Hiệp ước Nước sông Ấn tan vỡ, liệu có thể tránh một cuộc xung đột?
Mối quan hệ nhạy cảm giữa Ấn Độ và Pakistan đang bước vào giai đoạn nguy hiểm khi chính quyền New Delhi đơn phương rút khỏi Hiệp ước Nước sông Ấn (IWT) lần đầu tiên trong lịch sử. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến nguồn nước khan hiếm, cuộc tranh chấp lưu vực sông Ấn khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ về tương lai khi những căng thẳng địa chính trị có thể bùng phát từ áp lực môi trường.
Hiệp ước mong manh
Cuộc chia tách Ấn Độ thuộc Anh thành hai quốc gia Ấn Độ - Pakistan vào năm 1947 đã để lại những hệ quả lâu dài. Những cuộc di cư lớn, xung đột tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ khiến hàng triệu người chết. Cuộc chia tách lãnh thổ này cũng để lại một vấn đề khi Ấn Độ kiểm soát đầu nguồn của lưu vực sông Ấn mà Pakistan phụ thuộc vào. Khi cuộc chiến tranh Kashmir lần thứ nhất bùng nổ, ngày 1/4/1948, Ấn Độ đã cắt dòng nước gây ra khủng hoảng nước nghiêm trọng ở khu vực Lahore của Pakistan. Điều này dẫn đến những căng thẳng gay gắt khiến cho hai nước phải tìm kiếm một giải pháp dài hạn.

Hiệp ước Nước sông Ấn được Ngân hàng Thế giới (WB) làm trung gian đàm phán cuối cùng được ký kết vào năm 1960, phân chia quyền kiểm soát 6 con sông lớn: Ấn Độ nắm các sông phía đông (Sutlej, Beas, Ravi), trong khi Pakistan được hưởng 80% lượng nước từ 3 sông phía tây (Indus, Jhelum, Chenab). Dù trải qua 3 cuộc chiến và hàng thập kỷ nghi kỵ, IWT vẫn được coi là hình mẫu hiếm hoi về hợp tác xuyên biên giới.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang phá vỡ sự cân bằng này. Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), băng hà tại dãy Himalaya (nguồn cung chính cho sông Ấn) đã suy giảm, khiến lưu lượng sông Ấn giảm 22% từ năm 1960. Cùng với đó là hiện tượng dân số tăng nhanh (Ấn Độ tăng gấp 4,5 lần trong khi Pakistan tăng gấp 8 lần tính từ khi độc lập) và việc thiếu đầu tư cho hạ tầng nước khiến cho cả hai nước đều đang đứng trước những thách thức an ninh nguồn nước. Đặc biệt là Pakistan, quốc gia phụ thuộc 90% nguồn nước vào hệ thống sông Ấn, đối mặt thảm họa kép, vừa thiếu nước vừa phụ thuộc nghiêm trọng hơn vào sự kiểm soát của Ấn Độ.
Theo báo cáo từ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), lượng nước bình quân đầu người của Pakistan đã giảm từ hơn 5.000m³/năm vào những năm 1950 xuống 1.000 m³/năm trong thập kỷ này. Đây là mức khan hiếm dưới chuẩn an toàn. Quyết định của Chính phủ Ấn Độ rút khỏi IWT không báo trước hôm 23/4/2025 vừa qua, một ngày sau vụ tấn công khủng bố tại Kashmir khiến 26 du khách thiệt mạng là lần đầu tiên trong lịch sử 65 năm, hiệp ước này bị đình chỉ. Điều này cho thấy sự mong manh của IWT và cả số phận của hàng trăm triệu người Pakistan đang phụ thuộc vào nó.
