Khi nữ thủ tướng từ chức

Thứ Sáu, 24/02/2023, 18:27

Sự kiện Thủ tướng New Zealand từ chức với lý do không còn đủ năng lượng cống hiến, đặt ra những câu hỏi về tình trạng kiệt quệ (burnout) trong công việc và con đường tìm hạnh phúc của mỗi cá nhân.

Ngày 19/1, toàn thế giới chấn động trước tin bà Jacinda Ardern, 37 tuổi, sẽ từ chức Thủ tướng New Zealand trước ngày 7/2. Nói về lý do từ bỏ vai trò thủ tướng, bà Ardern chia sẻ cá nhân cảm thấy mình "không còn đủ năng lượng" để tiếp tục công việc "đòi hỏi trách nhiệm to lớn".

"Tôi biết lúc nào mình còn đủ năng lượng để xứng đáng với công việc này. Tôi cũng là con người. Chúng ta luôn cố gắng hết sức và lâu nhất có thể, nhưng ai cũng có lúc phải dừng lại. Đây là lúc tôi phải ngừng bước", bà chia sẻ.

Ngoài ra, người phụ nữ nói thêm bà mong có thời gian ở bên cạnh con gái Neve, 4 tuổi, khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Bà cũng muốn làm đám cưới cùng vị hôn phu Clark Gayford sau khi rời bỏ chính trường. "Bà ấy rất thẳng thắn và những điều bà ấy nói khiến người khác cảm thấy có sự kết nối", Anne-Marie Brady, giáo sư chính trị tại Đại học Canterbury của New Zealand, nhận xét. "Đúng là bất kỳ phụ nữ trẻ nào lớn lên trong thời đại này có thể có tất cả mọi thứ chúng ta muốn, nhưng thực tế chúng ta vẫn đặt những người thân yêu lên trên hết".

afp-com-20220923-ph-gty-142663-7705-8268-1674116234.jpg -0

Quyết định từ bỏ công việc Thủ tướng được hàng triệu phụ nữ trên toàn cầu chia sẻ và đồng cảm. Trong đó, chị Hân, một Việt kiều đang sống ở Anh, từng làm trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn công nghệ hàng đầu, đóng trụ sở ở London, cũng chia sẻ về khoảnh khắc chị xin nghỉ việc khi cảm thấy bản thân đã kiệt quệ. Khi ấy, ở tuổi 39, chị Hân có tất cả những gì mọi phụ nữ khao khát: một sự nghiệp danh tiếng với mức lương hàng trăm nghìn bảng Anh mỗi năm, hai con trai học trường tư thục, cuộc sống như mơ ở châu  Âu, một người chồng giỏi giang luôn ủng hộ vợ. Nhưng không ai hiểu, đằng sau cuộc sống màu hồng, là những giọt nước mắt nhọc nhằn và khổ sở của chị Hân khi trở về mỗi ngày vào lúc 20h tối, khi con cái đã lên giường đi ngủ.

Chị phải làm việc liên tục 14, thậm chí 18 tiếng một ngày, chịu sự cạnh tranh từ các đồng nghiệp giỏi giang, nhưng vẫn bị sếp so sánh với một người khác có thể làm việc 24/7. Ngoài ra, chị liên tục nhận được email và tin nhắn từ lãnh đạo gây áp lực buộc phải trở thành người lao động lý tưởng, ưu tiên công việc hơn bản thân và gia đình.

