GS.TS Đỗ Quang Hưng: "Điều đáng ngại nhất là con người vẫn muốn trở thành... Chúa trời"

Thứ Sáu, 31/12/2021, 14:43

Trong cuộc đối thoại cuối cùng của năm 2021 nhiều biến động, GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ nhiệm Hội đồng Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dành nhiều thời gian nói về câu chuyện "cứu rỗi", "giải  thoát" của tôn giáo. Ông xem đó như những điểm nhấn câu chuyện tôn giáo với con người hôm qua và hôm nay, trong chính mùa đại dịch COVID-19 và kỉ nguyên số này.

"Thế kỉ XXI, tâm thức tôn giáo quay trở lại"

- Phóng viên: Thưa GS.TS Đỗ Quang Hưng, thế nào là cứu rỗi?

- GS.TS Đỗ Quang Hưng: "Cứu rỗi" là khái niệm thần học quan trọng, tâm điểm triết lí của đạo Kitô dành cho những giáo dân, hay những người Kitô hữu nói chung. Theo Kitô giáo, có hai loại không gian. Một là không gian lí tưởng, là nước thiên đàng mà đức Chúa Cha trị vì trên đó. Không gian còn lại, tức là Trái đất ta đang sống, là nước trần gian, nước hiện thực, chỉ là nơi ở tạm thời của người Kitô hữu, họ sống ở đây nhưng lòng hướng lên trên. Họ xem quãng thời gian loài người sống ở trần gian là quãng thời gian Chúa thử thách để được cứu rỗi, để một ngày được lên thiên đàng.

GS.TS Đỗ Quang Hưng:

"Cứu rỗi" là chữ thuộc Kitô giáo nhưng trong các tôn giáo khác, cũng có những quan điểm tương tự. Trong Phật giáo, gần như tương ứng với khái niệm "cứu rỗi" là "giải thoát" - đây cũng là khái niệm trung tâm của đức Phật, đích đến của mọi Phật tử "trong biển cả mênh mông, chỉ có một vị chung nhất là muối mặn, cũng như trong Phật pháp, thì đó là giải thoát".

Còn người Hồi giáo nghĩ gì về cứu rỗi? Thánh Ala, nhà tiên tri Muhammad có bao giờ răn dặn người Hồi giáo (Muslim) của mình về chuyện này không? Quả thực rất khó tìm tài liệu chứng thực chuyện đó. Không giống với Kitô giáo, đạo Hồi không phân chia nước trời, nước trần gian mặc dù Kinh Koran nhiều lần nhắc tới Chúa Giê-su. Một khác biệt nữa, trong quan điểm của đạo này, nước trần gian đồng nhất với xã hội Hồi giáo. Bản thân cộng đồng ấy đã là một xã hội tôn giáo, không có vấn đề xã hội thế tục trong đó, sống ở đây như đã sống trên thiên đàng. Vì thế, để giải thoát, người Muslim phải thực hiện đúng giáo luật, đúng lời răn dạy, để trở thành một người Muslim tốt.

Dẫu "cứu rỗi" của đạo Kitô, "giải thoát" của đạo Phật hay kể cả khái niệm khó diễn đạt với hơn 1 tỉ người Hồi giáo thì đều đề cập đến một điểm chung: những người đã quy thuận, thuộc về tôn giáo, thì cuộc sống của thế giới sau khi chết sẽ như thế nào. Ba mức độ về sự cứu rỗi mà tôi vừa nói đều là ước vọng, là kế hoạch sau khi chết. Và đều truyền tải một hàm ý rất tích cực, đó là một đảm bảo, một ước hẹn của thánh thần dành cho con người cụ thể. Điều đó luôn là một động lực rất lớn trong giá trị và lẽ sống đối với các tín hữu. Kể cả những người ngoài tôn giáo mà có cảm tình với tôn giáo ấy, dù không nói ra thì tự trong lòng cũng tìm thấy ở đó một điều gì đó để nhắc nhở mình. Bạn để ý mà xem, càng ngày, càng ít người tự nhận mình là người vô thần. Trong xã hội hiện đại, hiện chúng ta có rất nhiều mục tiêu sống, có vẻ như xã hội thế tục muốn "thay thế tôn giáo" như lý trí, khoa học, tiến bộ, xã hội tiêu dùng,... nhưng chúng ta vẫn thiếu cái gì đó cho con người...

