“Em rất tốt nhưng anh rất tiếc”...

Thứ Tư, 08/12/2021, 15:24

Đó là lời một bản hit về tình yêu. Đầy tiếc nuối mà đành lòng vậy, cầm lòng vậy để chấp nhận trở thành dĩ vãng. Tình cảnh ấy, cũng thật là đúng với tâm trạng của công chúng truyền thông khi mà các dạng thức truyền thông truyền thống đang dần trở thành quá khứ, dù là quá khứ vàng son, trong kỷ nguyên số.

Nếu sự ra đời của chiếc máy in và bước phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp in ấn đánh dấu thời hoàng kim của kỷ nguyên báo in với những bản in "đầy lãng mạn" - như lời phát biểu của nữ Tổng biên tập tờ Newsweek trong thời khắc tuyên bố ngừng xuất bản phiên bản in của tờ báo danh giá này - thì nay, sự hiện diện của chiếc máy tính có nối mạng Intenet đã là chỉ báo cho thấy một hệ sinh thái truyền thông số đã bắt đầu...

8313943512_ccf7db219c_b.jpg -0
Trang bìa ấn bản cuối cùng của “Newsweek” với dấu # biểu trưng cho một tương lai toàn kỹ thuật số

Nhưng - dù là thời của những Big Data nở rộ cùng với sự phát triển của IoT, dù là "nhà báo AI" có thể thống kê phân tích dữ liệu nhanh và chính xác hơn nhiều các nhà báo cộng lại hoặc Robot có thể dẫn chương trình thay MC – đã, đang và sẽ tác động nhiều mặt đến sự phát triển của báo chí truyền thông thì những giá trị cốt lõi của báo chí vẫn không thay đổi.

Sự thay đổi, chính là ở khả năng thích ứng của đội ngũ tổ chức và sản xuất thông tin.

1. Vẫn tồn tại một quan điểm cho rằng, báo in trên thế giới xuất hiện từ trước Công nguyên và The Acta Diurna, tờ báo in đầu tiên là phát minh của người La Mã. The Acta Diurna được coi là một loại hình dạng "tin vắn", nhằm cung cấp các thông tin chính trị và xã hội cho cư dân La Mã cổ đại, kiểu như các sự kiện chiến thắng quân sự, lịch thi đấu ở các võ đài hay các loại tin tức khác.

Nhưng không phải là bản in trên giấy, các tin vắn này được khắc trên kim loại hoặc đá và trưng bày tại những nơi đông người qua lại. Mặt khác, nó không được xuất bản định kỳ mà chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu của nhà cầm quyền mỗi khi cần thông báo một hoặc nhiều thông tin nào đó đến dân chúng.

Cũng bởi thế mà cho dù The Acta Diurna tồn tại cho tới tận hậu thời kỳ đế chế La Mã nhưng nhiều luồng ý kiến không chấp nhận đó là tờ báo đầu tiên trên thế giới. Theo đó,  lịch sử báo in chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1566 - năm ra đời tờ báo hiện đại đầu tiên tại Venice, Italy. Nó được gọi là Gazettes thay vì "newspaper" như ngày nay. Bởi tờ báo được chính quyền  trưng bày trên các con phố của Venice và dân chúng muốn đọc sẽ phải trả một đồng xu nhỏ gọi là Gazetta.

Từ sau tờ Gazettes đầu tiên được chính quyền phát hành ở Italy, hàng loạt các tờ Gazettes được ra đời tại các thành phố lớn ở châu Âu. Trong đó, tờ The Gazette in tại Oxford chính thức ra mắt công chúng vào ngày 7/11/1665 được coi tờ báo đầu tiên ở Anh, còn tồn tại đến ngày nay với tên gọi The London Gazette. Tuy nhiên, những tờ Gazettes dạng này chỉ có thể gọi là những tờ báo giấy đầu tiên bởi tất cả đều được viết... tay.

