Hy vọng 2024

Thứ Sáu, 12/01/2024, 18:44

LTS: Bước vào một năm mới, ai cũng mang theo một niềm hy vọng. Và bên cạnh những hy vọng riêng tư, cá nhân, ta có cả hy vọng chung, cho cả xã hội. Ở hy vọng chung này, ai cũng có cái nhìn riêng, và lựa chọn hy vọng theo cách riêng mình.

Hy vọng vào tiền mặt

Trong năm 2023, tôi biết khá nhiều bi kịch liên quan đến một chữ mà xã hội Việt Nam hay cố nói giảm nói tránh: Tiền.

Hy vọng 2024 -0

Tôi chứng kiến một người bạn vì đầu tư chứng khoán thua lỗ mà tán gia bại sản, từ một người khá giả trung lưu giờ phải đi trốn nợ vì vay tín dụng đen.

Tôi chứng kiến một người bạn chủ doanh nghiệp khác phá sản, vì không thể gồng nổi chi phí mặt bằng sau hai năm dịch cộng thêm chi dùng vô cùng kém thời hậu COVID-19.

 Một người khác thì bị công ty nợ lương tròn nửa năm, trong khi vợ anh thì mất việc, còn con nhỏ đau ốm liên miên. Anh phải vay mượn rất nhiều chỉ để trang trải sinh hoạt cho gia đình.

Trong một chuyến công tác gần nhất xuống Tân An (Long An), tôi chứng kiến một dãy phòng trọ rất lớn dành cho công nhân đóng cửa hoàn toàn vì nhiều người mất việc. Tình trạng này cũng không phải quá lạ lẫm ở Đồng Nai hay Bình Dương, những địa phương là nơi đóng đô của nhiều khu công nghiệp lớn.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) vào tháng 11/2023 vừa qua, số doanh nghiệp rời thị trường trong 11 tháng là 158.800, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ bằng mắt thường, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra nền kinh tế đang khó khăn đến thế nào: các biển hiệu “Cho thuê nhà” mọc nhan nhản trên những con phố chính của các đô thị, nhưng chẳng ai buồn để mắt.

Tình hình thế giới thì sao? Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã bớt nói giọng “diều hâu” hơn, nhưng lãi suất vẫn ở mức cao nhất trong vòng 22 năm. Chênh lệch đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 3 tháng cho thấy khả năng suy thoái toàn cầu xảy ra trong năm 2024 là 61%. Trong một khảo sát với các CEO doanh nghiệp toàn cầu, thì 84% người được hỏi cho biết  họ đang chuẩn bị cho kịch bản suy thoái xảy ra trong vòng 12-18 tháng tiếp theo.

Có lẽ chính chúng ta cũng đang cảm thấy sự khan hiếm của một thứ mà trong thời kỳ các thị trường còn thịnh vượng, bạn ít khi quan tâm: tiền mặt. Khi kinh tế chưa rơi vào khó khăn, các kênh huy động tiền mặt luôn chạy hết công suất, cố nắn dòng chảy vào đủ loại tài sản như chứng khoán, bất động sản, tiền điện tử… với lập luận rằng đồng tiền sẽ ngày càng mất giá vì lạm phát không ngừng.

Nhưng nếu mỗi sáng ngủ dậy phải lo nghĩ về tiền học cho con cái, lương cho nhân viên, và tiền thuê mặt bằng mỗi tháng, thì bạn hẳn sẽ thấy tiền mặt lúc này quý đến thế nào. Tham vọng bây giờ không phải là giàu có, hay đổi đời, mà đơn giản là có một công việc, thu nhập đủ duy trì một gia đình, việc kinh doanh cá nhân, đi qua quãng thời gian khủng hoảng hiện tại.

Vậy có tư duy nào để giúp chúng ta hy vọng vào năm mới trong bối cảnh ảm đạm này? Kinh tế gia người Đức Albert O Hirschman đã nghĩ ra một giải pháp: ông xem các cuộc khủng hoảng như một nguồn tiềm năng để tạo ra cách suy nghĩ mới.

Vào năm 1981, ông phân biệt ra hai loại khủng hoảng: loại làm tan rã xã hội và khiến các thành viên phải vội vã tìm đường thoát ra ngoài, và một loại là “khủng hoảng đoàn kết”, trong đó mọi người cùng nhau tưởng tượng ra những cách tiến về phía trước.

