Xin lỗi, rồi sao nữa?

Đừng để phải xin lỗi

Thứ Ba, 05/04/2016, 23:42
Thú thật tôi có cảm tình với những lời xin lỗi, dẫu là trước đó người nói ra lời này đã gây một lỗi lầm hay tai họa gì đó cho người khác. Đơn giản là với tôi, sự xin lỗi ấy thể hiện rằng họ biết lỗi, họ thấy day dứt, ăn năn vì điều đã làm, họ mong bỏ qua sự không may hay vô tình ấy. Hơn cả, đó là phép lịch sự, văn minh trong ứng xử giữa người với người. Bởi con người thì không hoàn hảo, hầu như ai cũng đôi lần mắc lỗi lầm.


Mới hôm rồi tôi ngồi trên xe anh bạn từ cơ quan về nhà, một anh đi cùng chiều từ ngoài cua gấp vào nên va quệt vào xe bạn tôi, xước một đường dài. Anh kia nhẹ nhàng tấp vào lề, mở kính xe chào thân thiện và nói với bạn tôi: “Xin lỗi, tôi làm xe anh xước một đường rồi!”. Bạn tôi bảo: “Xe anh cũng vậy mà, thôi chúng ta đi thôi”. Nếu khi va quệt xe mà ai cũng ứng xử lịch sự như anh chàng kia thì hẳn sẽ không có những cảnh ẩu đả nhau trên đường phố như ta vẫn hay thấy.

Sẽ không ai phản đối khi nói: lời xin lỗi là cần thiết. Tôi tin, ở bất kỳ môi trường nào, bất cứ nơi đâu, lời xin lỗi chân thành, kịp thời sẽ khiến cuộc sống này trở nên ôn hòa và tốt đẹp biết bao, dẫu đôi khi lời xin lỗi ấy không thể nào bù đắp được những gì mà người được xin lỗi đã mất mát trước đó.

Nữ du khách Ai Cập Alaa Aldoh đã được xin lỗi công khai sau khi hình ảnh cô ôm mặt khóc thảm thiết, thậm chí ngất xỉu khi bị cướp giật giữa Sài Gòn được chia sẻ trên mạng. Không những thế, để thể hiện sự đồng cảm với hoàn cảnh của nạn nhân, Bến Thành Tourist đã mời cô vào lưu trú trong khách sạn của mình, đồng thời tổ chức tour xuyên Việt miễn phí cho cô. Tất cả những hành động đó là biểu hiện của sự quan tâm, sẻ chia, đồng cảm và thái độ hiếu khách của người Sài Gòn.

Dẫu có xin lỗi thì tài sản của nữ du khách Ai Cập kia cũng đã mất và không thể tìm lại được, nhưng đó là lời xin lỗi đặc biệt cần thiết. Nó giúp xoa dịu nỗi bất an trong lòng cô gái trẻ lúc đó. Bằng chứng là cô đã nói lên rằng: “Tôi vẫn yêu người Sài Gòn” thay vì sẽ lẳng lặng ra về và có lẽ là khi đó, cô và bạn bè, người thân cô sẽ không bao giờ đến thành phố này nữa. 

Không những thế, lời xin lỗi dành cho Alaa Aldoh còn góp phần lấy lại hình ảnh tốt đẹp của thành phố trong mắt bao nhiêu du khách khác trên thế giới. Ngoài ra, đó còn thể hiện sự khảng khái của chính quyền địa phương, có lỗi thì xin lỗi.

Song, có một vấn đề đặt ra là nếu như ai bị cướp giật thì chính quyền cũng đều tìm đến xin lỗi thì chắc thành phố này phải thành lập thêm một sở gọi là “Sở Xin lỗi” mới có thể lo xuể được. Nói như thế để thấy rằng, lời xin lỗi là cần thiết nhưng sự lộng hành của cướp giật tại thành phố thì không thể giải quyết chỉ bằng lời xin lỗi mà thay vào đó là sự cam kết về sự an toàn về tính mạng và tài sản của mọi người khi ra đường.

