48 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023):

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau...

Thứ Tư, 26/04/2023, 07:39

Quảng Trị là mảnh đất của “máu và hoa”, trong khốc liệt, hy sinh của pháo lửa, bom đạn thì tâm hồn những người lính cũng thổi bùng lên sự lãng mạn, yêu đời...

Xe lên đường 9 cheo leo

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau

Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu

Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh...

(“Nước non ngàn dặm”, Tố Hữu)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị hứng chịu bom đạn vô cùng thảm khốc. Ước tính, mỗi mét vuông đất tại thành cổ Quảng Trị là một mét máu và trong 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972), thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay 1 đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót...

Sau này, nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật quân sự đã đặt vấn đề: Không hiểu sức mạnh nào đã thôi thúc hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ thành cổ mà không tiếc thân mình? Điều này được lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy. Cuộc chiến đấu ở đây đã diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra khỏi những quy ước thông thường, cuộc chiến đấu anh hùng 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ, mạnh mẽ của quân và dân ta. Những người lính thành cổ đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập, thống nhất, tượng đài của lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước.

Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau... -0
Bộ đội ta kiên cường bám trụ diệt địch, bảo vệ từng tấc đất trong thị xã Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Nhưng, Quảng Trị cũng là mảnh đất của “máu và hoa”, trong khốc liệt, hy sinh của pháo lửa, bom đạn thì tâm hồn những người lính cũng thổi bùng lên sự lãng mạn, yêu đời. Nhà thơ Tạ Nghi Lễ nói lên tiếng lòng từ phương Nam, dằn vặt, khắc khoải hướng về mảnh đất hứng mưa bom, bão đạn:

Có nơi mô như ở quê mình

Bưng bát cơm ăn sao đắng cả lòng

Có nơi mô như ở quê mình

Mẹ đợi con tóc hóa ngàn lau trắng...

Ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị còn lưu giữ “bức thư tiên tri” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, người đã viết lá thư cuối cùng gửi những người thân trong gia đình và điều đặc biệt là trong lá thư đó, anh không chỉ dự cảm ngày hy sinh mà còn chỉ dẫn người thân tìm đúng nơi sẽ chôn cất mình: “Thôi nhé, em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm về “Nham Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn”.

Tác giả bức thư, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh năm 1949, trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng lúa Thái Bình, có ông nội và cha đều bị thực dân Pháp sát hại. Đang là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, tháng 5/1972, anh đi bộ đội và xung phong vào chiến trường, đúng thời điểm ở Quảng Trị đang diễn ra những trận đánh khốc liệt nhất. Khi đó, trung bình mỗi đêm lại có thêm một đại đội (khoảng trên 100 người) vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ và hầu hết đều ngã xuống. Đầu tháng 9/1972, Lê Văn Huỳnh được lệnh đưa hàng qua sông Thạch Hãn và anh hiểu rằng, chuyến vượt sông đó là ngày cuối của cuộc đời mình. Điều đặc biệt là dẫu biết trước cái chết tất yếu sẽ đến nhưng người lính trước lúc vượt sông Thạch Hãn và chìm vào dòng nước vẫn bình thản đến lạ thường khi ngôn ngữ lá thư rất tự nhiên, thậm chí còn pha chút dí dỏm. Anh đã bình thản tự làm một tấm tôn thay bia mộ cho mình, trên đó có khắc đủ cả họ tên, quê quán, năm sinh rồi xé 10 trang giấy từ cuốn sổ tay, viết sẵn bức thư cho gia đình, dặn dò kỹ lưỡng từng người: Với mẹ già, với người vợ trẻ, với anh chị và cả với đứa cháu trai bé bỏng...

Khi thăm lại chiến trường Quảng Trị và đọc lá thư này, nhiều cựu chiến binh Mỹ bật khóc và thốt lên: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng, vì các bạn đã biết trước tất cả”.

Mấy năm trước, cũng dịp 30/4, tôi được ông Trần An Cảnh, nguyên lính Sư đoàn 308 bồi hồi kể về hồi ức chiến trường Quảng Trị, cùng với đó là những vần thơ đầy xúc cảm:

Ra đi vẫn nhớ tình quê

Nhớ sông sáu ngọn, nhớ đê quanh vùng

Nhớ em gái đảm Hải Hưng

Nhớ đội Quyết Thắng, nhớ từng khóm tre

Ra đi vào giữa mùa hè

Hẹn ngày hết Mỹ lại về Chí Linh “Lục Đầu Giang” - đẹp lung linh

Keo sơn gắn bó bóng hình quân dân...

Những trang thơ, trang nhật ký chiến trường năm xưa được người lính Sư đoàn 308 Trần An Cảnh nắn nót viết lại trong cuốn hồi ký có tựa đề “Tam ẩn”, khắc ghi cuộc đời binh nghiệp của ông. Cầm cuốn sổ trên tay, tôi thực sự ấn tượng và cảm phục khi cả trăm trang viết kèm nhiều bài thơ thời chiến được ông viết lại bằng bút mực mà không có bất cứ câu từ nào sửa chữa, tẩy xóa. “Tất cả đã là mạch cảm hứng, ký ức sống mãi trong tôi nên tôi đã đặt bút viết là cảm xúc bất tận, câu chữ phải rõ ràng, sạch đẹp, không nắn sửa, cũng như mạch sống cuộc đời tôi không có chữ “giá như”, “nếu, thì” - ông chia sẻ.

