Kế hoạch lớn của nông sản

Thứ Năm, 03/02/2022, 15:12

Ông Nguyễn Văn Viễn thức dậy lúc bốn giờ sáng, vệ sinh cá nhân nhanh gọn, cầm theo một cặp lồng cơm đã được vợ chuẩn bị sẵn, rồi nổ máy chiếc Dream tơi tả có tuổi thọ phải ba thập niên của mình, với đích đến là thửa ruộng vài mẫu của gia đình cách đó khoảng bốn cây số.

Vào những ngày phải bơm nước để chuẩn bị cho vụ mới, ông sẽ làm việc liên tục từ sáu giờ sáng cho đến khi nhá nhem, chỉ tạt qua nhà chớp nhoáng để ăn trưa. Năm nay đã gần sáu mươi, ông chưa bao giờ dám nghĩ đến hai từ "nghỉ hưu". Trong bốn đứa con, vẫn còn hai chưa dựng vợ gả chồng. Mỗi năm với hai vụ và gần 10 mẫu ruộng màu mỡ (một mẫu miền Tây tương đương 10 ngàn m2), ông cũng làm ra được 400-500 triệu. "Vất vả một chút nhưng cũng đáng" - Ông cười.

Kế hoạch lớn của nông sản -0
Người nông dân đang phải chịu rất nhiều sức ép trong quá trình canh tác nông nghiệp. Ảnh: Vietnamplus.

Một năm trở lại đây, mọi thứ trở nên căng thẳng hơn. Dịch bệnh làm mọi thứ đình trệ, trong khi những khó khăn thì chưa bao giờ vơi. Ông Viễn là một trong những nông dân giỏi nhất vùng, nhưng cũng phải lao đao: thu nhập giảm đi gần một nửa khi giá lúa chỉ còn hơn 5 ngàn đồng/kg do bị thương lái ép, còn phân bón và thuốc trừ sâu tăng mạnh, có lúc hơn 80% vào năm ngoái!

Hội khuyến nông của huyện nơi ông sống dường như khó có thể giải đáp cho ông bất kỳ nút thắt nào trong những bài toán có vẻ quá vĩ mô này. Các cán bộ cũng là nông dân, cũng phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ. Họ chỉ có thể gửi cho ông vài cuốn sách, hay đường link… Youtube để tự mày mò tham khảo. Giá phân bón tăng quá thì ông cũng chỉ biết cười trừ với đại lý xin khất, còn thương lái thì cũng suýt gây lộn với nhau vài bận, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Ông, cũng như nhiều người nông dân khác, không có quyền lựa chọn.

Phần "thượng nguồn" của nông sản rất giản dị như vậy: người nông dân bối rối khi phải tham gia vào quá trình sản xuất hoàn toàn bị chi phối bởi quy luật thị trường. Tức là không có tình nghĩa hay sự phân phối lại cơ hội nào hết. Tất cả đều do cung cầu định đoạt. Còn đầu ra thì sao? Cho đến khi bài viết này lên khuôn, vẫn còn 2.400 xe nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn, không thể xuất sang Trung Quốc, đến nỗi tỉnh Lạng Sơn phải khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tạm thời không đưa nông sản lên nữa. Người nông dân không có quyền đàm phán ngang hàng với thương lái lẫn doanh nghiệp, và giờ đến lượt doanh nghiệp không có quyền "mặc cả" với thị trường nước ngoài.

Cách ruộng nhà ông Viễn chỉ một con lạch là đất Campuchia, với cảnh đẹp mê hồn: rất nhiều cây thốt nốt mọc thành hàng thẳng tắp, với đàn cò chao lượn. Nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy rằng con lạch cũng phân rõ một ranh giới: bên phía Việt Nam là những thửa ruộng bạt ngàn xanh mướt, còn phía tỉnh bạn là màu cỏ mọc lấn. Trước đây, phần đất bên nước bạn không thể canh tác tốt được, người Campuchia thường phải qua cửa khẩu sang Việt Nam làm mướn. Bây giờ, mọi chuyện đã thay đổi. Ngay cả thời điểm trước dịch, ông Viễn cũng phải chật vật tìm người đi phun thuốc hay rải phân: những người làm thuê cũ của ông bên Campuchia giờ đã tìm được đất canh tác, hoặc tìm được việc trong các nhà máy nông sản.

Kế hoạch lớn của nông sản -0
Mô hình máy bay tưới tiêu, một trong những thiết bị nông nghiệp đã bắt đầu được ứng dụng tại Việt Nam. Ảnh: Shutterstock.

Nông sản Campuchia cũng phát triển mạnh mẽ. Báo cáo của thương vụ Campuchia tại Việt Nam cho thấy trong 11 tháng đầu năm, nước bạn đã xuất khẩu được 7,13 triệu tấn sang 68 nước, tăng 93,4% so với cùng kỳ 2020. Đáng chú ý, trong một năm qua, Campuchia đã xuất khẩu đến 3,1 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng hơn 75% so với cùng kỳ. Các mặt hàng khác như hạt điều, ngô, đậu xanh, đậu tương… xuất sang Việt Nam tăng từ 20-400%. Trước đây, Campuchia chú trọng xuất khẩu sang Thái Lan và Trung Quốc, nay chuyển dịch sang Việt Nam, với giá cả và chất lượng rất cạnh tranh.

