Doping, vết thủng cần vá gấp của Thể thao Việt Nam

Thứ Ba, 09/05/2023, 13:51

Chỉ trong vòng 1 năm, thể thao Việt Nam đã ghi nhận 3 sự kiện có vận động viên (VĐV) dính doping. Đáng chú ý hơn, số lượng VĐV dương tính với chất cấm không chỉ nằm trong một vài cá nhân đơn lẻ. Dù vô tình hay hữu ý, những VĐV sử dụng doping trong vô thức đang khiến thể thao Việt Nam có thể phải chịu tai tiếng không đáng có.

Sự cố không hồi kết

Không lâu sau khi SEA Games 31 khép lại, thể thao Việt Nam nhận thông tin không ít thành viên của đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự SEA Games 31 được chẩn đoán dương tính với doping. Trong số đó có cả những gương mặt được ví như biểu tượng của điền kinh Việt Nam đương đại, từng giành rất nhiều danh hiệu ở cấp độ quốc tế.

anh2.jpg -0
Thể hình, cử tạ, điền kinh là những môn hay xuất hiện vận động viên dùng doping

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở môn điền kinh. Trước thềm SEA Games 31 diễn ra, nhiều thành viên đội tuyển thể hình Việt Nam cũng bị kết luận sử dụng doping. Họ phải nhận án cấm thi đấu kín. Thay vì thông báo lập tức, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) chỉ công bố thông tin này cùng với thời điểm bê bối doping của điền kinh Việt Nam bị phát giác. Nhưng đó chưa phải dấu chấm hết.

Để khắc phục những vết đen của doping tại SEA Games 31, những người làm thể thao Việt Nam quyết tâm xây dựng lại hình ảnh thi đấu khách quan, công bằng ở Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022. Nhưng một lần nữa, nỗ lực của phần lớn vận động viên, huấn luyện viên đã trở nên vô nghĩa. Theo thông báo mới nhất từ Tổng cục TDTT, họ đã phát hiện có VĐV sử dụng doping trong môn cử tạ.

Như vậy, Việt Nam đã chứng kiến 3 sự kiện thể thao lớn có VĐV sử dụng doping chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. VĐV vi phạm có thể bị phạt tiền, tước huy chương, nhưng một đất nước, một đội tuyển còn mất nhiều hơn thế.

Trước thềm Olympic Tokyo 2021, cử tạ Việt Nam có 3 VĐV giành suất đến Nhật Bản là Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn và Vương Thị Huyền. Nhưng ngay cả khi đạt chuẩn tham dự Olympic, cả 3 VĐV nói trên vẫn phải nín thở trông chờ phán quyết cuối cùng từ Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA). Bởi trước đó, cử tạ Việt Nam đã đứng trước nguy cơ bị cấm thi đấu ở Olympic.

Bê bối doping giai đoạn 2018- 2019 của cử tạ Việt Nam không chỉ khiến Trịnh Văn Vinh và nhiều đô cử khác phải nhận án cấm thi đấu dài hạn. WADA và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từng xem xét đến trường hợp cấm cử tạ Việt Nam tham dự Olympic Tokyo. Nhưng cuối cùng, án phạt được giảm nhẹ. Cử tạ Việt Nam chỉ mất 1 trong 3 suất tham dự chính thức.

Vì lý do thành tích, Vương Thị Huyền đã phải nhường suất tham dự Olympic Tokyo cho 2 đàn em. Nỗi buồn của đô cử sinh năm 1992 đã trở thành sự hy sinh thầm lặng cho Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn tỏa sáng. Không phải ai cũng cắn răng nhẫn nhịn như Vương Thị Huyền, bởi cơ hội dự Thế vận hội đôi khi chỉ đến một lần trong đời.

Vì sao vận động viên dính doping?

