Khe cửa hẹp sau mịt mù khói súng
Còn quá sớm để nói về hòa bình hoặc ít nhất là một lệnh ngừng bắn tạm thời cho cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine. Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất trong những ngày đầu tháng 7, cũng đã có cơ sở để giới quan sát quốc tế có thể bắt đầu mường tượng các khả năng khép lại cuộc chiến khốc liệt này; cho dù, lối thoát đó mới chỉ là những thấp thoáng sau mịt mù khói súng.
Hiệu ứng Budapest
Ngày 2/7, lần đầu tiên kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt mà quân đội Nga tiến hành tại miền Đông Ukraine (tháng 2/2022), Thủ tướng Hungary Viktor Orban đặt chân tới Kiev trong một chuyến công du chính thức.
Trọng tâm chương trình nghị sự chuyến thăm này, như nhà lãnh đạo Hungary công khai, là việc “thiết lập quan hệ giữa hai nước và ký một thỏa thuận hợp tác với Ukraine, tương tự những thỏa thuận mà Hungary đã ký với các nước láng giềng khác”.
Song, điều thực sự khiến các nhà phân tích quốc tế chờ đợi, nghĩa là một động thái đã được dự báo từ trước, lại là câu chuyện hoàn toàn khác: Trong chuyến thăm đó, Thủ tướng Hungary đã gợi ý để Tổng thống Ukraine cân nhắc xem xét sớm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn, từ đó tạo cơ sở cho đàm phán hòa bình. Khi đưa ra những đề nghị này, vai trò của ông Viktor Orban không chỉ là Thủ tướng Hungary nữa, mà là người đứng đầu quốc gia vừa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), mới chỉ một ngày trước đó, với tuyên ngôn “Make Europe Great Again” (Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại). “Hòa bình là một vấn đề quan trọng. Cuộc chiến mà các bạn đang theo đuổi hiện nay có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến an ninh của châu Âu”, ông nhấn mạnh.
Như chính Thủ tướng Viktor Orban viết trên trang Facebook cá nhân: “Mục đích của Hungary trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU này là đóng góp giải quyết các thách thức...”. Đó là lý do chính để chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị mới chính là Kiev.
Trước khi ông lên đường, những dụng ý chính xem như đều đã được công khai, thậm chí đã được phân tích, mổ xẻ bởi không ít chuyên gia. Gần 2 năm rưỡi qua, dưới sự lãnh đạo của ông, Hungary đã nhiều lần phản đối việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU, cũng như phản đối các lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga, từ đó bị xem là ít nhiều làm suy yếu các nỗ lực viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine. Thực tế đó dẫn đến sự xuống cấp của mối quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và Hungary, vốn “cơm không lành, canh không ngọt” từ trước năm 2022.
Bất ngờ chọn Kiev làm điểm đến lần này, nếu như phía Hungary tuyên bố là vì “mục đích hòa bình” thì không ít nhà quan sát lại coi đây là nỗ lực nhằm tìm cách chấm dứt sự cô lập của châu Âu đối với ông liên quan đến vấn đề Ukraine. Zsomber Zeold, một nhà ngoại giao Hungary kỳ cựu, cũng là một chuyên gia chính sách đối ngoại ở Budapest, nhận định: “Lời giải thích hợp lý nhất là ông ấy (Thủ tướng Orban) là muốn xây dựng sự tín nhiệm trong EU, chứ không chỉ được biết đến như một nhân vật thân thiện với nước Nga”. Trong khi đó, Peter Kreko, Giám đốc Political Capital, một nhóm nghiên cứu ở Budapest, mô tả chuyến thăm Ukraine của ông Orban là một “bất ngờ khôn ngoan, có thể cải thiện cơ hội tiến gần hơn đến dòng chảy chủ đạo của EU”.
Ở đây, có lẽ cũng cần giải thích ngắn gọn: Cơ bản, vị trí Chủ tịch EU mà Hungary vừa tiếp nhiệm mang nhiều sắc thái biểu tượng hơn là có được thực quyền trong các quyết sách lớn. Song, dựa trên các biến động thời cuộc, nhất là kết quả gây sốc tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng trước, Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố thành lập một liên minh cánh hữu mới trong EP mang tên “Những người yêu nước vì châu Âu”. Ông xem đây là sự khởi đầu của một “kỷ nguyên mới” về “hòa bình, an ninh và phát triển” thay vì “chiến tranh, di cư và trì trệ” - kỷ nguyên “sẽ thay đổi nền chính trị châu Âu”.
Có điều, ý tưởng này của ông vẫn chưa thu hút được nhiều sự ủng hộ của các đảng cánh hữu lớn ở cựu lục địa, cho dù quan điểm của ông (về cuộc xung đột Nga - Ukraine) khá tương đồng với họ. Bởi vậy, đến Kiev và thẳng thắn đưa ra những ý kiến của mình - ví dụ như đề xuất ngừng bắn (dọc theo đường tiếp xúc với các lực lượng Nga) - có thể xem là một phương thức “tập hợp lực lượng”.
Về chuyến thăm, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhanh chóng đưa ra nhận xét: “Trong trường hợp này, tôi nghĩ, trách nhiệm vì lợi ích của Brussels sẽ chiếm ưu thế ở đây, chứ không phải vì lợi ích quốc gia của Hungary. Về vấn đề này, ông Orban nổi tiếng là một chính trị gia biết cách bảo vệ lợi ích của đất nước mình”.