- Tôi rất đồng cảm với điều ông nói. Bởi trong giấy khai sinh của tôi, dẫu ghi "dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không" thì thú thật, thỉnh thoảng tôi vẫn cảm thấy có một thế giới khác hiển diện bên cạnh. Hay chẳng hạn một phản xạ hết sức tự nhiên, khi gặp phải một khó khăn, bất lực nào đó, tôi thường kêu lên: "Trời ơi", thậm chí chẳng biết hướng về ai ngoài thánh thần. Nhưng, trong thời đại này, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, liệu tôn giáo có còn khả năng cứu rỗi con người không, thưa ông?

- Tới thời điểm hiện tại, COVID-19 là gì, chúng ta vẫn chưa có những kết luận cuối cùng về mặt y học nói riêng và khoa học nói chung. Nhưng, từ khi xuất hiện con virus "nhỏ bé" mà thật khó nhận diện nó trong hàng loạt dịch bệnh virus đã có trong lịch sử, dường như COVID-19, một lần nữa gửi đến một thông điệp đầy sức thách đố: trong những mối đe dọa con người, trong những thử thách về luân hồi, sinh lão bệnh tử, nó là thứ đặc biệt nhất cho đến hiện tại. Nếu so sánh với các dịch bệnh trong quá khứ, số người đã chết vì COVID-19 đến nay chưa chắc nhiều hơn nhưng nó khó kiểm soát, đôi khi khiến người ta có cảm giác bất lực trước nó. Với không gian dịch bệnh toàn cầu mà chỉ có con virus này mới làm được, vậy những vấn đề thuộc về quan niệm cứu rỗi còn giá trị không ?

GS.TS Đỗ Quang Hưng:

Trước khi COVID-19 ập xuống, loài người đã bước vào thế giới hiện đại, nhiều nước, nhiều khu vực đã bước vào hậu hiện đại, nghĩa là, đã trải qua đỉnh cao của chủ nghĩa thế tục. Một trong những đặc điểm của thế giới hiện đại và hậu hiện đại, đó là, con người có thể làm chủ, thậm chí coi mình là bá chủ, không có ràng buộc gì bởi Thiên Chúa hay các thánh thần ở cuộc sống công cộng. Điều đó được xem như một thắng lợi của xã hội hiện đại. Nhưng rồi người ta cũng bắt đầu phải kiểm chứng lại cái "sô-vanh về tinh thần" đó khi vào cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, về mặt dự báo học, đã có những cảnh báo được đưa ra như nhận xét của J.P. Willaime: "Nếu tính hiện đại là vận chuyển và sự tin chắc thì hậu hiện đại là sự vận chuyển và khó tin chắc".

Khi nhận được câu hỏi thế kỉ XXI là thế kỉ gì, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp (giai đoạn 1958-1969) André Malraux từng nói đại ý, ông không nghĩ như một số người cho rằng tôn giáo sẽ quay lại, đến mức thế kỉ XXI sẽ trở lại là thế kỉ của tôn giáo; nhưng ông chắc chắn, thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ của tâm thức tôn giáo, của tâm linh. Giờ thì ta thấy đúng như thế thật! Qua biết bao cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội, tính hiện đại đã bắt đầu bộc lộ những mặt hạn chế của nó. Trong thế giới hậu hiện đại, người ta bắt đầu đi tìm những cảm thức của con người, chứ không đến mức duy lí tuyệt đối nữa. Dự đoán của ông Malraux hé lộ cho chúng ta biết, thế kỉ này - thế kỉ mà con người tự xưng bá, không cần thần linh nữa, thì tâm thức tôn giáo và tâm linh sẽ quay trở lại và có cái lý của nó. Đây là điều mà những nhà triết học hiện đại đang quan tâm. Đặc biệt, cũng bắt gặp những tư tưởng mới của đời sống tôn giáo.