"Tôi nhiều lần lỡ các sự kiện của con, thường xuyên chỉ gặp chúng vào cuối tuần, hôn nhân cũng rơi vào bờ vực vì sự căng thẳng, tức tối trong công việc được trút lên bàn ăn", chị Hân tâm sự. Cuối cùng, trong sự ngỡ ngàng của công ty và bạn bè, chị nộp đơn từ chức vì cảm thấy đã đi tận cùng giới hạn về thể chất và tinh thần, khi chị phải dùng thuốc ngủ để có thể chợp mắt trong chuyến bay công tác xuyên lục địa. "Vài tháng tiếp theo, khi tôi trở thành người mẹ thất nghiệp, tôi dành thời gian để hẹn hò và kết nối cùng chồng, con; nấu những bữa ăn ngon và ở nhà vào lúc 19 giờ tối. Tôi còn tập yoga, thiền, học vẽ, cắm hoa. Tôi cảm thấy mình thực sự đang sống", người phụ nữ nói.

Mới đây, trên tạp chí Time, Laurie Santos, giáo sư tâm lý phụ trách Lớp học Hạnh phúc - khóa học trực tuyến thu hút lượng người tham gia lớn nhất lịch sử, cũng chia sẻ trải nghiệm kiệt sức, cạn kiệt năng lượng, đến mức phải nghỉ việc của bà. Mọi việc bắt đầu kể từ đầu năm 2022, khi Santos vốn là một nhà giáo giàu năng lượng và đồng cảm với sinh viên, bỗng trở nên khó chịu khi phải giúp người học bổ sung một số thủ tục giấy tờ. Bà biết rằng sự hoài nghi, cáu kỉnh, mệt mỏi - tất cả những điều đó đã gặm nhấm bản thân gần đây - là những dấu hiệu rõ ràng của sự kiệt sức, một tình trạng mà gần 30% người dân Mỹ nói rằng họ ít nhất đôi lần trải qua, theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Viện Y tế McKinsey. Để tránh chìm vào tình trạng kiệt sức hoàn toàn, Santos quyết định nghỉ học một năm ở Yale và tạm thời cùng chồng chuyển đến Cambridge, Massachusetts.

Khi nữ thủ tướng từ chức -0
Bà Jacinda Ardern ngày 24-1 xuất hiện trước công chúng với tư cách là thủ tướng New Zealand    Ảnh: S.t

Khi Santos giới thiệu khóa học Hạnh Phúc vào năm 2018, nó đã nhanh chóng trở thành khóa học được nhiều người tham dự nhất trong lịch sử của Yale. Bà quyết định dạy về hạnh phúc sau khi quan sát những sinh viên căng thẳng của Yale, những người thường xuyên lo lắng về điểm số và tương lai của họ. Những số liệu thống kê đáng kinh ngạc về tình trạng sức khỏe tâm thần và suy nghĩ tự tử trong trường đại học đã củng cố mong muốn giúp đỡ của người phụ nữ.

Theo nữ giáo sư, bộ não của con người giỏi nhiều thứ, nhưng cũng là một "kẻ phá hoại tích cực". Sau một ngày dài mệt mỏi, nó ra chỉ dấu về thứ bạn cần là một cốc kem, pizza, đồ ăn nhanh, rượu, tivi, điện thoại… trong khi những điều bạn thực sự cần là tập thể dục, gọi điện cho một người bạn hoặc kết nối với gia đình. Hoặc bộ não của bạn thuyết phục sự thành công và hạnh phúc là một công việc lương cao, nhà đẹp, xe sang, địa vị, quyền lực, sự nổi tiếng trên mạng xã hội, trong khi những thành tựu bên ngoài này thường chỉ mang lại sự hài lòng thoáng qua. "Những thứ bạn thực sự cần để sống an yên, hạnh phúc là sức khỏe thể chất (ngủ, tập thể dục, dinh dưỡng) và tinh thần tốt (cộng đồng, lòng biết ơn, lòng trắc ẩn, tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày)", Santos nói.

Sáu tháng sau khi nghỉ việc, vị giáo sư dành cả ngày để phát podcast miễn phí, đi xem phim vào tối thứ Hai với bạn bè, học đan len và thỏa mãn tình yêu âm nhạc của mình bằng cách khởi động chiếc PlayStation để chơi Guitar Hero. Hiện Santos nói bà có thể cảm thấy mình trở nên ít mệt mỏi hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, kiên nhẫn hơn, chậm nổi giận hơn. Bà vẫn có những mục tiêu trong sáu tháng còn lại của mình - chẳng hạn như rèn luyện thể chất nhiều hơn và đi du lịch - nhưng cô ấy đã cảm thấy giống con người cũ của mình hơn.

