Gian nan đi tìm mộ tập thể ở Mexico
Hàng trăm người tụ tập tại một trang trại ở thị trấn Teuchitlán, bang Jalisco, Mexico. Người nào cũng đeo khẩu trang, găng tay và cầm theo cuốc xẻng. Họ đang đào bới tìm kiếm hài cốt của những người bị hỏa thiêu rồi chôn ở mộ tập thể.
Nhà chức trách đã khai quật được gần 600 mẫu quần áo, trang sức, đồ vật cá nhân của các nạn nhân. Số di vật được tập hợp lại và chụp ảnh rồi đưa lên mạng để tìm kiếm thân nhân. Đây chỉ là một trong số không ít cuộc khai quật mộ tập thể đang diễn ra hằng tháng ở Mexico.
Khó khăn trên từng bước
Theo số liệu của Mexico thì hiện có hơn 124.000 công dân nước này hiện đang mất tích. Đấy là tính riêng các trường hợp đã được khai báo, và con số thực tế cao hơn nhiều. 1/3 trong số các vụ mất tích được khai báo kể từ năm 2022 đến nay. Đa số nạn nhân bị các băng đảng bắt cóc hoặc tuyển mộ. Không ít người đã bị sát hại và chôn tập thể ở nông thôn như ngôi mộ tại Teuchitlán kể trên.
Tháng 12/2024, chính quyền bang Chihuahua giáp biên giới với Mỹ phát hiện 12 thi thể trong một nấm mồ tập thể. Ngôi mộ chôn nông cách thành phố Ciudad Juarez 180 km về phía tây và nằm trên tuyến đường thường được các đối tượng buôn người sử dụng để đưa người vượt biên sang Mỹ. Ngôi mộ này, cũng như không ít trường hợp khác, được phát hiện bởi các gia đình đi tìm thân nhân mất tích. Họ sử dụng WhatsApp, Twitter và Facebook để thông tin với nhau và tổ chức các đoàn tìm kiếm.

Madres Buscadoras de Sonora là một tổ chức phi lợi nhuận giúp tìm kiếm người mất tích ở Mexico. Đại diện tổ chức này trả lời phỏng vấn tờ The New Yorker (Mỹ): “Chúng tôi đang nhận được quá nhiều thông tin, vượt quá khả năng xử lý của chúng tôi. Cứ mỗi một lần chúng tôi đăng một mẩu tin như: “Có ai sống ở Jalisco biết chỗ nào có nấm mồ vô danh không?” là lại nhận được hàng trăm phản hồi. Có những người dân chứng kiến những kẻ lạ mặt đào mộ ở mảnh đất trống hoặc ngôi nhà hoang. Thậm chí có cả một số người trực tiếp đào mộ và nay muốn chuộc lỗi bằng cách cung cấp thông tin”.
Phần lớn thành viên của Madres Buscadoras là những phụ nữ có thân nhân bị mất tích. Sau khi xác định được địa điểm nghi vấn trên Google Maps, những người tình nguyện sẽ đến tận nơi để đào bới rồi thông báo cho chính quyền địa phương trong trường hợp phát hiện ra dấu vết. Trong một cuộc khai quật như vậy, Madres Buscadoras và cảnh sát huyện Tlajomulco de Zúniga, bang Jalisco đã tìm ra 221 túi rác to chứa bộ phận cơ thể người bị chặt ra từ 44 nạn nhân.
Bà Raul Servin, thành viên của Madres Buscadoras và một người mẹ đi tìm con trai bị mất tích đã 8 năm, cho biết: “Cứ khi nào tìm được ngôi mộ tập thể mới là lại có người từ khắp mọi miền đến để tìm thân nhân. Nhiều trường hợp chỉ nhận ra người thân nhờ vài mảnh vải hay đôi giày còn sót lại trên thi thể”.
