Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 31: Dưới chân cột mốc 35 năm

Thứ Hai, 25/11/2024, 16:40

Lạc quan và tràn đầy tin tưởng vào những cơ hội phát triển tương lai vẫn là gam màu chủ đạo tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31, năm 2024. Tuy nhiên, đâu đó, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên bản đồ địa chính trị toàn cầu hiện tại, dường như vẫn có những kìm nén, hoài nghi hay chờ đợi... khuất lấp dưới những nụ cười. 

Thông điệp từ Việt Nam 

Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị APEC lần thứ 31 diễn ra tại thủ đô Lima của Peru, với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng (Empower. Include. Grow)”, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Lương Cường đại diện đất nước, mang tới diễn đàn thông điệp khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam tại APEC, hướng đến đảm nhiệm cương vị chủ nhà APEC năm 2027, đồng thời thể hiện rõ thông điệp về trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế, nhất là phát triển bền vững toàn cầu. Đó còn là “thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, một Việt Nam năng động, đổi mới, sáng tạo và là điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư quốc tế”, như đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Dưới chân cột mốc 35 năm -0
Chủ tịch nước Lương Cường tại APEC 31.

Là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, chuyến công tác của Chủ tịch nước tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2024 tiếp tục khẳng định cũng như triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, nhằm nâng tầm đối ngoại đa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định: Là khu vực đứng đầu thế giới về quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế, châu Á-Thái Bình Dương đang tự tin bước vào một kỷ nguyên mới vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng, bền vững và bao trùm hơn. Tuy vậy, trong một thế giới đầy biến động, thách thức, châu Á-Thái Bình Dương không thể “đi một mình” mà cần “cùng tiến bước” với các khu vực khác. Tăng cường hợp tác, kết nối sẽ giúp các khu vực chia sẻ tri thức, phối hợp chiến lược, điều phối chính sách và nguồn lực, qua đó mở ra các không gian tăng trưởng mới. Nói một cách ngắn gọn: Hợp tác, kết nối liên khu vực vừa là cơ hội, vừa là yêu cầu cấp thiết cho phát triển.

Để xây dựng các liên kết kinh tế khu vực hiệu quả, Chủ tịch nước nhấn mạnh 3 nguyên tắc và 4 giải pháp chính. 

3 nguyên tắc: Tăng cường đối thoại, đồng thuận, gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển; Tôn trọng luật pháp quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; Bảo đảm lợi ích cân bằng, bao trùm, bình đẳng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. 

4 giải pháp: Triển khai quá trình liên kết có chọn lọc và theo lộ trình, phát huy tối đa lợi thế và tính bổ trợ giữa các khu vực; Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả các cơ chế hiện có; Khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả của các quan hệ đối tác Bắc-Nam, Nam-Nam, đối tác công-tư; Đồng thời, chú trọng xây dựng các cầu nối liên khu vực, liên cộng đồng, các mạng lưới hợp tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, liên kết thương mại-đầu tư, tài chính-ngân hàng, hạ tầng, giao lưu văn hóa-nhân dân...

Chủ tịch nước Lương Cường cũng khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế trong và ngoài APEC để thúc đẩy các kết nối liên khu vực hiệu quả, có lợi cho tất cả người dân và doanh nghiệp. Với vị trí địa lý thuận lợi ở khu vực Đông Nam Á và mạng lưới logistics hiện đại, Việt Nam có đủ khả năng đóng vai trò cầu nối trong mở rộng giao thương và kết nối liên khu vực. Cùng đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn đã giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu. 

Những nhận định và đề xuất thiết thực của Chủ tịch nước Lương Cường nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao từ các nhà lãnh đạo trong APEC cũng như khách mời. Không chỉ vậy, nhiều cơ quan truyền thông lớn ở Mỹ Latinh cũng tô đậm vai trò tích cực của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Đơn cử, trong bài viết có tựa đề “Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp trong APEC”, tuần báo uy tín Voces Del Periodista của Mexico nêu rõ: Qua 26 năm tham gia APEC, Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã 2 lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC (các năm 2006 và 2017), đồng thời là một trong những thành viên tích cực nhất đề xuất các sáng kiến và dự án cho APEC.

Dưới chân cột mốc 35 năm -0
Các nhà lãnh đạo tại APEC 31. 

