Thị dân, luật pháp và văn chương trước 1945

Khi một vụ “cưỡng dâm” không được thụ án (bài 2)

Chủ Nhật, 16/10/2022, 12:53

Hình ảnh công đường và quan tòa dường như không thật sự rõ ràng và xuyên suốt trong hệ thống các loại truyện kể của người Việt thời trung đại. Thực tế thiết lập và thực thi pháp luật như đã nói ở trên có vẻ chưa tạo nguồn cảm hứng tích cực để biến các công đường, các phiên xét xử trở thành một chủ đề nổi bật. Trong trường hợp chúng đi vào ngôn từ, không ít dấu hiệu bất thường được chăm chút mô tả.

1. Chẳng hạn, ta bắt gặp trong văn học dân gian các vụ xử kiện mà xử trí thông minh của quan phán được ngưỡng mộ hơn là trưng ra một luật định cụ thể. Xin được lược dẫn ba truyện: Truyện “Ba chàng thiện nghệ” đăng trên Tân thanh tạp chí kể rằng có ba chàng trai tài năng tuấn tú đến cầu hôn cô gái họ Lê xinh đẹp. Việc cả ba cùng tranh công cứu sống cô gái căng thẳng đến mức phải kéo nhau đến “công đường”.

Bài 2: Khi một vụ “cưỡng dâm” không được thụ án -0
Biếm họa Vũ Trọng Phụng của Côn Sinh trên báo Loa (1935). (Ảnh: tư liệu).

Quan phán xử kết luận anh có tài lặn giỏi được cưới cô gái vì anh ta khi cứu cô ngoài biển, anh phải ôm cô gái trong tay nên chiểu theo “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, hai người kết duyên mới hợp lẽ!  Truyện “Tra tấn hòn đá” đăng trên Thực nghiệp dân báo kể ông quan huyện xử tội hòn đá vì đã làm một người đàn bà nghèo trượt chân ngã xuống nước, khiến bao đồ sắm tết của bà bị ngập vào bùn. Khi quan huyện trói, khiêng hòn đá về công đường tra tấn thì dân chúng tò mò đến xem rất đông. Nhưng để được xem màn hỏi cung, quát nạt kia, dân phải bỏ ra ba mươi đồng kẽm.

Quan kết luận rằng tất cả số tiền đó sẽ cho “nguyên cáo” sử dụng, còn “bị cáo”, dù chưa chịu cung xưng, sẽ được phóng thích về chỗ cũ hoặc đi đâu mặc ý! Truyện “Người đàn bà mất tích” kể về một vụ án mạng xảy ra vào đời Lê. Nguyên có một người đàn bà trên đường sang thăm chị gái thì bị bọn ác tăng hãm hiếp đến chết. Phải mấy năm sau có một ông quan họ Nhữ mới lật lại vụ án bị bỏ xó ở phủ đường này. Qua điều tra, họ Nhữ phát hiện thủ phạm là bọn sư hổ mang, rồi điệu chúng về phủ đường xét xử. Bọn ác tăng cho rằng “oan hồn hồn hiện” nên đã thú tội. Họ Nhữ được vua triệu về kinh, phong làm Thượng thư bộ Hình.

Ba truyện kể dân gian trên khá tiêu biểu cho tình cảm, hiểu biết của người bình dân đối với việc xử án tại địa phương. Ở đó có niềm tin vào vị quan công minh tài giỏi; có bài học luân lí ở hiền gặp lành; có sự dàn hòa giữa lí và tình. Kết thúc bằng thỏa mãn, người bình dân không có nhu cầu tiến xa hơn những ngã rẽ khác, như bi kịch hay sự thất vọng, bất bình. Khi các truyện kể này được “trau chuốt”, tân đính và đưa vào không ít từ ngữ chuyên môn của xử án hiện đại để đăng báo thì người kể, một cách gián tiếp, đã tán dương sự lựa chọn “cổ tích” mà dân chúng coi trọng hơn cả.

Trên phương diện tiếp nhận, chúng có tác dụng giải trí và góp vào mạch văn chương trinh thám, phá án đang ưa chuộng thời đó (chẳng hạn, Mảnh trăng thu [1930], Lá huyết thư [1931], Vết tay trên trần [1936], Lê Phong phóng viên [1937]…). Những ảnh hưởng khác, bao gồm cả nắn chỉnh lối sống người đọc, chắc chắn không đáng kể. Lớp độc giả văn chương thị dân không còn dễ khuyên bảo, nhất là khi “ái tình tiểu thuyết” đang làm họ cuống lên vì sự mới lạ, hấp dẫn.

