G20 - Quy tụ trên những vết hằn

Thứ Ba, 26/11/2024, 08:08

Ít nhất, cho dù sự chia rẽ bởi các vấn đề địa chính trị là không thể khỏa lấp, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2024 cũng đã ra được một tuyên bố chung, trong đó thể hiện sự đồng thuận ở một số lĩnh vực quan trọng, nhằm ngăn chặn và vượt qua các thách thức toàn cầu, từ đó phác thảo những tia hy vọng về tương lai.

1. Chính trong chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay - "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững", những đường nét và vấn đề chính của thế giới đương đại cũng đã được biểu hiện một cách kín đáo. Xu thế đa phương hóa cũng như tiến trình định trình trật tự thế giới mới đa cực (mà vận động ngược chiều với nó là các nỗ lực duy trì trật tự thế giới cũ đơn cực), cùng các thách thức an ninh phi truyền thống như bệnh dịch, thiên tai, biến đổi khí hậu - môi trường, sự suy giảm an toàn các nguồn tài nguyên nước ngọt - đất, tình trạng mất an ninh lương thực..., đặt cạnh xung đột hay chiến tranh đã làm những gia tăng kích thước của trạng thái bất bình đẳng, làm nảy sinh các thảm họa nhân đạo và cũng khiến hành tinh Xanh - ngôi nhà chung của nhân loại - mỗi lúc lại phải chịu thêm nhiều thương tổn. 

G20 - Quy tụ trên những vết hằn -0
Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh G20, dù thế nào, cũng vẫn là những cam kết vì tương lai.

Cụ thể hơn, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới chất chứa nhiều căng thẳng địa chính trị. Nếu như khối các nền kinh tế thuộc nhóm BRICS đang trỗi dậy mạnh mẽ, cũng như các quốc gia Nam bán cầu nói chung, đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ và tiến tới hợp tác phát triển thông qua việc giảm bớt các rào cản thương mại, thì ngược lại, giới quan sát quốc tế lo ngại nước Mỹ, dưới sự lãnh đạo sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, sẽ có xu hướng quay về chính sách "Nước Mỹ trên hết (America First)", với các biện pháp bảo hộ khắc nghiệt, sẽ tạo ra thách thức cho hệ thống thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tới tương lai của các tổ chức đa phương và làm suy yếu các cam kết chung.

Sau 19 lần tổ chức, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay có quy mô đông đảo các nhà lãnh đạo nhất từ trước đến nay, gồm 21 thành viên G20, 19 nước khách mời và 15 tổ chức quốc tế chủ chốt. Do đó, nó được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường phối hợp chính sách vĩ mô trong giải quyết các thách thức phát triển cấp bách toàn cầu. Nhận lời mời của Tổng thống Brazil (nước Chủ tịch G20 năm nay, cũng là thành viên nhóm BRICS) Luiz Inácio Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

2. Cũng không phải ngẫu nhiên, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 được khởi đầu bằng lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo. Tại đây, Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định "xóa đói giảm nghèo không chỉ đảm bảo công bằng xã hội mà chính là điều kiện cốt lõi để xây dựng xã hội thịnh vượng và thế giới hòa bình", đồng thời, công bố danh sách các nước sáng lập Liên minh, trong đó có Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc, ông Lula da Silva nhấn mạnh đói nghèo là "tai họa làm xấu hổ nhân loại", đồng thời kêu gọi các nước đưa ra những quyết định chính trị mạnh mẽ để hành động chống đói nghèo.

Không gì khác, đói nghèo chính là vấn đề đầu tiên, là thách thức lớn nhất đối với tiến trình "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững". Chính vì thế, tại phiên thảo luận, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công cuộc xóa đói nghèo, thúc đẩy phát triển bao trùm, song song các cuộc thảo luận về sự cần thiết trong việc thúc đẩy các giải pháp tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp nhằm phát triển bền vững hiệu quả hơn; cũng như hỗ trợ các nước đang phát triển tận dụng tốt hơn các cơ hội phát triển số, xanh và thông minh. Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng phải giải quyết bất bình đẳng về giới tính, sắc tộc, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế (bao gồm người bản địa và phụ nữ) để giảm khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu. Các nhà lãnh đạo nhất trí: Những thách thức toàn cầu hiện nay chỉ có thể được giải quyết bằng giải pháp đa phương, đồng thời ghi nhận tầm quan trọng của việc cải cách các thể chế toàn cầu.