Tôi phải nói có vẻ vĩ mô một chút như vậy để trả lời cho câu hỏi của bạn. Cứu rỗi vẫn là một bộ phận của tâm thức tôn giáo, của tình cảm tôn giáo nếu ta đi sâu vào lõi của khái niệm "cứu rỗi", tức những phương án đưa ra để giải phóng, giải thoát con người. Tôi xin mượn câu nói của W.H.Auden để trả lời câu hỏi khó của bạn: "Hỏi một câu hỏi khó là điều đơn giản. Nhưng, những câu trả lời khó thì khó có thể nhớ!".

Cứu rỗi đã thôi ảo tưởng

- Tôi có một liên hệ (thoạt nghe thì có vẻ chẳng liên quan) thế này: Không biết, trong đoàn người thiên lí lũ lượt kéo nhau về quê để tránh dịch bệnh, bất chấp bao nguy hiểm rủi ro rình rập mà báo chí nước ta phản ánh thời gian qua, có ai trong số họ cảm thấy được che chở bởi một thế lực nào đó gọi là siêu nhiên hay không?

- Nhiều người trong chúng ta đã lặng người khi đọc tin về những đoàn người thiên lí đó hay những đồng bào của ta đã mất đi trong đại dịch này. Và, trong số đó, có những người tôi quen biết. Liệu trong câu chuyện buồn bã kia, cứu rỗi biểu hiện như thế nào? Tôi nghĩ, người ta đã không còn nhìn khái niệm "cứu rỗi" ở góc nhìn ảo tưởng hay chỉ nghĩ đến tính lý tưởng của sự cứu rỗi nữa. Và, ở một sức mạnh siêu nhiên nào đó, có thể chẳng phải là một thứ tôn giáo cụ thể nào cả mà là tôn giáo trong nghĩa phổ quát ấy, tâm linh ấy, có lẽ là cứu cánh cuối cùng mà người ta bám víu vào đó, để lao đi, đèo bòng già trẻ lớn bé để về nhà.

Trước đây, khái niệm "cứu rỗi" hay "giải thoát" thường hướng về cõi sau cõi tạm. Nhưng, gần đây, tôi tìm hiểu và thấy, ngay trong Phật giáo, cụ thể là Phật giáo Tây Tạng, trong những lời dạy của mình, đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra hai điều rất quan trọng. Một là, "giải thoát" hay "cứu rỗi" thì phải ở đây, ngay lúc này, đừng chờ đợi cuộc sống sau cõi chết. Hai là, ngài và những người thân cận đang xây dựng một lý thuyết gọi là tâm linh thế tục (hài hòa giữa tâm linh và tôn giáo, tâm thức giữa các tôn giáo với xã hội thế tục), cho phép con người hiểu rộng hơn khái niệm "giải thoát" của Phật giáo hay "cứu rỗi" của Kitô giáo. Tôi nghĩ, đây là hướng đi phù hợp với giai đoạn hiện nay.

GS.TS Đỗ Quang Hưng:

Là người nghiên cứu tôn giáo, khi khoa học mới về tôn giáo (The New Sciences of Religion), khi người ta đã và đang biết khám phá tâm linh từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên thì con người càng cần phải "cảnh giác" với chính mình. Tôi không rõ Chúa sau khi có Dawin có khác Chúa trong lịch sử hay không. Nhưng, chắc hẳn là con người đã từng tưởng rằng khi họ phá bỏ “bùa mê", coi Thiên Chúa nếu có tồn tại thì cũng hoàn toàn phải "tự nhiên", dù rằng theo tôi tôn giáo chắc cũng không đến mức như C.Baudelaire từng nói: "Ở trần gian chỉ có tôn giáo là thú vị, đáng quan tâm".

- Nghe ông nói, tôi muốn nhắc lại câu chuyện ở Ấn Độ, những cảnh báo về mặt y tế cũng không thể nào ngăn nổi dòng người đổ về những cơ sở thờ tự dâng nước thiêng để ngăn COVID-19, để được "tẩy uế",... Thậm chí, tôi có cảm giác, cái chết cũng không còn quan trọng với họ nữa. Khi tiếp nhận những câu chuyện như vậy, đa số là ném về cái nhìn tiêu cực. Nhưng, trong một chừng mực, ở góc độ đồng cảm với những điều mà ông vừa nói trên, xin hỏi giáo sư, đức tin tôn giáo và hành vi tôn giáo đúng nên được hiểu như thế nào trong bối cảnh phức tạp hiện nay?

