Hòa bình Trung Đông: Con đường nhiều ngã rẽ

Thứ Năm, 14/07/2022, 13:48

Giữa tháng 7 này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm Trung Đông, trong một nỗ lực nhằm tìm giải pháp cho hòa bình khu vực. Nhưng, liệu sự có mặt của nhà bảo trợ lớn nhất cho tiến trình hòa bình Trung Đông có thể giải quyết được vấn đề, khi trên thực địa, căng thẳng giữa Palestine và Israel vẫn chưa hề lắng dịu?

Đợt sóng căng thẳng mới

Trong lúc cả thế giới dành sự chú ý tới cuộc xung đột ở Ukraine thì tại Trung Đông, một cuộc xung đột dai dẳng khác cũng đã bùng phát trở lại. Từ cuối tháng 3-2022, sau vài cuộc tấn công đơn lẻ bởi một số nhóm vũ trang Palestine vào 4 thành phố của Israel bao gồm cả đầu não hành chính Tel Aviv, lực lượng quân đội Israel đã thực hiện những cuộc tấn công trả đũa vào các khu vực dân cư và làng mạc của người Palestine. Nhiều thương vong đã xảy đến với cả hai bên, hàng trăm người Palestine bị bắt.

Sự việc bắt đầu trở nên căng thẳng, khi cảnh sát Israel cố gắng giải tỏa và đụng độ với những đám đông Palestine đang hành lễ tại khu đền Al-Aqsa hồi giữa tháng 4-2022. Chỉ trong vài ngày, hàng trăm người đã bị thương. Cuộc xung đột này tiếp diễn với việc những người cực hữu Do Thái tấn công cộng đồng Hồi giáo Palestine ngay trong tháng lễ Ramadan, ngay tại khu vực được coi là đất thiêng đối với cả hai tôn giáo, với sự hậu thuẫn của các lực lượng an ninh Israel.

Hòa bình Trung Đông: Con đường nhiều ngã rẽ -0
Những cuộc gặp giữa Israel với một nhóm các nước Arab được tổ chức thường xuyên nhưng luôn làm ngơ với chủ đề Palestine.

Để đáp trả, các nhóm vũ trang Palestine đã bắn rocket vào Israel trong đêm ngày 21-4. Đây là vụ tấn công bằng rocket đầu tiên trong vòng hơn một năm qua vào lãnh thổ Israel. Đáp lại, quân đội Israel đã thực hiện những cuộc không kích và đột kích vào thành phố Jenin, nơi có những khu tị nạn lớn của người Palestine. Một trong những cuộc tấn công này đã dẫn đến cái chết của nhà báo Shireen Abu Akleh, phóng viên kênh Al Jazeera hôm 11-5, gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế.

Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế xung đột từ cộng đồng quốc tế, những cuộc tấn công của quân đội Israel vẫn diễn ra hằng ngày. Kể từ đầu năm tới nay, hơn 60 người Palestine bị bắn chết, hàng trăm người khác bị thương và bị bắt. Đây là con số thiệt mạng lớn nhất kể từ năm 2015 tới nay, thể hiện rõ một vòng xoáy căng thẳng nghiêm trọng mới.

Palestine giữa muôn trùng nghịch cảnh

Suốt những tháng gần đây, đáp lại mọi chỉ trích quốc tế, chính quyền Israel luôn khẳng định rằng họ chỉ đang chống lại "các hành động khủng bố". Tuy nhiên, từ góc nhìn trung lập, khó có thể phủ nhận rằng sự phản kháng của người Palestine, vẫn như trước đây, luôn bắt nguồn từ những hành động trực tiếp mà Israel tạo ra trong suốt những năm qua.

Một mặt, chính quyền Israel phong tỏa các thành phố, hạn chế sự đi lại của người Palestine, đồng thời tiếp tục tiến hành xây dựng những khu định cư mới ở Bờ Tây trên phần lãnh thổ của người Palestine theo Hiệp định Oslo ký năm 1993. Những hành động này vi phạm các thỏa thuận hòa bình, gây phẫn nộ trong cộng đồng người Palestine, đặc biệt là các nhóm theo đuổi giải pháp vũ trang. Trong khi đó, chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas - lực lượng chính trị theo đuổi giải pháp hòa bình - lại không có đủ sức mạnh để ngăn chặn những hành động của Israel.

Là bên yếu thế hơn trong tiến trình đàm phán hòa bình ở Trung Đông nhưng thời gian qua, chính quyền Palestine cũng không nhận được sự ủng hộ cụ thể của các tổ chức quốc tế. Bộ tứ bảo trợ hòa bình Trung Đông là Mỹ, Nga, EU và Liên Hợp quốc, trong 2 năm qua, có quá nhiều mối quan tâm khác để có thể dành thời gian tìm giải pháp cho tiến trình này. Nước Mỹ, nhà bảo trợ lớn nhất, thì bị chính ông Mahmoud Abbas phủ nhận vai trò vì quá thiên vị Israel dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Ngay cả Liên đoàn Arab (AL) - vốn là khối luôn ủng hộ Palestine trong quá khứ - cũng đang có những chia rẽ khi một vài quốc gia thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề. Trước đây, cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã giúp tập hợp các quốc gia Arab xung quanh một mục tiêu chung: Tuyệt đối ủng hộ tư cách nhà nước của Palestine. Nhưng, trong những năm gần đây, mối quan tâm của AL đã cho nhiều mối bận tâm nữa: Vấn đề hạt nhân Iran, chủ nghĩa khủng bố và nhất là lợi ích kinh tế. Gần đây, một vài quốc gia trong AL còn công khai "vượt rào" ký các thỏa thuận hòa bình, hợp tác riêng với Israel - theo “lộ trình hòa bình Trung Đông mới” mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vạch ra ở cuối nhiệm kỳ, phá vỡ sự thống nhất của khối. Khi bị mất đi những sự ủng hộ này, chính quyền Palestine càng trở nên lẻ loi trên bàn đàm phán.