Bài học lớn nhất Santos rút ra từ trải nghiệm bỉ việc của bản thân là, tất cả chúng ta đều có quyền tự quyết, ngay cả ở trong thế giới mà mọi người không thể kiểm soát các yếu tố hạnh phúc của mình. "Mọi người có thể cố gắng đạt được những điều cơ bản, như ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên và dành thời gian cho những người thân yêu. Mọi người đều có thể tìm hiểu về những "mánh khóe" của bộ não và chống lại sự cám dỗ của những người bạn giả dối như mạng xã hội và chủ nghĩa tiêu dùng thái quá. Tất cả chúng ta đều có thể hướng đến hạnh phúc nếu thực sự nỗ lực", Santos nói và đây cũng là bài học của chị Hân, đừng chần chừ nếu bạn đang bị kiệt sức, quá tải vì bất cứ lý do gì. "Cuộc sống rất ngắn ngủi, vì vậy hãy giải phóng bản thân và tìm ra con đường hoàn toàn phù hợp với bạn. Vì bạn xứng đáng có được hạnh phúc thực sự", chị nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kiệt quệ là "một hội chứng xảy ra do căng thẳng mãn tính, không thể kiểm soát được". Burnout được đưa vào Bảng phân loại Quốc tế về Bệnh tật như một tình trạng sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp. WHO cho biết ba biểu hiện đặc trưng của kiệt quệ bao gồm: cảm giác cạn năng lượng hoặc kiệt sức; cảm thấy xa rời về tinh thần với công việc, liên tục thấy tiêu cực hoặc hoài nghi; giảm hiệu suất, hiệu quả làm việc. Người bị kiệt quệ luôn thấy mệt mỏi, kể cả vào cuối tuần và không có động lực tận hưởng những hoạt động vui chơi, tiêu khiển thông thường.

Các dấu hiệu hành vi của kiệt quệ bao gồm trì hoãn, chậm trễ deadline, làm việc kém hiệu quả và phạm sai lầm bất cẩn. Nhiều người trở nên cô lập về mặt xã hội, cáu kỉnh thường xuyên và không trả lời tin nhắn từ bạn bè. Kiệt quệ không xảy ra một sớm một chiều. Nó hình thành dần dần trong nhiều tháng, thường là nhiều năm làm việc. Kiệt quệ có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau.

Một số người lao động thiếu kiểm soát trong công việc. Họ không có khả năng tác động đến các quyết định sẽ ảnh hưởng đến bản thân, chẳng hạn lịch trình, khối lượng việc làm một ngày, dẫn đến tình trạng kiệt sức. Nhiều người không nắm rõ kỳ vọng từ cấp trên đối với bản thân, mức độ thẩm quyền của mình và cấp trên. Điều này gây ra tâm lý không thoải mái. Một số người gặp phải tình trạng bắt nạt ở công sở, cảm thấy bị xúc phạm bởi đồng nghiệp, cấp trên. Khi một công việc quá đơn điệu hoặc hỗn loạn, người lao động cần nhiều năng lượng để duy trì sự tập trung, dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức.

Kiệt quệ kéo dài để lại những hậu quả nghiêm trọng. Để đối phó với căng thẳng và âu lo, nhiều người phản ứng cực đoan bằng cách ăn uống vô độ, lạm dụng chất kích thích, nghiện mua sắm. Tình trạng kiệt quệ cũng ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Nhiều người dễ ốm vặt, đau đầu, đau lưng, gặp vấn đề về dạ dày hơn. Căng thẳng quá mức là nguồn cơn của bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường.

Minh Đức
.
.