EEF với tầm nhìn phương Đông

Thứ Ba, 14/09/2021, 14:33

Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ 6 đã quay trở lại đúng như kế hoạch trong những ngày đầu tháng 9 này. Nó thể hiện quyết tâm của Nga và các nước trong việc xây dựng một tầm nhìn mới cho nền kinh tế khu vực.

Sự lớn mạnh nhanh chóng

Được khởi xướng từ năm 2015 và tổ chức vào tháng 9 hằng năm tại Vladivostok (Liên bang Nga), Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) là một sáng kiến của Tổng thống Putin, với mục tiêu ban đầu là phát triển khu vực Viễn Đông hẻo lánh. Ở thời điểm đó, Moscow muốn hướng đến việc thu hút đầu tư từ hai đối tác quan trọng láng giềng phía Đông là Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhật Bản và Trung Quốc vốn là hai quốc gia có nhu cầu nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, trong khi Nga đang ngày càng nổi lên là một nhà cung cấp năng lượng tiềm năng. Tuy nhiên, trong quãng thời gian dài, nguồn cung năng lượng từ Nga khó tiếp cận các thị trường ở phía Đông này. Lý do chủ yếu là bởi khu vực Viễn Đông của Nga quá xa xôi, cách trở, ít người sinh sống, hệ thống hạ tầng yếu kém gây khó khăn cho việc thực hiện những dự án lớn. Việc kêu gọi nguồn đầu tư từ chính những đối tác tiềm năng để xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, kết nối khu vực không chỉ đem đến một hướng đi mới cho nước Nga mà còn là cơ hội cho tất cả những nước trong khu vực như Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên hay Hàn Quốc.

EEF với tầm nhìn phương Đông -0
Mối quan hệ với Trung Quốc có vai trò quan trọng trong sự phát triển của EEF.

Vùng Viễn Đông của Nga sở hữu nguồn dự trữ khổng lồ về dầu, khí, than đá cùng nhiều loại khoáng sản khác. Đây là những nguyên, nhiên liệu chủ chốt cho những nền kinh tế sản xuất mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự tham gia tích cực của Trung Quốc trong mô hình kinh tế khu vực cũng tạo nên sức hút đáng kể. Chính vì vậy, trong những năm qua, EEF đã không ngừng phát triển với số nước tham dự ngày một đông đảo trở thành một diễn đàn lớn bàn về chính sách, kinh tế của khu vực và thế giới.

Được tổ chức đều đặn hằng năm từ 2015 tới 2019, có sự tham gia của nguyên thủ nhiều nước châu Á cũng như đại diện các doanh nghiệp và các tập đoàn lớn, EEF đã khẳng định sự lớn mạnh của mình. Từ EEF, Nga đã tìm thấy những mối quan hệ kinh tế mới với ASEAN và nhiều nước đối tác. Diễn đàn đã thúc đẩy hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời quảng bá, thu hút đầu tư vào khu vực Viễn Đông rộng lớn, giàu tài nguyên của nước Nga. Trong năm 2019, EEF lần thứ 5 đã có sự tham gia của 8.500 người đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở lần thứ 6 tổ chức này, bất chấp những giới hạn do đại dịch COVID-19, EEF vẫn đón 4.000 khách mời tới từ 51 quốc gia và trở thành diễn đàn lớn nhất thế giới họp kể từ khi đại dịch bùng phát. Nếu trong lần tổ chức thứ 3 vào năm 2017, số hợp đồng được ký kết tại Vladivostok mới chỉ là 217 với tổng trị giá 2.496 tỷ ruble (35 tỷ USD) thì đến năm 2019, con số này đã là hơn 270 thỏa thuận trị giá 3.400 tỷ ruble (47 tỷ USD).

Những con số đủ nói lên sự lớn mạnh của một diễn đàn còn non trẻ như EEF.

Tầm nhìn hướng Đông

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ là trung tâm của thế giới trong thế kỷ 21. Chính vì vậy, mọi cường quốc đều muốn tạo ảnh hưởng trong khu vực này. EEF chính là một công cụ hữu hiệu của Nga, với mục tiêu đó. Được hình thành trong giai đoạn 2014-2015, khi nước Nga vấp phải vô vàn khó khăn do lệnh cấm vận từ các nước phương Tây, EEF là cách để nước Nga mở cánh cửa phía Đông của mình nhằm tìm kiếm đối tác, bạn bè mới.