Nói về Sư đoàn 308, cựu binh Trần An Cảnh tự hào: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Sư đoàn tham gia 3 chiến dịch lớn: Năm 1968 đánh đường 9 Khe Sanh, năm 1971 đánh chiến dịch Lam Sơn 719 đường 9 Nam Lào, năm 1972 đánh thành cổ Quảng Trị. Đặc điểm Sư đoàn: Khi mở chiến dịch thì vào đánh địch, đánh địch xong lại rút quân ngay về Bắc để huấn luyện và lao động nên có biệt danh “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”...

Với người lính, rời quê nhà ra trận là những tháng ngày đầy cảm xúc. Để động viên tinh thần tuổi trẻ chuẩn bị tiến vào chiến dịch đánh thành cổ Quảng Trị mùa xuân năm 1972, Đoàn Thanh niên Sư đoàn 308 tổ chức Đại hội thanh niên Quyết thắng ở chùa Trăm Gian, Hà Đông, chàng trai An Cảnh được đại hội cử lên ngồi ghế chủ tịch đoàn. Băng, cờ, khẩu hiệu đỏ rực hội trường, bên tay trái chủ tịch đoàn có tấm băng đỏ với hai dòng chữ lớn: “Chiến đấu dũng cảm như Nguyễn Xuân Hoan, lập công xuất sắc như Trần An Cảnh”, trong đó Nguyễn Xuân Hoan là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường đường 9 Nam Lào.

“Đầu năm 1972, khi Sư đoàn hành quân vào đánh thành cổ Quảng Trị thì khẩu hiệu đó được in dán trên mũ cối của toàn thể bộ đội, tôi cảm thấy rất tự hào khi đội khẩu hiệu đó trên đầu để vượt sông Bến Hải tiến vào đánh thành cổ. Ngày hội xuất quân ra trận vui lắm, từng cánh quân vào ga đường sắt Thường Tín, trước khi lên tàu hỏa, các chiến sĩ được đoàn văn công Tổng cục Chính trị đến tận sân ga phục vụ, hát mừng, chúc đoàn quân lên đường chiến thắng. Tàu chạy vào đến ga Vinh thì chúng tôi xuống hành quân bộ, thế là Tết âm lịch năm 1972 chúng tôi ăn tết trên đường ra trận, cứ 6 giờ sáng xuất phát hành quân đến 6 giờ tối mới tới trạm nghỉ...”, ông viết nắn nót từng trang hồi ký thiêng liêng. Sáng mùng 1 Tết năm đó, vừa hành quân, ông vừa sáng tác bài “Chào xuân mới”: “Chào năm mới, chào xuân Nhâm Tý/ Chào Việt Nam của thế kỷ hai mươi/ Mừng sức khỏe của người chiến sĩ/ Mừng mùa xuân thắng Mỹ khắp nơi...”.

Và đây là những dòng hồi ức vượt sông Thạch Hãn, một cảm xúc thật sự yêu đời, lãng mạn dẫu trong bối cảnh vô cùng khốc liệt: “Đêm hôm đó, quân ta trèo lên hầm trú ẩn nằm chờ lệnh ở phía Bắc bờ sông Thạch Hãn, đồi sim bát ngát, bộ đội ta nằm rải rác khắp nơi nên bọn địch cứ bắn vu vơ suốt đêm. Sáng hôm sau, trời cuối xuân nên nắng rất sớm, chờ tới 9 giờ thì được lệnh vượt sông tiến quân. Được tập luyện kỹ càng nên chúng tôi thành thạo, nhanh chóng buộc túm nilon làm phao bơi, cùng với đội hình V3 do đồng chí Giai là tiểu đoàn trưởng tiến quân ra phía trên cầu Đuối để vượt sông. Cầu Đuối là cầu sắt bắc qua sông để tàu hỏa chạy nhưng Mỹ - ngụy cho treo nhiều khẩu hiệu ghi “tận diệt cộng sản”. Chúng tôi nhìn những khẩu hiệu đó mỉm cười nói với nhau: “Bây giờ chúng tao vào tận sào huyệt để diệt chúng bay đây”...

“Tôi ghi lại những bài thơ, báo tường tôi đã viết hồi ở trong quân ngũ. Mỗi bài viết là một kỷ niệm của người lính trong rèn luyện, chiến đấu thời kỳ cả nước có chiến tranh: Miền Bắc phải đương đầu với chiến tranh phá hoại bằng máy bay ném bom vô cùng ác liệt của đế quốc Mỹ, miền Nam quyết tâm chiến đấu đánh đổ chế độ Mỹ - ngụy để giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đó là lý tưởng và lẽ sống của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh quang vinh” - cựu binh Trần An Cảnh viết trong lời tựa tập hồi ký của mình.

Trong cuốn sách “Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, Macnamara rút ra 11 nguyên nhân chính khiến Mỹ thất bại tại Việt Nam, trong đó ông đúc kết: “Chúng ta đã đánh giá nhân dân và các nhà lãnh đạo Việt Nam theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ở họ niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ. Chúng ta đã đánh giá hoàn toàn sai các lực lượng chính trị trong nước. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó...”.

Đăng Minh
.
.