Dưới đáy chiếc hộp Pandora
Bất hạnh và những điều u tối tràn ngập khắp thế gian, khi chiếc hộp Pandora được mở, theo thần thoại Hy Lạp. Song, cuối cùng, vẫn còn gì đó sót lại ở đáy hộp. Và, không gì khác, đó là những hạt mầm mang tên "Hy vọng". Vậy thì, trong thế giới hiện đại những ngày này, những gì đã và đang lan tỏa sau cơn địa chấn mang tên Hồ sơ Pandora?
Hồ sơ Pandora là gì?
Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) là một khối tài liệu khổng lồ, vừa được Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 3-10.
Thông qua khối tài liệu có dung lượng lên đến 2,94 terabyte dữ liệu - bao gồm khoảng 11,9 triệu tài liệu dưới nhiều hình thức, từ văn bản đến dữ liệu số, bị rò rỉ từ 14 tổ chức ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính quốc tế, Hồ sơ Pandora "điểm mặt chỉ tên" hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng... Hồ sơ cũng vạch mặt nhiều tội phạm lừa đảo, trùm ma túy tìm cách tẩu tán tài sản đến những thiên đường thuế ở nước ngoài.
Hồ sơ Pandora được tuyên bố là kết quả một cuộc điều tra khổng lồ, với sự tham gia của khoảng 600 nhà báo từ hàng chục cơ quan báo chí - truyền thông quốc tế lớn như The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh. Đây cũng là tập hồ sơ mới nhất trong loạt vụ "giải mật" tài liệu tài chính của ICIJ, từ vụ LuxLeaks năm 2014, đến Hồ sơ Panama năm 2016 - sự việc khiến thủ tướng Iceland từ chức và mở đường cho một nhà lãnh đạo Pakistan - cựu Thủ tướng Nawaz Sharif - "bay ghế". Tiếp theo là Hồ sơ Paradise vào năm 2017 và Hồ sơ FinCen mới được tiết lộ vào năm ngoái, 2020.
Từ những kết quả điều tra của Hồ sơ Pandora, khoảng 35 nhà lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo thế giới bị "điểm danh". Tập tài liệu khổng lồ này cũng tiết lộ chủ sở hữu đích thực của hơn 29.000 công ty. Ngoài ra, ICIJ cũng tìm thấy mối liên hệ giữa gần 1.000 công ty ở các "thiên đường hải ngoại" với 336 chính trị gia và quan chức cấp cao, như tờ DW của Đức cho biết.
Thêm những "thiên đường thuế" được hé lộ và hơn 2/3 trong số các công ty được thành lập tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Nghĩa là, theo Hồ sơ Pandora, những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.
Phản ứng từ thế giới
Ngay sau khi Hồ sơ Pandora được công bố, lập tức có những phản ứng gồm nhiều cung bậc cảm xúc được thể hiện.
Tựu trung, cũng như những "quả bom tấn tài chính" từ phát nổ trong quá khứ, giới quan sát quốc tế nhận xét rằng Hồ sơ Pandora sẽ gây không ít bối rối cho các nhà lãnh đạo, những người có thể đã công khai vận động chống tham nhũng hoặc ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở quê nhà. Bởi vì, ở rất nhiều quốc gia, theo AFP, chính ICIJ cũng làm rõ: Việc có tài sản ở nước ngoài hoặc sử dụng các công ty bình phong để kinh doanh xuyên biên giới không phải bất hợp pháp. Do đó, công chúng có thể dễ dàng bộc lộ những bình luận mang nặng cảm tính nhưng các chính quyền quốc gia vẫn luôn phải thận trọng.
Thí dụ, ngày 4-10, nghĩa là ngay buổi sáng sau đêm Hồ sơ Pandora được "giải mật", Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak trả lời phỏng vấn hãng Sky News: "Đêm qua tôi đã đọc được các tài liệu này, rõ ràng là rất khó để tôi bình luận một cách cụ thể bởi chúng chỉ vừa xuất hiện. Tất nhiên, cơ quan thuế và hải quan Anh sẽ nghiên cứu các tài liệu này".
Trong khi đó, từ nước Nga, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov khẳng định: "Tiến trình công bố này sẽ còn tiếp tục nhưng cho tới lúc này chúng tôi không nhận thấy bất cứ điều gì đặc biệt. Để mà nói, công việc của tổ chức này (tức ICIJ) cũng được chúng tôi biết đến nhưng chúng tôi không biết họ lấy thông tin từ đâu, họ lấy thông tin như thế nào?". Ông đánh giá rằng tập hồ sơ chứa "hàng loạt thông tin vô căn cứ" và đặt câu hỏi: "Có nhiều thứ phải hoài nghi, vì vậy không rõ làm thế nào bạn có thể tin tưởng thông tin này?".