Madres Buscadoras được lập ra bởi bà Ceci Flores sống tại thành phố Los Mochis, bang Sinaloa. Ngày 30/10/2015, con trai bà là anh Alejandro Guadalupe mất tích mà không để lại dấu vết. 4 năm sau đó, hai người con còn lại của bà là Marco Antonio và Jesús Adrián lại bị tội phạm bắt cóc. Bà Ceci báo tin cho nhà chức trách trong cả hai trường hợp nhưng không nhận lại phản hồi. Người mẹ buộc phải đăng tin tìm con lên các trang mạng xã hội. Đúng 6 ngày sau đó, bà Ceci nhận được một cuộc gọi điện thoại nặc danh bảo bà đến một chỗ để nhận con. Khi bà đến nơi thì chỉ có Jesús Adrián ở đó. Đến nay bà Ceci vẫn không có tin tức gì về hai người con còn lại.
Bà Ceci ban đầu lập ra Madres Buscadoras như một trang mạng Twitter để mọi người có thân nhân mất tích chia sẻ thông tin với nhau. Madres Buscadoras nhanh chóng mở rộng và trở thành một tổ chức thực thụ với hơn 2.000 thành viên. Mạng lưới thành viên trải khắp đất nước giúp Madres Buscadoras nhanh chóng thu thập thông tin và xác định vị trí những ngôi mộ. Tuy vậy ngay cả việc đến được nơi khai quật cũng không ít gian nan.
Hành trình dài
Martín Villalobos là cố vấn Ủy ban Tìm kiếm người mất tích quốc gia Mexico và một trong những chuyên gia đã giúp xây dựng cơ chế liên bộ tìm kiếm người mất tích được chính phủ nước này đưa vào thực thi vào tháng 3/2019. Bản thân ông Martín cũng có thân nhân mất tích. Cô Mónica Alejandrina Ramírez Alvarado, em dâu của ông bị mất tích vào năm 2004 khi đang học đại học. Gia đình cô đã phải tốn rất nhiều công sức đăng tin tìm người.
Ông Martín giải thích về những khó khăn khác mà nhiều gia đình trong hoàn cảnh này gặp phải: “Tội phạm cartel có “chân rết” trong khắp chính quyền địa phương. Chúng biết khi nào có người báo tin thân nhân mất tích, và chúng sẵn sàng đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để dọa nạt người báo tin. Họ hàng, bạn bè vì sợ liên lụy nên cũng tìm cách xa lánh gia đình nạn nhân”.
Tháng 7/2021, cô Aranza Ramos (28 tuổi) bị sát hại dã man. 1 năm trước đó, chồng cô là anh Omar Celaya Alvarado cũng bị bắt cóc và sát hại. Sau khi đăng tin tìm chồng trên mạng xã hội, cô Aranza nhận được không ít lời đe dọa và phải chuyển nhà khỏi thành phố Sonora. Tuy vậy bọn mafia vẫn không buông tha cô. Chúng xông vào nhà Aranza lúc giữa đêm và sát hại nạn nhân ngay trước mắt con gái.
Bộ máy chính quyền phức tạp và quan liêu ở nhiều địa phương Mexico cũng là một trở ngại khác. Theo ông Martín Villalobos: “Nhiều địa phương không hề muốn dư luận biết rằng ở địa bàn mình có ngôi mộ tập thể vì sợ bị ảnh hưởng đến uy tín và trị an. Đấy là lý do vì sao nhiều chính quyền thường xuyên xử lý việc tìm người mất tích theo cách rất miễn cưỡng. Các tổ chức tình nguyện thường phải tự mình thu thập thông tin và đến nơi khai quật để tìm bằng chứng. Có bằng chứng không thể chối cãi được trong tay rồi thì họ mới đến các cơ quan công quyền”.
Roxana Enríquez Farias, Giám đốc Cơ quan Nhân học pháp y Mexico (EMAF), vốn không phải là chuyên gia pháp y. Bà là một nhà khảo cổ học. Năm 2008, bà Roxana được mời khai quật một ngôi mộ tập thể ở thành phố Ciudad Juárez. Bà phát hiện ngay ra rằng ngôi mộ mới được đào và đã cùng với các đồng nghiệp thu thập thông tin nhận dạng các nạn nhân. Đó là bước đầu tiên trong hành trình trở thành nhà pháp y của bà.
