Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024)

Học Bác trong đời sống hôm nay

Thứ Sáu, 10/05/2024, 07:45

Có ý kiến cho rằng, thời trước, trong điều kiện chiến tranh khó khăn, thiếu thốn trăm bề, con người chỉ có chí hướng chiến đấu, đánh giặc thì muốn xa hoa, hưởng thụ cũng không được. Còn ngày nay bao thứ thay đổi, cơ chế thị trường và lối sống thực dụng xâm lấn, nạn tham nhũng, lãng phí rất phức tạp, thế thì việc học tập, làm theo Bác bằng cách nào, làm sao có thể học lối sống bình dị, mộc mạc, gần gũi như Bác?

Xin trở lại vụ án Trần Dụ Châu xảy ra những năm 50 của thế kỷ trước. Vụ án này đã được nhà báo Hồng Hà viết trong loạt bài phóng sự điều tra đăng tháng 9/1950 trên Báo Cứu quốc.

Theo nhà báo Hồng Hà, mùa hè năm 1950, từ mặt trận Đồng bằng sông Hồng, ông trở về tòa soạn Báo Cứu quốc. Ông được giao đi lấy tài liệu viết về vụ tham ô lớn, đó là vụ án Trần Dụ Châu, Đại tá, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu. Sự nghiệp của Châu sơ lược như sau: Sinh năm 1906 tại một tỉnh miền Trung, Châu bước vào đời bằng đi làm thư ký tòa sứ Pháp. Sau này, Châu được vào làm ở Cục Quân nhu, được phong quân hàm đại tá, làm Giám đốc Nha Quân nhu.

Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, Châu đi dần vào con đường sa ngã. Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 USD, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Khi đó, giá gạo ở Thái Nguyên - Bắc Kạn là 50 đồng/kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn. Châu nhận hối lộ khá nhiều tiền, chuyên quyền, độc đoán, sống sa đọa, đồi trụy.

Nói về thói ăn chơi sa đọa của Châu, nhà báo Hồng Hà kể: Châu tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái, có lần dùng ô tô công đưa gái đi chơi ở Bắc Kạn. Châu dan díu với một nữ nhân viên xinh đẹp, bổ nhiệm làm “bí thư văn phòng” của Nha, làm việc cùng buồng, ăn ở cùng nhà với Châu. Các cán bộ điều tra có trong tay cuốn nhật ký của nữ “bí thư văn phòng” cùng gần 100 kiểu ảnh lãng mạn chụp với Châu. Giữa lúc nữ “bí thư” đi dự lớp huấn luyện thì Châu đưa từ Phú Thọ về cơ quan một cô gái giới thiệu là em nuôi, suốt ngày ở trong buồng riêng của Châu. Nữ “bí thư” từ lớp học về bất chợt bắt gặp và đã xảy ra một cuộc đánh ghen ầm ĩ. Tiếng tăm ăn chơi của Châu nổi như cồn.

Mỗi lần về công tác ở Liên khu 10 (gồm các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang...), Châu đều đưa bạn bè đến chè chén ở đây, nhất là ở nhà hàng Ba Đình. Cũng tại thị trấn này, Châu tổ chức đám cưới cho Bùi Minh Trân, Trưởng ban Mậu dịch của Quân giới liên khu Việt Bắc, tiêu tốn hàng vạn đồng. Báo Cứu quốc đã có bài phê bình kịch liệt đám cưới này mà nhân dân Phú Thọ thì nói rằng “đã làm váng đục cả một khúc sông Thao”!

Học Bác trong đời sống hôm nay -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các đại biểu điển hình học tập, làm theo lời Bác, tháng 11/2023. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Nhân vụ án Trần Dụ Châu, xã luận Báo Cứu quốc ngày 27/9/1950 viết: “Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân bằng lòng và thêm tin tưởng ở chính quyền và đoàn thể nhân dân. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa”.

Vụ án Trần Dụ Châu thời kỳ chống Pháp cho ta thấy, ngay trong điều kiện chiến tranh, bộ đội, nhân dân sống chắt chiu từng củ khoai, củ sắn, vậy mà cán bộ như Trần Dụ Châu đã dùng thủ đoạn vơ vét, hưởng lợi, sống xa hoa, trác táng. Do đó, nếu không rèn luyện, tu dưỡng thì lòng tham, vụ lợi của cán bộ, đảng viên sẽ trỗi dậy bất kỳ lúc nào, bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, mở cửa, hội nhập, bài học về tu dưỡng đạo đức, lối sống càng trở nên cấp thiết. Bác đã căn dặn cán bộ phải đề phòng “đạn bọc đường”.

Loại đạn này, lúc đầu ai bị bắn dù có trúng cũng không biết đau, còn khen ngọt là khác, đến khi ngã ra có hối hận cũng đã muộn. Khi về tiếp quản Thủ đô, Bác dặn: “Bây giờ chuẩn bị vào thành phố, có chú sẽ nghĩ: lâu nay mình sống gian khổ đã nhiều, bây giờ là lúc được hưởng lạc đây! Trong lòng chú luôn nghĩ đến những thứ của ngon, vật lạ, dần dần quên mất tác phong gian khổ, giản dị. Như vậy rất dễ dẫn đến tham ô, hủ hóa”.

