G20: Tiếng nói mạnh mẽ trong thế giới đa cực

Thứ Sáu, 25/11/2022, 12:34

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang trở thành một điểm sáng đáng chú ý những ngày qua, khi kết quả từ đó đã bắt đầu tạo nên những thay đổi tích cực.

"Thành công"

Đó là nhận định của ông Joko Widodo, Tổng thống nước chủ nhà đồng thời là Chủ tịch của G20 năm nay, khi Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong các ngày 15 và 16/11, tại đảo Bali của Indonesia kết thúc. Hội nghị lần thứ 17 của nhóm năm nay đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi có sự tham dự của hàng chục nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo tổ chức quốc tế, cùng khoảng 600 đại biểu và hơn 2.000 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới.

G20: Tiếng nói mạnh mẽ trong thế giới đa cực -0
Tuyên bố chung của Thượng đỉnh G20 được đưa ra trong ngày họp cuối cùng.

Chưa khi nào Hội nghị Thượng đỉnh G20 dành được nhiều sự chú ý đến thế của các cơ quan truyền thông quốc tế. Không chỉ bởi tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của G20 khi đại diện cho những nền kinh tế đang chiếm tới 80% GDP, 75% thương mại và 60% dân số toàn cầu, mà còn bởi G20 hiện là tổ chức lớn nhất chỉ sau Liên hợp quốc (LHQ) có sự hiện diện đầy đủ của tất cả những cường quốc trên thế giới ở thời điểm hiện nay như Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc... Với một nguồn lực lớn tập trung như thế, G20 được đặt hy vọng để có thể giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Dĩ nhiên, như những hội nghị quốc tế khác, G20 cũng gặp phải nghi ngờ về sự đoàn kết và tính thống nhất, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn của thế giới hiện tại. Chính Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres cũng thừa nhận, G20 lần này diễn ra trong một "thời điểm quan trọng nhất, bấp bênh nhất trong nhiều năm qua".

Dẫu vậy, người đứng đầu LHQ vẫn đặt niềm tin G20 sẽ giúp giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, khủng hoảng lương thực và năng lượng cũng như chuyển đổi số trên toàn thế giới.

Bất chấp những thay đổi phút chót, Thượng đỉnh G20 năm nay đã thu được thành công đáng tự hào khi đưa ra được bản tuyên bố chung của hội nghị. Đây là điều đã gây lo ngại rất lớn trước ngày khai mạc, khi hội nghị cấp bộ trưởng G20 diễn ra hồi tháng 10 không thể đưa ra tuyên bố như vậy. Với sự "thống nhất" và "linh hoạt" như tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, ông Joko Widodo, G20 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ để phối hợp giải quyết các vấn đề kinh tế, an ninh, lương thực, khí hậu... Trước một "cuộc khủng hoảng đa chiều chưa từng có", các nhà lãnh đạo G20 khẳng định quyết tâm "Làm việc và hợp tác vì thế giới. Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn".

Lan tỏa tích cực

Tinh thần đó đã được nối dài tới Ai Cập, nơi đang diễn ra cuộc họp của những nhà bảo vệ môi trường thế giới. Kể từ khi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu được ký kết 7 năm về trước, những hội nghị thường niên các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP) vẫn diễn ra, nhưng chưa đạt được bước tiến đáng kể nào. Thậm chí, ngay trước thềm khai mạc COP27 năm nay, nhiều ý kiến đã cho rằng mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C cho tới cuối thế kỷ này là "quá khó" và "không thể đạt được".

Vấn đề muôn thuở của câu chuyện về chống biến đổi khí hậu luôn là tài chính. Khi các nước giàu không hỗ trợ đủ để các nước nghèo chuyển đổi năng lượng thì những cam kết chung sẽ trở nên vô hiệu, trong khi tất cả thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tác hại của biến đổi khí hậu chủ yếu do hoạt động kinh tế của các nước giàu gây ra. LHQ từ lâu đã bày tỏ lo ngại về "sự đổ vỡ niềm tin" giữa các quốc gia giàu và nghèo. Thậm chí, ngay tại hội nghị này, Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đã đứng lên kêu gọi các nước giàu phải thấy được "tính khẩn cấp, nghiêm trọng của thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt".

Nhóm họp suốt từ ngày 6/11 tại Sharm el Sheikh, Ai Cập, COP27 năm nay vẫn lâm vào những bế tắc cũ. Những tưởng hội nghị lần này sẽ lại "đi vào vết xe đổ" thì bản thông báo đến từ G20 đã tạo ra cú hích đáng kể.