Bà Roxana cho biết: “Mexico hiện đang rất thiếu chuyên gia pháp y. Nhiều chuyên gia của EMAF thực ra đang làm nghề “tay trái” không đúng chuyên ngành. Mexico trải qua cuộc khủng hoảng giám định pháp y từ năm 2008 đến nay. Đó là thời điểm các băng đảng công khai tấn công lẫn nhau. Khi đó có những ngày chúng tôi chỉ làm mỗi việc là dỡ những túi đựng xác từ trên xe tải xuống. 4 chiếc tủ lạnh bảo quản thi thể của nhà xác lúc nào cũng đầy ắp”.
Tác động tích cực của mạng Internet đối với công cuộc tìm kiếm người mất tích thật khó để kể hết. Tuy vậy tội phạm cũng đã thay đổi để thích nghi. Chúng sử dụng Google Maps và các công cụ định vị khác nhằm chọn nơi lý tưởng để đào mộ. Chúng có những “đội quân” troll để đe dọa những người đang tìm kiếm thân nhân. Ngay cả mạng xã hội cũng là nơi để chúng khoe các “chiến tích”. Tập đoàn Meta (Mỹ) trong tháng 2 vừa qua đã phải lên tiếng xin lỗi vì không làm tốt trách nhiệm ngăn chặn nội dung độc hại trên Instagram và để cho tội phạm đăng tải nhiều hình ảnh mang tính man rợ.

Phải làm gì?
Dưới thời Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, Chính phủ Mexico đã có nhiều bước tiến tích cực trong việc giải “bài toán” mất tích, đơn cử như đưa vào thực thi cơ chế liên bộ tìm kiếm người mất tích. Còn có thể kể đến bộ luật về tội bắt cóc được đưa vào thực thi vào năm 2018. Theo bộ luật này thì chính quyền địa phương phải ngay lập tức mở chiến dịch điều tra sau khi nhận được thông tin từ người nhà nạn nhân. Tuy vậy việc áp dụng luật trên thực tế vẫn chưa được làm tốt. Theo ông Martín Villalobos: “Nhiều gia đình phải chạy giữa nhiều cơ quan mà vẫn không giải quyết được việc. Cơ quan nào cũng chỉ muốn đá “quả bóng” trách nhiệm”.
Chính thái độ thờ ơ nói trên lại gây khó khăn cho nhà chức năng muốn giải quyết vấn đề. Bà Roxana Farias cho biết: “Chúng tôi từng gặp nhiều trường hợp gia đình không hợp tác bàn giao chứng cứ. Họ đã từng bị nhiều cơ quan “ngâm” giấy tờ nên sợ bằng chứng do họ tự tay thu thập cũng sẽ bị giữ lại thay vì phục vụ việc điều tra. Chúng ta thật sự cần xây dựng lại lòng tin giữa nhân dân và chính quyền”.
Một phương án khác cần được tính đến là xây dựng bộ khung luật pháp xử lý những đối tượng đe dọa người khác trên Internet. Hành động này bị khép vào tội hình sự ở Mexico, nhưng trên thực tế thì nhà chức trách nước này ít khi điều tra ra và xử lý đến tận cùng những vụ án này. Bà Edith Olivares, Giám đốc văn phòng Mexico của tổ chức Ân xá Quốc tế, phát biểu: “Ở Mexico thì những lời đe dọa trên mạng thường xuyên đi kèm với bạo lực ngoài đời. Chính phủ Mexico không những nên tăng cường nguồn lực cho việc tìm kiếm người mất tích mà còn nên tích cực bảo vệ những công dân đang tự nguyện đóng góp sức mình”.
Một niềm an ủi cho những nhân viên tìn nguyện là xã hội Mexico đang ngày càng hiểu rõ hơn về công sức của họ. Anh Araceli Hernández, một cựu thành viên của Madres Buscadoras và hiện lãnh đạo nhóm tình nguyện của riêng mình, trả lời phóng viên The New Yorker: “Chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, kể cả từ những người chưa từng có thân nhân mất tích. Trước đây ai cũng chỉ biết sống vì mình vì sợ cartel. Bây giờ mọi người đoàn kết lại để giúp đỡ nhau. Ai cũng cảm thấy mình dũng cảm hơn”.