Iran, trên những lời nguyện cầu bên miệng vực

Chủ Nhật, 26/05/2024, 22:01

Không có phép màu nào xuất hiện, cho dù những lời cầu nguyện của người dân Iran đã vang lên suốt hàng giờ đồng hồ, trên những đường phố các đô thị lớn. Không còn cách nào khác, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran buộc phải đối diện với cú sốc, cố gắng vượt qua nỗi đau, để tiếp tục con đường mà cố Tổng thống Ebrahim Raisi để lại. Và, trên hành trình ấy, có thể, vì lý do này hoặc lý do khác, ý chí chính trị của Tehran sẽ còn trở nên kiên định và cứng rắn hơn.

Guồng quay hối hả

Không có thời gian để lãng phí, khi một quốc gia đột ngột mất đi người lãnh đạo, cũng như hàng loạt quan chức cấp cao, bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao Hossein Amir-Abdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan, ông Malek Rahmati và Giáo chủ khu vực Tabriz, Tây Bắc Iran, ông Mohammad Ali Al-e-Hashem. Trong số họ, không ai sống sót.

Như hãng tin Reuters dẫn Điều 131 của Hiến pháp Cộng hòa Hồi giáo Iran: “Nếu một tổng thống qua đời khi đang tại nhiệm thì phó tổng thống thứ nhất sẽ lên thay, sau khi có xác nhận của lãnh tụ tối cao - vốn là người có tiếng nói quan trọng nhất trong mọi vấn đề của Iran”, từ lúc công cuộc tìm kiếm và cứu nạn vẫn còn đang diễn ra, mọi thủ tục cần thiết đã diễn ra đúng luật định.

Iran, trên những lời nguyện cầu bên miệng vực -0
Người dân Iran xuống đường tưởng niệm cố Tổng thống Ebrahim Raisi.

Ngay sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi cùng một số quan chức khác tử nạn trong vụ rơi trực thăng ngày 19/5 tại tỉnh Đông Azerbaijan được xác nhận, lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran - Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang, đồng thời chỉ định Phó Tổng thống Mohammad Mokhber tạm thời tiếp quản vị trí của ông Raisi. Theo Điều 131 của Hiến pháp Iran, ông Mokhber sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo cơ quan hành pháp, để phối hợp với những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, với thời gian tối đa là trong vòng 50 ngày.

Tiếp đó, Chủ tịch Cơ quan Bầu cử Iran - ông Mohsen Eslami thông báo ấn định thời điểm tổ chức cuộc bầu cử bất thường để bầu ra tổng thống mới, cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14 trong lịch sử Iran, vào ngày 28/6. Song song, Hội đồng Giám hộ Iran (cơ quan siêu nghị viện, bao gồm các thành viên của giới tăng lữ, chịu trách nhiệm thẩm định tư cách của các ứng cử viên tranh cử vào các vị trí điều hành trong chính phủ, bao gồm cả chức vụ Tổng thống Iran) đã được yêu cầu bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký của các ứng viên tổng thống, trước ngày 28/5.

Và, ngày 21/5, Quốc hội Iran gấp rút tiến hành nhóm họp bất thường, trong sự tập trung chú ý của hầu như toàn bộ giới quan sát quốc tế.

Con đường đã định

Thậm chí, đến tận thời điểm hiện tại, không ít “thuyết âm mưu” xoay quanh việc chiếc trực thăng chở cố Tổng thống Ebrahim Raisi gặp nạn vẫn đang được đồn thổi. Cùng đó, như một lẽ tất yếu, việc phải thay thế hàng loạt vị trí lãnh đạo cao cấp cũng khiến không ít nhà phân tích nghĩ đến những kịch bản mang đầy tính xáo trộn hoặc là khả năng bùng phát căng thẳng trong khu vực. Nói cách khác, nếu có điều gì “khuất tất” trong vụ tai nạn máy bay này, khu vực Trung Đông hoàn toàn có thể trở thành điểm kích hoạt cho một cuộc chiến tranh quốc tế quy mô lớn. 

Trong khoảng thời gian kéo dài gần 24 tiếng, chính thế giới đã phải hồi hộp nguyện cầu, khi mường tượng đến kịch bản máu lửa đó. Tuy nhiên, cuối cùng thì tất cả vẫn chỉ là giả thuyết. Một mặt, phía bị nghi ngờ nhiều nhất (do được cho là phía sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ vụ tai nạn này) là Israel đã nhanh chóng lên tiếng phủ định mọi liên quan. Mặt khác, cho dù vẫn tiến hành điều tra (theo đề xuất của Tham mưu trưởng quân đội Iran, ông Mohammad Bagheri), thượng tầng chính trị nước Cộng hòa Hồi giáo Iran cũng tiếp nhận những hướng lý giải khác về nguyên nhân của thảm kịch.

Điều thực sự đáng quan tâm sau cú sốc kinh hoàng này, cuối cùng, là chuyện guồng máy điều hành đất nước sẽ hạn chế được hệ lụy của những chấn động đến mức độ nào?

Song, ngay từ ngày 20/5, theo hãng tin AFP, Chính phủ Iran đã tuyên bố: “Chúng tôi đảm bảo rằng hoạt động (của chính phủ) sẽ tiếp tục với tinh thần không mệt mỏi của ngài Raisi”, đồng thời nhấn mạnh rằng, công việc của chính phủ sẽ tiếp tục “mà không bị gián đoạn, dù là nhỏ nhất”. Đó cũng chính là điều Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei khẳng định với quốc dân.