Có rất nhiều ví dụ. Vào các thập niên 1940 – 1960, thế giới khủng hoảng với nỗi sợ vũ khí hạt nhân, cho đến khi Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân ra đời vào thập niên 1970. Các quốc gia đã ngồi lại với nhau để tìm ra một giải pháp chung. Tương tự, Hội nghị đầu tiên về môi trường và con người được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 6/1972 đã buộc các quốc gia phải cam kết cắt giảm khí thải và theo dõi tác động của biến đổi khí hậu, sau một khủng hoảng tài nguyên trong vài thập niên trước đó.

Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 cũng tạo ra sự tuyệt vọng, cho đến khi các quốc gia đồng loạt áp dụng những biện pháp khẩn cấp để thoát khỏi thảm họa: cung ứng thanh khoản khẩn cấp, bảo lãnh 100% các khoản vay trên thị trường, giảm lãi suất cơ bản và tung ra gói kích cầu tương đương hơn 3% GDP toàn cầu. Cuối cùng thì suy thoái cũng qua, vì nó rơi vào loại “khủng hoảng đoàn kết”: đấy là loại thử thách giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn.

Những phân tích vĩ mô có lẽ đã ngấm vào đời sống rất sâu sắc trong hai năm qua, khi phần lớn dân số đã rơi vào cảnh thiếu tiền và lao đao trong cuộc sống. Nhưng phía trước còn rất nhiều hy vọng, vì chúng ta biết rõ rằng điều gì đang chờ đợi mình. Lại một lần nắm chặt tay nhau, và tất cả sẽ vượt qua khó khăn của chu kỳ kinh tế này.

Phạm An

Niềm lạc quan thương hiệu

Bạn có để ý dạo này, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản, dù được sản xuất ở quy mô hộ gia đình cũng có nhận diện thương hiệu riêng không?

Hy vọng 2024 -0

Quê nội tôi ở Yên Bái. Tôi đã nhìn thấy những gói “chè Suối Giàng” từ hồi còn bé lắm. Lúc đó, nó là một thương hiệu của nhà máy chè Yên Bái; tôi vẫn nhớ cái bịch chè màu xanh lá cây đậm, phía trên có cô “dân tộc” đang đứng trên ngọn cây chè cổ thụ. Tôi ấn tượng mãi, vì không tưởng tượng được là cây chè như thế nào mà người ta lại đứng được trên ngọn cây.

“Chè Suối Giàng”, cũng giống như nhiều đặc sản địa phương trên khắp cả nước, dẫu có nổi tiếng, vẫn là một ý niệm rất chung chung, giống như “cam Vinh”, “hải sản Quảng Ninh” hay là “mận Sơn La”. Thoáng tính thì gọi nó là “thương hiệu tập thể”, còn kỹ tính thì thật ra không thể coi nó là “thương hiệu” được.

Thứ chỉ dẫn địa lý đó chỉ là một cái tên để người ta gửi gắm một niềm tin – nhưng cũng không hẳn là niềm tin trọn vẹn. Vì ai cũng biết một vùng có đến dăm bảy phẩm cấp hàng hóa. Cũng là chè Suối Giàng đấy nhưng là chè gì, chè nhà ai trồng, trồng núi cao hay ven đường? Cũng là cam Vinh hay mận Sơn La đấy nhưng có phải cứ quả cam trồng ở đất đó là 100% quả ngọt đâu, còn biết bao nhiêu yếu tố quyết định chất lượng quả, đặc biệt là quy trình chăm sóc. Còn “hải sản Quảng Ninh” thật ra là thứ gì? Hàng vạn người nuôi, trồng và chế biến hải sản ở đất đó, ai cũng làm ăn một kiểu chắc?

Chẳng qua cũng chẳng có thương hiệu gì đáng kể thì đành phân định phẩm cấp hàng hóa bằng một thứ ý niệm rộng và hơi mơ hồ như thế.

Nhiều năm sau, tôi mới nhìn thấy cây chè cổ thụ lần đầu tiên, nhưng là ở Hà Giang. Rồi vài năm sau nữa, tôi lên Suối Giàng lần đầu tiên. Bốn năm năm trước, lác đác có một vài nhà đầu tư du lịch đặt chân lên những rừng chè cổ thụ trong mây này. Họ bắt đầu tạo ra những thương hiệu địa phương đầu tiên. Cách tiếp cận trong sản xuất bắt đầu mang màu sắc hiện đại.

