Khi dầu lửa không còn đổi được an ninh

Thứ Bảy, 13/05/2023, 09:43

Từng có thời, Mỹ và Saudi Arabia duy trì một mối quan hệ vô cùng khăng khít. Nhưng, khi thời thế thay đổi, “những người bạn cũ” đã phải tìm lối đi riêng.

Người khổng lồ bị thách thức

Đúng vào thời điểm lạm phát tại Mỹ đang có dấu hiệu chững lại, mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng lãi suất, thì quyết định giảm sản lượng đầy bất ngờ vào đầu tháng 4/2023 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác mở rộng (OPEC+) lại một lần nữa đẩy giá dầu lên, qua đó làm lung lay cơ hội phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khỏi phải nói, quyết định này khiến người Mỹ "tức giận" thế nào. Dù đã được thông báo trước, nhưng ông John F. Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia khẳng định: “Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm sản lượng là điều nên làm vào thời điểm này, do thị trường không ổn định. Và, chúng tôi đã nói rõ điều đó”. Chỉ có điều, chính ông Kirby phải thừa nhận: “Chúng tôi không có chỗ ngồi ở cái bàn (của những thành viên OPEC) đó".

17-dau-01.jpg -0
Mối quan hệ giữa Saudi Arabia với Trung Quốc ngày càng trở nên thân thiết.

Trong suốt quý I/2023, sự bấp bênh của kinh tế thế giới đã khiến giá dầu đi xuống có lúc tới gần mức 65 USD/thùng. Đây là tín hiệu tốt đối với những nền kinh tế đang bị lạm phát hành hạ như Mỹ. Người ta đưa ra dự đoán, với lạm phát được kiểm soát tốt hơn, FED có thể sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 5/2023, để mở đầu cho giai đoạn phục hồi của thị trường tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những vụ đổ vỡ của các ngân hàng như Signature Bank hay Silicon Valley Bank làm lung lay hệ thống tài chính Mỹ.

Thế nhưng, động thái giảm sản lượng thêm 1,1 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 1% sản lượng toàn cầu bắt đầu từ tháng 5 đã trở thành một mối đe dọa mới đối với các nỗ lực kiềm chế lạm phát và thách thức chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc thúc đẩy giảm giá nhiên liệu đầu vào. Một lần nữa động thái này đã trầm trọng thêm mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia (nước đứng đầu OPEC). Tháng 10/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra lời kêu gọi đặc biệt tới Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman về chuyện tăng sản lượng dầu. Đáp lại, OPEC tuyên bố cắt giảm sản lượng tại cuộc họp kế tiếp.

Vấn đề không chỉ là việc giá dầu bị neo cao sẽ làm cho kinh tế Mỹ gặp khó khăn. Nó còn tác động trực tiếp tới tầm ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới khi khiến cả phương Tây lâm vào thế khốn đốn, đồng thời tiếp thêm nguồn lực cho Nga hay Iran đứng vững trước các lệnh trừng phạt.

Ở góc nhìn khác, động thái giảm sản lượng của OPEC lần này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Nga (một thành viên chủ chốt của OPEC+) cũng thông báo sẽ giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 này. Có thể tin rằng, Saudi Arabia và Nga đã cùng hành động vì một mục tiêu chung và những mối liên hệ về mặt lợi ích trong OPEC+ có lẽ hiện tại còn khăng khít hơn mối quan hệ đồng minh 80 năm giữa Mỹ với Saudi Arabia. Một động thái đầy tính biểu trưng: Mới đây, Saudi Arabia là một trong những nước nồng nhiệt bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm BRICS (các nền kinh tế mới nổi lớn trên thế giới, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi), vào thời điểm BRICS vượt qua Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn cầu dựa trên sức mua tương đương (31,5% so với 30,7%).

Tình bạn đã đổi thay

Cần phải nhìn lại quá trình thay đổi của mối quan hệ này cặn kẽ hơn. Từ cú sốc dầu mỏ năm 1973 tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế phương Tây, vụ khủng bố 11/9/2001 do các phe nhóm cực đoan người Saudi Arabia tiến hành trên lãnh thổ Mỹ, cho đến chính sách giảm dần sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông và Vùng Vịnh, tới cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời chính quyền Tổng thống Obama, cũng như việc áp đặt cách thức quản trị dựa theo mô hình của phương Tây, nhất là trong vấn đề nhân quyền... cả một chuỗi xung khắc đã tạo nên nhiều bất đồng sâu sắc giữa đôi bên.

17-dau-02.jpg -0
Giá dầu cao khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại lớn.

Một thỏa thuận vẫn có hiệu lực từ năm 1945 giữa Mỹ và Saudi Arabia, theo đó Washington cam kết bảo vệ Riyad. Đổi lại, họ được vương quốc dầu lửa cung cấp năng lượng, cũng như đảm bảo định giá mặt hàng này theo đồng USD. Nhưng, tình hình đã thay đổi, nhất là từ khi Mỹ đẩy mạnh việc khai thác dầu đá phiến để trở thành đối thủ cạnh tranh với Saudi Arabia trên thị trường. Chính cựu Tổng thống Obama năm 2010 từng tuyên bố rằng sự thay đổi trên thị trường dầu mỏ đã cho phép ông có được biên độ hành động ngoại giao lớn hơn đối với Saudi Arabia. Trong thời gian gần đây, Mỹ đã dừng lại nhiều kế hoạch cung cấp vũ khí mới cho quốc gia này. Đây chính là thời điểm mang tính “bản lề”.

