Khát vọng không bao giờ bị dập tắt

Thứ Năm, 25/05/2023, 21:14

Khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm "Sự kiện Nakba" hôm 15/5 tại phòng họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, phía dưới khán phòng dậy lên những tiếng hô vang “Palestine tự do!” và “Hãy chấm dứt sự chiếm đóng ngay bây giờ!” từ cử tọa. Nó cho thấy sự ủng hộ bền bỉ dành cho cuộc đấu tranh của dân tộc Palestine.

Lễ tưởng niệm gây tranh cãi

75 năm kể từ ngày hàng trăm nghìn người Palestine phải rời bỏ quê hương để nhường chỗ cho việc thành lập nhà nước Israel, lần đầu tiên "Sự kiện Nakba" - hay còn được biết tới với tên gọi "Thảm họa Nakba" đối với người Arab - được tổ chức tưởng niệm tại Liên hợp quốc (LHQ). Buổi lễ diễn ra với sự chủ trì của Ủy ban LHQ về các quyền bất khả xâm phạm của người Palestine (CEIRPP) có sự tham dự của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Phó Tổng thư ký LHQ Rosemary DiCarlo cùng đại diện của nhiều tổ chức quốc tế và hơn 100 quốc gia thành viên.

Khát vọng không bao giờ bị dập tắt -0
Lễ tưởng niệm “Sự kiện Nakba” lần đầu tiên được tổ chức tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

"Sự kiện Nakba" được ghi nhớ vào ngày 15/5/1948, chỉ 1 ngày sau ngày thành lập nhà nước Israel, khi những dòng người Palestine bắt đầu rời khỏi nhà cửa của mình ở miền Bắc đất nước. Nó cũng đánh dấu cuộc xung đột đầu tiên giữa những người Israel và cộng đồng Arab, hay còn được biết tới là Chiến tranh Arab-Israel lần thứ nhất. Trong giai đoạn này, hơn 700.000 người Palestine đã bị trục xuất hoặc rời khỏi nhà của họ, bỏ lại phía sau là đống đổ nát của 530 ngôi làng và thị trấn bị lực lượng dân quân phục quốc Do Thái và quân đội Israel phá hủy. Hầu hết số người Palestine này đã phải sống như những người tị nạn ở các quốc gia láng giềng.

Mặc dù là một sự kiện lớn nhưng đây mới là lần đầu tiên lễ tưởng niệm "Sự kiện Nakba" được tổ chức tại LHQ, bởi có những đánh giá khác nhau về giai đoạn này. Người Palestine coi sự kiện là một hành động thanh lọc sắc tộc do lực lượng dân quân Israel tiến hành. Ngoài việc khiến hàng nghìn người phải rời quê hương thì sự can thiệp của các lực lượng vũ trang Israel dẫn đến cái chết của hàng trăm người khác. Nhưng, đối với người Israel, sự kiện ấy lại gắn liền với cuộc đấu tranh “lập quốc” của họ, nhằm chống lại quân đội các nước Arab và các chiến binh thù địch - những người đã bác bỏ kế hoạch phân chia đất đai giữa người Do Thái và người Arab của LHQ. Đối với nhiều người Israel, họ coi sự kiện là cuộc di cư - phần lớn là tự nguyện - của người Palestine, được khuyến khích bởi các nhà lãnh đạo Arab. Sự kiện cũng đi kèm với cuộc đàn áp và trục xuất người Do Thái khỏi nhà của họ ở những khu vực khác của Trung Đông. Vì thế, Israel luôn phản đối việc tổ chức lễ tưởng niệm này ở mọi cấp độ. Lần này, khi lễ tưởng niệm được tổ chức quy mô ở LHQ, Đại sứ Israel Gilad Erdan đã gọi đó là một sự kiện “đáng xấu hổ”. Trước đó phía Israel đã kêu gọi các nước tẩy chay lễ tưởng niệm.