Rồi những ngày cuối năm 2023 này, tôi quay lại Suối Giàng. Ngoài những khu nghỉ được đầu tư bài bản mới mọc lên trên triền núi, xã nghèo dành cho tôi thêm một bất ngờ: hầu như hộ nào ở trung tâm xã cũng đều có một thương hiệu chè Suối Giàng riêng.

Đó là những “thương hiệu” đúng nghĩa. Dù có cái này đẹp hơn cái kia, nhưng họ đều có ý thức về nhận diện thương hiệu. Họ có ý thức về sự duy nhất của thương hiệu, gắn nó với hợp tác xã hoặc hộ gia đình sản xuất nên từng túi chè. Họ có ý thức về bao gói, với một vài kiểu dáng có thể cạnh tranh cùng nhiều thương hiệu của Anh hay Đài Loan.

Ý thức về thương hiệu nông sản là một xu hướng mới tại Việt Nam – nếu bạn tập trung quan sát. Đã từng có thời người ta bán đặc sản hoàn toàn dưới một cái chỉ dấu địa lý rất rộng, thứ vốn không đủ để tạo dựng sự gắn kết giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất. Các chỉ dấu địa lý này, nếu có, chỉ có thể thúc đẩy thêm những thúng hàng được đổ đống nhanh hơn (“Mận Sơn La đấy anh/chị ạ”), chứ không tạo ra thêm giá trị cho sản phẩm.

Nhưng trong nửa thập kỷ trở lại đây, chúng ta chứng kiến các thương hiệu địa phương trăm hoa đua nở. Ở một hội chợ nào đó, bạn sẽ bắt gặp một cô gái mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Năm năm trước thôi, nhiều khả năng bạn sẽ thấy rằng cô chỉ đứng cạnh một đống nông sản không nhãn mác, không bao gói, hoặc bao gói rất đơn sơ. Bây giờ, rất nhiều khả năng, bạn sẽ nhìn thấy cô đứng cạnh một thương hiệu: nó có thể còn một vài lỗi về thiết kế; cái tên của nó chưa dễ đọc và bao bì chưa thuận tiện được như sản phẩm của các tập đoàn tiêu dùng lớn, nhưng nó là một thương hiệu.

Ý thức đó hàm chứa một hy vọng. Bởi khi người ta chủ tâm xây dựng một thương hiệu, họ mang theo cả một hệ thống hành động: họ quan tâm đến chất lượng sản xuất, đến hình thức sản phẩm, đến các giá trị gia tăng ngoài nông sản thô mà mình có thể mang lại cho khách hàng, họ quan tâm đến chăm sóc khách hàng trong và sau bán. Đó là điều không thể có ở kiểu mận bán theo sọt hay chè bán theo cân, không nhãn mác như trước kia. “Thương hiệu” không chỉ là cái tên, mà nó là một lời cam kết lâu dài về việc đầu tư cho chất lượng hàng hóa.

Và đó là điều mà nền nông nghiệp chúng ta đã luôn thiếu. Đó là điều khiến chúng ta mặc cảm khi bước vào các siêu thị và nhìn thấy nông sản của Nhật Bản, Hàn Quốc hay New Zealand được bày bán với giá cao. Người làm ra cái hộp táo New Zealand mấy chục nghìn đồng mỗi quả kia cũng là một người nông dân; tại sao nông dân của chúng ta lại cứ phải đổ đống hàng hóa ra cho thương lái mua với giá vài nghìn đồng mỗi cân? Bây giờ, chúng ta đã bắt đầu hành trình đi tìm một câu trả lời.

Sự vận động đó còn đáng quý, vì nó không còn như 30 năm trước kia, lời giải “thương hiệu” phải đến từ một nhà máy quốc doanh nào đó. Cũng không như 10 năm trước kia, lời giải phải chờ một doanh nghiệp tư nhân trăm tỷ nào đó để tâm tới một mặt hàng. Và nó cũng không phụ thuộc vào một chương trình của chính phủ: nếu chính phủ có thể khuyến khích thương hiệu đến cấp xã, thì mỗi hộ dân có thể kiến tạo thương hiệu ở cấp hộ gia đình.