Vào thời điểm nhiều thành viên của đội tuyển điền kinh Việt Nam bị kết luận dương tính với doping, một thông tin khác cũng xuất hiện. Những VĐV này được kết luận cùng sử dụng một loại chất cấm, và chất đó nhiều khả năng nằm trong một số loại thực phẩm chức năng được dùng phổ biến trong đội. Đó cũng là cơ sở khiến một số VĐV nói họ không biết mình dùng doping.

Trong quá khứ, câu chuyện VĐV dùng doping trong vô thức từng xuất hiện với thể thao Việt Nam. Nhưng từ thời điểm SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam đến nay đã tròn 2 thập niên, thật khó tưởng tượng kể từ đó đến nay, nhiều VĐV Việt Nam vẫn còn rất mù mờ với quy trình kiểm tra doping, cũng như danh mục chất cấm được WADA phổ biến.

Doping, vết thủng cần vá gấp của Thể thao Việt Nam -0
Quốc Toàn mất 9 năm mới được nhận HCĐ Olympic London

Theo thông lệ, vận động viên tham dự các kỳ Đại hội thể thao quốc tế gần như sẽ phải kiểm tra doping theo một trong 2 diện: Bắt buộc và ngẫu nhiên. Những VĐV bị kiểm tra bắt buộc bao gồm VĐV giành huy chương, VĐV phá kỷ lục giải đấu. Còn VĐV bị kiểm tra ngẫu nhiên là những người không có thành tích đạt huy chương, hoặc thi đấu các môn thể thao đồng đội.

Theo quy định của WADA, khi được yêu cầu kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm doping, VĐV sẽ đi cùng nhân viên phòng chống doping đến nơi lấy mẫu. Với xét nghiệm nước tiểu (thông dụng hơn xét nghiệm máu), VĐV sẽ lấy một cặp lọ đựng để lấy mẫu. Tiêu chuẩn nước tiểu phù hợp để xét nghiệm doping không nặng hơn nước thông thường 1,010 lần, và có pH nằm trong khoảng 5-7.

Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng vô thức dùng doping là bởi VĐV Việt Nam không được đào tạo, tập huấn kiến thức liên quan đến lĩnh vực này. Trong trường hợp biết một số chất có thể bị cấm, VĐV cũng không cập nhật thường xuyên do hạn chế trong sử dụng công nghệ. Đây là điều hiếm khi xảy ra ở những quốc gia khác, nhất là với VĐV thi đấu quốc tế.

Nguồn lực hạn chế

Danh sách chất cấm thường được WADA bổ sung, thêm vào từng năm. Ngay sau khi có danh sách cập nhật, WADA sẽ thông báo đến các quốc gia. Khi đó, Ủy ban Olympic quốc gia, hoặc các cơ quan chuyên trách về thể thao sẽ chuyển tiếp thông tin đến VĐV, HLV qua email. Ngoài ra, mọi cá nhân đều có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin trên trang chủ WADA.

Ở Việt Nam, cách làm này gặp bế tắc bởi 2 điểm. Thứ nhất, VĐV Việt Nam không có thói quen sử dụng email, đặc biệt là email thành viên của Liên đoàn Thể thao gần như không có. Thứ hai, phần lớn VĐV Việt Nam không sử dụng thành thạo ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Điều đó khiến việc "vô thức dùng doping" trở thành một lý do khó chấp nhận ở những giải đấu quốc tế.

Một trong những bài học đắt giá nhất của thể thao Việt Nam khi chậm cập nhật quy định phòng chống doping đến từ môn cử tạ. Khác những môn thể thao thông thường, VĐV cử tạ có thể được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm ngay cả trong thời gian không thi đấu. Điều này được WADA quy định trước tình trạng sử dụng doping tràn lan của những đô cử khoảng 5-10 năm trước.

Ngay khi quy định mới được WADA ban hành trong môn cử tạ, hàng loạt VĐV đã "nhúng chàm" do chưa được phổ biến quy định mới. Một trong những người phải nhận án cấm thi đấu vì doping chính là Trịnh Văn Vinh. Sau 4 năm, đô cử sinh năm 1995 giờ mới có cơ hội trở lại chinh phục những giải đấu quốc tế. Bản thân anh cho biết án cấm thi đấu 4 năm thực sự là bài học lớn của cuộc đời.