Một trong những lý do chính quyền Palestine hoạt động thiếu hiệu quả là bởi nguồn tài chính dành của họ liên tục bị đứt quãng trong 2 năm qua. Một mặt, phía Israel chặn các khoản thu thuế của nhà nước Palestine; một mặt, các nhà tài trợ quốc tế, cụ thể là Mỹ và EU cũng cắt những khoản tài trợ cho họ. Thiếu đi những nguồn tài chính này, chính quyền Palestine đã không thể đảm bảo hoạt động một cách hiệu quả.

Trong một nỗ lực mới nhất, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye đã phát đi kêu gọi thành lập một mặt trận quốc tế, nhằm gây áp lực buộc Israel chấm dứt chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine, đồng thời bảo vệ giải pháp hai nhà nước. Nhưng, những lời kêu gọi này vẫn chưa nhận được hồi đáp xứng đáng.

Tính toán của Israel

Thực tế, tiến trình hòa bình giữa Israel với Palestine đã được dự đoán sẽ gặp khó khăn từ 2 năm trước, khi Hiệp định Abraham (một hiệp định hòa bình được Mỹ bảo trợ) được ký kết giữa Israel với hai quốc gia Vùng Vịnh là Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ở thời điểm đó, chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump đã ra sức thúc đẩy để một số nước Arab ngồi vào bàn đàm phán. Mục tiêu của thỏa thuận Abraham là đưa Israel vào "trong lòng thế giới Arab", một bước đi sẽ làm chia rẽ khối này, hướng họ đến những mục tiêu khác, dần cô lập chính quyền Palestine. Không phải ngẫu nhiên mà khi đó, Tổng thống Palestine - ông Mahmoud Abbas đã gọi bản thỏa thuận này là “cái tát của thế kỷ”.

Hòa bình Trung Đông: Con đường nhiều ngã rẽ -0
Xung đột giữa người Palestine và Israel bùng phát mạnh từ cuối tháng 3-2022 tới nay.

Những lợi ích kinh tế từ việc hợp tác với Mỹ và Israel sau khi ký vào bản thỏa thuận đã khiến một số nước Arab "dao động". Sau UAE và Bahrain, đã có thêm Sudan và Morroco bình thường hóa quan hệ với Israel. Tính thêm hai nước Ai Cập và Jordan, ở Trung Đông - Bắc Phi đã có tới 6 quốc gia có quan hệ ngoại giao ở mức cao với Israel.

Điều đó đi kèm với rất nhiều triển vọng kinh tế. Chỉ hơn một năm sau khi ký thỏa thuận, quan hệ thương mại giữa UAE với Israel đã tăng hàng chục lần. Mới đây, ngày 31-5, giữa lúc những cuộc xung đột giữa người Israel và Palestine vẫn còn đang diễn ra căng thẳng thì hai nước lại tiếp tục ký kết một Hiệp định Tự do thương mại (FTA) nữa. Đây là FTA đầu tiên giữa Israel với một quốc gia Arab, nhưng nó có lẽ sẽ không phải là FTA cuối cùng. Trong cuộc gặp mới đây giữa đại diện của 4 nước Arab là Marroco, Ai Cập, UAE và Bahrain với Mỹ và Israel, nhiều ý tưởng hợp tác mới đã được đưa ra bàn thảo.

Sự xích lại gần nhau ấy là chỉ dấu cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của một số lãnh đạo các nước Arab. Bởi ngoài góc độ kinh tế, Israel còn là một đối tác ngày càng quan trọng của AL trong những vấn đề lớn khác, như các mối quan ngại về an ninh - quốc phòng, đại dịch COVID, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hay chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Đã xuất hiện rõ ràng những quan điểm thực dụng hơn, để một số nhà lãnh đạo không còn giữ cách tiếp cận truyền thống với người Palestine. Có thể họ vẫn ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine nhưng đồng thời sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với người Israel vì lợi ích của chính mình.

Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, ít nhất thì Saudi Arabia - quốc gia dẫn đầu AL - vẫn chưa bước hẳn sang ngã rẽ ấy. Bên cạnh đó, từ cách Quốc hội Iraq thông qua luật cấm bình thường hóa quan hệ với Israel (ngày 26-5), có thể thấy là trong lòng cộng đồng các nước Arab Hồi giáo, tinh thần ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine vẫn là dòng chủ lưu và vẫn có sức sống mãnh liệt. Ngay cả Ai Cập, hồi tháng 2-2022 này, cũng vẫn khẳng định vững chắc lập trường ủng hộ các quyền và nguyện vọng chính đáng của họ về việc thành lập một nhà nước độc lập phù hợp với luật pháp quốc tế.

Không chỉ vậy, chính quyền của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có cách tiếp cận ôn hòa hơn với vấn đề Trung Đông. Ngày 13-6 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn lại gói tài trợ cho Palestine. Ngay trước chuyến công du đến Trung Đông sắp tới của Tổng thống Mỹ, những nhà ngoại giao Mỹ cũng đã có động thái kêu gọi Israel kiềm chế các hành động gây căng thẳng trong khu vực.

Nhưng, dù sao, lợi thế trên cả bàn đàm phán cũng như thực địa cũng đã và đang nghiêng về phía Israel.

Tử Uyên
.
.