Hội nghị thượng đỉnh G20 - Trên những giới tuyến vô hình

Thứ Hai, 11/09/2023, 18:10

Ngày 9/9, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới khai mạc tại thủ đô New Dehli, Ấn Độ, với chủ đề tiếng Phạn là "Vasudhaiva Kutumbakam" (Thế giới là một gia đình). Tuy nhiên, đối với giới quan sát quốc tế vào lúc này, sự gắn kết và đồng thuận của G20 thực sự đang bị bao phủ bởi rất nhiều nỗi hoài nghi.

1.jpeg -0
Nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên đầy trắc trở của Ấn Độ.

1. Suốt một năm Ấn Độ tiếp nhận vị trí Chủ tịch luân phiên của G20, hầu hết các cuộc thảo luận trong mọi chương trình nghị sự của khối thường tập trung vào những chủ đề như: Tăng thêm khoản vay cho các quốc gia đang phát triển từ các tổ chức đa phương, cải cách cơ cấu nợ quốc tế, quy định về tiền điện tử, hay tác động từ bất ổn địa chính trị đối với an ninh lương thực và năng lượng.

Hội nghị lần này, như nước chủ nhà Ấn Độ gợi ý, sẽ tạo cơ hội cho thảo luận trực tiếp diễn ra bên lề các phiên họp nhóm, tiếp tục tìm giải pháp cho những thách thức toàn cầu mà cả khối đang cùng đối diện.

Dù vậy, nhìn lại kết quả các cuộc họp đã được tổ chức trong thời gian qua, kể cả những cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần này, một hiện thực đang lặp đi lặp lại: Không ít lần, G20 đã không thể ra được tuyên bố chung.

Gần nhất, có thể kể tới Hội nghị Bộ trưởng chống tham nhũng của G20, khép lại ngày 12/8, khi nước chủ nhà Ấn Độ buộc phải công bố báo cáo tóm tắt về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của họ, trong đó tái khẳng định cam kết của các quốc gia thành viên nhằm "tăng cường các hành động tập thể chống tham nhũng", nhằm thay thế cho một tuyên bố chung không thể hiện hữu. Lý do là bởi các bên tham gia Hội nghị Bộ trưởng chống tham nhũng G20 không thể thống nhất đánh giá về tác động tiêu cực của cuộc xung đột ở Ukraine đối với nền kinh tế toàn cầu.

Như đóng sập một cánh cửa, Nga và Trung Quốc cho rằng G20 "không phải là nền tảng phù hợp để giải quyết các vấn đề an ninh", đồng thời phản đối việc đưa nội dung địa chính trị vào báo cáo tóm tắt của Ấn Độ.

Đó có lẽ là cách họ muốn chấm dứt hoàn toàn những tranh cãi không hồi kết và tình trạng bế tắc dai dẳng xoay quanh câu chuyện này. Trước đó, ngày 22/7, Hội nghị Bộ trưởng năng lượng G20 cũng không ra được tuyên bố chung, vì lý do tương tự, trong bối cảnh chia rẽ về việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Trước đó nữa, ngày 18/7, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương cũng không ra được tuyên bố chung, với cùng lý do, khi xung đột Nga - Ukraine làm lu mờ các vấn đề chính trong chương trình nghị sự: Đưa ra những cải cách cho các ngân hàng đa phương, thiết lập các hướng dẫn toàn cầu về tiền điện tử và đẩy nhanh việc giải quyết nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương.

Cả 3 lần, Ấn Độ đều phải thay thế tuyên bố chung bằng một báo cáo tóm tắt. Lần này nối tiếp lần kia, những lằn ranh mỗi lúc một hằn sâu.

2.jpg -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

2. Hội nghị thượng đỉnh lần này, theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ trao đổi với từng nhà lãnh đạo về việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột Nga - Ukraine và kêu gọi các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB) hành động nhiều hơn để chống lại đói nghèo.

Trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự, có vẻ như ông chủ Nhà Trắng sẽ gặp rất nhiều thuận lợi, trong chương trình làm việc được lên kế hoạch sẵn này. Nhưng, ngược lại, điều đó cũng triệt tiêu cơ hội đối thoại trực tiếp ở cấp cao nhất, giữa các cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong thời điểm hiện tại. Và, chưa thể có cách nào san lấp, khác biệt về quan điểm địa chính trị vẫn sẽ là yếu tố cốt lõi tạo nên tình trạng chia rẽ.

Mặc dù vậy, kể cả khi gạt câu chuyện liên quan xung đột quân sự Nga- Ukraine sang một bên, với các nhà phân tích quốc tế, những chủ đề được lãnh đạo các nước thành viên G20 chú trọng quan tâm trong những năm gần đây - mở rộng từ kinh tế sang biến đổi khí hậu, năng lượng bền vững, xóa nợ quốc tế và đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia - cũng không dễ dàng đạt được sự nhất trí cần thiết.

