Khi quyền lực dầu mỏ trở lại tay OPEC

Thứ Ba, 25/06/2024, 10:55

Sau hơn một thập kỷ phát triển vượt bậc, dầu đá phiến của Mỹ đã làm thay đổi “bàn cờ dầu mỏ” thế giới, nhưng khi sản lượng đã đạt đỉnh và có dấu hiệu suy giảm, quyền lực dầu mỏ dường như đang trở lại tay Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Sự trỗi dậy của dầu đá phiến Mỹ

Sự phát triển của ngành công nghiệp dầu đá phiến ở Mỹ bắt đầu từ đầu những năm 2000, khi các công nghệ khai thác mới như fracking (thủy lực phân rã) và khoan ngang được áp dụng rộng rãi. Những tiến bộ này đã làm giảm chi phí khai thác và mở ra các mỏ dầu đá phiến khổng lồ, chủ yếu ở miền Tây nước Mỹ như Bakken, Permian Basin, và Eagle Ford. Từ năm 2008 đến 2015, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng vọt từ 5 triệu thùng/ ngày lên 9,4 triệu thùng/ ngày, đưa Mỹ lên bản đồ xuất khẩu dầu thế giới. Đến năm 2018, Mỹ đã vượt qua Nga và Ảrập Saudi để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Một ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu của Mỹ tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm là +7,9%, nhanh gấp 5 lần so với mức tăng trưởng hàng năm +1,6% trong tiêu thụ xăng dầu toàn cầu. Đỉnh điểm sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã xảy ra vào khoảng năm 2019-2020. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã đạt mức cao nhất vào năm 2019, với khoảng 12,2 triệu thùng/ ngày.

Khi quyền lực dầu mỏ trở lại tay OPEC -0
Cái bắt tay của Nga và Arab Saudi để thành lập OPEC+.

Cuộc cạnh tranh với OPEC+

Trước khi dầu đá phiến trở nên phổ biến, OPEC và Nga (gọi là OPEC+) nắm hầu hết lượng dầu tiêu thụ của thế giới. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, sự phát triển của dầu đá phiến đã tạo ra cuộc cạnh tranh giá dầu và thị phần trên thị trường toàn cầu làm thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp dầu mỏ. Một cuộc chiến về sản lượng (nhằm bảo vệ thị phần) lẫn giá cả (nhằm tiêu diệt đối thủ) đã diễn ra trong suốt hơn một thập kỷ.

Nếu năm 2008, sản lượng dầu Mỹ chỉ đạt 5 triệu thùng/ngày chiếm 7% sản lượng toàn cầu và gần như không xuất khẩu thì đến năm 2014, Mỹ đã sản xuất tới 8,7 triệu thùng/ ngày, chiếm tới 13% sản lượng toàn cầu và xuất khẩu ít nhất 2 triệu thùng/ ngày. Đến năm 2020, dù sản lượng tăng lên 13 triệu thùng/ ngày nhưng Mỹ lại chỉ còn chiếm 11% sản lượng toàn cầu. Những thay đổi cũng diễn ra đối với OPEC + trong giai đoạn này. Từ năm 2008 đến 2014 và 2020, sản lượng dầu của OPEC+ cũng tăng đều từ 32 lên 38 rồi 42 triệu thùng/ngày nhưng thị phần thì thay đổi liên tục khi chỉ chiếm từ 44% vào năm 2014 xuống còn 41% vào năm 2020. Đây cũng là giai đoạn giá dầu có những biến thiên vô cùng phức tạp từ mức kỷ lục tháng 7/2008 tới 144 USD/ thùng cho tới mức thấp nhất vào tháng 4/2020 chỉ vào khoảng 15 USD/ thùng.

Dầu đá phiến Mỹ đã làm giảm giá dầu toàn cầu trong một số thời kỳ bằng cách gây áp lực lên các quốc gia OPEC+ để điều chỉnh sản lượng. Sự linh hoạt trong sản xuất đã giúp Mỹ duy trì một thị phần ổn định buộc OPEC+ thay đổi liên tục để ổn định giá cả và bảo vệ thị phần của mình. Sự phát triển của dầu đá phiến Mỹ đã làm thay đổi đáng kể cân bằng cung cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, tạo nên một cuộc “cạnh tranh sắc bén” giữa các nhà sản xuất lớn.

Nhờ công nghệ tiên tiến, dầu đá phiến Mỹ có thể nhanh chóng điều chỉnh sản lượng đáp ứng thị trường. Điều này làm cho thị trường dầu mỏ trở nên linh hoạt hơn và giúp cân bằng cung cầu dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh bất thường của Mỹ cũng kéo theo việc OPEC mở rộng thành OPEC+ và đoàn kết hơn để bảo vệ mình. Các quốc gia OPEC+ cũng thúc đẩy sự đổi mới công nghệ để có thể cạnh tranh với dầu của Mỹ.