Khi nhìn vào những món nông sản Made in Vietnam mà bây giờ lúc nào cũng được bao gói, cũng được gắn một cái tên gọi riêng, cũng được ghi chú hộ sản xuất đầy tự hào, với tư cách một khách hàng, hẳn bạn sẽ vô thức le lói niềm vui. Nhưng vui với tư cách khách hàng một, thì vui với tư cách người Việt Nam mười.

Đức Hoàng

Hy vọng người Việt thay đổi thói quen

Có một điều mà chúng ta có thể cãi nhau cả ngày về tập tính của người Việt đương đại với phe bảo vệ và phe phê bình có lẽ cũng tương đương nhau về số lượng. Đó là chuyện “Có phải người Việt cần cù như những gì chúng ta vẫn được đọc, từ chính chúng ta viết cho nhau, và cũng như những gì một số bè bạn quốc tế nói về chúng ta hay không?”. Đây là một chuyện khá nhạy cảm, nhưng nên nhìn trực diện nhất, để tự biết mình như thế nào, đang ở đâu và hy vọng thay đổi gì.

Hy vọng 2024 -0

Thật ra, người Việt có một ưu điểm trong tập quán hành xử chung là chúng ta không hề sợ người nước ngoài, thậm chí, nếu bị chạm vào tự trọng, tự ái, chúng ta có thể còn xem thường họ. Tuy nhiên, mặt bằng chung, người Việt rất niềm nở, ân cần và chu đáo với bạn bè quốc tế. Đó là một trong những thuộc tính khiến du lịch Việt Nam mang lại rất nhiều thiện cảm đối với bạn bè quốc tế. Tất nhiên, ở đây chúng ta đừng nên đưa chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” kiểu một số hiếm hoi hàng quán “cứ thấy người từ xứ lạ đến là chém” để chụp phổ quát lên toàn bộ cả một cộng đồng.

Chính vì các ưu điểm khi đối xử với người nước ngoài như vậy, trong mắt họ, người Việt vẫn được xem là “cởi mở, chu đáo, cần cù, chịu thương chịu khó”. Nhưng ở trong một môi trường chỉ những đồng bào quốc nội với nhau, chúng ta còn cái thuộc tính đáng khen đó hay không? Đây nên là một câu hỏi nghiêm túc mà mỗi người cần tự kiểm nghiệm kỹ đáp án.

Thực tế, mặt bằng chung, người Việt hiện đại khá… lười biếng. Chúng ta không chăm chỉ, cần cù như những nhận xét tích cực đây đó. Chúng ta ham hưởng thụ. Buổi sáng, trước khi bắt tay vào việc, ly cafe, tách trà cũng phải kề cà chứ không hề tốc độ và công nghiệp như thời đại đòi hỏi. Buổi trưa, bữa cơm phải đi kèm chút bia rượu. Chính cái kèm theo ấy khiến buổi chiều khó đạt năng suất tốt. Và buổi chiều thì sao? Tùy vùng miền mà có tập quán khác nhau, có thể tranh thủ trốn công sở sớm hơn giờ quy định để kịp tụ bạ nhậu vừa đủ sương sương mà vẫn về nhà ăn bữa cơm tối kẻo vợ mắng hay tan sở đúng giờ hơn, thậm chí sẵn sàng ở lại làm hết việc và tan muộn nhưng sau đó có thể là chầu nhậu tới tận 1-2h sáng. Chính sự ham hưởng thụ này đã khiến thời gian dành cho công việc ít đi, sự biếng lười dày hơn.

Có thể, nếu nói người Việt đương đại “lười biếng” thì hơi quá nhưng chúng ta không nằm trong số những cộng đồng chăm chỉ. Chúng ta không chăm hơn người Nhật. Chúng ta cũng không chăm hơn người Hàn, chúng ta càng không chăm hơn một số dân tộc Âu, Mỹ.  Khó có thể nói là chúng ta cần cù. Ông cha chúng ta cần cù. Điều đó không sai. Nhưng chúng ta thì không.

