Khi thế giới thêm một lần đổi thay

Thứ Ba, 12/12/2023, 12:42

"Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với nguy cơ tấn công khủng bố rất lớn, trong bối cảnh đang diễn ra cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, cũng như sự phân cực mà cuộc chiến ấy gây ra trong xã hội chúng ta, cùng lúc kỳ nghỉ lễ sắp tới". Đó là cảnh báo của Ủy viên phụ trách nội vụ của EU Ylva Johansson.

Song, thực tế, có thể tin rằng nỗi ám ảnh của bóng ma khủng bố đã và đang trỗi dậy sẽ còn đáng sợ hơn nữa. Không chỉ tại châu Âu, cũng không chỉ trong kỳ nghỉ Giáng sinh và dịp lễ đón năm mới đang chuẩn bị diễn ra.

1. Khi đưa ra những nhận định u ám như vậy với báo giới, trước thềm một cuộc họp Hội đồng các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của EU tại Brussels, bà Johansson đề cập vụ tấn công bằng dao hôm 2/12 ở thủ đô Paris của Pháp khiến 1 du khách người Đức thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Kẻ thủ ác được cho là đã cam kết trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo Văn phòng Công tố Paris, đối tượng là người Pháp, sinh năm 1997,  được xác định từ lâu đã có tư tưởng Hồi giáo cực đoan và mắc bệnh tâm thần. Vì vậy, y đã bị cơ quan chức năng đưa vào danh sách giám sát chặt chẽ. Nhưng, rốt cục, y vẫn tìm thấy cơ hội xuống tay và tạo nên thảm kịch.

Khai báo với cảnh sát, đối tượng nói rằng "cảm thấy buồn" vì quá nhiều người theo đạo Hồi thiệt mạng ở Afghanistan, Palestine và vì tình hình ở Dải Gaza.

Khi thế giới thêm một lần đổi thay -0
Cảnh sát Pháp lại túc trực quanh tháp Eiffel.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser lo ngại vụ tấn công ở Paris cho thấy "mối đe dọa do khủng bố Hồi giáo cực đoan gây ra hiện nay ở EU nghiêm trọng đến mức nào". Bà kêu gọi sự hợp tác của các nước láng giềng để cùng đối phó mối nguy ấy.

Và, như bà Johansson thông báo, EU sẽ cấp thêm 30 triệu euro để "bảo vệ những địa điểm tôn giáo". Bởi, một hiện thực đang trở nên rõ ràng và không thể né tránh: Kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát hôm 7/10, nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số nước châu Âu, ghi nhận xu hướng gia tăng tình trạng bạo lực giữa hai cộng đồng Do Thái và Hồi giáo.

2. Một cách ngắn gọn, một bộ phận không nhỏ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới đã thể hiện công khai trên tất cả các nền tảng mạng xã hội toàn cầu, rằng họ cực kỳ phẫn nộ trước hành động quân sự của quân đội Israel trên Dải Gaza. Theo lập luận của họ, cho dù hành động ra tay trước của các chiến binh Hamas có kinh khủng đến mức độ nào thì việc "triệt đường sống" của cả người già, phụ nữ và trẻ em Palestine ở Gaza (thông qua việc cắt đứt mọi nguồn cung các nhu yếu phẩm căn bản, cũng như những đợt oanh kích liên tục) vẫn là không thể chấp nhận.

Và, vào lúc này, chiến sự lại  tái diễn, với mức độ khốc liệt được dự báo là sẽ còn tăng lên gấp bội so với giai đoạn trước khi ngừng bắn tạm thời (cuối tháng 11/2023). Hơn thế, ngày 5/12, theo tờ The Times of Israel, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa khẳng định: "Gaza phải được phi quân sự hóa. Để Gaza được phi quân sự hóa, chỉ có một lực lượng có thể đảm bảo việc phi quân sự hóa này và lực lượng này là Lực lượng Phòng vệ Israel. Không lực lượng quốc tế nào có thể chịu trách nhiệm về việc này".

Nói cách khác, đối với cộng đồng Hồi giáo, tuyên bố ấy không khác gì đổ thêm dầu vào lửa, khi nó làm nhòa nhạt thêm những triển vọng vãn hồi hòa bình, cũng như tìm kiếm hướng đi cho tương lai theo giải pháp hai nhà nước - đòi hỏi chưa bao giờ được hoàn toàn đáp ứng của người dân Palestine cũng như các quốc gia Hồi giáo ủng hộ Palestine.

5/12 cũng là ngày Dải Gaza trải qua giao tranh ác liệt nhất khi Israel pháo kích hàng loạt trên bộ và thả hàng trăm quả bom từ trên không, khiến ít nhất 65 người ở miền Trung và miền Nam Gaza thiệt mạng. Trong khi đó, Hamas cũng tiếp tục phóng rocket và tên lửa về phía các thành phố của Israel.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại các vùng lãnh thổ của Palestine, Richard Peeperkorn cho biết tình hình tại Dải Gaza đang xấu đi từng giờ với các cuộc ném bom liên tục của Israel vào các vùng phụ cận thành phố Khan Yunis và Rafah. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo: Không thể hình thành vùng an toàn trên Dải Gaza cho dân thường sơ tán tránh các đợt đánh bom của Israel.

Châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung, khi đáng lẽ có thể hành động nhiều hơn trong mắt thế giới Hồi giáo, đã tự tạo cho mình những mối nguy hiểm.

3. Giữa thập niên trước, châu Âu và phương Tây cũng từng phải đối diện nỗi ám ảnh khủng bố này, khi nòng súng của các lực lượng cảnh sát đặc biệt liên tục được điều động để hiện diện quanh Bảo tàng Louvre hay Cổng Brandenburg, trước hiểm họa mang tên "những con sói đơn độc" - các chiến binh Hồi giáo cuồng tín và cực đoan có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, sau khi đã bị kích động đến cùng cực thông qua những lời hiệu triệu của IS trên internet.

Khi thế giới thêm một lần đổi thay -0
Xe cảnh sát Đức canh gác trước giáo đường Do Thái Ryckestrasse ở thủ đô Berlin.

Về bản chất, hung thủ ở vụ tấn công khủng bố bằng dao tại Paris ngày 2/12 cũng là một dạng "sói đơn độc" như vậy. IS nói riêng và chủ nghĩa khủng bố quốc tế nói chung rất giỏi gieo rắc hận thù để chiêu mộ thành viên liều chết, phục vụ cho những mục tiêu đẫm máu. Hoặc, nói cách khác, hận thù và kỳ thị tín ngưỡng chính là mảnh đất màu mỡ nhất, để tạo nên những vụ tấn công khủng bố.

Vụ tấn công ấy cũng chứng minh nhận định của Jochen Kopelke - một sĩ quan chỉ huy cảnh sát Đức - với Reuters vào cuối tháng 11 (khi châu Âu liên tục trải qua các sự vụ đe dọa đánh bom): "Việc những người này thực hiện tội ác chỉ còn là vấn đề thời gian. Không phải lúc nào họ cũng nhất thiết sử dụng bom. Họ có thể lái ô tô đâm vào đám đông hoặc tấn công bằng dao".

Trong khi đó, so với mười năm trước, tâm lý cuồng nộ của các tín đồ Hồi giáo cực đoan hiện tại có lẽ còn dễ bị kích động hơn gấp bội, so với đà tiến triển của các cuộc xung kích mà quân đội Israel thực hiện trên Dải Gaza - vốn đã hoàn toàn chỉ còn là những đống đổ nát.

Ngược lại, không thể không đề cập, như một số nhà lãnh đạo Hồi giáo cho biết, cũng kể từ khi cuộc xung đột ấy bùng nổ, bầu không khí sợ hãi vì thông tin sai lệch lan truyền trên mạng đã làm gia tăng những hành động bạo lực nhắm vào các tín đồ cũng như những giáo đường Hồi giáo tại nhiều nơi.

Nói như Giám đốc Trung tâm quốc tế về chống khủng bố, ông Thomas Renard: "Những gì bạn có bây giờ là một mối đe dọa ngày càng lan rộng và đa dạng hơn", khi thế giới ngày càng trở nên phân cực sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn, dưới cái lớp vỏ hình thức "phẳng" và "toàn cầu hóa". Sau "Mùa xuân Arab", sau sự trỗi dậy và suy tàn của IS, sau khi quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan, sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại miền Đông Ukraine, bây giờ, với chiến sự trên Dải Gaza, thế giới lại đang có thêm một lần thay đổi cấu trúc nội tại.

Những đám đông ùa xuống đường mừng lễ Giáng sinh và đón năm mới - biểu hiện của sự an bình trong thế giới (và không chỉ trong thế giới quan) sẽ là "mồi ngon" mà chủ nghĩa khủng bố quốc tế, được thúc đẩy bởi tinh thần thù hận cực đoan, nhắm tới. Song, kể cả khi những biện pháp phòng ngừa và trấn áp từ cơ quan chức năng có đẩy lùi được những nỗi ám ảnh, thì sau đó, điều gì sẽ còn tiếp tục xảy ra nữa, trong cả trung hạn và dài hạn, mới chính là vấn đề. Chỉ chưa đầy 8 tháng nữa thôi, châu Âu sẽ là nơi diễn ra hai sự kiện thể thao rất lớn là Thế vận hội 2024 và Vòng chung kết Cúp vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (Euro 2024).

Nguyên nhân của sự phân cực mãnh liệt hiện tại cũng như những mối nguy hiểm tiềm tàng đã được bà Yla Johansson chỉ ra. Nhưng, để nhìn thẳng vào nó và kiến tạo những giải pháp mang tính gốc rễ, thù hận nhất thiết phải nhường chỗ cho tinh thần hòa giải, sự tôn trọng và lòng cảm thông.

Thiên Thư
.
.