Đơn cử, ở một vấn đề ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả loài người như chống biến đổi khí hậu và môi trường, hồi tháng 7, các chuyên gia của G20 thống nhất: Ước tính, thế giới sẽ cần tăng đầu tư khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030 cho các kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu và nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các phương án hỗ trợ những nước thu nhập thấp (nhằm giải quyết gánh nặng nợ và giải ngân nguồn tài chính cho mục tiêu khí hậu) vẫn diễn ra chậm chạp, do nhiều khác biệt về lập trường (và nhất là trách nhiệm đóng góp).

Chưa kể, mới ngày 5/9, Tổ chức Tư vấn năng lượng Ember của Anh công bố kết quả nghiên cứu cho thấy lượng khí thải bình quân đầu người do sử dụng điện than ở G20 đã tăng gần 7% trong giai đoạn từ năm 2015-2022. Theo Ember, các nước G20 chiếm 80% lượng khí thải từ ngành điện trên thế giới, với lượng CO2 bình quân đầu người từ điện than trong năm ngoái là 1,6 tấn, tăng so với mức 1,5 tấn ghi nhận năm 2015 và cao hơn nhiều so với mức 1,1 tấn trung bình toàn cầu. Vấn đề là, những chỉ số ấy cũng chính là phần tất yếu tạo nên sức mạnh kinh tế cho những quốc gia giàu có, thành viên của nhóm.

Ngay ở hội nghị thượng đỉnh lần này, phái đoàn Nhật Bản cũng dự kiến tận dụng cơ hội để giải thích cho thế giới hiểu về quyết định xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển - động thái đã vấp phải không ít phản ứng gay gắt từ nhiều quốc gia láng giềng. Đó là thí dụ cho thấy: Mâu thuẫn về lợi ích, theo cách này hay cách khác, luôn có thể hủy hoại sự thống nhất và khả năng gắn kết.

3.jpg -0
New Delhi đã sẵn sàng cho Hội nghị thượng đỉnh G20.

3. Danh sách thành viên G20 bao gồm: Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), nghĩa là toàn bộ thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7), cũng như các thành viên cả sáng lập lẫn mới gia nhập của khối hợp tác BRICS - đối trọng của G7 về kinh tế, cũng như về tầm ảnh hưởng.

Chỉ riêng điều này thôi cũng đã đủ để tạo nên những âm hưởng cạnh tranh và những rào cản trên tiến trình hợp tác, đặc biệt là khi BRICS công khai ủng hộ chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa đơn phương, bất bình đẳng, vũ khí hóa tài chính và thương mại quốc tế thông qua các biện pháp trừng phạt và phong tỏa kinh tế không công bằng, cũng như phản đối việc tiến hành chiến tranh như một phương tiện để thực hiện kiểm soát toàn cầu.

Nhưng, không chỉ vậy. Nói như giáo sư quan hệ quốc tế Wang Yiwei (Trung Quốc): "Mọi người đều có chương trình nghị sự riêng tại đó (Hội nghị thượng đỉnh G20", nghĩa là những mối quan tâm riêng, phục vụ lợi ích riêng.

Vì vậy, Josh Lipssky - chuyên gia từ Trung tâm Kinh tế địa chính trị thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, có trụ sở tại Washington - lo lắng về sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc: "Khi G20 lên tiếng về vấn đề nào đó mà không có xác nhận từ Trung Quốc thì đó là mối đe dọa hiện hữu đối với G20". Rõ ràng, điều này cũng đúng đối với sự vắng mặt của chủ nhân Điện Kremlin và nước Nga.

Dù sao, như Reuters dẫn đánh giá của Thủ tướng Đức Olaf Scholz,  Hội nghị thượng đỉnh G20 vẫn là sự kiện rất quan trọng, trên tiến trình định hình tương lai thế giới, kể cả khi không có sự tham gia của hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc. Đó vẫn là sự hội tụ của 85% GDP toàn cầu, cũng như 2/3 dân số thế giới (chưa kể các đoàn đại biểu khách mời), cùng những định chế quyền lực nhất toàn cầu.

Vậy nên, bất kể mọi mâu thuẫn về quan điểm, xung đột về lợi ích hay khác biệt về lập trường, lối thoát cho mọi vấn đề nan giải của thế giới, cuối cùng, cũng sẽ buộc phải được phác thảo, thông qua những cuộc trao đổi thẳng thắn tại đây. Bởi vì, dù thế nào, đối thoại để hợp tác cũng vẫn là con đường tất yếu.

Đông Phong
.
.