Từ năm 2017, vị thái tử trẻ tuổi đầy tham vọng Mohammed bin Salman - người kế vị ngai vàng trong tương lai - bắt đầu quản lý đất nước, với những góc nhìn mới. Thái tử Mohammed muốn chuyển đổi nền kinh tế, tái thiết cảnh quan, biến đất nước trở thành trung tâm tài chính, du lịch và công nghệ của thế giới thông qua những siêu dự án khổng lồ. Một trong những dự án đó là Neon, siêu đô thị với mức đầu tư lên tới 500 tỷ USD sẽ được hoàn thành vào năm 2030. Để thực hiện được kế hoạch đầy tham vọng này, việc đảm bảo nguồn thu từ dầu mỏ là cực kỳ quan trọng. Dù không đưa ra tuyên bố cụ thể, nhưng với những động thái trong suốt những năm qua, chính quyền Riyad dường như không chấp nhận mức giá dầu thấp hơn 80 USD/thùng - điều rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của họ. Khi giá dầu đạt 100 USD/thùng vào năm ngoái, một khoản thu lên đến 650 tỷ USD đã giúp quốc gia này tăng tốc dự án. Với chính sách kinh tế “Saudi First” nhằm ưu tiên lợi ích quốc gia, Thái tử Mohammed sẵn sàng “phớt lờ” những mối lo của Mỹ để thực hiện những mục tiêu riêng. Mới đây nhất, việc Ryiadh bày tỏ sẵn sàng dùng đồng nhân dân tệ để mua bán dầu với Trung Quốc (đối tác nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới) đã góp phần phá vỡ thế độc quyền của đồng USD trên thị trường này.

Khi định hướng chính sách thay đổi, những động thái đối đầu cũng liên tục xuất hiện. Tháng 7/2022, Mỹ đã phải mở kho dự trữ dầu quốc gia để ổn định thị trường. Hành động này đã bị Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman chỉ trích, coi đó là "công cụ thao túng thị trường". Phản ứng lại, giới chức Mỹ kêu gọi kích hoạt dự luật về NOPEC (không thành lập nhóm nước xuất khẩu hoặc sản xuất dầu), nhằm cho phép Bộ Tư pháp Mỹ kiện OPEC độc quyền. Điều này đã khiến Saudi Arabia cảnh báo có thể bán trái phiếu Chính phủ Mỹ, đẩy tình trạng lạm phát thêm trầm trọng.

Cuộc chơi thay đổi

Khi Mỹ giảm mối quan tâm tới khu vực Trung Đông, Nga và Trung Quốc lại đồng loạt tăng cường hiện diện. Bản thỏa thuận hòa bình mới đây giữa Saudi Arabia với Iran do Trung Quốc làm trung gian là minh chứng rõ ràng cho tầm ảnh hưởng của "người bạn phương Đông". Trong khi đó, Nga đang ngày càng “phối hợp ăn ý” với Saudi Arabia, trong những vấn đề liên quan đến lợi ích của cả hai bên. Sự xích lại gần Saudi Arabia của hai đối thủ này còn cần nhiều thời gian nữa để có thể thách thức mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Nhưng, vấn đề sát sườn nhất đối với cử tri Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden lúc này là lạm phát và giá xăng cao thì vẫn là một bài toán hóc búa. Hàng chục quan chức Mỹ đã đến Saudi Arabia trong năm qua để tìm lời giải cho vấn đề này, nhưng đều ra về tay trắng.

Không tìm được cách đối thoại chính là vấn đề giữa hai bên, khi "Riyadh đánh giá thấp sự giận dữ của Mỹ. Còn Mỹ lại cho rằng họ có thỏa thuận không cần nói ra lời", Clayton Allen - Giám đốc hãng tư vấn Eurasia cho biết. Khi Tổng thống Joe Biden có chuyến công du thất bại tại Riyadh tháng 7/2022, người ta nói đó đã là đáy của mối quan hệ này. Nhưng, nếu soi kỹ vào những phát biểu của quan chức Saudi Arabia thời gian gần đây, chúng ta sẽ hiểu, còn nhiều điều chờ đợi phía trước.

Công chúa Reema Bent Bandar, đại sứ Saudi Arabia tại Washington, khi trả lời phỏng vấn của tờ Politico vào tháng 6/2022 - ngay trước thời điểm ông Biden tới Riyadh - đã cho rằng: "Mối quan hệ từng được thiết lập theo tiêu chí lỗi thời và chỉ giới hạn ở mức đổi dầu lửa lấy an ninh đã qua", do đó: "Chúng tôi muốn có một lộ trình cho mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia trong phần còn lại của thế kỷ này". Lộ trình đó chắc chắn sẽ rất khác so với 80 năm qua.

Tử Uyên
.
.