Trong khi truyện thơ Nôm khuyết danh chịu ảnh hưởng Phật giáo bình dân chọn Diêm vương và vạc dầu để xử án (Phạm Tải Ngọc Hoa) thì “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sát thực hơn với thời thế nhũng nhiễu, oan ức nơi chốn công đường. Chứng kiến quá nhiều bể dâu, Nguyễn Du không lạ gì những “Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây” trong “phủ đường” với “sai nha” và những ông quan “trông lên mặt sắt đen sì” cứ “phép gia hình” mà xử án. Nhưng cũng vì quá hiểu “Đã đưa nhau đến cửa công/Bề ngoài là lí bên trong là tình” như một chuẩn mực đạo lí và nghĩa tình của thường dân nên Nguyễn Tiên Điền không đẩy đến cùng yếu tố pháp lý của việc xử án.

Ngay cả trong “phiên tòa” đáng mơ ước mà Thúy Kiều được phép “xử quyết báo đền cho minh” dưới “uy linh” của Từ Hải, tình riêng tư cũng chi phối tha bổng hay trừng phạt. Nguyễn Du duy cảm và sau hết, đã lý tưởng hóa người phụ nữ trong vai trò khó ai vươn đến. Hình ảnh Thúy Kiều ngồi ghế quan tòa gợi nhắc giai thoại về bà Nguyễn Thị Hinh từng “thay mặt”chồng là Tri huyện Thanh Quan xử cho một thiếu phụ được ly dị để đi lấy chồng khác. Quả là, trong thời đoạn cuối Lê đầu Nguyễn tao loạn và đảo điên sơn hà, người phụ nữ - nạn nhân đã được chính họ, hoặc nam giới, cảm thông bằng lòng bao dung và cả trí tưởng tượng kích lên cho họ một vị thế ngoài mong đợi.

2. Nguồn an ủi từ Phật giáo và phép tắc luân lý không còn tác động quá sâu vào trang viết của các nhà tả chân xã hội thập niên 1930. Trong mắt họ, quan lại địa phương là những tên phì quan tha hóa nhân cách, là đối tượng cần nhìn thấu bản chất cậy quyền cậy tiền đè nén người dân thấp cổ bé họng.

Huyện đường, nơi quan huyện trực tiếp thụ án và phân xử, được chú ý tiếp cận hơn không chỉ vì muốn lật tẩy chân dung “phụ mẫu chi quan” bằng tiếng cười, mà còn muốn khẳng định lớp dân đen con đỏ đã biết dùng lý lẽ đấu tranh, như đã thấp thoáng trong các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, tiểu thuyết và phóng sự của Ngô Tất Tố. Màn cự nự, thách đố của chị Dậu với đám lính lệ gây ấn tượng mạnh với nhà Nho bởi người đàn bà lực điền ấy đang thể hiện rõ phẩm hạnh, công dung của người vợ tần tảo, thương chồng. Nhưng không có khác biệt nào quá lớn giữa chị Dậu và nhân vật cùng đinh sau đó, Chí Phèo, trong mức độ nhận thức về pháp luật. Tất cả đều tự thân phản kháng và chịu kết cục bi quan.

Cũng vào thời điểm đó nhưng với bước tiến gay cấn và nhiều lớp lang, Vũ Trọng Phụng đã công phu dựng lên trong “Giông tố” (1936) một vụ án “cưỡng dâm”, và lấy nó làm nhiệt kế để đo các phản ứng khác nhau của các giai tầng xã hội hiện đại.

Ngay sau khi Nghị Hách cưỡng hiếp Thị Mịch trên cánh đồng làng Quỳnh Thôn, các tác nhân biến nó thành một vụ án dồn dập xuất hiện: 1/ Bọn lý dịch thúc giục ông đồ Uẩn thảo đơn kiện lên quan trên; 2/ Các thành phần hương thôn gồm phó hội, lý trưởng, phó lý, trương tuần cùng bàn cãi căng thẳng rồi cùng kí đơn kiện; 3/ Tất thảy 9 người, một “đám rước ngoạn mục”, với ba anh phu xe “cắm cố kéo”, đến thẳng huyện đường Cúc Lâm trình quan; 4/ Báo “Lưỡng Kỳ” đưa tin thời sự “Phải chăng là một vụ cưỡng dâm?”; 5/ Quan huyện cho triệu Nghị Hách để thông báo mở cuộc điều tra vị điền chủ này về tội “nài hoa ép liễu”; 6/ Quan huyện trình báo vụ kiện lên quan Tổng đốc vì “hiếp dâm” thuộc về luật hình; 7/ Quan tổng đốc phủ quyết biên bản, quy tội phản nghịch; 8/ Quan huyện từ chức vì không làm được “một việc ích quốc lợi dân”; 9/ Quan huyện mới thụ lý vụ án và trực tiếp xử ở huyện đường.