Ngoài trường hợp của nữ du khách Ai Cập thì tính cho đến nay, người ta đã ghi nhận thêm vài vụ du khách bị cướp giật nữa, cũng diễn ra tại thành phố náo nhiệt này. Đó là vụ nữ du khách Ba Lan khóc tức tưởi, thậm chí hoảng loạn vì bị giật iPhone khi đi bộ từ quận 7 sang quận 1. Trước đó, một số du khách Campuchia cũng bị giật mất 3.000 USD và 3 điện thoại.

Đó là những con số bề nổi nhờ sự đánh động của dư luận, còn những trường hợp tương tự nhưng nạn nhân im lặng thì sao? Không nói thì ai cũng biết một thực tế rằng, ở thành phố này, chuyện trộm cướp diễn ra như cơm bữa. Đó cũng là lý do vì sao ngoài lực lượng chức năng thì bây giờ, những “anh hùng đường phố” những nhóm săn bắt cướp xuất hiện ngày càng nhiều.

Xin lỗi là cần thiết, nhưng sau lời xin lỗi đó là những hành động gì bởi thành phố không thể nào cứ đợi người ta bị cướp giật rồi tìm đến xin lỗi mãi như vậy được. Tôi tin đó cũng chính là trăn trở của rất nhiều người quan tâm đến câu chuyện nữ du khách Ai Cập bị cướp trong những ngày qua.

Nếu để ý sẽ thấy rằng, việc cảnh báo về nạn cướp giật đối với du khách tại TP HCM hiện nay là rất hạn chế. Tôi nhớ vào năm 2014, Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, có một chủ trương rất hay là phát tờ rơi cho du khách nhằm cảnh báo, hướng dẫn cách tránh nạn cướp giật, trộm cắp: “Bạn hãy giữ túi xách thật chặt bên người. Bạn cũng không nên đeo các trang sức quý và để máy ảnh, điện thoại di động hớ hênh”, tôi nhớ 1 trong 6 lưu ý trên tờ rơi bằng tiếng Anh ngày đó nêu như vậy.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì cũng không ít người đã phản đối cách làm này, có lẽ họ cho rằng làm xấu mặt người thành phố, hoặc cảnh báo ấy có thể gây tác dụng phụ là làm du khách sợ mà bỏ đi. Và thế là rất nhanh sau đó, Công an phường Phạm Ngũ Lão đã ngưng việc làm có ích này.

Nhưng, ngay cả khi đến Paris, Roma, Barcelona... hay nước láng giềng của ta là Thái Lan cũng vậy, du khách đều nhận được cảnh báo về nạn lừa đảo, trộm cắp, móc túi. Bởi rõ ràng là việc nâng cao ý thức cá nhân cũng là một cách phòng và chống tội phạm hữu hiệu, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng chức năng.

Vậy, trong khi chính quyền thành phố có thể xin lỗi du khách vì họ bị cướp giật thì tại sao lại không có những động thái tích cực để cảnh báo họ trước về điều đó để phòng tránh?

Lướt báo mấy ngày qua, ta dễ dàng thấy rằng lời xin lỗi đang được nhắc đến khá nhiều. Chính quyền TP HCM xin lỗi du khách vì cướp giật, ngành Y tế địa phương ở Đắk Lắk xin lỗi vì sự tắc trách khiến bệnh nhân mất chân…

Như đã nói, lời xin lỗi là cần thiết, nhưng giá như đừng để xảy ra những chuyện đáng tiếc mà chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của bản thân để rồi phải xin lỗi. Bởi suy cho cùng, dù có xin lỗi thì cũng không thể nào bù đắp được những mất mát đã xảy ra với họ, nhất là những mất mát và tổn thương quá lớn như trường hợp cô bé bị mất chân ở Đắk Lắk vừa qua.

Thế nên, xin lỗi là cần thiết nhưng đừng để phải nói ra lời xin lỗi vẫn là điều tốt nhất mà chúng ta dành cho nhau trong cuộc đời này! 

Hoàng Lãm
.
.