Trong phiên thảo luận này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các nước cần có quyết tâm chính trị cao hơn, nguồn lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn cho các chương trình, dự án cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn, bởi xóa đói nghèo không chỉ có ý nghĩa nhân văn cao cả, mà còn là một trong những nền tảng quan trọng nhất, tác động trực tiếp tới bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định toàn cầu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất 3 bảo đảm chiến lược cho công cuộc xóa bỏ đói nghèo, bao gồm: Bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm; Bảo đảm hệ thống nông - lương toàn cầu hiệu quả, ổn định, thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu là nền tảng lâu dài; Bảo đảm đầu tư cho con người, lấy giáo dục đào tạo, an sinh xã hội là nhiệm vụ then chốt cho xây dựng xã hội hài hòa bao trùm, bền vững, lấy người dân làm trung tâm, "không để ai bị bỏ lại phía sau". 

Tuyên bố chung của G20 năm nay, vì thế, có thể nói rằng đáp ứng được tương đối đầy đủ nguyện vọng của phần lớn các nước tham gia, khi nhấn mạnh lại những cam kết đã, đang và sẽ còn cần được triển khai. 

G20 - Quy tụ trên những vết hằn -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống nước chủ nhà Brazil Lula da Silva.

Trong Tuyên bố chung, G20 khẳng định sẽ xây dựng các cơ chế chống "lách thuế" hiệu quả, bên cạnh thúc đẩy việc thu thuế đối với những người có tài sản lớn. Đây là một động thái quan trọng, phản ánh xu hướng toàn cầu nhằm giảm bất bình đẳng và tái phân phối tài nguyên. Tuyên bố này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức chống đói nghèo quốc tế, như Oxfam, cho dù vẫn vấp phải vài ý kiến trái chiều. Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Tuyên bố chung G20 ghi nhận nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ các nước thích ứng và chống chọi với biến đổi khí hậu sẽ đến từ "tất cả các nguồn lực". Về tình hình nhân đạo tại các điểm nóng xung đột quốc tế, Tuyên bố chung cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy ngừng bắn và bảo vệ dân thường, ở cả Dải Gaza cũng như Lebanon. 

3. Song, cần phải nhấn mạnh, vẫn tồn tại những chia rẽ sâu sắc xoay quanh cuộc xung đột quân sự ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là sau động thái mới nhất của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden (cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào các cơ sở quân sự nằm sâu trong hậu phương lãnh thổ Nga). 

Bên cạnh đó, câu chuyện về nguồn tài chính khí hậu cũng vẫn chỉ là những phác thảo mơ hồ, chứ chưa phải là những kế hoạch cụ thể. Đặt cạnh lời kêu gọi thống thiết của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29, đang diễn ra song song tại Azerbaijan) Mukhtar Babayev: "Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo sử dụng cuộc họp G20 để gửi đi tín hiệu tích cực về cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi muốn họ đưa ra các nhiệm vụ rõ ràng để thực hiện tại COP 29... Chúng ta không thể thành công nếu không có họ và thế giới đang chờ đợi họ lên tiếng. Họ chiếm 85% GDP toàn cầu và 80% lượng khí thải", việc Tuyên bố chung G20 chưa nêu cụ thể các phương thức điều phối dòng tiền dành cho tài chính khí hậu thế giới rõ ràng vẫn là khá thiếu sức nặng.


Ngay cả khi các cơ quan Liên hợp quốc như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) dự báo: "Bắt đầu từ tháng 4/2025, tổng số người ở Nam Sudan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ tăng lên gần 7,7 triệu người, chiếm 57% dân số và tăng thêm 600.000 người so với năm nay. Ngoài ra, số trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng cũng tăng từ 1,65 triệu lên 2,1 triệu vào năm tới", do đó, cần những sự giúp đỡ khẩn cấp, thì tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng chưa có nhiều nước giàu quyết định "mở kho cứu trợ".

Hàn Quốc, nước đi đầu hưởng ứng, chỉ hứa sẽ cung cấp 10 triệu USD, đồng thời kêu gọi sự chung tay của các quốc gia G20 khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở các quốc gia đang phát triển, coi đây là giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, đồng thời khuyến khích các quốc gia đang phát triển tiến hành cải cách tài chính và cơ cấu để sử dụng hiệu quả ngân sách của họ.

Tất cả những hình thái này, vô hình trung, lại làm nổi bật bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Trong đó, tại phiên họp toàn thể thứ hai về "Cải cách thể chế quản trị toàn cầu", ông nhận định: Thế giới hiện đang ở một bước ngoặt của lịch sử và để thúc đẩy hợp tác của cộng đồng quốc tế hợp tác trong thời điểm phức tạp này thì việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật lệ cũng như xây dựng nền quản trị toàn cầu chia sẻ trách nhiệm là chìa khóa quan trọng. Ông đánh giá: Thời gian qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dường như đã không thể giải quyết những thách thức hiện tại. Bởi vậy, Nhật Bản ủng hộ việc mở rộng số lượng cả tư cách ủy viên thường trực lẫn không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Một mệnh đề rất đáng suy ngẫm, cho không chỉ riêng những quốc gia thành viên G20...

Đông Phong
.
.