Trong bối cảnh hiện nay, trước bao tác động tiêu cực, chúng ta không thể cứ đổ hết cho khách quan, cho cơ chế thị trường rồi chỉ biết ca thán, bức xúc. Một đảng trưởng thành, vững mạnh là đảng luôn biết nhìn nhận để tự soi, tự sửa những khiếm khuyết mà vươn lên. Bởi vậy, việc học, làm theo Bác, học lối sống bình dị, trọng dân, vì dân của Bác là hết sức cấp thiết, không thể ngụy biện, né tránh. Vụ án Trần Dụ Châu xưa không thể so về giá trị vật chất hiện nay, khi có những vụ nhận hối lộ lên hàng triệu USD và các bất động sản có giá trị hơn thế hàng chục lần.

Điển hình là vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB. Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ lên tới 5,2 triệu USD, tương đương 118 tỉ đồng - số tiền nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của một bị cáo được đưa ra xét xử trước tòa.

Xưa, khi nghe tuyên án tử hình, Trần Dụ Châu tái mặt, cất giọng yếu ớt xin tòa tha thứ. Nhưng, tất cả đã quá muộn và bản án có hiệu lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh bác đơn ân xá, đến 6h chiều hôm sau, Trần Dụ Châu bị đưa ra pháp trường.

Ngày nay, những bản án tử hình của tòa hay đề nghị tử hình của đại diện VKSND, dù việc thực thi còn là cả một quá trình nhưng các bị cáo khi đối diện án tử đều không thể vượt qua được giới hạn tâm lý bản thân. Mới đây thôi, trong phiên tòa “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đại diện VKSND đề nghị tuyên phạt tử hình. Đối mặt án tử, cựu thư ký mới thấy cái giá phải trả như thế nào. “Bị cáo đã bị ám ảnh mức án tử hình nên rất hoảng sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực đó. Do vậy, bị cáo có một thời gian phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai” - bị cáo Kiên khóc trước tòa.

Như vậy, nếu như trong chiến tranh, việc quản lý cán bộ tránh khỏi sa ngã, hủ hóa đã được đặt ra thì ngày nay, việc ấy càng cấp thiết và đương nhiên cũng đối diện muôn vàn khó khăn, phức tạp. Không thể ngụy biện đời sống đủ đầy hơn thì làm sao có thể học lối sống bình dị, mộc mạc, gần gũi như Bác? Cần thấy rằng, việc học đức tính kiệm cần không phải rập khuôn, không phải tiết kiệm là phải đắn đo từng que diêm, hạt gạo, củ khoai, không phải bình dị, gần dân là phải bỏ ô tô, đi xe đạp xuống dân. Tiết kiệm trong môi trường, hoàn cảnh cụ thể bằng việc nêu cao ý thức coi trọng giá trị đồng tiền, công sức lao động, quý trọng của cải chính là quý trọng nhân dân, để mình biết dùng vừa đủ, không tiêu xài lãng phí, không ăn chơi sa đọa. Bởi, lòng tham con người là khó lường, nếu không chế ngự được thì những vụ án nhận hối lộ các thùng xốp chứa đầy đô la sẽ còn nối dài, nối dài những bị cáo ra tòa nhận án tử.

Có người liệt kê những cán bộ lãnh đạo bị xử lý trong mấy năm gần đây, liệt kê những “củi khô, củi tươi”, những vụ tham ô, nhận hối lộ đình đám rồi bi quan: Bây giờ lãnh đạo còn suy thoái như thế, biết học ai?

Quan niệm như vậy cũng không đầy đủ. Thực tế, việc nhiều cán bộ không thoát khỏi “đạn bọc đường”, sa vào tham ô, tham nhũng, xa hoa lãng phí là một thực tế hết sức phức tạp như Đảng ta đã đánh giá, nhìn nhận. Tuy nhiên, cần thấy rằng, việc Đảng chỉ đạo làm rõ, xử lý sai phạm thể hiện sự nghiêm minh, vừa để trừng trị người vi phạm, vừa để răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung. Không thể liệt kê những cá nhân vi phạm, bị xử lý để nói rằng còn ai bình dị, còn ai cao quý, vì dân mà học. Không thể vơ đũa cả nắm, không quy kết một cá nhân, con người vi phạm thành tập thể, thành bản chất chế độ. Trong cuộc sống hôm nay, có biết bao cán bộ, đảng viên đang mẫn cán học tập, noi theo Bác, sống bình dị, kiệm cần, vì đồng bào, vì tập thể, xã hội.

Ngày 2/11/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt thân mật đoàn đại biểu điển hình tiêu biểu toàn quốc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, việc học tập và làm theo Bác cần luôn luôn được đổi mới để trở thành một nhu cầu tự thân của mỗi người và toàn xã hội; một nhu cầu văn hóa đầy tính nhân văn, sáng tạo về cách thức tổ chức giáo dục, tuyên truyền, đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn, truyền cảm hứng cho mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức, đoàn thể...

“Đến nay, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhu cầu văn hóa, thành giá trị trong đời sống tinh thần của mỗi người, mỗi tổ chức, trước hết là trong đời sống chính trị của Đảng. Cái gì trở thành văn hóa, cái đó trở nên sâu sắc, lắng đọng, bền vững và có sức truyền cảm mạnh mẽ. Nhận thức đúng, hành động sáng tạo, văn hóa Hồ Chí Minh sẽ truyền dẫn nguồn xung lực quan trọng để chúng ta xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đăng Trường
.
.