Hệ Lụy

Chủ Nhật, 27/03/2022, 09:48

Những hệ lụy của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine có thể được giới hạn phần nào bởi cho đến nay, trong hai bên tham chiến ở Ukraine, chưa bên nào chính thức tuyên chiến với bên kia. Vì thế, nó thực chất là một cuộc xung đột quân sự, theo cách diễn giải của Tổng thống Nga V.Putin thì đó là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", còn Ukraine lại cho rằng cuộc chiến của họ là để "chống quân xâm lược"...

Chưa tuyên chiến

Bất luận cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ chấm dứt theo chiều hướng nào, nó cũng đã để lại những hệ lụy nghiêm trọng mà một trong số đó là phá vỡ trật tự thế giới cũ để đi tới một trật tự thế giới mới-có thể theo mô hình không ai mong muốn.

Quyết định tấn công Ukraine của Tổng thống Nga V.Putin vào ngày 24-2 đã xoay chuyển lịch sử phát triển của thế giới hiện đại.

Những hệ lụy của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine có thể được giới hạn phần nào bởi cho đến nay, trong hai bên tham chiến ở Ukraine, chưa bên nào chính thức tuyên chiến với bên kia. Vì thế, nó thực chất là một cuộc xung đột quân sự, theo cách diễn giải của Tổng thống Nga V.Putin thì đó là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", còn Ukraine lại cho rằng cuộc chiến của họ là để "chống quân xâm lược".

Hệ Lụy -0
Phái đoàn Ukraine và Nga trong vòng đàm phán thứ ba tại Belarus ngày 7-3. Ảnh: LG

Nếu hai bên tuyên chiến sẽ kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng bởi vì Nga là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO với một điều khoản trong hiệp ước giống như của NATO: ấy là một hành vi gây hấn với một thành viên được xem như gây hấn với tất cả các nước thành viên CSTO và do vậy, với sự nhất trí của tất cả các thành viên, sẽ có phản ứng tập thể, như việc CSTO đổ quân vào Kazakhstan hồi đầu tháng 1 vừa qua khi các cuộc biểu tình bùng phát tại quốc gia này...

"Được xem như tuyên chiến", theo cái cách mà Tổng thống V.Putin gọi các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, không có nghĩa là "tuyên chiến". Cho đến nay, Nga chỉ dùng các biện pháp "phản trừng phạt" về kinh tế và ngoại giao để đáp trả, chứ không dùng biện pháp quân sự để đối phó với những lệnh trừng phạt của các nước phương Tây.

Những hệ lụy về kinh tế là điều không tránh khỏi của các biện pháp trả đũa lẫn nhau này nhưng ít nhất, nó còn giữ cho châu Âu đứng ngoài vòng nguy hiểm của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Ngoái lại quá khứ

3 ngày sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Nga ra lệnh đưa lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào trạng thái "sẵn sàng chiến đấu cao" để, theo lời ông V.Putin, nhằm đáp trả những tuyên bố "thù địch" của các quan chức hàng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đây là một mệnh lệnh có thể làm lạnh sống lưng nhiều chính khách cũng như chỉ huy quân sự của NATO. Cần nhớ rằng NATO, tổ chức được thành lập tháng 4-1949 với mục đích "phòng thủ tập thể", trong nhiều năm trời từng bị chế giễu là cái tên được viết tắt câu châm ngôn "No Action Talk Only" (không làm chỉ nói). Duy nhất một lần NATO thể hiện "cơ bắp" của mình trước Liên Xô và đáng buồn thay, nó cũng là thời khắc đẩy châu Âu đến sát bờ vực của sự hủy diệt!

Từ ngày 8 đến 11-11-1983, NATO tiến hành cuộc tập trận mang mật danh Able Archer dựa trên tình huống giả định rằng các lực lượng Xanh (của NATO) sẽ chiến đấu bảo vệ đồng minh trước một cuộc tấn công của lực lượng Da cam (là lực lượng của các nước thuộc Hiệp ước Warszawa).

