Giáo dục đại học và bài học tự chủ
Giáo dục đại học Việt Nam, trong nhiều năm, đã bị ám ảnh bởi tư duy đào tạo nghề, gắn với hình ảnh bố mẹ ở quê cố gắng bán con lợn, con gà để dành tiền nuôi con ăn học, bám trụ lại các thành phố lớn và xuất phát điểm thường là những công việc văn phòng.
Bài học Hoa Kỳ
Vào thế kỷ 19, hệ thống giáo dục bậc đại học của Hoa Kỳ là một trò đùa thảm hại: nó thậm chí không phải một hệ thống, mà chỉ là một nhóm ngẫu nhiên của những nơi tự xưng là “đại học” nằm rải rác ở các vùng nông thôn. Thiếu thốn về học thuật lẫn vai trò xã hội, hệ thống này tồn tại mờ nhạt. Nhưng, đến nửa sau thế kỷ 20, nó đã thống lĩnh thế giới ở giáo dục bậc đại học, tích lũy được nhiều của cải, tạo ra nhiều học bổng, giành được nhiều giải Nobel hơn cũng như thu hút được một tỷ lệ lớn sinh viên và giảng viên toàn cầu. Điều gì đã xảy ra?
Năm 1790, vào thập kỷ đầu tiên của nền cộng hòa mới, Hoa Kỳ đã có 19 trường đại học và cao đẳng. Các con số tăng dần trong 3 thập niên đầu tiên, tăng thêm 50 trường vào năm 1830, 250 trường vào năm 1850, gấp đôi vào thập kỷ tiếp theo (563) và đạt con số 811 vào năm 1880. Vào thời điểm ấy, Hoa Kỳ có số trường đại học nhiều gấp 5 lần châu Âu và rơi vào tình trạng “lạm phát” giáo dục đại học, với mật độ 16 trường trên 1 triệu dân.
Tuy nhiên, quy mô các trường này đa số còn nhỏ: một trường đại học trung bình chỉ có khoảng 131 sinh viên và 10 giảng viên, cấp 17 bằng mỗi năm. Hầu hết đều nằm xa các trung tâm văn hóa và kinh tế. Các giảng viên là những máy nói đơn thuần, không phải những học giả và sinh viên là những người sẵn sàng trả học phí cho một tấm bằng không có mấy giá trị thị trường. Thời điểm ấy, hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ đơn giản là... không phải hệ thống, vì nó không xuất phát từ một kế hoạch nào và cũng không có cơ quan nào quản lý.
Sau năm 1880, mô hình đại học của Đức đã mang một làn gió mới vào giáo dục đại học Hoa Kỳ: trường đại học bắt đầu được định vị là nơi sản xuất các nghiên cứu khoa học tiên tiến và cung cấp đào tạo trình độ sau đại học cho giới tri thức. Tuy nhiên, nó chưa thể phát triển đến đỉnh cao, vì đa số các trường đại học công lập vẫn chịu sự quản lý của nhà nước, hạn chế sự linh hoạt về các vấn đề như ngân sách, học phí và lương. Các trường đại học công lập hàng đầu nước Mỹ thường chỉ nhận được ít hơn 20% ngân sách thực tế của họ. Với Đại học Virginia, con số này chỉ là 5%. Các trường đại học thuộc bang nhận được một nửa quỹ vận hành từ bang.
Nhưng, đến đây, một làn gió mới cho thấy điều gì mới thực sự là quan trọng với giáo dục đại học: các trường đại học hoạt động tốt nhất sau này thường là những tổ chức mới nổi, trong đó sáng kiến xuất hiện từ phía dưới, khi các giảng viên theo đuổi các cơ hội nghiên cứu, các nhà quản lý tìm kiếm cơ hội tận dụng sự tự chủ.
Thậm chí, bạn có thể định lượng tác động từ quyền tự chủ, thoát khỏi quản lý nhà nước, đối với chất lượng các trường đại học. Kinh tế gia Caroline Hoxby tại Đại học Stanford và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu so sánh thứ hạng toàn cầu của các trường đại học với tỷ lệ nhận tài trợ cũng như hoạch định chiến lược giáo dục từ chính phủ. Họ phát hiện ra rằng, khi tỷ trọng ngân sách được nhà nước chi ra tăng lên cứ 1 điểm phần trăm thì thứ hạng của trường sẽ tụt đi 3 bậc. Ngược lại, khi tỷ trọng ngân sách của những khoản tài trợ mang tính thị trường tăng lên 1 điểm phần trăm, thứ hạng của trường sẽ tăng 6 bậc.