Chính sự thiếu cần cù đó đã là một trở lực khá lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng, bên cạnh đó, người Việt hiện đại còn rất sĩ diện. Chúng ta có thể đọc được đây đó, gặp được ngoài đời một số không nhỏ những trí thức thất nghiệp sẵn sàng chạy grab hay làm shipper để kiếm sống nhưng số lượng ấy không đủ phổ biến để cho thấy có một tập quán chung là sẵn sàng gạt bỏ “bệnh sĩ” để làm mọi việc kiếm sống, miễn là công việc ấy liêm chính. Số lượng những người từ chối làm những công việc mà họ cho là thấp kém so với trình độ của mình trong khi tình trạng bản thân đang là thất nghiệp thực tế không hề nhỏ. Và tâm lý sĩ diện hão ấy không xuất phát từ chính bản thân họ mà nó đã được nuôi dưỡng từ trong gia đình. Quan niệm “sao lại làm cái việc ấy?” cho dù “cái việc ấy” là một lao động sạch sẽ và chính đáng đã đeo bám người Việt quá lâu. Chúng ta không chấp nhận một công việc được cho là thấp kém cho dù việc đảm nhận nó chỉ là tạm thời trong khi kiếm tìm cơ hội khác. Với chúng ta, thà ngồi không còn hơn làm những việc “hạ giá trị con người” như thế. Trong khi đó, một ngày lao động lại chính là một ngày tạo ra giá trị.

Ý thức về giá trị bản thân một cách quá mức như vậy nhưng người Việt đương đại lại quên một thứ có thể xác định giá trị cá nhân rất rõ rệt chính là tinh thần tôn trọng các nguyên tắc chung. Liều và ẩu, bừa bãi và ích kỷ chính là những tật xấu của chúng ta hiện nay. Chỉ một chi tiết nhỏ, nếu thử kiểm nghiệm, chúng ta sẽ nhận ra rất rõ. Hãy thử vào một trung tâm thương mại và bước lên thang cuốn, ta sẽ nhận thấy không mấy người nép sang bên phải, để trống phần bên trái cho những ai có việc gấp hơn mình có thể bước đi ở đó. Trong khi đó, đây lại là một nguyên tắc ứng xử rất chung ở rất nhiều quốc gia mà nếu ta đặt chân tới, ta sẽ tuân thủ nó một cách tự nguyện khi thấy toàn bộ số đông còn lại đang thực hiện như thế. Hoặc giả chuyện 1 giây đèn xanh chuyển sang đèn đỏ chẳng hạn. Mấy năm nay, tôi có sở thích chạy motor và không ít lần tôi chứng kiến những chiếc xe gắn máy vọt đi khi đèn vừa kịp chuyển từ xanh sang đỏ. Họ vội gì? Tôi đã luôn đặt ra câu hỏi đó. Và cũng nhiều lần tôi chứng kiến, ở phần giao lộ còn lại, một người cũng vội vọt xe lên khi đèn chưa hoàn toàn chuyển sang xanh để rồi dẫn tới tai nạn giao thông. Đó là sự vội vã của tính bừa bãi chứ không phải của những người bận rộn. Vội một giây, có khi trả giá cả cuộc đời. Và đừng nghĩ chỉ có “trẻ trâu” mới hành xử như thế. Rất nhiều trung niên, thậm chí già hơn, cũng có thói quen vọt xe bất chấp như vậy. Sống bất chấp, đó là nhược điểm lớn nhất của người Việt hiện đại. Chính cái bất chấp đó đã kéo trì lại sự phát triển của một xã hội cần phải văn minh tương xứng với mức độ vật chất của nó.

Hy vọng thay đổi các tập quán xấu này khó có thể trở thành hiện thực trong một thời gian ngắn tính bằng năm. Nhưng ở những ngày đầu năm 2024 này, tôi vẫn rất hy vọng vào sự thay đổi ấy bởi có những lý do để tôi tin nó sẽ xảy ra. Hãy nhìn vào thế hệ 12-15 tuổi ở Việt Nam hôm nay, đặc biệt là lớp trẻ sống ở các đô thị lớn, chúng ta chắc sẽ chung niềm tin ấy. Lớp trẻ này có thể thiếu nhiều kỹ năng sống so với cha anh, nhưng thái độ sống của chúng lại có xu hướng văn minh hơn. Và ở một xã hội khi mà lớp đi trước chưa có thể thay đổi tích cực lớp người đi sau thì tại sao không hy vọng lớp người đi sau sẽ thay đổi lớp người đi trước, khi mà lớp đi sau ấy trở thành lực lượng chủ đạo và định hình diện mạo xã hội?

Hà Quang Minh

.
.