Able Archer 83 diễn ra trong lúc bầu không khí Chiến tranh Lạnh tột độ căng thẳng.Tình báo Liên Xô lại chặn bắt được các tín hiệu vô tuyến giữa Mỹ và Anh, cho thấy lực lượng NATO sẽ tiến hành điều động các tên lửa hạt nhân trong quá trình diễn ra cuộc tập trận.

Các nhà lãnh đạo Xôviết khi ấy hoàn toàn tin rằng cuộc tập trận thật ra chỉ là bình phong để NATO chuẩn bị giáng đòn tiến công hạt nhân thật sự nhằm vào Liên Xô cùng các đồng minh của mình. Thế nên, các máy bay của Liên Xô ở Cộng hòa dân chủ Đức và Ba Lan được lệnh lắp các vũ khí hạt nhân và đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ở Ba Lan, Tập đoàn quân số 4 được lệnh tăng tốc độ lắp ráp các vũ khí hạt nhân lên máy bay với thời gian tối đa 25 phút cho một đơn vị vũ khí và 40 phút cho 2 đơn vị vũ khí. Các đơn vị quân đội Liên Xô ở quân khu Baltic và đóng quân trên đất Tiệp Khắc được lệnh báo động. Khoảng 70 tên lửa tầm trung SS-20 mang đầu đạn hạt nhân sẵn sàng rời bệ phóng. Các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Liên Xô cũng được lệnh lặn sâu bên dưới các lớp băng dày của Bắc Cực để tránh sự phát hiện của đối phương, sẵn sàng cho đòn giáng trả.

Cả NATO và Liên Xô cùng đi đến bên bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Nhận được tin tình báo, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher hoảng hốt. Khả năng Liên Xô mở đòn tiến công hạt nhân trước do hiểu sai bản chất của cuộc tập trận Able Archer 83 của NATO đã hiện hữu. Thủ tướng Anh lập tức thông báo cho phía Mỹ. Tổng thống Mỹ R.Reagan khi ấy quyết định rút các vũ khí hạt nhân khỏi cuộc tập trận Able Archer 83, kể cả các tên lửa Pershing II mang đầu đạn hạt nhân trước đấy đã được bố trí sát đường biên các nước thuộc khối Hiệp ước Warszawa. Khủng hoảng được tháo gỡ...

Mãi tới năm 1999, bằng việc dội bom suốt 78 ngày đêm xuống Serbia, NATO mới thực sự phô bày những nanh vuốt của mình, sau đó bước vào một trong những sứ mệnh lớn nhất để chứng tỏ sự hữu ích của mình là cuộc "hành binh hướng Đông", đẩy các đường biên của khối liên minh quân sự này đến sát nước Nga. Đấy cũng chính là lý do mà theo Moscow, buộc nước Nga phản phản ứng khi NATO vượt quá "lằn ranh đỏ" ở Ukraine.

Hệ Lụy -0
Người dân Nga tại Moscow xếp hàng rút tiền trong bối cảnh đồng ruble đang mất giá. Ảnh: LG

Với việc ra lệnh đưa lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, Tổng thống V.Putin đã đẩy tình trạng căng thẳng giữa Nga với NATO lên một nấc thang chưa từng có, một sự phô diễn "cơ bắp" cực kỳ nguy hiểm mà nếu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine không được xử lý một cách thích đáng, sẽ gây ra những hệ lụy trầm trọng cho trật tự châu Âu và thế giới.

"Tiểu tam" hưởng lợi

Khi đề cập đến những hệ lụy của cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, sẽ là thiếu sót nếu không tính đến một "tiểu tam": Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra đúng vào lúc quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử nhiều thăng trầm của cả hai phía. Trước khi xung đột nổ ra, bằng những đòn trừng phạt liên tục nhằm vào Nga vì đủ các lý do: sát nhập Crimea năm 2014, tấn công mạng, can thiệp bầu cử, đầu độc các nhà bất đồng chính kiến hay cựu nhân viên tình báo... cùng với cuộc thương chiến do Tổng thống D.Trump khởi phát nhằm vào Trung Quốc, chính Mỹ đã là nhân tố chính thúc đẩy hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh trở nên gắn kết hơn bao giờ hết.