Một nhược điểm khác của công tác phòng chống doping hiện nay là Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm doping đạt chuẩn quốc tế. Tính trên cả khu vực Đông Nam Á, chỉ có 1 phòng xét nghiệm tại Bangkok, Thái Lan có thể đáp ứng yêu cầu. Đây cũng là nơi tiếp nhận, kiểm tra mẫu doping của VĐV tại các kỳ SEA Games, cũng như nhiều giải thể thao quốc gia khác.

Số bác sĩ, chuyên viên y tế có kinh nghiệm trong việc phòng chống doping của Việt Nam hiện tại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tài liệu tập huấn phòng chống doping cũng được chuẩn bị theo hướng tối giản. Việc này có thể khiến một số cá nhân hiểu nhầm công tác phòng chống doping được tiến hành một cách hình thức, quan liêu, chỉ làm khi có sự vụ xảy ra.

Ở một góc độ nào đó, công tác phòng chống doping sơ sài có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Vì những VĐV liên tiếp dính đến bê bối doping trong môn cử tạ, Thái Lan từng bị cấm thi đấu tại SEA Games và Olympic. Trong các giải đấu thể thao quốc tế, cờ Thái Lan cũng không được xuất hiện, khiến nhiều VĐV phải lặng lẽ ăn mừng trên đất khách quê người.

Để tránh đi vào vết xe đổ của thể thao Thái Lan, Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận lại công tác phòng chống doping theo hướng làm việc thực chất. Đó là cách duy nhất để tránh những bê bối tương tự tái diễn. Bởi, không giống các giải thể thao quốc gia, SEA Games hay vòng loại Olympic là nơi VĐV, cũng như ban huấn luyện không được phép mắc thêm một sai lầm nào nữa.

Bất ngờ nhận huy chương vì đối thủ dính doping

9 năm sau khi Olympic London khép lại, đô cử Trần Lê Quốc Toàn bất ngờ được thông báo giành Huy chương Đồng Thế vận hội. Lý do bởi trong quá trình kiểm tra, xét nghiệm doping, WADA đã xác định đô cử Valentin Hristov (Azerbaijan) sử dụng chất cấm trong thời gian thi đấu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh bị tước HCĐ, còn Quốc Toàn được đôn lên nhận huy chương.

Vào thời điểm biết mình được nhận HCĐ Olympic, Quốc Toàn nói anh cảm thấy vừa vui vừa buồn. Anh vui vì thành tích của mình tại một kỳ Thế vận hội được ghi nhận. Nhưng trong lòng của đô cử sinh năm 1989, hẳn anh ước giá như tấm huy chương này đến sớm hơn một chút, vào thời điểm anh vẫn còn thi đấu, và hiệu ứng từ Olympic London vẫn còn.

Những VĐV giành huy chương Olympic thường được nhận phần thưởng bằng tiền và hiện vật rất lớn bên cạnh tiền thưởng theo quy định Nhà nước. Nhưng với Quốc Toàn, anh chỉ được nhận 140 triệu đồng (chưa trừ thuế) theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP dành cho vận động viên, và không có phần thưởng thêm nào cả.

Cũng hưởng lợi nhờ đối thủ dính doping giống Trần Lê Quốc Toàn là Quách Thị Lan. Tại ASIAD 2018, Quách Thị Lan về nhì nội dung 400m vượt rào nữ. Nhưng sau khi kiểm tra doping, Ban tổ chức xác định VĐV Kemi Adekoya (Bahrain) dương tính với chất cấm. Kết quả thi đấu của cô bị hủy, đồng nghĩa với việc Quách Thị Lan được đôn lên nhận HCV.

Đơn Ca
.
.