"Biến chỉ thành trảo"
Từ “dân sự” đến “quân sự”
Khu định cư Eviatar, gần thành phố Nablus của Palestine ngày 30-6. Bộ Quốc phòng Israel đưa ra một thông báo, trong đó xác nhận: Chính phủ Israel đã đạt được thỏa thuận với các hộ dân Do Thái, theo đó các hộ dân này sẽ rời bỏ những khu định cư mới ở khu vực Eviatar.
Tuy nhiên, các khu nhà mới xây dựng tại đây sẽ không bị phá bỏ. Thay vào đó, chúng tạm thời được coi là “khu quân sự”. Sau đó, các chủ nhân của khu dân cư này - khoảng 50 hộ dân đã đến Eviatar vào tháng 5-2021 vừa qua, để xây dựng các khu nhà tạm - sẽ phải chứng minh được rằng đây là đất của họ. Hay nói cách khác, chứng minh rằng những khu đất ấy không thuộc quyền sở hữu của người Palestine. Nếu không chứng minh được, những khu đất này sẽ được sử dụng để... xây một ngôi trường Do Thái.
Mối hiềm khích trăm năm. |
Nghĩa là, dù điều gì xảy ra, Eviatar vẫn sẽ là đất đai, tài sản của Israel. Chỉ có điều, thay vì là đất thuộc quyền sở hữu tư nhân, nó sẽ trở thành đất công. Như thể chuyển tiền từ túi trái sang túi phải, trong bối cảnh túi phải được bảo vệ bởi một thứ khóa kéo khó mở hơn nhiều - sức mạnh quân sự.
Eviatar, thực chất, là một vùng đất bị Israel chiếm đóng trái phép theo luật pháp quốc tế, sau cuộc chiến tranh năm 1967. Trước đó, Eviatar thuộc lãnh thổ đã được thỏa thuận thuộc về Palestine. Nhưng, bây giờ, hoặc nó trở thành nhà định cư của người dân Israel. Hoặc, nó sẽ là một công trình công cộng của nhà nước Israel.
Eviatar sẽ không phải là trường hợp duy nhất được “chuyển đổi công năng sử dụng” theo cách đó. Có hàng chục khu đất trở thành đất Do Thái từ sau các cuộc xung đột vũ trang như vậy và có tới hơn 130 khu định cư Do Thái như vậy ở Bờ Tây đã được Chính phủ Israel phê duyệt cho phép xây dựng. Lần này, có thể tin rằng Eviatar được chọn trở thành một thứ “mô hình thí điểm”, rồi sau đó sẽ được nhân rộng nếu điều kiện thuận lợi.
Trên bàn cờ địa chính trị
Mà điều kiện thực tế, rõ ràng, đang tiến triển tương đối thuận lợi, cho các sách lược ngoại giao của Tel Aviv.
Ngày 28-6, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp người đồng cấp Israel - Tổng thống Reuven Rivlin tại Nhà Trắng. Ở cuộc gặp đó, ông Joe Biden tái khẳng định cam kết "không thể lay chuyển" của Mỹ đối với lĩnh vực quốc phòng của Israel và khẳng định: Trong thời gian ông nắm quyền, sẽ không xảy ra việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân - điều mà Israel lo ngại. Ông cũng gợi ý về việc tiếp đón tân Thủ tướng Israel - ông Naftali Bennett tại Nhà Trắng trong thời gian sớm nhất có thể. Như vậy, Tel Aviv có thể cảm thấy yên tâm rằng sẽ không có động thái “đảo chiều” nào đáng kể so với những chiến lược đối ngoại đã và đang được thực hiện, từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Biden cũng bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Israel bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực. Chỉ một ngày sau, 29-6, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid thăm Các Tiểu vương quốc Arab (UAE) trong chuyến công du chính thức đầu tiên của một bộ trưởng Israel tới quốc gia Vùng Vịnh này, kể từ khi hai quốc gia ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ hồi năm ngoái.
Lửa phản kháng lại bùng lên. |
Đó thực sự là một chuyến công du lịch sử, bởi trong 2 ngày ngắn ngủi mà nó diễn ra, Ngoại trưởng Lapid tham dự lễ khánh thành Đại sứ quán Israel tại Abu Dhabi (đại sứ quán đầu tiên của Israel tại khu vực Vùng Vịnh) và Lãnh sự quán Israel tại Dubai - đều là những cột mốc cực kỳ đáng nhớ. Chúng đánh dấu và chứng minh rằng “Kế hoạch hòa bình Trung Đông mới” mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vạch ra, chứ không phải “giải pháp hai nhà nước” mà phía Palestine cũng như dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine mong mỏi, mới là ưu tiên chính đối với Washington.