Buổi lễ tưởng niệm năm nay đã được tổ chức theo Nghị quyết số A/RES/77/23 ngày 30/11/2022 của Đại hội đồng LHQ, một nghị quyết mà Ủy ban Quốc tế hỗ trợ quyền của người Palestine gọi là “một bước đi đặc biệt và chưa từng có tiền lệ”. Buổi lễ cho thấy sự ủng hộ dành cho người Palestine từ phía Đại hội đồng LHQ, nhưng cũng không có ràng buộc pháp lý nào khi 2 trong số những thành viên phản đối lại là đại diện có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an: Mỹ và Anh. Hai nước cũng không cử đại diện tới dự lễ tưởng niệm.

Bối cảnh khó khăn

Sự "chống lưng" của các đại cường phương Tây ấy đã thúc đẩy Israel không chỉ dừng lại ở việc chia đôi lãnh thổ với người Palestine, mà trong 75 năm qua, họ tiếp tục lấn chiếm lãnh thổ để xây dựng nhà nước Do Thái hùng mạnh nằm giữa thế giới Arab. Việc dần dần bị "tước đoạt" hầu hết đất đai khiến giấc mơ về một nhà nước độc lập cứ trôi xa dần khỏi tay người Palestine, còn tâm lý phản kháng cứ âm ỉ, chực chờ thời điểm bùng nổ. Lần gần nhất bắt đầu từ tháng 5/2022, sau cái chết của nữ nhà báo Palestine Shireen Abu Akleh.

Khát vọng không bao giờ bị dập tắt -0
Giấc mơ độc lập dang dở của người Palestine vẫn còn tiếp tục.

Đây cũng là lần thứ 11, xung đột leo thang kể từ năm 2006. Những cuộc xung đột dai dẳng này trở nên thường xuyên từ khi Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas) giành được quyền kiểm soát ở Dải Gaza và trực tiếp đối đầu với chính quyền Israel. Nối tiếp Hamas, những năm gần đây, lực lượng Hồi giáo Palestine (PIJ) có sự hậu thuẫn của Iran tiếp tục dẫn đầu những cuộc tấn công vào người Do Thái, với mục tiêu không che dấu là "hủy diệt nhà nước Israel".

Khác với chính quyền Palestine (PA) do ông Mahmoud Abbas lãnh đạo chủ trương theo đuổi đối thoại với Israel để hướng đến việc thành lập nhà nước độc lập cho người Palestine, thì Hamas, PIJ và một số lực lượng cực đoan khác lại lựa chọn giải pháp vũ lực. Những cuộc tấn công của các lực lượng này nhằm vào người Do Thái trở thành cớ để gia tăng sự "đàn áp" cũng như các lệnh cấm mà nhà nước Israel nhắm vào người Palestine. Và rồi, chính những lệnh cấm này lại dẫn tới hành động trả đũa từ phía Palestine.

Bản thân PA, dù được quốc tế công nhận nhưng càng ngày càng gặp nhiều khó khăn sau những đợt "truy quét" của quân đội Israel cũng như việc mở rộng các khu định cư của người Do Thái. Năm 2007, PA với nòng cốt là phong trào Fatah đã đánh mất quyền kiểm soát ở Dải Gaza vào tay Hamas. Thời gian gần đây, khi một lần nữa PA bị đóng băng tài khoản ở khu Bờ Tây, đã có những tin đồn Hamas sẽ một lần nữa thực hiện cuộc đảo chính "hất cẳng" lực lượng này khỏi chính trường. Sự thiếu đồng thuận trong chính nội bộ người Palestine khiến họ không thể có được sức mạnh gắn kết vì mục tiêu chung, cũng như làm phân tán sự ủng hộ đến từ bên ngoài.

