Xô trong khi ở chiều ngược lại, Tây Âu cung cấp các thiết bị khai thác nhiên liệu hóa thạch và đường ống vận chuyển cho Moscow.

Đến thập niên 1980, chính quyền Mỹ của Tổng thống Ronald Reagan quyết liệt gây sức ép với các đồng minh Tây Âu trong việc cản trở xây dựng đường ống dẫn khí xuyên lục địa Urengoy-Pomary-Uzhgorod nối Liên Xô với Tây Âu, một dự án mà rõ ràng các nước Tây Âu sẽ được hưởng lợi nếu hoàn thành. Mỹ đơn phương cấm cấp giấy phép xuất khẩu công nghệ cao, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất máy nén tua-bin phục vụ cho dự án đường ống dẫn khí Urengoy-Pomary-Uzhgorod.

Để gây áp lực với Tây Âu, Mỹ sử dụng các sức ép ngoại giao, cảnh báo các biện pháp hạn chế sẽ được sử dụng nếu cần. Washington yêu cầu các đồng minh ngừng đàm phán với Liên Xô về mọi hợp đồng trong tương lai, đóng băng hạn mức tín dụng đối với Liên Xô, tăng lãi suất cho vay đã phát hành... Mỹ nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế đối với tất cả các công ty vi phạm cơ chế trừng phạt (Liên Xô), cấm các công ty này giao dịch với Mỹ.

Nhiều quốc gia Tây Âu khi ấy không chấp nhận những biện pháp gây sức ép của Mỹ, thúc giục các công ty nước mình không tuân theo các yêu cầu trừng phạt của Mỹ, tiếp tục thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận với Liên Xô.

Lo ngại chính các tập đoàn của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp trừng phạt Liên Xô, đồng thời tình đoàn kết với các đồng minh thân cận của Mỹ bị thử thách, Quốc hội Mỹ đã vào cuộc và đến cuối năm 1982, chính quyền Mỹ đã phải bỏ tất cả các hạn chế đưa ra trước đó. Dự án đường ống dẫn khí Urengoy-Pomary-Uzhgorod hoàn thành vào năm 1984.

Khách hàng sộp đến từ châu Á

Nhiều thập niên sau, Nga lại phải một lần nữa đối mặt với những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của phương Tây liên quan đến lĩnh vực năng lượng.

Không chấp nhận bán dầu theo mức trần của phương Tây, Moscow có thể làm gì để vẫn tiếp tục có tiền từ dầu mỏ, không chỉ để chi phí cho cuộc chiến ở Ukraine mà còn giúp cho nền kinh tế đứng vững trước những đòn trừng phạt khốc liệt của phương Tây?

Khoan thủng -0
Một số nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đã đặt hàng ESPO, một loại dầu được khai thác từ vùng Viễn Đông của Nga. Ảnh: ST

Theo Bloomberg, trong tuần mà lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của G7, Australia và EU bắt đầu có hiệu lực, 89% tổng lượng dầu rời khỏi các cảng của Nga đã hướng đến các cảng của châu Á!

Do lệnh cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển trên mức giá trần của EU có hiệu lực từ ngày 5/12, nên ngoại trừ một lượng dầu nhỏ vẫn được chuyển tới Bulgaria, trên thực tế Nga đã không còn là nhà cung cấp dầu thô cho châu Âu.

Thay vào đó, họ chuyển hướng sang châu Á với những khách hàng khổng lồ. Khối lượng dầu Nga trên các tàu đang hướng đến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, 3 nước nổi lên như những khách hàng lớn mua nguồn cung dầu Nga, đã tăng vọt trong 4 tuần tính đến ngày 9/12, lên mức trung bình 2,73 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn gấp 4 lần so với khối lượng dầu Nga vận chuyển trong 4 tuần ngay trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2. Người Nga đã tìm cách khoan thủng được bức tường trừng phạt liên quan đến năng lượng của phương Tây.

Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những khách hàng không tham gia “Liên minh giá trần” của phương Tây và tiếp tục buôn bán bình thường các mặt hàng với Nga, kể cả dầu mỏ. Theo Bloomberg, dầu Nga đang được vận chuyển đến châu Á trên các đội tàu đang chạy vòng quanh lục địa, qua kênh đào Suez để tới Ấn Độ và Trung Quốc. Cũng theo Bloomberg, Nga đã vận chuyển xấp xỉ hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày đến châu Á trong tuần sau khi lệnh áp giá trần có hiệu lực.

Một số nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đã đặt hàng ESPO, một loại dầu được khai thác từ vùng Viễn Đông của Nga, giao tháng 1 với giá 67,11 USD/thùng. Dầu Urals, được vận chuyển từ cảng Primorsk ở Baltic của Nga, còn có giá thấp hơn nhiều so với giá trần; số liệu 3 ngày sau khi mức giá trần của phương Tây có hiệu lực, dầu Urals chỉ được bán với giá 41,59 USD/thùng. Đây là mức giá hấp dẫn khiến cho các khách hàng châu Á của Nga khó bề từ chối.

Ấn Độ hiện là khách hàng mua dầu chính của Nga sau khi được hưởng chiết khấu cao hơn và đã phản đối cơ chế trần giá chính thức được áp dụng vào ngày 5/12. Lập trường kiên định này mang lại sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Nga và Ấn Độ trong thương mại dầu thô. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ trong mùa hè vừa qua và Moscow hoan nghênh quyết định của Ấn Độ trong việc không tuân theo mức giá trần.

Như vậy, với việc hướng mạnh sang các khách hàng châu Á, Moscow đã làm giảm nhẹ đáng kể tác động tiêu cực của việc phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga vận tải bằng đường biển. Bức tường thành cấm vận dầu mỏ Nga của phương Tây lại bị thủng những mảng lớn. Chưa kể chính sách này của phương Tây cũng có thể phản tác dụng nếu Washington, Brussels và London không thể thực hiện áp giá trần và kiểm soát việc vận chuyển dầu mỏ Nga, vốn rất khó thực thi trên biển. Điều đó sẽ dẫn tới giá dầu tăng cao hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và giữ cho doanh thu của Moscow tiếp tục tăng lên.

Yên Ba
.
.