UAE ký với Israel một loạt thỏa thuận hợp tác quốc tế song phương. Đó là điều tất yếu sẽ đến, cũng như hệ quả tất yếu của nó là những ràng buộc về lợi ích kinh tế cũng như tiềm năng phát triển sẽ khiến quan điểm của UAE ngả về những gì mà Tel Aviv mong muốn và rời xa sự “kề vai sát cánh” với Palestine trong quá khứ.
Mà tiến trình này - tiến trình “Hòa bình Trung Đông mới” - cũng chỉ xem như vừa bắt đầu. Với sự ủng hộ của Mỹ, cũng như với tiềm lực cùng mức độ phát triển của chính mình, Israel luôn có thể tiếp tục đưa ra những lời đề nghị rất khó từ chối.
Những ngọn lửa phản kháng
Ngày 2-7, Bờ Tây. Theo Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, có ít nhất 150 người Palestine đã bị thương, trong đó có một phóng viên ảnh và một nhân viên y tế. Binh lính Israel đã nã đạn thật, đạn cao su cũng như sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình sau khi một số người ném đá, vẫy cờ Palestine và hô các khẩu hiệu phản đối Israel.
Các vụ đụng độ xảy ra gần làng Beita, phía Nam thành phố Nablus của Bờ Tây, nghĩa là ngay cạnh Eviatar. Mỗi Thứ sáu hằng tuần, người Palestine lại tiến hành biểu tình ở các khu vực khác nhau thuộc Bờ Tây để phản đối hoạt động xây dựng và mở rộng khu định cư của Israel. Họ hiểu những gì đang diễn ra. Họ hiểu tình thế khó khăn, ngày càng khó khăn, của mình. Nhưng, họ không bỏ cuộc.
Eviatar - một hình mẫu “chuyển đổi công năng” mới cho các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. |
Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye kêu gọi chính phủ mới của Israel chấm dứt sự chiếm đóng, đồng thời công nhận các quyền lợi hợp pháp của người dân Palestine. Theo ông, tân Chính phủ Israel sẽ “không có tương lai” nếu không công nhận tương lai của người Palestine.
Và, Tel Aviv đáp lại, rằng đó không phải là điều gì khó khăn lắm. Họ đáp lại, vẫn bằng sự trấn áp mạnh tay của lực lượng vũ trang, vẫn bằng những cuộc không kích vào Bờ Tây, sau một số vụ thả bóng bay gây cháy từ phần đất do phong trào Hamas kiểm soát này vào lãnh thổ Israel. Những cuộc không kích ngày 2-7 ấy là vụ không kích đầu tiên kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas được ký ngày 21-5 (do Ai Cập làm trung gian, kết thúc 11 ngày giao tranh đã khiến ít nhất 230 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng).
Những quả bóng bay gây ra 4 vụ cháy và hiển nhiên bị xem là các động thái khiêu khích. Vấn đề là, trước đó, Tel Aviv cho phép các phần tử Do Thái cực hữu tổ chức tuần hành kỷ niệm sự kiện Israel sáp nhập Đông Jerusalem - phần đất vẫn luôn được người Palestine coi là thủ đô nhà nước tương lai của mình, theo các hiệp định quốc tế trong quá khứ.
Cùng ngày 2-7, Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc phụ trách Các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình - bà Rosemary DiCarlo kêu gọi Israel cho phép vận chuyển hàng cứu trợ vào khu vực Dải Gaza, đồng thời kêu gọi hai bên Israel và Palestine trở lại đàm phán hòa bình với sự trung gian của nhóm Bộ tứ Trung Đông, gồm Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp quốc. Bà nhấn mạnh là cần tháo gỡ các khúc mắc tồn tại, cũng như nhấn mạnh rằng Dải Gaza đang cần tới 164 triệu USD viện trợ cho công cuộc tái thiết, sau khi các cơ sở vật chất đã bị phá hủy trầm trọng hồi đầu hè bởi xung đột.
Tuy nhiên, khi những khu định cư Do Thái như Eviatar vẫn đang gấp rút được hoán cải để không bao giờ còn trở lại là lãnh thổ của Palestine nữa thì người Palestine sẽ phải ngồi yên như thế nào?