Nguyên nhân sâu xa
Kashmir luôn là trung tâm của những mâu thuẫn giữa hai quốc gia trong lịch sử. Những tranh chấp ở khu vực này không chỉ về vấn đề chủ quyền mà còn liên quan đến kiểm soát nguồn nước. Sông Ấn và các phụ lưu chảy qua Kashmir để vào Pakistan là nơi Ấn Độ nắm giữ vị trí thượng nguồn. Các cuộc tấn công khủng bố bởi phiến quân Hồi giáo mà Ấn Độ cáo buộc do Pakistan hỗ trợ khiến tình hình luôn căng thẳng. Quan điểm cứng rắn theo chủ nghĩa dân tộc của Chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo hiện nay đã quyết định dùng nước làm đòn bẩy địa chính trị để gây sức ép với Pakistan. Sự đổ vỡ trong đàm phán song phương và thất bại của WB trong vai trò trung gian khiến IWT ngày càng mất giá trị.
Tháng 3/2023, Ấn Độ ngừng chia sẻ dữ liệu dòng chảy với Pakistan, vi phạm Điều VI của IWT. Đến tháng 8/2023, New Delhi bất ngờ chuyển hướng nước từ sông Chenab và Jhelum để vận hành các dự án thủy điện mới. Pakistan cáo buộc động thái này làm giảm 35% lưu lượng nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng hạ nguồn. Sau đó Ấn Độ từ chối tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (Hà Lan) còn Pakistan đáp trả bằng việc đình chỉ Hiệp định Simla về công nhận lãnh thổ hai bên tại Kashmir. Sự thiếu tin cậy này đẩy hai nước vào vòng xoáy leo thang, nơi nước trở thành công cụ trừng phạt.
Nguyên nhân khác khiến Ấn Độ thường xuyên sử dụng nước làm vũ khí trừng phạt trong thời gian gần đây là bởi đất nước này cũng đang tiến gần đến một cuộc khủng hoảng nước. Ấn Độ chỉ sở hữu 4% nguồn nước toàn cầu nhưng phải cung cấp cho 18% dân số thế giới. Lượng nước bình quân đầu người giảm từ 5.200m³ (1951) xuống 1.100m³ (2024), gần ngưỡng khan hiếm nghiêm trọng của FAO.
Quản lý nước kém trong thời gian dài đang để lại những hậu quả nghiêm trọng. Khủng hoảng nước khiến 200.000 người tử vong hàng năm do thiếu nước sạch. Giá lương thực tăng vọt vì sản lượng nông nghiệp sụt giảm, đe dọa an ninh lương thực của 1,4 tỷ dân. Đợt nắng nóng kỷ lục tại New Delhi hồi tháng 5/2024 làm cạn kiệt 3.000 giếng khoan, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp phân phối nước khẩn cấp. Tình trạng đô thị hóa thiếu quy hoạch làm cạn kiệt nước ngầm. Báo cáo từ chính phủ cho thấy 20/21 thành phố lớn nhất Ấn Độ đang ở "bờ vực cạn kiệt" về nước ngầm. Ngành nông nghiệp (chiếm 90% lượng nước) và công nghiệp (nhiệt điện, thép) đang phát triển càng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Dự báo của WB đến 2030, nhu cầu nước của Ấn Độ sẽ vượt cung 50% và gây thiệt hại 6% GDP vào năm 2050. Sau quyết định rút lui khỏi IWT hôm 23/4 vừa qua, Ấn Độ đã chuyển dòng nước vào các hồ chứa và tái khởi động lại 3 dự án đập thủy điện của mình từng bị dừng lại trước đây.

Một cuộc chiến toàn diện?
Với 45 triệu ha đất nông nghiệp phụ thuộc vào nước sông Ấn, việc giảm lưu lượng nước của Ấn Độ sẽ đẩy Pakistan vào khủng hoảng lương thực. FAO cảnh báo sản lượng lúa và lúa mì có thể giảm 40% trong năm nay. Nông nghiệp đóng góp 24% GDP và tạo việc làm cho 42% lực lượng lao động sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế xã hội. WB ước tính, thiếu nước kéo dài có thể khiến Pakistan thiệt hại 20 tỷ USD/năm. Môi trường cũng chịu tổn thất nặng nề.
Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) cho biết, 60% đất canh tác Pakistan đang bị đe dọa do cạn kiệt nước ngầm và nhiễm mặn. Việc chặn phù sa từ thượng nguồn khiến đồng bằng sông Ấn bị xói lở, buộc hàng triệu người vùng ven biển phải di dời. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) dự báo, 2 triệu người ở Nam Pakistan có thể phải "tị nạn khí hậu" ngay trong năm 2025 nếu tình trạng này tiếp diễn. Nguy cơ này đã buộc chính quyền Islamabad phải lên tiếng.
Ngoại trưởng Pakistan, ông Bilawal Bhutto Zardari cáo buộc Ấn Độ "khủng bố nguồn nước" và khẳng định "bất cứ hành động nào làm ảnh hưởng đến nguồn nước sẽ bị coi là hành động chiến tranh". Quân đội Pakistan đã bắn thử hai tên lửa tầm xa chỉ 3 ngày sau khi Ấn Độ tuyên bố rút khỏi IWT. Trong khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố: "Từng giọt nước trên các dòng sông đều thuộc về Ấn Độ". Chính quyền New Delhi đã trục xuất và triệu hồi các nhà ngoại giao Pakistan, ngừng cấp thị thực cho người Pakistan và đóng cửa không phận.
Cuộc xung đột đã bùng phát với những giao tranh giữa lực lượng canh phòng biên giới hai nước. Sáng ngày 7/5/2025, Ấn Độ đã bắn tên lửa vào vùng lãnh thổ Pakistan khiến cho hàng chục dân thường thương vong. Pakistan sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố đáp trả "hành động chiến tranh" của nước láng giềng bằng việc pháo kích vùng lãnh thổ Ấn Độ. Trước nguy cơ căng thẳng gia tăng thành một cuộc chiến toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi hai bên quay lại đàm phán. Tổng thống Nga, ông Putin đã điện đàm trực tiếp với ông Modi kêu gọi kiềm chế trong khi Phó tổng thống Mỹ JD Vance cho biết sẵn sàng đứng ra làm trung gian hoà giải.
Để ngăn chặn thảm họa, tái thiết lập đối thoại là bước đầu tiên. Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nhấn mạnh: "Nước nên là nguồn hợp tác, không phải xung đột". Các cường quốc cùng tổ chức quốc tế, đặc biệt là WB cần đóng vai trò trung gian mạnh mẽ hơn. Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU đều có ảnh hưởng tại khu vực không chỉ lên tiếng mà có thể gắn viện trợ với cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế về chia sẻ nguồn nước để gia tăng sức nặng. Cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry từng tuyên bố: "Xung đột nước là mối đe dọa toàn cầu, đây là phép thử cho chủ nghĩa đa phương".
Các chuyên gia đã đề nghị hai quốc gia cần hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng chung để cùng giải quyết vấn đề nước đồng thời hiện đại hóa IWT bằng cách tích hợp dữ liệu khí hậu và thiết lập hạn ngạch nước linh hoạt hơn. Hai bên có thể cùng hợp tác năng lượng mặt trời để giảm các dự án thủy điện làm thay đổi dòng chảy. Bên cạnh đàm phán chính thức, các sáng kiến như "Ngoại giao Track II" cần được mở rộng, tạo diễn đàn cho nông dân, kỹ sư và nhà hoạt động môi trường chia sẻ giải pháp.
Khủng hoảng nước sông Ấn phản ánh cách biến đổi khí hậu và chủ nghĩa dân tộc có thể kết hợp tạo ra thảm họa. Không có hợp tác khẩn cấp, hàng triệu người sẽ đối mặt với nạn đói, di cư và bạo lực. Lịch sử cho thấy ngay cả kẻ thù không đội trời chung cũng có thể chia sẻ tài nguyên, nếu sự sống còn phụ thuộc vào đó. Dòng sông Ấn đã chảy ngàn năm êm đềm, và ngoại giao cũng phải kiên trì như thế để vượt qua chia rẽ.