Nước Nga trong quá khứ vốn chỉ dựa vào những mối quan hệ truyền thống từ thời Liên Xô để tạo dựng kết nối với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, trong thế kỷ 21, khi mà mọi mối quan hệ đều hướng đến lợi ích kinh tế thì nước Nga cũng phải điều chỉnh chính sách. Được công bố từ năm 2010, chính sách Hướng Đông của Nga nhằm mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế của nước này vào phương Tây và tận dụng các cơ hội từ những nền kinh tế đang lớn mạnh của châu Á. Chính sách "xoay trục" của Nga, vì thế, hướng tới mở rộng hợp tác.

Trong một thời gian dài, Trung Quốc chiếm vị trí chủ đạo trong chính sách của Nga ở châu Á, trong vai trò nhà nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất. Nhưng, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc với vị thế là nền kinh tế lớn nhất đã làm lu mờ vai trò của nước Nga trong khu vực. Điều này đã thúc đẩy Nga phải tìm kiếm cách tiếp cận mới cùng những cơ hội mới ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á. EEF, chính vì vậy, đã được phát triển thành một cơ chế đa phương mở để từ đó mọi đối tác đều có thể tìm đến Nga.

EEF năm 2021 đã trở lại đầy đủ sau một năm bị hoãn vì COVID. Điều này thể hiện nỗ lực lớn của nước Nga đồng thời khẳng định uy tín của họ trên trường quốc tế. Không chỉ là nhà cung cấp nguyên, nhiên liệu, thông qua EEF, nước Nga còn tham gia hoạch định chính sách kinh tế khu vực, khẳng định vị thế cường quốc của mình trên bản đồ địa chính trị thế giới.

EEF với tầm nhìn phương Đông -0
EEF 2021 có sự xuất hiện của nguyên thủ nhiều quốc gia khu vực.

Bối cảnh mới - tầm nhìn mới

Đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp thế giới gây khó khăn cho nhiều hoạt động kinh tế. Nhưng, trong thách thức vẫn luôn có những cơ hội. Với chủ đề năm nay là "Những cơ hội mới cho Viễn Đông trong một thế giới thay đổi", EEF khẳng định quyết tâm "đón đầu làn sóng mới", khi kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Trong những phiên thảo luận lần này, EEF đã hướng tới những chủ đề thời sự như quan hệ đối tác quốc tế chống đại dịch, thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năng lượng truyền thống và thay thế, hành lang giao thông cùng triển vọng của dự án "Đối tác Á - Âu", trao đổi phát triển giữa khu vực Viễn Đông và Đông Á... Đây là những chủ đề đang nhận được sự quan tâm của các nước. Sự tham gia đông đảo của các quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy uy tín tăng cao của Nga với tư cách là nước chủ nhà. Trong khuôn khổ EEF 2021, các cuộc đối thoại kinh doanh Nga-ASEAN, Nga-Hàn Quốc, Nga-Nhật Bản, Nga-Trung Quốc, Nga-Ấn Độ, Nga-châu Âu được tổ chức dày đặc cho thấy sức hút đến từ vùng Viễn Đông của nước Nga không phải là nhỏ.

Trong mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, cường quốc đang lớn mạnh sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, EEF đem đến cơ hội để cùng đối thoại. Điều này trái ngược với chính sách mà Mỹ đang phát động đối với Trung Quốc. Sự lựa chọn của Nga thông qua EEF chính là sự lựa chọn hợp tác đôi bên cùng có lợi, đó là lý do diễn đàn này được hưởng ứng ngày càng mạnh mẽ. Bởi bất chấp những bất đồng, sự phát triển của Trung Quốc vẫn đem đến lợi ích to lớn cho những nước xung quanh. Điều quan trọng nhất, thông qua EEF, mối quan hệ này sẽ luôn được điều phối bởi Nga, nước chủ nhà.

Qua hơn một năm khủng hoảng do đại dịch, phần lớn các quốc gia trong khu vực vẫn giữ được sự ổn định, nếu so với các khu vực khác trên thế giới. Phương Đông đang cho thấy sự vững mạnh của mình. Nền kinh tế chia cắt giữa đại dịch đã thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm những mối liên kết mới để trụ vững trong khủng hoảng. Giảm sự phụ thuộc vào phương Tây là mục tiêu chung của nhiều nước. Để làm được điều đó, các quốc gia phương Đông đang hướng đến việc thiết lập những cơ chế, sân chơi cho riêng mình. EEF chính là nơi để những ý tưởng táo bạo đó được đưa ra bàn thảo.

Trong một thế giới đã và đang đổi thay, EEF dần nổi lên trong vai trò mới của mình như một đối trọng với Diễn đàn kinh tế Davos (Thụy Sĩ) vốn do Mỹ và phương Tây chủ trì.

Tử Uyên
.
.