- Cảm ơn bạn đã lấy ví dụ về Ấn Độ. Đúng là cuộc sống xã hội hiện đại/hậu hiện đại đang đặt ra cho loài người những phương thức ứng xử (hay cao hơn là phương thức tồn tại) khá phức tạp, chứa đựng những cái đối lập và nghịch lý cùng lúc phải giải quyết. Ví dụ đó cắt nghĩa được hành vi người ta như tìm đến một chỗ dựa để giải thoát ngay bây giờ, ngay lúc này, ở đây, trong cái hành động mà người ta làm cái chuyện có thể có phần vi phạm luật y tế của đất nước họ, đi ngược lại lời cảnh báo của quốc tế. Ở điểm này, chúng ta cũng có thể và cần thiết phải thông cảm nhất định với những hành vi đó, vì rõ ràng, họ đã bị dồn vào chân tường rồi. Với họ, cái chết tưởng ghê gớm nhất thì cũng không khủng khiếp bằng trạng thái "gặm nhấm" vì dịch bệnh hiện nay. Chưa kể, trong quan điểm về cái chết, chỉ những người duy vật, duy lí mới sợ hãi cái chết bệnh tật, chứ những người ở những tôn giáo khác sẵn sàng đón cái chết như một vòng sống của họ.

Trong bối cảnh đó, khi tiếp nhận một thông tin nào đó, điều đầu tiên là ta cần nhìn lại, chiêm nghiệm xem tại sao như thế. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa, hành vi đó là đúng. Nếu tình trạng đó kéo dài, dẫn đến cục diện nguy hiểm, không thể kiểm soát được thì cũng không được. Ý tôi ở đây, chúng ta phải hài hòa giữa những nguyên tắc của xã hội thế tục và trạng thái giải quyết bằng tâm linh kia để tìm đến một mẫu số chung. Ví dụ điển hình đó đặt ra cho thế giới hiện đại/hậu hiện đại những vấn đề phức tạp, không nên kết tội một chiều mà bình tĩnh đối thoại và cùng nhau giải quyết.

Chúng ta còn muốn giữ định nghĩa về con người nữa không?

- Vậy ở kỉ nguyên tăng tốc, ở cái thời đại mà gần đây đi đâu ta cũng nghe đến cách mạng 4.0, tôn giáo sẽ có số phận ra sao? Hay hỏi một cách khác, trong thế kỉ mà các thuật toán, chủ nghĩa dữ liệu, trí tuệ nhân tạo... lên ngôi, thánh thần có tồn tại nữa không, thưa ông?

- Đây là một vấn đề được đặt ra, không dừng ở một câu hỏi nữa. Trước hết, phải khẳng định, loài người đã và đang bước vào kỉ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà thuật toán, những đám mây dữ liệu khổng lồ, trí tuệ nhân tạo... chỉ là những biểu trưng tập trung nhất của cuộc cách mạng lần này, thậm chí có thể là cuộc cách mạng lần thứ 5 tới đây. Nhưng, ta cũng đừng quên, triết lí về thuật số cũng đã tồn tại cùng với sự ra đời và phát triển của các tôn giáo. Ví dụ, trong lịch sử Kitô giáo, bắt đầu từ sách “Khải huyền”, đã có hai kí tự alpha (A) và omega (Ù) và Thiên Chúa nói, "Alpha và Ômêga chính là Ta, Chúa, Thiên Chúa phán, Ðấng đang có, đã có, và sẽ đến, Ðấng toàn năng!". Không biết tôi có bênh họ không nhưng qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thì tôi thấy với các tôn giáo, vấn đề hậu hiện đại hay cuộc cách mạng kĩ thuật số chắc chắn không làm các tôn giáo hoảng hốt. Và, với các tôn giáo, không có huyền bí, huyền nhiệm, nghĩa là không có cuộc sống. G. Marcel - một nhà triết học nổi tiếng người Pháp, nói rằng: "Không có cái bí mật của huyền bí thì cuộc sống không thể thở được". Tôi rất thích ý này.

Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 rồi lần 2 nổ ra, những máy hơi nước, vô tuyến điện... đã gây nên một chấn động khủng khiếp đối với xã hội cổ truyền. Chưa biết thuật toán tới đây có dẫn con người đến trạng thái đó không, có thể chưa chắc, vì lịch sử nhân loại đã có trải nghiệm thực tiễn rồi. Nhưng, có một điều rõ ràng, thắng lợi của các cuộc cách mạng cũ đã thay đổi bộ mặt của cả thế giới nhưng cũng không thể nào thay đổi được cái gọi là thế giới vô hình. Chính thế giới vô hình đó, hay nói một cách khác là thế giới tâm linh, là chốn trú ngụ và lí do cần thiết của tôn giáo. Ông Malraux nói tâm thức tôn giáo sẽ quay trở lại trong thế kỉ này cũng có cái lí của ông.

Một khía cạnh nữa, thế kỉ tới đây, con người có thể đạt đến những quyền năng ghê gớm khi tự mình sản xuất ra được những phương tiện, không gian mới nhưng đồng thời, con người cũng sẽ bị chính nó quy định. Còn nhớ cách đây 20-30 năm, trong quá trình giảng dạy tại Đại học Tổng hợp (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội hiện nay), tôi từng tiếp xúc rất nhiều với các em sinh viên, nghiên cứu sinh người Nhật. Lúc đó, họ nói với tôi nhiều điều về xã hội Nhật Bản, trong đó có câu: "Chúng em đã bắt đầu chớm cảm thấy máy móc chi phối chúng em lắm rồi". Khi đó, Việt Nam còn nghèo rớt mùng tơi, tôi còn chả mua được cái quần tử tế mà mặc thì ở đất nước họ, xã hội tiêu dùng, trình độ đã phát triển ở mức đó nhưng đã khiến con người cảm thấy bị chính sự phát triển đó quy định. Hay chẳng hạn, thanh niên Nhật bây giờ thích bỏ tiền mua búp bê tình dục thay vì lập gia đình cũng khiến tôi tự hỏi: điều đó sẽ dẫn tương lai loài người đến đâu? Một dấu hỏi kinh khủng! Rồi các thuật toán tới đây sẽ ảnh hưởng tới não trạng của con người tới đâu? Không ai có thể lường trước được. Nhưng, tôi cũng không thể nói một cách đơn giản rằng: "Trời ơi, hãy dựa vào tôn giáo đi, hãy dựa vào sự cứu rỗi của tôn giáo để nó giải quyết việc này". Vì một lẽ, con người đang muốn làm Thiên Chúa. Tôi xin nhấn mạnh lại, con người vẫn đang muốn làm Thiên Chúa...

Tất nhiên, sẽ không có cứu rỗi của một tôn giáo cụ thể nào giải quyết được hết những vấn đề thuộc về thế kỉ này hay thế kỉ tới đây. Có thể, loài người sẽ hướng đến một tôn giáo có tính phổ quát hơn, một tôn giáo tích hợp được các lợi thế của các tôn giáo đã có để vẫn có thể giúp cho thế giới loài người tìm được sự cân bằng, hài hòa, ổn định giữa vật chất và tinh thần; đồng thời, con người vẫn tiếp tục sáng tạo, thúc đẩy văn minh nhưng con người vẫn là con người chứ không biến thành máy móc. Có lẽ đấy là những lí do để Con người tôn giáo (Homo Religious) vẫn có khả năng "gánh vác tương lai của con người với niềm tin sự sống mạnh hơn cái chết. Con người tạm bợ, mỏng manh nhưng qua kinh nghiệm của cái thiêng sẽ trải qua cái vô hạn của con người" (P. Poupard).

GS.TS Đỗ Quang Hưng:

- Trong Kinh Thánh, Thượng đế đã giao phó cho Adam quyền quyết định ăn loại trái cây nào trong vườn Địa Đàng và Adam đã rủ Eva ăn trái cấm (trái thể hiện quyền uy tuyệt đối của Thiên Chúa). Giáo sư có suy nghĩ gì khi liên hệ dụ ngôn đó tới câu chuyện mà chúng ta đang bàn hôm nay?

