Được và mất từ xu thế “Olympic hóa” SEA Games
Vốn là kỳ Đại hội thể thao mang đậm màu sắc văn hóa của từng đất nước đăng cai, SEA Games có thể rất khác trong những năm tới. Xu thế "Olympic hóa" các kỳ SEA Games vừa được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á ra quyết định. Điều này dường như là quy luật tất yếu, nhưng có thể khiến vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) nhiều môn thể thao khác phải tìm hướng đi mới.
Quay về tắm "ao ta"
Năm 1962, kỳ ASIAD lần thứ 4 được tổ chức tại Jakarta, Indonesia. Quốc gia vạn đảo chưa từng giành HCV ở 3 kỳ ASIAD trước đó, nay bất ngờ vọt lên vị trí nhì toàn đoàn với 11 HCV. Đến ASIAD 2018, Indonesia một lần nữa giành quyền đăng cai một kỳ Á vận hội. Họ chỉ xếp thứ 4 toàn đoàn lần này, nhưng số HCV thì nhiều hơn hẳn: 31, cùng 24 HCB, 43 HCĐ.
Cơn mưa vàng của thể thao Indonesia không chỉ xuất phát từ lợi thế được thi đấu trên sân nhà của các vận động viên. Với quyền đăng cai giải, Indonesia đã đưa vào chương trình thi đấu ASIAD một số môn mà họ có ưu thế tuyệt đối như Pencak Silat, Nhảy dù lượn. Bên cạnh mục đích quảng bá văn hóa đất nước, Indonesia cũng không giấu ý định giành hết HCV.
Ở lần đầu xuất hiện trong một kỳ Á vận hội, Pencak Silat được "hào phóng" mở rộng tối đa chương trình thi đấu bằng 16 bộ huy chương được trao. Con số này tương đương nội dung của môn Silat vừa diễn ra tại Việt Nam hồi SEA Games 31. Là môn võ truyền thống của Indonesia, nên không khó hiểu khi các võ sĩ chủ nhà giành 14/16 HCV.
Bên cạnh Pencak Silat, nhảy dù lượn và leo tường cũng trở thành 2 mỏ vàng mới của thể thao Indonesia. Lần đầu tiên sau nhiều năm, người hâm mộ thể thao xứ vạn đảo có phần thờ ơ với cầu lông, môn thường đem về HCV cho họ ở các kỳ ASIAD và Olympic. Lý do thật đơn giản: Cầu lông không mang lại nhiều HCV như các môn khác.
Xu hướng địa phương hóa những kỳ Đại hội thể thao được nhìn rõ nhất ở SEA Games 32. Trong quá trình chuẩn bị cho giải, nước chủ nhà Campuchia gây bất ngờ khi loại bỏ hàng loạt môn thể thao Olympic như bắn súng, bắn cung, Thể dục dụng cụ nữ. Thay vào đó, họ đưa vào những môn thể thao bản địa như Cờ ốc, cùng 2 môn võ cổ truyền Campuchia.
Ở một góc độ nào đó, việc đưa những môn thể thao bản địa vào chương trình thi đấu SEA Games, hay ASIAD là điều tích cực. Mỗi kỳ Đại hội thể thao khu vực là cơ hội giúp nước chủ nhà quảng bá văn hóa. Nhưng trên phương diện phát triển thể thao thành tích cao, điều này thực sự đi ngược lại xu hướng Olympic hóa, cùng mục đích vươn ra thế giới.
Sau khi giành 14 HCV ASIAD 2018, những võ sĩ Pencak Silat của Indonesia quay trở lại với mục tiêu thi đấu trong nước và giành suất dự SEA Games. Điều tương tự cũng diễn ra với những VĐV thi đấu Cờ ốc Kun Bokator và Kun Khmer của Campuchia tại SEA Games tới. Nếu không chuyển sang môn thể thao khác, họ sẽ chỉ ở quanh đấu trường khu vực.
Đón một xu thế mới
Trước thềm SEA Games 32, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã có một quyết định thay đổi hoàn toàn hướng làm thể thao của các quốc gia trong khu vực. Từ SEA Games 33, diễn ra vào năm 2025 ở Thái Lan, Đại hội chỉ tập trung tổ chức các môn thể thao thuộc nhóm 1 và 2 trong chương trình thi đấu Olympic và ASIAD.
Trên cương vị nước chủ nhà, các quốc gia đăng cai SEA Games chỉ được chọn tối đa hai môn ở nhóm 3 với tổng số 8 nội dung thi đấu. Nhìn lại đề án "Olympic hóa SEA Games được khởi xướng sau Singapore 2015" và với quyết định chính thức này, SEA Games sẽ khép lại 70 năm với sứ mệnh văn hóa xã hội để thật sự trở thành ngày hội thể thao đúng nghĩa.
Nhìn về quá khứ, có thể thấy những người làm thể thao Việt Nam dường như đã chuẩn bị rất lâu cho ngày này. Từng là một trong những mỏ vàng, thậm chí "cứu" chỉ tiêu HCV ở đấu trường ASIAD, World Games, nhưng Cầu mây từ lâu không còn được đầu tư mạnh nữa. Đá cầu cũng không được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 31 dù Việt Nam có thể hốt trọn HCV.
