Đông Nam Á với chiến lược biến rác thành năng lượng

Thứ Năm, 13/06/2024, 10:15

Cuộc chiến môi trường tại Đông Nam Á đã khó nay càng khó hơn khi tình trạng buôn bán bất hợp pháp chất thải vào Đông Nam Á ngày càng đáng lo ngại. Theo các ước tính của Ủy ban châu Âu, có tới 15 - 30% lô hàng rác thải nguồn gốc châu Âu là trái phép, kéo theo hàng tỷ euro doanh thu bất hợp pháp hàng năm.

Văn phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) đầu tháng 4 công bố báo cáo có tên “Turning the Tide” (tạm dịch: Đảo ngược thủy triều), trong đó chỉ ra rằng Đông Nam Á hiện là điểm nóng về chất thải bất hợp pháp được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới, nhất là từ châu Âu.

“Vùng trũng” của rác thải

Thế giới thải ra khoảng 2 tỷ tấn rác thải/ năm và những ước tính gần đây nhất cho thấy khoảng 1/10 lượng rác thải này được đưa vào chu trình buôn bán rác thải toàn cầu. Nhiều nước phát triển xuất khẩu đồ tái chế sang các nước đang phát triển, nơi những người lao động lương thấp phân loại rác. Sau đó, các nhà sản xuất nấu chảy kim loại và nhựa phế liệu để sản xuất hàng hóa mới. Giả định lý tưởng nhất là quá trình này giúp tái chế tất cả chất thải được xuất khẩu. Tuy nhiên, một số vật liệu bị ô nhiễm tới mức không thể được tái sử dụng, trong đó có cả những vật liệu bị dán nhãn sai, bị trộn lẫn với những vật liệu không thể tái chế hoặc được làm sạch không đúng cách. Những thứ này cuối cùng sẽ được đưa ra bãi chôn lấp hoặc đổ ra biển.

c_n nh_ng gi_i ph_p d_i h_n cho m_t v_n d_ kh_ng d_ gi_i quy_t.jpg -0
Cần những giải pháp dài hạn cho một vấn đề không dễ giải quyết.

Ngành công nghiệp rác thải toàn cầu đang phát triển với trị giá hàng trăm tỷ USD. Liên minh châu Âu là nhà xuất khẩu nhựa phế liệu lớn nhất thế giới, tiếp theo là Mỹ, nước xuất khẩu khoảng 1/3 lượng rác tái chế. Suốt nhiều thập kỷ, các nước giàu có hơn đã xuất khẩu rác sang châu Á để xử lý, tái sử dụng hoặc tiêu hủy.

Trung Quốc từng là nước mua rác thải lớn nhất thế giới, phần lớn là do chi phí vận chuyển thấp. Tuy nhiên, việc nhập khẩu rác thải của thế giới đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm của Trung Quốc trong khi tiền lương tăng khiến vấn đề chi phí không còn là lợi thế như trước. Bản thân Trung Quốc cũng ngày càng có nhiều rác thải sinh hoạt cần phân loại. Kết quả là vào tháng 1/2018, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu nhiều phế liệu và từ chối tiếp nhận bất kỳ chất thải nào bị ô nhiễm hơn 0,5% - một tiêu chuẩn gần như không thể đạt được.

Biện pháp này làm giảm 99% lượng nhựa nhập khẩu của Trung Quốc trong vòng một năm. Song đồng thời kéo theo một cuộc khủng hoảng cho các quốc gia dựa vào Trung Quốc để quản lý chất thải. Các điều chỉnh cũng tác động mạnh đến dòng rác thải toàn cầu và buộc chúng chuyển hướng sang Đông Nam Á. Nói cụ thể hơn, quyết định cấm nhập khẩu hầu hết rác thải của Trung Quốc đã khiến các nước xuất khẩu rác thải rơi vào tình trạng trì trệ và các bãi chôn lấp ở Đông Nam Á tràn ngập.

Mối nguy của những nước tuyến đầu

Từ năm 2016-2018, lượng rác thải nhựa nhập khẩu trong khu vực đã tăng 171% lên hơn 2 triệu tấn, phần lớn trong số đó đã bị ô nhiễm và không thể xử lý được. Thông thường, các công ty nhập khẩu sẽ loại bỏ nhựa có vấn đề hoặc chuyển cho cộng đồng địa phương phân loại và đốt bất hợp pháp. Đốt nhựa sẽ tạo ra dioxin và các hóa chất độc hại, sau đó chúng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Do khói và thực phẩm độc hại, nhiều người tiếp xúc gần dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, dạ dày hoặc thậm chí là ung thư. Loại rác thải được quản lý sai này đe dọa môi trường và sức khỏe con người tại Đông Nam Á. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi một số nước xuất khẩu và các công ty tái chế cố tình dán nhãn sai để buôn lậu rác vào khu vực.

Đông Nam Á với chiến lược biến rác thành năng lượng -0
Giải bài toán rác thải hiệu quả để phục vụ sự phát triển của xã hội.

Malaysia là một trong những điểm đến chính của rác thải nhựa trên thế giới, với ngành sản xuất và tái chế nhựa trị giá hơn 7,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia không muốn nước này trở thành bãi rác của thế giới, do đó đã có nhiều biện pháp quyết liệt từ năm 2019 khi trả lại hàng ngàn tấn rác thải nhựa cho nhiều quốc gia, đồng thời đóng cửa 200 trung tâm tái chế nhựa bất hợp pháp kể từ năm 2019.