Nguồn ủng hộ lớn nhất dành cho người Palestine trong quá khứ đến từ cộng đồng Arab. Nhưng, theo thời gian, sự ủng hộ này có những dấu hiệu suy giảm. Sau những cuộc chiến với Israel thất bại, khối Arab chia rẽ. Năm 1977, Hiệp định hòa bình Ai Cập - Israel đã mở đường cho mối quan hệ giữa nhà nước Do Thái với cộng đồng Arab. Trong nỗ lực duy trì mối quan hệ với siêu cường Mỹ, các nước Arab cho phép Washington - nhà cung cấp vũ khí chính của Israel - kiểm soát các nỗ lực hòa bình trong khu vực. Chậm rãi nhưng chắc chắn, lãnh thổ của người Palestine bị thu hẹp. Quá trình bình thường hóa giữa một số quốc gia Arab và Israel do Mỹ dẫn dắt cũng phần nào làm giảm dần sự ủng hộ với Palestine.

Lễ tưởng niệm tại New York diễn ra hôm 15/5 là một lời nhắc nhở về quyền lợi hợp pháp của người Palestine. Nhưng, xét trên tình hình thực tế, lễ tưởng niệm xuất hiện như một diễn đàn để PA lên tiếng về vai trò của mình nhiều hơn là việc mở ra cơ hội để nối lại tiến trình đàm phán giữa các bên.

Giấc mơ bất diệt

Thực tế, vấn đề độc lập cho người Palestine đã trở nên nan giải hơn rất nhiều trong những năm qua. Sự chênh lệch tương quan sức mạnh giữa Israel và Palestine là ngày càng lớn. Những lực lượng như Hamas, PIJ dù đấu tranh tích cực nhưng cũng chỉ là những nhóm vũ trang nhỏ không đủ sức đương đầu với quân đội Israel. Không chỉ vậy, thực tế, sự tồn tại của chính quyền Palestine hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào khả năng thu thuế hộ của nhà nước Israel. Những sự ủng hộ từ bên ngoài thường chỉ đến qua lời nói chứ chưa tạo ra hiệu quả thực tế nào. Phía Mỹ vẫn có những hành động thiên vị rõ ràng đối với người Do Thái, như công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel. Hòa bình ở Trung Đông là thứ mà tất cả các bên tuyên bố theo đuổi nhưng nó lại được chấp nhận dễ dàng bằng những thỏa thuận chèn ép người Palestine chứ không phải bảo vệ quyền lợi của họ. Điều đó chỉ càng thúc đẩy chính quyền Israel quyết đoán hơn trong việc chiếm lấy những lợi ích của mình.

Thế nhưng, trong bóng đêm, vẫn có những tia hy vọng lóe lên. Việc Đại hội đồng LHQ tổ chức công khai lễ tưởng niệm Nakba năm nay là một sự tái khẳng định dành cho “giải pháp hai nhà nước”. Thỏa thuận nối lại quan hệ giữa Saudi Arabia với Iran mới đây cũng đang mang đến Trung Đông một “người chơi” mới là Trung Quốc, quốc gia có thể giúp cân bằng ảnh hưởng một chiều của Mỹ trong khu vực suốt giai đoạn trước đó.

Việc khối Arab mà tiêu biểu là Saudi Arabia xích lại gần Iran, sự quay trở lại của Syria trong Liên đoàn Arab, công cuộc hòa giải cho nội chiến ở Yemen đều đang hướng tới những "kết quả tích cực chưa từng có”, phác thảo viễn cảnh gắn kết thế giới Hồi giáo. Đây chính là cơ hội tốt nhất mà người Palestine có thể chờ đợi. Bởi, sự ủng hộ của toàn bộ thế giới Arab, trong bối cảnh xu hướng đa phương hóa - đa cực hóa trong trật tự thế giới đang diễn ra mạnh mẽ, có khả năng tiếp thêm sức nặng cho những đòi hỏi chính đáng của họ, để hướng tới giấc mơ độc lập của riêng mình.

Tử Uyên
.
.