Nông nghiệp Campuchia được thúc đẩy mạnh mẽ một thập kỷ qua bởi sự kết hợp của tăng năng suất, sử dụng lao động hiệu quả do cơ giới hóa và mở rộng đất canh tác. Từ những năm 2010 - 2011, chính phủ Campuchia cho phép các nhà đầu tư vào nông nghiệp được sử dụng đất dưới hình thức tô nhượng, được phép thuê dài hạn, cũng như được tạo điều kiện tối đa để đầu tư sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, bao gồm cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trong gần một thập kỷ từ 2004-2012, theo thống kê của World Bank, tăng trưởng nông nghiệp của Campuchia đạt trung bình 5,3%, thuộc hàng cao nhất thế giới.

Nhà ông Viễn đang ăn gạo huyết rồng, một giống quý từ Campuchia thơm ngon và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Người nông dân giờ không ăn gạo họ tự trồng, vì chất lượng thấp và sử dụng nhiều thuốc trừ sâu. Đôi khi ông cũng muốn tìm hiểu thêm các giống lúa và kỹ thuật canh tác mới, nhưng hiềm nỗi chi phí để gieo trồng quá cao, trong khi nếu đen đủi, có thể mất trắng. Thương lái và các nhà máy thì chỉ cần loại gạo bình dân.

Cạnh nhà ông Viễn, hàng xóm đã lần lượt bỏ làm ruộng, dù những cánh đồng vẫn màu mỡ. Dòng tiền quay lại quá chậm và ít, đi làm công nhân cho các nhà máy mọc lên trong vùng lương còn tốt hơn. Làm ròng rã một vụ lúa kéo dài hàng vài tháng trời, bao nhiêu thứ phải chi trước, từ lúa giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, công mướn người…, trong khi tiền lãi thu về có khi chỉ… vài trăm ngàn trên một công đất. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi phí phân bón chiếm khoảng 22-25% tổng chi phí sản xuất lúa, nhưng khi giá phân bón tăng gần gấp đôi như hiện nay, tỷ lệ này vọt lên 35-40%.

Thuyết "Bàn tay vô hình" của kinh tế gia lỗi lạc Adam Smith, một thuật ngữ chỉ ra rằng thị trường trở nên hiệu quả nhất khi cung cầu quyết định tất cả, tỏ ra bối rối với những gì đang diễn ra với nông nghiệp. Nếu không có sự hỗ trợ điều tiết bằng chính sách, thuế và vốn, người nông dân sẽ không thể chống chọi lại với sự khốc liệt hiện tại của thị trường. Họ chỉ có thể cố gắng sống sót.

Nhưng nông sản không phải không có hy vọng. Ở một diễn biến khác, vào tháng Bảy năm nay, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang hồ hởi thông báo trong phiên họp Chính phủ với địa phương, rằng tổng doanh thu của tỉnh trong mùa vải năm nay lên đến 6.800 tỷ đồng. Thậm chí trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Bắc Giang đã tiêu thụ thành công 215 ngàn tấn vải thiều, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, vẫn xuất khẩu thành công 33% sang Trung Quốc và các thị trường khắt khe hơn như Mỹ, EU, Nhật, Asean. Tại Nhật, vải thiều thậm chí được bán giá rất cao, 500.000 đồng/kg.

Đấy là ví dụ sinh động cho thấy sức mạnh của bàn tay hữu hình: Bí thư Bắc Giang cảm ơn sự hỗ trợ rất nhanh chóng của Trung ương, bộ, ngành lẫn sự ủng hộ của người dân cả nước. Chiến dịch tiêu thụ vải thiều Bắc Giang là sự kết hợp ăn khớp giữa các bộ ngành có liên quan: các vướng mắc và khó khăn khi vận chuyển, tiêu thụ, làm thương hiệu đều được các Bộ Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giao thông… giải quyết nhanh chóng.

Tháng Bảy năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, với nhiều thay đổi hấp dẫn: chẳng hạn doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê trong hai phần ba thời gian thuê tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê. Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu, trung bình 50 triệu đồng/ha, không quá 40% tổng mức đầu tư dự án, tối đa 10 tỷ/dự án. Với giá phân bón, hai Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương vẫn đang làm việc với doanh nghiệp để hướng đến cam kết không tăng giá.

Đây có thể là một "thương vụ" lớn của đất nước: đất đai màu mỡ và khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp vẫn ở đó, chỉ cần chúng ta hoạch định khai thác một cách đồng bộ và hiệu quả hơn. Người nông dân, lực lượng chính tạo ra nông sản, phải là trung tâm của quá trình này: họ cần được biết nên làm gì, với tiêu chuẩn nào, để phù hợp với làm thương hiệu, tiêu thụ, và xuất khẩu đến nhiều thị trường.

Hàng ngàn xe nông sản bị tắc biên nhắc nhở rằng chúng ta cần phải nhanh hơn nữa, cho một năm 2022 hồi phục mạnh mẽ hơn.

Ban Cầm
.
.