Tại Philippines, những căng thẳng về rác thải cũng khiến nước này mâu thuẫn với một số quốc gia. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines và Canada từng tranh cãi gay gắt về khoảng 2.700 tấn rác thải Canada bị dán nhãn sai. Khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte dọa tuyên chiến hoặc đổ rác xuống vùng biển Canada, đồng thời triệu hồi các nhà ngoại giao nước này ở Canada sau khi họ bỏ lỡ thời hạn thu hồi rác. Các nhà ủng hộ môi trường cáo buộc hành động chậm chạp của Canada đã vi phạm Công ước Basel, một thỏa thuận quốc tế quy định việc buôn bán chất thải nguy hại. Tại Thái Lan, từ năm 2018 đã cấm nhập khẩu rác thải điện tử, loại rác thải thường có độc tính cao và chấm dứt nhập khẩu rác thải nhựa vào năm 2021, sau áp lực mạnh mẽ từ dư luận.

Năm 2018, Việt Nam đã cắt giảm 90% hạn ngạch nhập khẩu rác hàng tháng và chính phủ ngừng cấp giấy phép nhập khẩu rác thải. Việt Nam có kế hoạch cấm nhập khẩu phế liệu nhựa vào năm 2025.

Cần giải pháp đường dài

Tuy nhiên, các lệnh cấm nhập khẩu nhựa ở cấp quốc gia không phải là chìa khóa giải quyết vấn đề rác thải toàn cầu vì ngành công nghiệp rác thải có thể đơn giản di dời đến một khu vực khác hoặc diễn ra dưới các hình thức bất hợp pháp. Châu Phi có thể là một “ứng cử viên” tiềm năng khi một số quốc gia ở đây đã và đang phải vật lộn với dòng chất thải bất hợp pháp.

Rõ ràng, người ta cần những giải pháp lâu dài như thay đổi mô hình tiêu dùng và thiết kế các sản phẩm có thể tái sử dụng, từ đó giảm thiểu chất thải trước khi nó tồn tại bởi rác thải được xử lý không đúng cách trở thành vấn đề của tất cả. Quản lý chất thải hiệu quả và hợp pháp để giảm thiểu thiệt hại cho môi trường, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn bằng cách giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải là hướng đi căn cơ, cần có sự chung sức, đồng lòng và tăng cường hợp tác xuyên quốc gia để có những quy định tương tự giữa các nước, các khu vực và trên toàn thế giới.   

Trong bối cảnh ấy và với sự phát triển của các loại công nghệ bền vững, Đông Nam Á muốn tạo ra nhiều cơ sở biến rác thải thành năng lượng trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là ở châu Âu cũng tỏ ra háo hức với tiềm năng của thị trường này.

Mô hình đơn giản nhất của quy trình chuyển rác thải thành năng lượng có thể hình dung là các nhà máy đốt rác thải chôn lấp không thể tái chế để sản xuất điện. Các công ty châu Âu và Nhật Bản từ lâu vốn thống trị ngành này song số liệu thống kê cho thấy đã có hơn 100 dự án chuyển rác thải thành năng lượng đã hoàn thành hoặc đang triển khai ở Philippines, Indonesia và Thái Lan. Trong số đó có thể kể đến nhà máy ở Pangasinan (Philippines) do Allied Project Services có trụ sở tại Anh tài trợ, hay chính phủ Đan Mạch rót tiền đầu tư một nhà máy tại thành phố Semarang (Indonesia). Dự án khác ở Chonburi (Thái Lan) đang được hỗ trợ các công ty Pháp là ENGIE và Suez Environment cùng tham gia đầu tư.

Năm 2021, Công ty Harvest Waste có trụ sở tại Hà Lan đã đề xuất xây dựng một cơ sở tại Cebu ở Philippines, được kỳ vọng trở thành nhà máy WtE tiên tiến nhất châu Á, sử dụng công nghệ tương tự như cơ sở tại Amsterdam, có thể tạo ra 900 kilowatt giờ (kWh) điện từ mỗi tấn rác thải.

Thị trường Đông Nam Á đang phát triển và tiềm năng trong ngành chuyển đổi rác thải thành năng lượng nhờ nguồn tài trợ từ các ngân hàng phát triển lớn và ưu đãi từ một số chính phủ trong khu vực, bao gồm cả thuế quan và chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Những doanh nghiệp đang đi đầu lĩnh vực đầu tư ngành này tại Đông Nam Á có thể kể đến là Veolia Environment SA có trụ sở tại Pháp, tiếp đó là Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản, và các công ty địa phương tại Indonesia và Singapore.

Theo nhiều ước tính, dân số thành thị tại các quốc gia Đông Nam Á đến năm 2023 tăng lên khoảng 400 triệu người và nhu cầu năng lượng đến năm 2040 sẽ tăng 2/3. Cùng với những con số này, lượng rác thải chôn lấp và rác thải không được tái chế sẽ tăng cao trong những năm tới. Việc có thể tái chế thành năng lượng sẽ là giải pháp đa chiều hiệu quả, vừa giải bài toán rác thải, vừa cung cấp nguồn năng lượng phục vụ nhu cầu tăng cao của dân số.

Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence ước tính thị trường biến rác thải thành năng lượng của Đông Nam Á có tốc độ phát triển hàng năm khoảng 3,5% trong giai đoạn 2021-2028.

Thái Hân
.
.