Dấu hiệu suy giảm

Mặc dù dầu đá phiến Mỹ đã đạt đến đỉnh cao, nhưng gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy sản lượng đang suy giảm. Các mỏ dầu đá phiến dễ khai thác nhất đã được khai thác hết. Có nghĩa là việc khai thác ở các mỏ mới sẽ tốn kém hơn và khó khăn hơn, đặc biệt là về công nghệ. Trong khi đó chi phí nhân công của Mỹ luôn cao hơn mức trung bình thế giới khiến cho dầu đá phiến Mỹ trở nên ngày càng mất cạnh tranh. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden từ năm 2021 cũng đưa ra các chính sách khắt khe hơn đối với ngành dầu mỏ nhằm giảm khí thải nhà kính và thúc đẩy năng lượng tái tạo. Trong khi đó, nhiều công ty dầu đá phiến Mỹ đang gặp khó khăn tài chính do nợ nần và yêu cầu lợi nhuận ngắn hạn từ các nhà đầu tư. Việc duy trì sản lượng cao trong bối cảnh giá dầu biến động là một thách thức lớn. Đây chính là hệ quả của việc phải cạnh tranh với những công ty nhà nước thuộc OPEC+.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã đạt đỉnh vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 gây ra suy giảm mạnh mẽ. Mặc dù có sự phục hồi sau đại dịch, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sản lượng sẽ khó quay lại mức đỉnh trước đó. Từ năm 2021, EIA dự báo sản lượng dầu đá phiến sẽ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ trong những năm tới. Quả thực, đến năm 2023, dù đã tăng tối đa công suất tại các mỏ dầu đá phiến thì Mỹ cũng chỉ đạt được 13,2 triệu thùng /ngày.

Khi quyền lực dầu mỏ trở lại tay OPEC -0
Dầu đá phiến Mỹ phát triển nở rộ trong hơn 1 thập kỷ qua.

Quyền lực trở lại với OPEC

Với sự suy giảm của sản lượng dầu đá phiến Mỹ, OPEC đã bắt đầu khôi phục lại quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ. Việc cắt giảm sản lượng phối hợp giữa các quốc gia thành viên đã giúp ổn định giá dầu, đồng thời củng cố lại vai trò của OPEC trong việc điều tiết thị trường. Theo đánh giá của ông John Kemp, nhà phân tích thị trường cấp cao chuyên về hệ thống dầu mỏ và năng lượng của Reuters thì: “OPEC đã chứng tỏ khả năng thích ứng và khả năng duy trì ảnh hưởng của mình trong bối cảnh thị trường biến động”.

Việc OPEC giành lại quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ có thể dẫn đến sự ổn định hơn về giá dầu, điều này có lợi cho cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu. Tuy nhiên, giá dầu cao hơn cũng có thể gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng. Sự trở lại của quyền lực OPEC có thể thúc đẩy các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Điều này thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các công nghệ năng lượng sạch.

Theo các chuyên gia phân tích chính trị, sự thay đổi quyền lực trong thị trường dầu mỏ còn có thể ảnh hưởng đến quan hệ địa chính trị toàn cầu. Các quốc gia sản xuất dầu lớn như Arab Saudi, Nga và các thành viên OPEC khác có thể gia tăng ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế. Trong khi đó, Mỹ có thể phải điều chỉnh chiến lược năng lượng và ngoại giao của mình trong bối cảnh mới.

Trong ngắn hạn, thị trường dầu mỏ có thể tiếp tục bị chi phối bởi OPEC và các đồng minh của họ. Tuy nhiên, sự bất định về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt là khi các quốc gia chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững hơn, sẽ là một thách thức lớn. Các công nghệ mới và sự đổi mới trong ngành năng lượng có thể thay đổi cục diện thị trường trong dài hạn. Trong khi dầu mỏ vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng trong tương lai gần, sự phát triển của năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng. Các công nghệ năng lượng mặt trời, gió, pin lưu trữ đang ngày càng hiệu quả và kinh tế hơn. Chính phủ các nước và các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào các giải pháp năng lượng xanh để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng.

Khi mất đi nguồn lực từ dầu đá phiến, Mỹ sẽ phải điều chỉnh chiến lược năng lượng của mình. Điều này có thể bao gồm tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng, và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế như hydro và năng lượng hạt nhân. Đồng thời, Mỹ cũng cần phải duy trì mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định kinh tế khi dầu mỏ vẫn nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế.

Dù sao thì, giai đoạn mà nước Mỹ có thể “hô mưa gọi gió” vì không phụ thuộc vào giá dầu cũng có thể đã qua rồi.

Tiểu Phong
.
.