Trong toàn bộ diễn biến này nổi lên nhân vật quan huyện “còn trẻ lắm, trông chỉ mới ngoài hai tuổi”, từng đỗ “luật khoa tiến sĩ” ở Paris, có nhiều tư tưởng “không hợp với cái chế độ cũ”… Lý lẽ, phân tích và thái độ của anh ta khi tiếp nhận đơn kiện tạo được bầu không khí xử án hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, việc Vũ Trọng Phụng sớm để nhân vật này vội từ chức và thay bằng một “quan huyện già ác lắm” thì dường như nhà văn cũng đang loay hoay, nếu không muốn nói là hụt hơi, trong việc tìm hướng đi cho tinh thần pháp luật mới.

Màn xử án sau đó của vị quan huyện già mà sự thiên lệch “đã lộ ra nét mặt”, với dáng “trầm ngâm hiểm độc”, lối xưng hô “mày tao”, thái độ “khinh bỉ bọn làm báo”, “xung thiên chi nộ”, đã khiến tất cả người làng Quỳnh Thôn cùng gia đình nguyên đơn “kinh hoảng”, “run sợ”, “dạ một cái thật to”, “ngoan ngoãn”, “im phăng phắc”… Cuối cùng, quan huyện “đập bàn” kết luận Thị Mịch là “làm đĩ không có môn bài”, bọn lý dịch “kiện láo như thế tức là phạm tội vu cáo”, còn đồ Uẩn muốn bồi thường mấy trăm bạc “ông đệ mẹ nó lên tỉnh cho chúng mày khốn khổ”…

Đúng như dự cảm bất an của bà đồ, vụ kiện tưởng là chắc thắng của ông đồ và lý dịch Quỳnh Thôn, đã thất bại ê chề, thanh danh cả làng càng bị chà đạp. Câu chuyện vụ án “hiếp dâm” dừng lại đó và trên thực tế, “Giông tố” cũng không được đăng tiếp trên Hà Nội báo ngay sau trường đoạn xử án. Lí do khiến “Giông tố” phải “dứt đoạn” được chính tòa soạn giải thích là “vì một lẽ riêng […] Đăng một truyện xã hội – hiểu theo nghĩa chặt chẽ của nó - chúng tôi biết ngay từ lúc đầu là một việc khó khăn”.

3.Trần tình của Hà Nội báo mang hàm ý “Giông tố” đã chĩa ngòi bút quá thẳng thắn, trực diện vào sự điều hành nhốn nháo, tình trạng tham nhũng, lộng quyền tại địa phương. Tuy thế, theo tôi, “Giông tố” cho đến lúc bị dừng đăng, thuần túy là câu chuyện xử kiện và nó cũng có thể kết thúc được (đúng kiểu truyện ngắn tả chân có phần kết gây bức bối).

Phần tiếp nối sau, Thị Mịch, thì vụ án hoàn toàn biến mất, còn lại chỉ là câu chuyện gia đình Nghị Hách với những mối thù hận, mưu toan, rắc rối mới. Vũ Trọng Phụng nhọc sức dàn dựng vụ án nhưng cuối cùng đành bỏ ngỏ, nhường chỗ cho mối bận tâm chính của ông về con người trụy lạc, tha hóa, “gái hư”. Hẳn vì không thật sự thiện cảm với cái mới, với bước tiến văn minh phương Tây nên Vũ Trọng Phụng không lựa chọn nhân vật quan huyện trẻ muốn “mở một phòng luật sư và một cơ quan ngôn luận bằng chữ Tây” mà chỉ chọn tú Anh hay Long, những người cấp tiến nhưng vẫn bị luẩn quẩn trong vòng cương tỏa luân lý.

Bởi vậy, tuy tỏ ra chia sẻ tâm lý sợ hãi công đường, “vô phúc thì đáo tụng sân đình” của dân chúng hàng xã nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn ưa lối trào phúng, giễu cợt sự thất bại của họ một khi phải chống chọi với uy quyền “nén bạc đâm toạc tờ giấy” hơn là đứng về phía tin tưởng những nạn nhân có thể tự bào chữa cho mình. “Giông tố” dừng lại theo cái cách Vũ Trọng Phụng buông tay trên chính câu chuyện pháp luật mà ông chưa có điều kiện nghiền ngẫm kĩ càng.

(Còn nữa)

Mai Anh Tuấn
.
.