Chỉ trong ít ngày cuối, một loạt tin tức tốt lành được báo về từ Ai Cập. Thêm 9 quốc gia mới đồng ý tham gia Liên minh Điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khởi xướng, với cam kết tăng cường phát triển điện gió ngoài khơi nhanh chóng để giải quyết các cuộc khủng hoảng khí hậu và an ninh năng lượng. Sau đó là bản thỏa thuận thúc đẩy giải pháp công nghệ khí hậu ở các quốc gia đang phát triển dưới sự bảo trợ của LHQ. Sáng kiến "Lá chắn toàn cầu" nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương có thể phục hồi sau những thảm họa thiên nhiên của Đức - với cam kết 170 triệu euro ngay trong năm đầu tiên - cũng nhận được sự ủng hộ từ nhóm những quốc gia phát triển G7. Đặc biệt, EU khẳng định: Sẵn sàng nâng mục tiêu khí hậu để giúp thế giới tiến gần hơn tới Thỏa thuận Paris.

Những thay đổi tích cực trong thời gian ngắn của Hội nghị COP27 có tiền đề từ những tuyên bố tại G20 trước đó. Bởi toàn bộ thành viên của G20 đều tham gia cam kết nên khi các nước này bày tỏ sẵn sàng chi thêm tiền cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thế giới có thêm động lực để thay đổi. Khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý nối lại hợp tác về biến đổi khí hậu, nó kéo cuộc đàm phán tại COP27 khỏi tình trạng sa lầy và chậm tiến độ. Một lần nữa, thế giới có thêm hy vọng để bảo vệ Thỏa thuận Paris, khi những nhà đàm phán của các nước đã sẵn sàng ngồi lại với nhau thêm thời gian, để có thể hướng tới một dự thảo chung của COP27 năm nay.

Những cánh cửa hy vọng

Thành công trong đàm phán khí hậu không phải là kết quả duy nhất thu được từ G20 năm nay.

Về kinh tế, G20 ủng hộ quỹ tín thác về khả năng phục hồi bền vững để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó những thách thức dài hạn có tổng trị giá tới 81,6 tỷ USD, do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quản lý. Cam kết quan trọng khác là việc các ngân hàng trung ương G20 sẽ cùng phối hợp để kiểm soát đà tăng lãi suất, trước cơn bão lạm phát đang tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Họ cũng thành lập quỹ phòng chống đại dịch trị giá 1,5 tỷ USD, để hỗ trợ trực tiếp cho những nước cần.

G20: Tiếng nói mạnh mẽ trong thế giới đa cực -0
Những tín hiệu tích cực từ COP27 bắt nguồn từ kết quả của G20.

Với việc từ chối các lời kêu gọi tẩy chay, cấm vận, đồng thời hướng tới một giải pháp đàm phán, G20 đã kéo các nhà lãnh đạo thế giới lại gần với nhau hơn. Sự linh hoạt của các bên tại Bali đã có tác động tích cực đến những vấn đề mà hội nghị bàn thảo, trong đó có an ninh lương thực. Chỉ một ngày sau khi hội nghị kết thúc, Nga xác nhận gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen thêm 120 ngày, bắt đầu từ ngày 18/11, mà không có bất kỳ thay đổi nào so với thỏa thuận hiện tại.

Trong bối cảnh khoảng 50 triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói, thỏa thuận được gia hạn sẽ đưa hàng triệu tấn ngũ cốc đến với các nước thiếu đói, đặc biệt là ở châu Phi. Những thỏa thuận hết sức cụ thể này đã cho thấy hiệu quả của G20 trong phối hợp hành động.

Từ G20, những cuộc gặp song phương và đa phương giữa các cường quốc đã giúp giảm thiểu những bất đồng và gia tăng cơ hội hợp tác. Ước tính có tới 437 cuộc gặp đã diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Bali chỉ trong 2 ngày.

Giới chuyên gia nhận định: Cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giúp thế giới "an toàn hơn". Cùng với tiếng nói có trọng lượng ngày càng lớn hơn của các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ,... G20 cho thấy đây là một cơ chế hợp tác hiệu quả, khi nó đại diện được cho nhiều ý kiến trong thế giới đa cực ngày nay.

Sau quãng thời gian dài căng thẳng, tin tức tốt lành từ G20 đã đem đến hy vọng cho thế giới trong những ngày cuối năm. Dù chưa thể coi là "điểm khởi đầu cho mọi giải pháp", nhưng nói như Tổng Thư ký LHQ thì G20 có thể là "nền tảng để hàn gắn sự chia rẽ và tìm ra câu trả lời cho những cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới".

Tử Uyên
.
.