Lịch sử báo in chỉ thực sự bắt đầu vào giữa thế kỷ XV với sự hiện diện của chiếc máy in, một phát minh vĩ đại của Johann Gutenberg, tại Anh. Sau đó là thời kỳ hoàng kim của báo in và tại Mỹ báo in đã trở thành một ngành công nghiệp "hái ra tiền". Từ những năm đầu thế kỷ XX, Mỹ đã từng có tới gần 2,5 nghìn đầu báo và đã có thời những tập đoàn hùng mạnh nhất nước Mỹ, quyền lực nhất nước Mỹ lại chính là những tập đoàn báo chí truyền thông như: The Tribune, New York Times, Gannett, Washington Post… The New York Times - một trong những tờ nhật báo lớn nhất nước Mỹ - đã từng có lượng phát hành thường xuyên ổn định ở mức trên 1 triệu bản, thậm chí lên tới 1,6 triệu bản nhưng kể cả thế thì nó cũng chưa được trở thành duy nhất. Bởi, những tờ nhật báo Mỹ khác như USA Today cũng từng nhiều lần chạm con số 1,8 triệu ấn bản phát hành một ngày.

Nhiều nhà nghiên cứu báo chí gọi đó là "kỷ nguyên báo in" và cho rằng, đây là bước ngoặt thứ nhất của lịch sử báo chí truyền thông thế giới.

Tại Việt Nam, trong tiến trình phát triển chung của báo in, sự hiện diện và phát triển rực rỡ của tờ An ninh Thế giới vào năm 1996 cũng đã từng được công chúng ghi nhận như một "hiện tượng". Bởi lẽ An ninh Thế giới đã từng đạt kỷ lục phát hành cao nhất Việt Nam với 720 ngàn bản, trong khi về mặt hình thức lại “xấu” nhất Việt Nam: in đen trắng bằng giấy Tân Mai loại xoàng, trình bày đơn giản…

Sau này, các nhà nghiên cứu đã đưa hiện tượng An ninh Thế giới vào giáo trình báo chí và cho rằng, nguyên nhân khiến tờ báo này "ăn khách" là bởi đã chạm được vào “vùng trống” trong nhận thức của công chúng. Đó là những câu chuyện thâm cung bí sử của thế giới lần đầu tiên được khai thác một cách sâu kỹ tại Việt Nam, cho công chúng Việt Nam. Đội ngũ những nhà báo tổ chức tin tức trên An ninh Thế giới thời kỳ đầu tiên cũng  lý giải: “Năm 1996, báo mạng điện tử chưa có, hệ thống báo chí chỉ mới quan tâm đến các vấn đề thời sự dưới dạng tin tức. Tức là, mới chỉ đi được bề nổi của sự kiện, còn tảng băng chìm của nó thì chưa được chú ý khai thác. Bạn đọc vẫn khát thông tin sâu hơn, kỹ hơn các bản tin thời sự hàng ngày. Ban biên tập xác định, An ninh Thế giới sẽ thua nếu chỉ chạy theo thông tin thời sự, tức là phần nổi của tảng băng. Bởi một là không chạy kịp, hai là nếu thế tờ báo cũng sẽ chỉ như một phép cộng của những thông tin mà các báo hàng ngày đã đưa".

Vì thế, tiêu chí lúc bấy giờ của tờ An ninh Thế giới là thông tin bắt buộc phải sâu – kỹ. Như mảnh đất còn chưa có người vỡ hoang, mảng tư liệu nhân vật, kể cả các nhân vật là đối tượng phạm tội, được chú trọng khai thác kỹ lưỡng theo kiểu bới đất lật cỏ, cày sâu cuốc bẫm. Những loạt bài tư liệu đặc sắc trên An ninh Thế giới được ra sạp, ngay lập tức gây được tiếng vang trong bạn đọc.

An ninh Thế giới đã phụng sự bạn đọc như thế và chỉ trong một thời gian ngắn, đội ngũ tổ chức và sản xuất thông tin của tờ báo nhờ thế đã đươc công chúng biết đến.

2. Nhưng lịch sử báo chí đã đi một chặng đường dài qua "kỷ nguyên của báo in". Nếu như sự ra đời của chiếc máy in đánh dấu bước ngoặt thứ nhất thì sự hiện diện của chiếc máy tính cá nhân cùng với mạng internet và các trang mạng xã hội với khả năng kết nối siêu khổng lồ đã đánh dấu bước ngoặt thứ hai của báo chí truyền thông.

Trong nhiều nghiên cứu về xu hướng số hóa của truyền thông, các tác giả đều cho rằng, số hóa là xu hướng không thể đảo ngược được trong tiến trình phát triển hiện nay của thế giới và báo chí truyền thông, một ngành nghề luôn “nhạy” nhất với mọi biến động của thời cuộc, đương nhiên phải bị chịu tác động.