Quá khứ, tương lai và những ẩn số 

Trong Tuyên bố chung APEC 31, tầm nhìn về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng và bền vững, để ai cũng có thể được hưởng lợi từ kinh tế toàn cầu, bằng cách tối đa hóa cơ hội cho tất cả mọi người, đồng thời giải quyết những thách thức kinh tế cấp bách nhất - như nhận xét của Chủ tịch APEC 31, Tổng thống Peru  Dina Boluarte - được thể hiện rất rõ: “Việc duy trì APEC như một diễn đàn năng động và linh hoạt để đối thoại và hợp tác kinh tế, dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc và xây dựng sự đồng thuận, là điều hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của chúng ta. Chúng tôi tái khẳng định cam kết đảm bảo rằng châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động và kết nối nhất thế giới”.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của hợp tác đa phương trong ứng phó với các thay đổi nhanh chóng và chưa từng có tiền lệ, cũng như việc hướng tới môi trường thương mại và đầu tư tự do, rộng mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, toàn diện và có thể đoán trước.

Năm 2024 là một mốc quan trọng: Kỷ niệm 35 năm APEC hình thành và phát triển, trở thành cơ chế hợp tác kinh tế liên khu vực hàng đầu. Với 21 thành viên đóng góp khoảng 59% GDP toàn cầu và 48% tổng giá trị thương mại thế giới, APEC là nơi hội tụ 3 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, được đánh giá là “vườn ươm ý tưởng”, diễn đàn đối thoại, thúc đẩy các sáng kiến, nội dung hợp tác và giải pháp cho những thách thức của khu vực và toàn cầu. Với Việt Nam, APEC quy tụ một nửa trong số 32 đối tác chiến lược và toàn diện, chiếm khoảng 77% giá trị thương mại, 81% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài và 85% số khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, APEC tập trung triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn, như Chương trình nghị sự tăng cường về cải cách cơ cấu đến năm 2025; Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến năm 2025; Kế hoạch kết nối tổng thể đến năm 2025; Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến năm 2030... và đặc biệt là Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai đã được nhất trí thông qua tại APEC 27 trong quá khứ, trên cơ sở 3 trụ cột hợp tác chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư; Thuận lợi hóa kinh doanh; Hợp tác kinh tế-kỹ thuật. 

Tuy nhiên, tại APEC 31, cũng không phải có những cảm giác nghi ngại thấp thoáng. Không phải ngẫu nhiên, đồng vọng với động thái bày tỏ quan ngại của một số nhà lãnh đạo khu vực, trước khả năng Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump sẽ siết chặt các hàng rào thuế quan, tái áp đặt các biện pháp bảo hộ thương mại sau ngày nhậm chức 20/1/2025, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ: APEC “phải đối mặt với nhiều thách thức như sự nổi lên của địa chính trị, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ”.

Xét cho cùng, điều này tốt cho nền kinh tế Mỹ, nhưng lại đi ngược với các nguyên tắc cũng như trụ cột chính trong chương trình hành động của APEC. Và, chưa ai quên, những thời điểm căng thẳng nhất của cuộc “thương chiến Mỹ - Trung” trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như guồng máy kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải chịu những ảnh hưởng nặng nề như thế nào. Do đó, việc tiên liệu và chuẩn bị trước cho những biến động khó lường sẽ là yêu cầu gay gắt mà thực tiễn đặt ra, cho mỗi nền kinh tế đơn lẻ. 

“Trong 35 năm qua, APEC luôn khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc hợp tác khu vực, gắn kết các trung tâm kinh tế - công nghệ thế giới và đi đầu trong tận dụng các xu thế phát triển của thời đại, vì lợi ích của tất cả người dân. Các văn kiện được thông qua tại hội nghị cấp cao lần này, trong đó có các sáng kiến của chủ nhà Peru, tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nền kinh tế APEC cùng nhau ứng phó hiệu quả với các thách thức chung, nắm bắt vận hội mới, định hướng các dòng chảy hợp tác và liên kết khu vực, toàn cầu”.

Trên hết, bài phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường thể hiện niềm tin và cũng là lòng mong mỏi chung, rằng APEC sẽ vẫn luôn giữ được đà phát triển như trong lịch sử hình thành, trên căn bản là đồng thuận và hợp tác.

Thiên Thư
.
.