Cho đến hiện tại, các trường đại học Hoa Kỳ đã chiếm 52 trong số 100 trường đại học hàng đầu thế giới, có 16 trường trong top 20. Một nửa số người từng giành giải Nobel trong thế kỷ 21 là học giả tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Đồng thời, danh tiếng đã chuyển hóa thành của cải phi thường. Trường đại học ở Mỹ nhận tài trợ lớn nhất là Harvard, với 35 tỷ USD; trong khi trường từng nhận tài trợ lớn nhất ở châu Âu là Cambrigde (Anh) cũng chỉ từng nhận được 8 tỷ USD. Giờ đây, hệ thống giáo dục này đã trở thành hình mẫu của cả thế giới.
Làn gió mới
Năm 2011, một cuộc điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện ra con số chấn động: cả nước có đến 63% sinh viên ra trường thất nghiệp vì thiếu kỹ năng cần thiết. Trong một thống kê cùng năm của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, có 70,8% cử nhân có việc làm nhưng phần lớn là trái ngành nghề và chỉ 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo.
Hiện tại, cả nước có hàng trăm trường đại học, cao đẳng, chưa kể tư thục, nhưng có rất ít trường đạt chuẩn đào tạo. Theo thống kê, ở trường tư thục, cứ 10 em thì chỉ có 1 đạt chất lượng đại học thực sự. Cách đây 4 năm, ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy là Thủ tướng, từng đặt vấn đề rằng cần kiên quyết đóng cửa các trường đại học yếu kém thời gian dài.
Chất lượng thì như vậy, nhưng đầu vào vẫn đang cho thấy rằng giáo dục đại học đang... lạm phát thế nào: trong vài năm gần đây, hiện tượng thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt đại học không còn là chuyện hy hữu. Năm nay, cá biệt có 3 ngành của trường Đại học Văn hóa (Hà Nội) có mức điểm tuyển sinh theo học bạ lên đến 30,5, gồm Báo chí, Luật và Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Trong khi đó, câu chuyện tự chủ với giáo dục đại học vẫn là vấn đề nóng hổi trong vài năm gần đây: vẫn còn nhiều trường e ngại vì sợ ngân sách nhà nước bỏ rơi.
Đọc đến đây, bạn đọc có thể thấy quen quen: chính Hoa Kỳ, đất nước hiện có hệ thống giáo dục đại học số một toàn cầu, cũng đã từng phải bối rối với những vấn đề như vậy. Và, họ đã vượt qua, bằng những nguyên tắc khá đơn giản, như là giao lại quyền tự chủ cho trường học và định vị lại giáo dục đại học như là nơi đỉnh cao về học thuật, không phải trường đào tạo nghề.
Giáo dục đại học Việt Nam, trong nhiều năm, đã bị ám ảnh bởi tư duy đào tạo nghề, gắn với hình ảnh bố mẹ ở quê cố gắng bán con lợn, con gà để dành tiền nuôi con ăn học, bám trụ lại các thành phố lớn và xuất phát điểm thường là những công việc văn phòng. Kết quả là nó vừa không đáp ứng được định vị học thuật, vừa không đào tạo được nhân lực thật sự giỏi về nghề.
Từ năm học 2022-2023, một làn gió mới đang rục rịch thổi qua giáo dục đại học Việt Nam: học phí ở rất nhiều trường đại học tiếng tăm đang tăng dần, để đáp ứng khả năng tự chủ theo quy định mới. Có những trường như Đại học Luật và Dược Hà Nội tăng gấp đôi học phí so với năm ngoái. Chương trình liên kết với Đại học Arizona (Mỹ) của Đại học Luật còn ghi nhận học phí kỷ lục lên đến 233,3 triệu đồng.
Các trường đại học, về cơ bản, là những tài sản quốc gia tiềm tảng: nó chứa đựng hầu hết tất cả các yếu tố cần thiết để đáp ứng nhu cầu mở rộng người học, với cơ sở vật chất dồi dào (đất đai, lớp học, thư viện, văn phòng khoa, tòa nhà hành chính và nhiều phần còn lại) và khả năng cấp những tấm bằng được thừa nhận rộng rãi. Điều còn thiếu duy nhất là một triết lý định vị nó thực sự ở bậc cao nhất về học thuật và cơ chế đủ để tạo ra sức cạnh tranh cũng như sự linh hoạt.
Bức tranh tương lai của giáo dục đại học ở Việt Nam có lẽ sẽ tiến dần đến một quá trình chọn lọc tự nhiên: các trường học sẽ phải đua nhau khẳng định chất lượng của họ, nhạy cảm với những gì sinh viên tương lai đang tìm kiếm trong trải nghiệm đại học và có động cơ mạnh mẽ để xây dựng mối quan hệ lâu dài với sinh viên đã tốt nghiệp, những người sẽ giới thiệu những sinh viên mới và là nguồn tài trợ dồi dào trong tương lai.
Kỷ nguyên mới của giáo dục đại học có thể bắt đầu từ hai chữ: Tự chủ. Trong quá trình gạn lọc này, từ bài học của nước Mỹ, rất nhiều ngôi trường đã biến mất. Nhưng, những con khủng long mạnh mẽ nhất cũng sinh ra từ thời đại của tự chủ đó.