Ngay tại thị trường báo chí lớn nhất thế giới là Mỹ, số lượng đầu báo in tính trên 100 triệu dân đã giảm. Lượng vốn lưu chuyển trong công nghiệp báo in theo đó cũng giảm.

Trong khi đó, số liệu của Liên minh Viễn thông thế giới (IUT) cho biết, từ năm 2016, lượng người dùng internet tăng trưởng với tốc độ bùng nổ khi một nửa dân số thế giới đã tiếp cận được với Internet. Đồng thời, những trang web được xem nhiều nhất thế giới hiện nay – theo một thống kê đã công bố của Hiệp hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) - là các kênh tiếp nhận, tìm kiếm thông tin tổng hợp (Google, Yahoo, Wikipedia), mạng xã hội (Facebook), giải trí và tương tác video (YouTube), kênh thương mại điện tử (Amazon). Khi những chiếc smartphone trở thành vật bất ly thân và cuộc đời trên mạng cũng phức tạp với đủ sắc màu như đời sống thực thì công chúng báo chí không có nhu cầu bắt buộc phải tìm đến các nhà cung cấp truyền thống về mặt thông tin, như phát thanh phải nghe qua radio, truyền hình phải xem qua tivi hay đọc báo giấy. Tức là, kỷ nguyên kỹ thuật số đã làm thay đổi phương thức tiếp cận, hưởng thụ thông tin của công chúng.

Trong bối cảnh đó, báo in, loại hình báo chí già cỗi nhất, với cả những tờ báo in danh tiếng của Mỹ, cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề ở ngay tại nơi khai sinh ra nó. Sau gần 80 năm hoạt động, Newsweek - một trong những tờ tạp chí được nể trọng nhất tại Mỹ - đã ngưng xuất bản báo in  để chỉ tập trung vào phiên bản điện tử.

Được sáng lập từ năm 1933, Newsweek cùng với Time Magazine, từng được xem là hai trong những nguồn thông tin và phân tích thông tin tốt nhất nước Mỹ trước kỷ nguyên Internet. Vào thời khắc tuyên bố đình bản báo in, theo tường thuật của truyền thông Mỹ, nước mắt bà Tina Brown, Tổng biên tập của tờ Newsweek, đã rơi.

"Không một ai có thể đảo ngược lại xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số như hiện nay" - truyền thông trích lời bà như một sự thừa nhận - cho dù đây là “điều khó khăn cho những ai đã quen thuộc và yêu mến sự lãng mạn của những ấn phẩm in”. Trong ấn bản cuối cùng, trang bìa Newsweek là bức ảnh trụ sở chính của tờ báo này ở thành phố New York cùng với thông điệp #LASTPRINTISSUE (#ẤN BẢN IN CUỐI CÙNG). Trong đó, sự hiện diện của dấu # (một ký hiệu rất phổ biến trên mạng xã hội Twitter), theo bà Tina Brown, chính là biểu trưng cho một tương lai toàn kỹ thuật số.

Tương tự, tại Anh, The Independent, một tờ báo uy tín từng đạt được lượng phát hành 400 ngàn bản/ngày cũng đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm thê thảm về số lượng phát hành và việc ngưng phiên bản in đã trở thành sự lựa chọn cuối cùng.

3. Cách mạng công nghệ 4.0 đang biến hệ sinh thái truyền thông truyền thống của thời đại công nghiệp sang một hệ sinh thái mới của truyền thông thời đại số - thời đại của văn minh trí tuệ. Sự chuyển động của một dạng thức truyền thông nào đó, suy cho cùng cũng nằm trong quy luật phát triển tất yếu của vạn vật. Hơn thế, chính những thay đổi sâu sắc có tính bước ngoặt nói trên sẽ là cơ hội để báo chí gia tăng khả năng thích ứng, chuyển mình một cách mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng.

Với những giá trị cốt lõi vẫn được giữ gìn, vấn đề sống còn là khả năng thích ứng linh hoạt với hệ sinh thái truyền thông mới của các chủ thể truyền thông. Nghề báo ra đời và tồn tại không phải vì nó và cho nó mà tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Cũng bởi vậy, nghề báo không chỉ là một nghề nghiệp đơn thuần mà là sứ mệnh. Những trang vàng của kỷ nguyên số sẽ được viết bởi sự dấn thân của những ai biết thích ứng và tiếp tục sáng tạo.

Đặng Huyền
.
.