- Đây là một câu hỏi hay. Không chỉ đơn giản Thiên Chúa tin tưởng đạo đức và sự kiềm chế của con người mà dụ ngôn đó hé lộ bản chất của con người, đó là một giống loài ham hiểu biết, khát vọng sáng tạo vô bờ bến. Nhưng, con người quên mất rằng, có những quy luật chi phối chính con người. Và vì khát vọng vô tận đó, con người (có thể nói là táo tợn) muốn mình bằng Thiên Chúa nên mới ăn trái cấm đó. Con người không sợ Thiên Chúa nữa và muốn bằng Chúa, đó là tội lỗi vĩnh cửu của loài người.

Tất nhiên, khát khao hiểu biết là động lực, là bản chất của con người, là điều không khác được. Nhưng, có lẽ, để khắc phục dụ ngôn, loài người nên biết mình là ai, nên biết điều tiết mình. Lúc nào cũng đòi sáng tạo hết cái này đến cái kia, lúc nào cũng chăm chăm vào điều khiển học, vào thuật toán... mà không lường đến độ an toàn, đặc biệt, những an toàn trong nhận thức và thể chất loài người, thì đến một ngày, có khi, chúng ta sẽ bị tàn phá bởi chính chúng ta.

P. Poupard - một học giả người Pháp, nói một ý rất hay, đại ý, một trong những điều mà ông thường nghĩ, đó là, tôn giáo sẽ như một phanh hãm để giúp cho con người giữ được sự cân bằng, sự an toàn trong tồn tại. Rõ ràng, vai trò của tôn giáo đã vượt thoát khỏi cả giá trị cố kết cộng đồng, mà còn thể hiện vai trò thời đại trong diễn tiến văn minh của nó. Một trong những cái khó nhất của loài người là, cho đến nay chúng ta chẳng biết cái gì là nhỏ nhất hay lớn nhất. Rồi cuộc chạy đua kiệt sức này sẽ đi đến đâu? Để không bị kiệt sức, để loài người có thể phát triển mà vẫn hạnh phúc, phải có sự cân bằng bình tâm nhất định.

- Trong cuốn "Homo Deus - Lược sử tương lai", khi nhắc đến kỉ nguyên tăng tốc và loài người lao đến những vùng chưa biết kỳ vĩ nhanh như thế nào, nhà sử học người Israel Yuval Noah Harari đặt một câu hỏi: "Ai đó làm ơn đạp phanh được không?". Thì khi nghe giáo sư nói chuyện và dẫn lại ý "tôn giáo như một phanh hãm" của ngài P. Poupard, tôi chợt nhận ra, đó có thể là một chìa khóa mang tính chỉ dẫn để con người vẫn còn tương lai...

- Ông P. Poupard nói và không giải thích gì thêm nhưng chúng ta đều hiểu rằng, đến cái máy chạy liên tục cũng có ngày phát nổ, huống gì là con người. Hơn nữa, phải hiểu rằng, khi ông ấy nói cần một cái phanh hãm để điều chỉnh sự cân bằng, không chỉ có nghĩa giá trị về phương diện tinh thần hay tâm hồn, trạng thái mà cả về phương diện vật chất, thể lí của con người cũng cần cái đó. Bây giờ, ta không thể cậy con người máy móc mà không thèm ngủ, dần dần không thèm ăn nữa... Thậm chí, người ta đang nghiên cứu để con người được "bất tử". Thì khi đó, tự nhiên, "con người" không giống với định nghĩa "con người" nữa... Hay nói một cách triết học hơn, chúng ta có còn muốn giữ cái định nghĩa về con người nữa không? Nếu có, tôn giáo vẫn còn ý nghĩa để điều tiết và định nghĩa con người trong hai chữ toàn vẹn của nó. Vả lại, chúng ta nên nhớ rằng, sau khi đưa ra luận đề "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân", chính Marx nói luôn rằng: "Nếu trong trái tim con người có một tình cảm xa lạ với tất cả số còn lại của mọi loài động vật, một tình cảm luôn tái sinh cho dù vị trí con người đó ở đâu, phải chăng đó là thứ tình cảm có tính bản chất của con người? Theo ý kiến chúng tôi thì đó là tình cảm tôn giáo" (“Phê phán triết học pháp quyền” của Heghen).

- Cảm ơn GS.TS Đỗ Quang Hưng.

* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.

Đậu Dung (thực hiện)
.
.