Có số phận tương tự Cầu mây và Đá cầu là Bi sắt (Petanque). Là một trong những môn thể thao đầu tiên xuất hiện ở SEA Games, Bi sắt có thể vĩnh viễn biến mất khỏi chương trình thi đấu các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á theo quy định mới.
Ở thời điểm hiện tại, môn Bi sắt nhiều khả năng sắp được sáp nhập cùng Billiards-Snooker để trở thành một bộ môn mới, đặt dưới sự quản lý của Tổng cục Thể dục Thể thao. Đây là xu hướng tất yếu, trong bối cảnh Bi sắt không phải môn Olympic, lại không còn nằm trong chương trình thi đấu của những kỳ Đại hội thể thao quốc tế nữa.
Dưới góc độ người làm chuyên môn, Bi sắt phải sáp nhập với một môn không có liên quan mật thiết. Nhưng đó cũng là cách duy nhất để môn này tiếp tục tồn tại ở Việt Nam, nếu không muốn bị gạch tên hoàn toàn trên bản đồ thể thao nước nhà. Đây cũng là viễn cảnh không ai mong muốn với nhiều bộ môn, đặc biệt là các môn võ.
Xã hội hóa và nhượng quyền
Mô hình phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam dường như không còn đúng với nhiều bộ môn, đặc biệt là một số môn có thể phát triển theo hướng xã hội hóa, nhà nghề hóa. Bên cạnh Bóng đá, Bóng chuyền, những nhà quản lý thể thao Việt Nam đã đạt được nhiều thành công khi tổ chức giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp ở 2 môn Bóng rổ và Võ tổng hợp.
Kể từ ngày giải vô địch bóng rổ nhà nghề Việt Nam (VBA) được tổ chức, người hâm mộ mới nhận ra một điều: Thể thao chuyên nghiệp có thể phát triển nếu như tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp cùng phong cách độc đáo. Đó cũng là lối đi được Võ tổng hợp (MMA) xây dựng trong 2 năm gần đây.
Trong bối cảnh nhiều môn thể thao phi Olympic nằm ngoài quy hoạch phát triển, việc hướng đến tổ chức giải chuyên nghiệp, thu hút tài trợ là con đường tất yếu. Nhưng đến thời điểm này, bên cạnh MMA, chỉ có 2 môn thể thao khác đang dần hình thành những sự kiện, giải đấu chuyên nghiệp là Muay và Jujitsu, với một số sự kiện quốc tế đơn lẻ. Được ví như "vua" của các môn võ, Jujitsu có lượng người theo học ngày một tăng lên trong những năm gần đây. Đó là cơ sở giúp cho các câu lạc bộ Jujitsu có tiềm lực tài chính mạnh để tổ chức một số giải đấu chuyên nghiệp.
Câu chuyện của Muay cũng tương tự Jujitsu. Trên thực tế, từ giai đoạn 2014-2015, Việt Nam đã trở thành điểm đến của Thai Fight, chuỗi sự kiện Muay lớn nhất thế giới.
Bất lợi không lường trước
Năm 2018, khi đưa môn "Đánh phỏm" vào chương trình thi đấu ASIAD, hẳn những người làm thể thao của Indonesia không lường trước được viễn cảnh xấu nhất. Họ quy tụ những bài thủ mạnh nhất quốc gia về tập trung, lại áp dụng thể thức thi đấu riêng. Nhưng họ không ngờ đến một điều: Cách chơi "phỏm" của Indonesia hóa ra có rất nhiều điểm chung với Trung Quốc.
Bước vào ASIAD 2018, các bài thủ Indonesia liên tục để thua ngay trên sân nhà. Họ khép lại giải đấu chỉ với 4 HCĐ, xếp cuối cùng trong số 7 quốc gia giành huy chương môn này. Trung Quốc giành được 3 HCV, xếp sau họ lần lượt là Đài Bắc Trung Hoa, Ấn Độ và Singapore. Hongkong Trung Quốc, Thái Lan cũng có VĐV lọt vào chung kết môn "phỏm", nhưng Indonesia lại không có đại diện nào.
Câu chuyện "Bụt chùa nhà không thiêng" ở những môn thể thao bản địa một lần nữa xuất hiện tại SEA Games 32. Với việc đưa môn Cờ ốc vào thi đấu, Campuchia được kỳ vọng sẽ thâu tóm những huy chương cao nhất, trên cơ sở các kỳ thủ nước chủ nhà đã quen với môn cờ này.
Nhưng tại môn Cờ ốc, các kỳ thủ Campuchia liên tục tỏ ra nao núng khi phải đối đầu với đồng nghiệp từ Thái Lan và Việt Nam. Họ có thể chỉ mới làm quen với Cờ ốc 1-2 năm, nhưng tư duy thi đấu không hề thua kém những kỳ thủ nước chủ nhà. Đó cũng là điều chờ đón Campuchia ở môn Kun Khmer, khi nhiều quốc gia cử võ sĩ Muay thi đấu, do 2 môn võ này khá giống nhau.