Cuối cùng, ông nhận xét: "Có lẽ, điều duy nhất thực sự thu hút sự chú ý là việc tiết lộ: Quốc gia nào là thiên đường thuế và hải ngoại lớn nhất thế giới? Đây chắc chắn là Mỹ. Điều này không hoàn toàn phù hợp với những tuyên bố về ý định chống tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền. Nhưng, đây là thực tế. Chúng tôi thấy rằng Mỹ là thiên đường thuế chính của cả thế giới".
Đồng vọng với Nga, giới chức nhiều nước cũng nhanh chóng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc trong Hồ sơ Pandora. Hoàng gia Jordan cho biết việc Quốc vương nước này - Abdullah II - sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này. Cùng ngày, Thủ tướng Séc Andrej Babis bác bỏ các cáo buộc trong Hồ sơ Pandora rằng ông đã sử dụng một công ty ở nước ngoài để mua một bất động sản ở Pháp trị giá 22 triệu USD. Nhà lãnh đạo này khẳng định những hành động của ông nằm trong khuôn khổ luật pháp.
Tương tự, Tổng thống Chile Sebastian Pinera cũng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến việc bán mỏ đồng và mỏ sắt Minera Dominga ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Văn phòng Tổng thống Chile khẳng định ông Pinera đã không điều hành các công ty của mình trong 12 năm và không được thông báo về việc bán các mỏ của Minera Dominga.
Tuy nhiên, ngược lại, cũng có những luồng dư luận hoan nghênh nhiệt thành Hồ sơ Panama, điển hình là những dòng được Thủ tướng Pakistan Imran Khan viết trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình: "Chúng tôi hoan nghênh Hồ sơ Pandora phơi bày sự giàu có bất chính của giới tinh hoa, tích lũy được nhờ việc trốn thuế, tham nhũng và được rửa tiền tại các thiên đường tài chính".
Những hạt mầm hy vọng
Để chính thức kết tội bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào, không thể chỉ dựa vào một tập tài liệu. Song, những tập tài liệu gây chấn động như Hồ sơ Pandora và các "anh chị em" của nó luôn có thể trở thành tiền đề để tiến hành những quy trình tố tụng pháp lý tiêu chuẩn.
Pakistan chính là một ví dụ điển hình về những điều tích cực mà các đợt hé lộ thông tin trước đây mang lại. Năm 2017, sau khi Hồ sơ Panama tiết lộ những bí mật tài chính của gia đình cựu Thủ tướng Nawaz Sharif về việc con gái và 2 con trai của ông sở hữu nhiều công ty bình phong được đăng ký ở quần đảo British Virgin và dùng tên các công ty này để mua bất động sản ở London, ông đã bị Tòa án Tối cao Pakistan truất phế, sau đó phải hầu tòa với tội danh tham nhũng. Chuỗi diễn biến này làm hài lòng đông đảo người dân Pakistan, khi họ cảm thấy công lý được thực thi.
Hiện tại, Hồ sơ Pandora cũng cho biết: Các thành viên thuộc nội các của chính quyền Thủ tướng Khan, bao gồm các bộ trưởng và gia đình của họ, bí mật sở hữu các công ty và quỹ tín thác nắm giữ hàng triệu USD. Bởi vậy, Thủ tướng Khan tuyên bố "sẽ điều tra tất cả các công dân Pakistan có liên quan hồ sơ này" và "nếu có bất kỳ hành vi sai trái nào được xác định, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp". Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Shaukat Tarin - người có tên trong danh sách trên - cho biết ai cũng sẽ bị điều tra, kể cả ông. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định ông không làm gì sai.
Còn quyết liệt hơn Pakistan, ngay ngày 4-10, Cơ quan An ninh tài chính Mexico thông báo rằng họ "bắt đầu điều tra 3.047 chính trị gia và doanh nhân có tên trong Hồ sơ Pandora", kể cả các quan chức và cựu quan chức cấp cao. Bên cạnh họ, cũng như Anh và Pakistan, Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ điều tra về những thông tin liên quan.
Tinh thần thượng tôn pháp luật, có thể nói, đang được cổ vũ mạnh mẽ thông qua những động thái như vậy. Do đó, một cách khách quan nhất có thể, kể cả khi có nhiều thông tin được đề cập trong Hồ sơ Pandora là chưa chuẩn xác, thậm chí là những cáo buộc vô căn cứ, thì nhìn tổng thể, cũng như Hồ sơ Panama hay Hồ sơ Paradise, khối 11,9 triệu tài liệu được tiết lộ này sẽ trở thành một tiếng chuông cảnh báo. Hay nói cách khác, một phát súng lệnh nữa trong cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền... ở phạm vi toàn cầu.
Hiển nhiên, từ khía cạnh này, không thể phủ nhận những đóng góp mà những công trình điều tra như Hồ sơ Pandora mang đến cho tương lai.