Không giống như những liên minh chính trị-quân sự hình thành trong Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nga-Trung giai đoạn trước khủng hoảng Ukraine không chịu tác động về mặt hệ tư tưởng (có chăng chỉ là tư tưởng "cùng cố kết để chống Mỹ"). Sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai bên là không lớn. Đó là quan hệ đối tác nhưng không phải đồng minh, sử dụng công thức hoạt động cơ bản là "không phải lúc nào cũng nhất trí nhưng không bao giờ chống lại nhau", với hợp tác kinh tế cùng có lợi là cột trụ chính.

Cột trụ này có thể nói đã đóng một vai trò cực kỳ trọng yếu trong quyết định của Tổng thống V.Putin đưa quân vào Ukraine ngày 24-2, bởi chắc chắn ông V.Putin đã lường trước được là một khi những đơn vị quân đội Nga tràn vào lãnh thổ Ukraine thì nước Nga sẽ phải hứng chịu những đòn trừng phạt khốc liệt hơn nữa từ Mỹ và phương Tây. Kể từ khi sát nhập Crimea vào Nga năm 2014, Moscow đã thực hiện chính sách "xoay trục hướng Đông" để chuẩn bị cho những đòn trừng phạt trong trường hợp nổ ra khủng hoảng.

Quả nhiên điều đó đã xảy ra. Khi đối mặt với những đòn trừng phạt liên hoàn của Mỹ và cộng đồng quốc tế, hẳn nhiên là Tổng thống V.Putin phải nhìn về hướng Đông để tìm kiếm một lối thoát khả dĩ giúp nền kinh tế Nga có thể đứng vững trước vô vàn khó khăn do các lệnh trừng phạt gây ra. Mỹ và phương Tây "ngắt" nền kinh tế Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT thì ngay lập tức Nga và Trung Quốc đẩy nhanh phối hợp để liên kết các hệ thống thanh toán tài chính của nhau, mặc dù Nga có phần lép vế khi phải sử dụng đồng nhân dân tệ để dự trữ ngoại hối cũng như một số ngân hàng Nga phát hành thẻ sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc..

Nhưng, đó chưa phải là những yếu tố lép vế duy nhất mà Nga phải gánh chịu trong quan hệ với Trung Quốc do hệ lụy của cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine. Nga đưa quân vào Ukraine, Trung Quốc bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua một nghị quyết lên án Nga nhưng lại xung phong đứng ra gánh vác trách nhiệm thúc đẩy lập lại hòa bình ở Ukraine. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh quốc tế. Do cuộc xung đột Ukraine, nền kinh tế Trung Quốc phải chịu tổn hại ít nhiều bởi giá cả hàng hóa, nguyên liệu tăng cao, thế nhưng đó là cái giá khá rẻ để có được một vị thế cường quốc toàn cầu.

Nói cách khác, khi Ukraine trở thành chiến trường để Nga và phương Tây đọ sức, Trung Quốc là bên thu được lợi ích chiến lược lớn nhất. Sau cuộc xung đột này, Trung Quốc càng vươn lên vị thế một cường quốc thế giới ngang bằng với Mỹ về nhiều mặt, trong khi Nga bị bỏ lại phía sau khá xa.

Ấy là chưa kể Trung Quốc sẽ chăm chú theo dõi Nga hành động ở Ukraine, đánh giá diễn biến cũng như kết quả của cuộc xung đột rồi đưa mắt hướng về Đài Loan và các nước láng giềng xung quanh để có những cách hành xử gây hấn như đã từng xảy ra trong thời gian gần đây...

Đấy cũng là một hệ lụy của cuộc xung đột diễn ra giữa lòng châu Âu.

Yên Ba
.
.