Phía dưới lớp vỏ giáp xác
Không bất ngờ khi đề xuất của Thủ tướng Hungary nhận được lời từ chối quyết liệt của Tổng thống Ukraine. Ông Volodymyr Zelensky đã lắng nghe và đã đáp lại với việc kiên quyết giữ nguyên lập trường quen thuộc của mình. Ông cho rằng đề xuất từ phía Thủ tướng Hungary là các điều khoản “không tốt cho Ukraine”, đồng thời nêu rõ tầm nhìn của mình về cách chấm dứt xung đột tại Ukraine, cũng như bày tỏ hy vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần thứ hai về vấn đề này vào cuối năm nay. Nhân dịp này, ông Zelensky cũng kêu gọi châu Âu duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine.
Quan điểm và thái độ kiên định ấy ngay lập tức nhận được tiếng đồng vọng từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Nhà lãnh đạo nền kinh tế dẫn đầu EU tuyên bố trên kênh truyền hình DW: “Theo quan điểm của tôi, lệnh ngừng bắn liên quan đến việc Ukraine đầu hàng (theo những điều kiện mà Moscow nêu ra) là điều mà Đức không bao giờ ủng hộ”. Cùng lúc, từ Washington, những thông tin cho biết NATO gần như nhất trí tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 40 tỷ USD trong năm 2025.
Vấn đề là, dù thế nào, lời gợi ý về một giải pháp hòa đàm cũng đã được Thủ tướng Hungary “lật bài”. Hơn thế, điều đó không chỉ thể hiện tư tưởng của cá nhân ông Viktor Orban hay lập trường của riêng Hungary, mà còn xuất phát từ việc ông “đánh giá cao các sáng kiến hòa bình” mà ông Zelensky thúc đẩy.
Hiện tại, trái ngược với trạng thái “kiên quyết không chấp nhận đàm phán với Moscow” ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột, đối thoại đã trở thành một nhu cầu hiện hữu đối với người đứng đầu nhà nước Ukraine. Ngay trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Hungary, ngày 28/6, trong một cuộc họp báo tại Kiev, Tổng thống Zelensky nêu rõ: “Chúng tôi cũng sẽ phát triển các điểm khác trong kế hoạch hòa bình (gồm 10 điểm mà Kiev vạch ra) và chuẩn bị một kế hoạch toàn diện để đặt lên bàn của tất cả đối tác. Điều quan trọng với chúng tôi là phải đưa ra kế hoạch chấm dứt chiến sự được phần lớn các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Đó là con đường ngoại giao chúng tôi đang thực hiện”. Thậm chí, ngày 27/6, ông còn thừa nhận: “Chúng tôi đã có nhiều người thiệt mạng và bị thương trên chiến trường. Chúng tôi phải đưa ra kế hoạch giải quyết trong vài tháng tới”.
Bình luận về động thái này, chuyên gia về quan hệ quốc tế và an ninh Mark Sleboda nhận định: “Thực tế là Tổng thống Zelensky muốn nói rằng ông ấy sẵn sàng đàm phán với Nga, thông qua một bên trung gian, tại một thời điểm không được tiết lộ trong vài tháng tới. Tôi đoán đó là tiến triển, nhưng không nhiều. Có khả năng đây là bước thăm dò đầu tiên, một bước tiến, hai bước lùi theo hướng đàm phán cuối cùng để chấm dứt xung đột”.
Rất nhiều người dễ dàng nhận thấy rằng, lúc này, Ukraine đang phải đối diện với những thách thức rất lớn và ngày càng gia tăng. Theo đánh giá của tờ The Wall Street Journal, quân đội Ukraine đang ngày càng mệt mỏi vì giao tranh và thiếu quân tiếp viện. Trong khi đó, một số người dân Ukraine không muốn ra tiền tuyến. Ngoài ra, phương Tây vẫn viện trợ, nhưng không đủ để Kiev có bước đột phá. Đơn cử, chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng vừa khẳng định rằng Đức sẽ không trở thành một bên tham gia cuộc chiến, dù vẫn ủng hộ Ukraine. Với những nguồn lực ngày càng eo hẹp, mục tiêu khả thi dành cho Ukraine lúc này không thể là thu hồi lãnh thổ như đường biên giới 1991, mà chỉ là giữ vững được phòng tuyến hiện tại.
Song, điều đáng sợ nhất vẫn còn ở phía trước: Đó là sự kiệt quệ hoàn toàn về kinh tế - xã hội. Ngày 1/7, tờ The Economist cảnh báo: Ukraine chỉ còn một tháng để xử lý các vấn đề xoay quanh lãi các khoản vay, nhằm tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ. Như thế, có rất ít lựa chọn nhằm kiến tạo những cơ hội hồi sinh cho đất nước này.
Do đó, chẳng ai chờ đợi lời đề nghị của Thủ tướng Hungary lập tức có thể mở ra được “đột phá khẩu”, khi khoảng cách giữa lập trường của các bên liên quan còn cách xa nhau. Tuy vậy, bởi vì vẫn còn thời gian để tìm kiếm những điểm thỏa hiệp (nhất là với tác động từ chiến trường thực địa), bởi vì “Hungary hoàn toàn có thể trở thành một bên trung gian hữu ích” - như nhận định của Oleg Nemensky, chuyên gia hàng đầu tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga và bởi vì Kiev cũng đã bắt đầu cố gắng tìm kiếm cơ hội đối thoại. Hòa đàm chắc chắn không phải là chuyện không thể.