Iran, trên những lời nguyện cầu bên miệng vực -0
Những di sản mà Tổng thống Raisi để lại cũng là định hướng khó có thể thay đổi.

Đến đây, có lẽ chúng ta cũng nên lắng nghe nhận xét của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Israel đã nghỉ hưu, Tướng Yakov Amidror: Xét cho cùng, chính lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei mới là người đặt ra các chính sách của Iran. Do đó, cho dù mất đi một đệ tử trung thành, cũng là nhân vật được “chấm” làm người kế nhiệm tương lai, Đại giáo chủ Iran vẫn đủ “quyền năng” để bảo toàn định hướng, cho cả hai lĩnh vực ngoại giao lẫn nội trị. Nghĩa là, ông sẽ bảo trợ cho những Tổng thống Iran tương lai theo đường lối cứng rắn, đặc biệt là phải cứng rắn với các giá trị phương Tây (vốn luôn bị ông xem là đối nghịch với tín lý Hồi giáo), như cách ông hậu thuẫn cho cố Tổng thống Ebrahim Raisi, trong cuộc bầu cử năm 2021.

Bởi vậy, mọi suy luận rằng Iran có thể sẽ rơi vào tương lai bất định, với những cuộc cạnh tranh giành quyền lực gay gắt trên chính trường (như tờ Times of Israel mong chờ) nhằm trở thành người kế vị cố Tổng thống Raisi, có lẽ đều không trở thành hiện thực.

Đoàn tàu vẫn lăn bánh

Nhắc lại cuộc bầu cử năm 2021, cố Tổng thống Ebrahim Raisi đã đánh bại người tiền nhiệm Hassan Rouhani - nhà lãnh đạo theo phong cách tương đối ôn hòa, so với ông. “Tương đối”, bởi cho dù thực hiện nhiều chính sách cách tân và “mở cửa”, cựu Tổng thống Hassan Rouhani cũng vẫn (dù muốn hay không muốn) bắt buộc phải “vạch rõ những lằn ranh”, thể hiện lập trường kiên định trước những đòi hỏi cũng như các đòn tấn công vô hình từ phương Tây, đặc biệt là sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) bị nước Mỹ dưới quyền cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương phủ nhận.

Kế tục ông Rouhani, trong 3 năm qua, cố Tổng thống Ebrahim Raisi nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nhánh của chính phủ, quân đội và lập pháp, cũng như giai cấp thống trị thần quyền. Ông bảo đảm một sự cân bằng giữa các phe phái chính trường, nhờ quyền lực cũng như uy tín vượt trội. Ông cũng đã phải đối diện với những cuộc biểu tình dai dẳng kéo dài nhiều tháng, vào nửa đầu năm 2023, sự bộc phát của các vấn đề nhức nhối trong xã hội, như: mức sống ngày càng sa sút (một phần do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây), cũng như các chính sách bị chỉ trích là ưu tiên quốc phòng hơn các vấn đề trong nước. Song, cuối cùng, ông đã dàn xếp được mọi việc ổn thỏa, cho dù là bằng những phương thức cứng rắn để lập lại trật tự.

Không chấp nhận thỏa hiệp trên bàn đàm phán hạt nhân, Tổng thống Raisi dẫn dắt Iran tham dự sâu hơn vào tiến trình đa cực hóa trong trật tự thế giới, khi mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ với Nga, Trung Quốc cũng như các cường quốc đang trỗi dậy. Ngày đầu tiên năm 2024 này, Iran đã chính thức được kết nạp làm thành viên mở rộng của khối BRICS, mở ra những tiền đề đầy hứa hẹn để phát triển kinh tế. Về đối ngoại, dưới “triều đại Raisi”, Iran bình thường hóa  quan hệ với một đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Saudi Arabia, đồng thời vẫn thể hiện rằng họ đủ khả năng sử dụng các biện pháp quân sự nhằm đáp trả “đại địch” Israel.

Với những di sản ấy, sẽ rất khó cho bất cứ tư tưởng đối lập nào có thể làm chệch quỹ đạo đang được tiến hành ở Iran. Cho dù là Tổng thống tạm quyền  Mohammad Mokhber, là Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf, hay Mojtaba Khamenei, con trai của Đại giáo chủ, hoặc bất cứ ứng viên nào khác nổi lên trong 50 ngày tới, dường như, sẽ không ai mạo hiểm “động chạm” đến những chính sách căn bản. Hơn thế, tất cả những cái tên được liệt kê ở trên đều có mối quan hệ gần gũi, hay nói cách khác là chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Đại giáo chủ. Có nghĩa là, họ sẽ vẫn tiếp tục định hướng đối ngoại cứng rắn (với phương Tây) truyền thống. Thậm chí, có thể còn cứng rắn hơn nữa, để tái củng cố một cơ đồ vừa rung chuyển.

Và, hơn thế nữa, trên những đường phố Iran vang vọng lời nguyện cầu của người dân dành cho nhà lãnh đạo vừa tạ thế, cũng chính là thông điệp âm thầm về cách mà họ muốn đất nước Iran được điều hành...

Mây Linh
.
.